Xét tật mình

XÉT TẬT MÌNH                        

(THỨ TƯ LỄ TRO – NĂM B)

 

I.- CHUYỆN BÊN TA : Khoảng đầu thế kỷ XX, trên “Đông Dương tạp chí” có mở mục “Xét tật mình” do chính chủ báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh – phụ trách. Mục này chuyên nêu ra những thói hư tật xấu, những hủ tục của người Việt Nam, nhằm mục đích xây dựng một nếp sống văn minh theo trào lưu đổi mới của đất nước, trước làn gió mới từ phương Tây đưa lại. Ảnh hưởng của phong trào khá mạnh, có sự tham gia của “Nam Phong tạp chí”, “Tân Văn”. “Đăng cổ tùng báo” và sau này, “Phong Hoá”, “Ngày Nay” (Tự Lực Văn Đoàn) cũng nhập cuộc.

 

Xã hội Việt Nam chuyển mình thấy rõ. Quả thực, muốn tiếp thu cái mới, cái tốt đẹp, thì trước hết phải biết “nhìn lại mình” mà “xét tật mình”, mạnh dạn từ bỏ những thứ đã lỗi thời ngăn cản bước tiến hoá của dân tộc. Tất nhiên khi “nhìn lại mình” sẽ thấy rõ cả ưu và khuyết điểm. Mạnh dạn sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, dung hoà hai nền văn hoá Đông Tây, ấy mới là “đổi mới”. Với đích điểm canh tân, không thể chấp nhận thái độ “bảo thủ” giữ nguyên cái cũ, nhưng cũng không thể một sớm một chiều đổi mới cái rụp theo trào lưu “cấp tiến”. Ấy cũng bởi vì “dục tốc bất đạt” (muốn nhanh thì không thành công).

 

II.- CHUYỆN BÊN TÂY : Trong “TẢN MẠN VỀ SỐNG ĐẠO CHÚA GIỮA ĐỜI” của Đức Giám mục Phao-lô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh (xuất bản năm 2003), có bài “Bảo thủ và cấp tiến” (trang 21-23) kể một câu chuyện xảy ra ở … bên Tây, vào cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX: Ngày 30-6-1988, ĐGM Lefèbre – người sáng lập Huynh đoàn Linh Mục Thánh Pi-ô X (tháng 11-1970) – đã tự ý truyền chức giám mục cho bốn linh mục của Huynh đoàn mà không có phép của Toà Thánh. Lý do:

 

Thứ nhất, Huynh đoàn vốn chủ trương chống lại “tinh thần của Va-ti-ca-nô II và các cải cách do Công Đồng ấy khởi xướng…”, và “chúng tôi cảm thấy tuyệt đối cần thiết phải có những thẩm quyền Giáo Hội ủng hộ các lo lắng của chúng tôi và giúp chúng tôi dự phóng chống lại tinh thần của Va-ti-ca-nô II và tinh thần của At-xi-di” (Thư ĐGM Lefèbre gửi Thánh GH Gio-an Phao-lô II ngày 02-6-1988).

 

Thứ hai, Không những chỉ chống lại Công đồng Vat. II, mà giám mục Lefèbre còn chống lại cả Toà Thánh đương thời nữa. Trong thư ngày 29-8-1988 gửi 4 giám mục nói trên, ông viết: “ngai Toà Thánh Phê-rô và những vị thế thẩm quyền của Rô-ma hiện nay do những người phản-Chúa-Kitô chiếm giữ” đang bách hại Huynh đoàn, vì “Rô-ma đi theo chủ nghĩa duy tân và phóng khoáng ấy đang đeo đuổi việc huỷ diệt Nước Chúa chúng ta, như (biến cố) At-xi-di và việc thừa nhận các luận đề phóng khoáng của Vat. II về tự do tôn giáo chứng tỏ”. Giám mục Lefèbre nhấn mạnh: “Xác tín rằng chỉ hoàn thành Thánh ý Chúa, qua thư này, tôi đến xin các cha nhận chịu lấy ơn thánh của chức giám mục Công Giáo như tôi đã truyền ban cho linh mục khác trong những hoàn cảnh khác… Tôi sẽ ban cho các cha ơn thánh đó vì tin rằng Ngai Toà Thánh Phê-rô không lâu nữa sẽ được chiếm giữ bởi một đấng kế vị Thanh Phê-rô hoàn toàn là Công Giáo”.

 

Cuối bài viết, đức GM Phao-lô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh nhận định: “Quả là ‘bảo hoàng hơn vua’! Một Ki-tô hữu muốn bảo vệ đức tin tinh tuyền hơn Đức Giáo Hoàng! Có những người Công Giáo tưởng mình là tín đồ đạo Công Giáo chính tông hơn cả Đức Giáo Hoàng khi muốn bảo thủ quan điểm của mình hơn làkhiêm tốn và vâng lời đầy đủ đối với Đấng thay mặt Chúa Ki-tô (thư của Thánh GH Gio-an Phao-lô II gửi giám mục Lefèbre, ngày 9-6-1988)”.

 

III.- CHUYỆN TRONG NHÀ : Cũng không thiếu những chứng liệu cho thấy, nhiều khi tôi cứ chỉ lo chăm chăm nhìn người để xét đoán, để phê phán, trách móc, mà quên đi “xét tật mình”. Khi đọc kinh cáo mình, mỗi lần cúi đầu đấm ngực, miệng thì lớn tiếng “lỗi tại tôi” nhưng sao tôi lại cứ ngó nghiêng sang người bên cạnh, và hình như chỉ thấy “lỗi tại anh, tại chị, tại … ai ai ấy!” Cọng rác nơi mắt người thì nhìn thấy rất rõ, nhưng cái xà tổ chảng chắn ngay mắt mình thì lại không thấy. Rồi thì … mau mắn đem Lời Chúa ra nhắc khéo anh em, để quên đi cái khó là tự nhắc nhở mình hãy sống Lời Chúa. Vậy đó! “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23, 4). Phê bình người thì rất sốt sắng, nhưng tự phê bình thì … hãy đợi đấy!

 

Cách đây không lâu, ở Việt Nam đã rộ lên tin tức về hiện tượng “Đức Mẹ khóc” tại nhà thờ Đức Bà Saigon. Rồi thì rủ nhau đi xem, đi ngắm, làm cho dư luận càng thêm xôn xao. Ôi chao! Cứ cho là Đức Mẹ khóc thực sự đi, rồi hãy tự đặt câu hỏi: “Tại sao Mẹ khóc? Phải chăng vì con cái hư hỏng, tội lỗi?” Chuyện trong gia đình, sao không đóng cửa lại, “nhìn lại mình’’ mà ăn năn, hối cải cho Mẹ bớt đau buồn, bớt khóc; lại đi hô hoán lên cho mọi người xa gần biết Mẹ mình khóc như thế? Tập trung để cầu nguyện ư? Đức Mẹ ở khắp mọi nơi, sao không cầu nguyện nơi kín đáo (Mt 6, 5-6) mà lại cứ phải ra ngã ba ngã tư đường làm chi vậy? Quả nhiên, “nhìn lại mình” khó thật! Nhìn lại mình đã khó, làm sao mà “xét tật mình” cho được. Chẳng thế mà Thánh I-nha-xi-ô đã phải thốt lên: “Lột trần chính con người của mình để gặp gỡ Thiên Chúa và giải thoát mình khỏi những quyến luyến lệch lạc, là xét mình”. Ngài còn nói: “Thà bỏ việc nguyện ngắm, còn hơn là bỏ việc xét mình” (xc “Những bài linh thao” – chủ đề Thánh I-nha-xi-ô khuyên hướng dẫn viên đưa vào bất cứ cuộc tĩnh tâm nào – Thanhlinh.net).

 

Ai cũng thấy là nói với tha nhân, khuyên tha nhân “sống Lời Chúa” dễ hơn gấp trăm ngàn lần tự mình “sống Lời Chúa”. Đức Ki-tô đâu có khuyên là “hãy mang theo thật nhiều của cải – thậm chí cả danh vọng nữa – mà theo Thầy”, nhưng Người dậy “Hãy từ bỏ tất cả, vác thánh giá mình mà theo Thầy”. Vác thánh giá hẳn nhiên không dễ chịu bằng “vai mang bị bạc kè kè”, giống y chang những ông kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu “ưa dạo quanh, súng sính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.” (Mc 12, 38-40). Mà một khi đã “Vai mang bị bạc kè kè” thì “Nói lếu nói láo chúng nghe rầm rầm” (ca dao VN) liền. Cũng vì thế, nên Người Thầy chí thánh mới khuyên: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23, 2-3).

 

IV.- XÉT TẬT MÌNH : Mùa Chay là mùa toàn Giáo Hội thực hiện đời sống chay tịnh (thanh tẩy + sám hối), chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh. Trong tiếng La-tinh, Mùa Chay thánh được gọi là “Quadragesima” (bốn mươi), tức là thời kỳ gồm 40 ngày, kéo dài từ Thứ Tư Lễ Tro đến hết Thứ Năm Tuần Thánh (Thánh lễ Tiệc Ly). Thời gian 40 ngày là để nhớ lại thời gian ngôn sứ Mô-sê dẫn dân Do-thái ra khỏi đất Ai-cập, băng qua Biển Đỏ, lưu lạc trong sa mạc 40 năm (1280-1240) và trở lại vùng Đất Hứa. Đó cũng là thời gian 40 đêm ngày Mô-sê cầu nguyện trên núi Si-nai và được Đức Chúa trao cho Thập Điều (10 điều khoản giao ước – Xh 24, 18; 34, 28), hoặc để kỷ niệm thành Ni-ni-vê sám hối và được tha thứ khỏi án phạt (“Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” – Gn 3, 1-10). Rồi 40 ngày còn để nhớ lại cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của tiên tri Ê-li-a, lúc ông trốn khỏi cơn thịnh nộ của  Hoàng hậu I-de-ven, để tiến về Núi của Thiên Chúa, nơi đây Chúa mạc khải và trao cho ông sứ vụ mới (1V 19, 8). Và quan trọng nhất là sự kiện Đức Giê-su được Chúa Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (Mt 4, 1-11).

 

Như vậy Mùa Chay là mùa Phụng vụ Giáo Hội mời gọi tất cả các tín hữu hãy “xét tật mình” mà ăn năn trở lại. Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa tâm linh, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thích hợp cho các Ki-tô hữu noi gương Đức Ki-tô, dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và đây cũng là dịp người tín hữu được liên kết mật thiết hơn với các mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giê-su Ki-tô. Cũng vì thế, nên ngày mở đầu Mùa Chay, Giáo Hội cho tiến hành nghi thức Xức Tro và kêu gọi tín hữu ăn chay, thực hiện việc “sám hối ăn năn” như Lời truyền dạy của Đức Giê-su (“Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em.” – Cv 3, 19). Với nghi thức xức tro và ăn chay, người Ki-tô hữu có cơ hội nhìn nhận mình là kẻ có tội, xin Thiên Chúa tha thứ, đồng thời diễn tả uớc muốn thành thực trở lại cùng Người. Nói cách cụ thể, đây là dịp thuận tiện để người tín hữu bắt đầu đi trên con đường khổ hạnh cho đến “Tam Nhật Vượt Qua”, trung tâm điểm của Năm Phụng Vụ. Nghi thức Xức Tro nhắc nhở người tín hữu “Ngươi là bụi tro, và sẽ trở về với tro bụi” (St 3, 19), vì thế “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

 

Theo Thánh Kinh, tro được dùng làm biểu tượng của sự hối tiếc, ăn năn. Một số nhân vật trong Thánh Kinh đã phủ bụi tro lên người để bày tỏ lòng sám hối về những tội lỗi và sai lầm của mình.  Ông Gióp đã thưa với Chúa: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn.” (G 42, 6); ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã kêu gọi dân It-ra-en thể hiện sự ăn năn: “Thiếu nữ dân tôi ơi, quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi.” (Gr 6, 26); Tiên tri Đa-ni-en cũng bày tỏ lòng thành khẩn của mình với Đức Chúa: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van.” (Đn 9, 3); vua Ni-ni-vê bày tỏ lòng ăn năn sám hối bằng cách ngồi trên tro (Gn 3, 6). Chính Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh “mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” để nhắc nhở các thành (Kho-ra-din và Bết-sai-đa) đã chứng kiến các phép lạ mà không sám hối (Mt 11, 21; Lc 10, 13).

 

Ngoài ra, theo truyền thống xa xưa của Giáo Hội, tất cả mọi tín hữu, trong ngày thứ tư lễ Tro, đều phải giữ chay và kiêng thịt. Việc ăn chay có một giá trị lớn trong đời sống Đạo của người Ki-tô hữu, là một đòi hỏi của tinh thần, nhắm đến tương quan mật thiết với Thiên Chúa (được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đấng Cứu Tinh Giê-su Ki-tô – Rm 8, 29; Pl 3,10). Thật vậy, những khiá cạnh bên ngoài của việc ăn chay, dù quan trọng, nhưng chưa nói lên đầy đủ ý nghĩa của việc thực hành nầy. Điều quan trọng hàm chứa bên trong mới thực sự là chiều kích tối hậu: Đó là ao uớc chân thành muốn được thanh tẩy nội tâm, muốn sẵn sàng vâng nghe thánh ý Thiên Chúa và sống tình liên đới với anh chị em, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh.

 

Tìm hiểu ý nghĩa và mục đích việc ăn chay trong Thánh Kinh thấy rất đa dạng: Các tín hữu ăn chay với mục đích thờ phượng Thiên Chúa, để được Người nhậm lời khi cầu nguyện, đồng thời để khu trừ ma quỉ, để tỏ lòng ăn năn, sám hối và đi kèm với than khóc để bày tỏ sự buồn bã, hối hận, thương tiếc, lo sợ; đồng thời để đền vì tội lỗi đã phạm, cầu xin Thiên Chúa tha tội. Thánh Gio-an Tẩy Giả thi vào hoang địa mặc áo lông cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng, để tự nguyện làm “Tiếng hô trong sa mạc” loan báo Tin Mừng. Đức Giê-su Thiên Chúa thì ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc, chịu để Xa-tan cám dỗ, hầu chuẩn bị sứ mạng Chúa Cha đã trao phó: rao giảng và thực hiện Tin Mừng Cứu Độ.

 

Thật không thể ngờ cách đây hơn 25 thế kỷ, ngôn sứ I-sai-a đã có một quan niệm hoàn toàn mới về ăn chay: Ăn chay với mục đích đầy tính nhân đạo là thực hiện công bằng và bác ái (Is 58, 6-7). Ngài lên án cách ăn chay chuộng hình thức bề ngoài mà thực chất bên trong chỉ lo kiếm lợi cho mình, áp bức kẻ khác, ăn chay để đôi co cãi vã, hoặc đánh lộn tàn bạo (“Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?” – Is 58, 3-5).

 

Cách ăn chay của ngài khác hẳn một trời một vực: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58, 6-7). Ăn chay đúng nghĩa – theo ngôn sứ I-sai-a – chính là thực hiện công bằng xã hội, là tỏ tình yêu thương với người chung quanh bằng những hành động cụ thể. Ăn chay còn thể hiện những khao khát hòa bình: Thiên hạ “sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2, 4).

 

Ăn chay phải là: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13). Xé áo chính là hình thức ăn chay của bọn đạo đức giả như Lời dạy của Đức Giê-su: “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6, 16-18).

 

Vâng, Mùa Chay chính là mùa nhìn lại chính mình, xét tật mình để có thể trở về với Thiên Chúa. Nhìn lại mình để hiểu rằng mình được dựng nên từ tro bụi đất cát, thì một mai cũng sẽ trở về với đất cát bụi tro mà thôi. Hiểu được như thế, hiểu được “Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, chết xuống âm phủ cũng chẳng mang được gì”, thì đừng lo tích trữ của cải vật chất mà hãy lo đầu tư vào ngân hàng Nước Trời. Xét tật mình để thấy rằng mình tội lỗi ngập đầu, cần phải biết ăn năn sám hối, hoán cải cuộc đời, nói cách khác là phải biết từ bỏ tất cả thế gian, từ bỏ chính mình để trở về với Thiên Chúa. Cách tốt nhất để trở về với Đấng Từ Bi Nhân Hậu chỉ có thể là “Đừng xé áo (ăn chay hình thức), nhưng hãy xé lòng (thực tâm sám hối)”.

 

Vì thế, cần phải có một suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề ăn chay: Thứ nhất, ăn chay là nhằm mục đích hãm mình ép xác để đền vì những tội lỗi xúc phạm đến Chúa và tha nhân (sám hối). Thứ hai, về mặt vật chất, nếu cố gắng giảm bớt chi tiêu phung phí, rồi đem khoản cắt giảm được ấy làm công việc bác ái, thì việc ăn chay mới thực sự có ích. Thứ ba, không giới hạn việc ăn chay trong 2 ngày luật buộc, mà nên thực hiện bất cứ khi nào có dịp, thậm chí trong suốt cả Mùa Chay, suốt cả cuộc đời trần thế. Tóm lại, việc ăn chay cốt ở cái TRÍ (hiểu rõ việc mình làm nhằm mục đích gì) và cái TÂM (đức bác ái), không cần câu nệ ở hình thức (“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” – 1Cr 13, 3).

 

Trong Sứ điệp Mùa Chay 2015 (phần kết), ĐTC Phan-xi-cô viết: “Vì thế, anh chị em thân mến, tôi muốn cùng với anh chị em cầu xin Chúa Ki-tô trong mùa Chay này: “Fac cor nostrum secundum cor tuum”, xin làm cho trái tim chúng con được nên giống Trái Tim Chúa” (Lời cầu trong Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su). Như thế chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng.” Người Ki-tô hữu cần nhận chân việc “xét tật mình” chính là để nhìn cho rõ con người thật của mình, không khép kín trong tính vị kỷ để “rơi vào vực thẳm của nạn hoàn cầu hóa sự dửng dưng”, mà là mở rộng trái tím ra với Chúa và với tất cả anh em.

 

Vâng, hãy thực sự nhìn lại mình, xét tật mình, mà ăn năn sám hối những điều sai phạm đã mắc phải (đối với Thiên Chúa và với anh em), quyết tâm đổi mới con người của mình trong “mùa chay cuộc đời”. Chỉ có như vậy mới xứng đáng là con Thiên Chúa và là bạn của Trưởng Tử Giê-su (Ki-tô hữu).  Cũng bởi vì: “Mùa Chay là một mùa canh tân đối với Giáo hội, các cộng đoàn và mỗi tín hữu. Nhưng trên hết mùa Chay là một mùa ân thánh (2Cr 6, 2). Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta điều gì mà trước đó Ngài không ban cho chúng ta.” (Mở đầu sứ điệp Mùa Chay 2015). Ước  được như vậy.

 

Ngày nay Giáo Hội Công Giáo chỉ buộc các tín hữu ăn chay mỗi năm 2 lần mà thôi. Điều ấy thật hữu lý vì ăn chay phải mang tính tự nguyện chứ không thể ép buộc. Phải tin chắc rằng Chúa muốn người tín hữu ăn chay nhiều hơn, thậm chí ăn chay trong suốt cả lộ trình trần thế, bằng cách ăn năn sám hối vì tội lỗi đã mắc phạm, đồng thời thực hành đúng Lời Chúa dạy: “Gặp anh em đói thì cho ăn, khát thì cho uống, anh em là khách lạ thì tiếp rước tử tế, anh em trần truồng thì cho mặc, đau yếu thì tới viếng thăm, bị tù đày thì hỏi han chia sẻ” (Mt 25, 35-37).

 

Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thần Khí soi sáng và thêm sức cho chúng con để chúng con dám mạnh dạn XÉ LÒNG CHỚ KHÔNG XÉ ÁO khi bước vào Mùa Chay Thánh. “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro).

 

JM. Lam Thy ĐVD.