Được trỗi dậy và phục vụ

Chúa Nhật V Thường Niên B

ĐƯỢC TRỖI DẬY VÀ PHỤC VỤ

G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1,29-39

Chuyện cổ Trung Hoa kể câu chuyện về một người đàn bà có một người con trai duy nhất đã chết. Trong đau thương buồn khổ, bà đến năn nỉ vị thánh hiền: « Xin Ngài hãy dạy cho con biết những lời cầu khẩn, hay những câu thần chú nào làm cho con trai của con được sống lại ». Thay vì lý luận dài dòng với bà, vị thánh hiền trả lời: « Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt rau cải từ một gia đình chưa từng biết buồn khổ là gì. Tôi sẽ dùng nó làm thuốc chữa cho con bà sống lại. »

 

Người đàn bà bắt đầu đi lang thang khắp nơi tìm kiếm hạt cải kỳ diệu đó. Trước hết bà đến gõ cửa một lâu đài vô cùng sang trọng: Tôi đang tìm kiếm một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Xin cho hỏi có phải là nhà này không ạ ? Chủ nhà trả lời: Thưa bà chắc chắn là bà đã đi lộn nhà rồi. Chồng tôi đang hấp hối nằm trên giuờng bệnh ! Con trai tôi bỏ nhà ra đi. Tôi sợ rằng tôi sẽ sống trong cô đơn góa bụa ! »

 

Nghe xong bà nói: « Ai là người may mắn hơn tôi để có thể giúp đỡ cho những người bất hạnh đáng thương này, cho dù tôi cũng có những rủi ro của riêng mình ? ». Sau đó bà ở lại để an ủi chủ nhà trước khi lên đường tìm cho ra một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, cho dù là lâu đài sang trọng, dinh thự giàu có đến đâu, bà đều nghe kể về những chuyện buồn bã và bất hạnh. Cuối cùng đi đến đâu bà cũng đều khuyên răn, an ủi và khích lệ người khác cho tới nỗi chính bà đã trở nên một thừa tác viên phục vụ cho những người buồn phiền dau khổ. Trong công tác mục vụ này bà đã quên việc đi tìm hạt cải kỳ diệu làm thuốc cứu chữa con bà. Bà quên đi nỗi buồn của chính bà…

 

Khi nào bạn đau khổ chán nản tuyệt vọng…. Hãy nhớ rằng Chúa giêsu cùng hiện diện với bạn cũng như Thiên Chúa ở bên cạnh ông Gióp. Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang đuợc yêu thương. Hãy tiếp tục tin tưởng, hy vọng, yêu thương và phục vụ (Bệnh tật và đau khổ. Người bệnh và chăm sóc).

 

V.Ghika có viết: “Thiên Chúa cho kẻ biết cho, hiến thân cho kẻ hiến thân. Nếu bạn biết gánh lấy niềm đau kẻ khác, thì Thiên Chúa sẽ gánh lấy nỗi khổ của bạn và biến nó thành của Người”.

 

Khi nào bạn đau ốm về thể xác, tinh thần hay tình cảm, hãy cởi mở tâm hồn ra đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ chữa lành bạn, nắm chặt lấy tay bạn và giúp bạn đứng dậy. Ngài sẽ chữa lành bạn như như Ngài đã chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của Phêrô.

 

Chúa Giêsu cầm lấy tay bà nhạc gia của Phêrô đang nằm trên giường vì sốt, nâng bà “chỗi dậy”, sau này Ngài cũng một cử chỉ cầm tay người con ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (x. Mc 5,41), và tiếp đó theo văn mạch cua Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu cầm tay cậu bé bị động kinh nằm bất động trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (x. Mc 9,27) trở về với cuộc sống bình thường : mạnh khoẻ, bay nhảy của tuổi thiếu niên đầy sức trẻ…

 

Trong Kinh Thánh Tân Ước viết tiếng Hy Lạp, động từ ” nâng dậy, đỡ dậy, trỗi dậy”,  cũng là động từ Máccô dùng để nói về Đức Giêsu phục sinh: “Người đã chỗi dậy rồi” (Mc 16,6). Như thế, Máccô dùng cử chỉ đỡ dậy, nâng dậy, trỗi dậy của Đức Giêsu như hướng chúng ta đến cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua này mà đau khổ của con người có được một ý nghĩa tích cực, con người xuyên qua đau khổ, cùng Chúa Kitô chỗi dậy từ bệnh tật, khổ đau thử thách trong cuộc sống hằng ngày mà phục sinh tiến bước. Chúng ta cần đặt trong khung cảnh những Kitô hữu tiên khởi khi đọc Tin Mừng Máccô ghi nhận biến cố bà nhạc gia được Chúa Giêsu đỡ nâng trỗi dậy: Đối với họ, Đức Giêsu không chỉ là Đấng có quyền phép chữa bệnh lạ lùng trong giai đoạn đầu của sứ vụ. Mà xa hơn nữa với cuộc Phục sinh, Người được suy tôn là “Đức Chúa và Đấng Kitô” (Cv 2,36), nghĩa là Đấng qua từng ngày vẫn tiếp tục cứu chữa loài người khỏi tội lỗi tiếp tục giải thoát họ khỏi sự chết” (“LEvangile de Marc”, Centurion, trang 33) qua sự chết và trỗi dậy phục sinh của Ngài. Thật thế ngày hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục chữa lành chúng ta.

 

“Cơn sốt dứt ngay, và bà phục vụ các ngài”. Nhà chú giải Thánh Kinh Jacques. Hervieux giải thích: “Khi trình bày cho thấy, người đàn bà đã được chữa khỏi, bắt đầu phục vụ các vị khách của mình, Marcô chắc chắn nghĩ đến việc “phục vụ ” Đức Kitô mà mỗi Kitô hữu được mời gọi phải làm Đấng Cứu Thế không ngừng giải thoát các tín hữu của người khỏi sự dữ để họ bắt tay vào công việc phục vụ đó “

 

Sau này theo văn mạch của Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu nhấn mạnh sự “phục vụ” mang ý nghĩa là “thí ban mạng sống mình” như Ngài đã khẳng định sứ vụ phục vụ của Ngài: “Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45), đó là dấu chỉ của người được nâng và chỗi dậy, được đứng lên bằng con người đã được lành và tiến bước vào sự phục vụ…

 

Sau khi chữa lành bà nhạc gia của Phêrô, khi mặt trời lặn, đối với người Do Thái, là lúc kết thúc ngày cũ, và bắt đầu một ngày mới, họ dẫn “ mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám ” đến với Đức Giêsu để Ngài chữa lành những ai đau bệnh và trục xuất thần ô uế trong những ai bị chúng ám. Hình ảnh đó như mang một hy vọng mới trong ngày mới: được chữa lành, mạnh khoẻ đời sống tinh thần và thể xác, nhưng không chỉ mạnh khoẻ để sống cho mình mà mạnh khoẻ để tiến bước trong tinh thần phục vụ.

 

Thật thế, chúng ta trong đời sống hằng ngày đang phải chiến đấu, vật lộn với những thứ bệnh, ngay trong bản thân mình, những căn bệnh của thể xác, những căn bệnh về tinh thần như lo âu, đau khổ như Gióp đã đại diện con người nói lên tâm trạng đó (x. G 7,1-4.6-7). Hơn nữa do mang thân phận mỏng dòn yếu đuối của kiếp người, chúng ta mang đủ thứ tội lỗi, những tính hư nết xấu, những khuynh hướng xấu, những đam mê, dục vọng mệt mỏi làm chúng ta sống vô vọng muốn buông xuôi. Chúng ta lai đang bị hành hạ bởi bệnh sốt của những kẻ không chịu lắng nghe tiếng Chúa và thiếu hay không chăm chú thực hành những điều răn của Người (Tl 28,15. 22), đó là căn bệnh tâm linh của mọi thời đại… Con người chỉ có thể được chữa lành và được mạnh khoẻ khi nhìn nhận bệnh tình của mình và mang thái độ tin vào Đức Kitô  – Đấng luôn yêu thương và sẵn sàng cứu chữa chúng ta như Ngài đã chữa lành cho bà nhạc mẫu của Phêrô và các người bệnh nhân chạy đến xin người cứu chữa…

 

Sau khi được Chúa chữa lành, bà nhạc gia ông Phêrô đã đứng dậy và phục vụ mọi người, như nhà chú giải Thánh Kinh William Barclay khi giải thích ý nghĩa sự được chữa lành và phục vụ đã trích dẫn một câu châm ngôn trong những gia đình người Scottish như sau: « Được cứu để phục vụ ».

 

Khi chúng ta được chữa lành, chúng ta mau mắn trỗi dậy ra đi phục vụ anh em, đặc biệt những người bé nhỏ, cô thân cô thế, những người neo đơn, ốm đau tật nguyền… những người trong chính trong gia đình mình.

 

Lạy Chúa, xin chữa lành, đỡ nâng con dậy và con tiến bước phục vụ…

 

  Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn