Dòng Tên trao trả đất cho thổ dân tại Mỹ

Các tu sĩ Dòng Tên ở thành phố Saint-Francois, hạt Todd, bang South Dakota (Mỹ) quyết định trao trả 500 ha đất của khu bảo tồn Rosebud cho cộng đồng thổ dân Lakota.
Dòng Tên trao trả đất cho thổ dân tại Mỹ

Việc trao trả đất hoàn tất vào cuối tháng 5.2017. Cha John Hatcher, người phụ trách giáo điểm Saint-Francois, đã giải thích qua đoạn băng vidéo ngắn đăng tải trên You Tube : “Đã đến lúc trao trả các phần đất vốn được hiến tặng cho Giáo hội với những mục đích tôn giáo (…). Các lô đất này thuộc về cộng đồng Lakota của thổ dân Sioux một cách chính đáng. Cuối thế kỷ 19, chúng tôi sở hữu 23 giáo điểm truyền giáo. Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng, dân chúng đã rời bỏ vùng bình nguyên để đến ở nơi xa hơn; và các nhà thờ đã đóng cửa, vì không còn công dụng nữa”.

“DÀNH CHO CÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG”

Ông Harold Compton , Phó Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Tribal Land Enterprises, chịu trách nhiệm quản lý cho biết khu đất được hoàn trả sẽ được sử dụng “cho các mục đích nông nghiệp, để tạo các cánh đồng cỏ”. Bộ tộc Sioux Rosebud gồm 25.000 người đã được xác nhận cư trú ở địa phương, trong đó 15.000 cư dân vẫn còn sinh sống tại khu bảo tồn Rosebud. Họ cũng có thể sử dụng phần đất được Dòng Tên trả lại “để phát triển cộng đồng, hay cho các mục đích tôn giáo khác”, theo ông Harold Compton.

 

Sự hiện diện của các tu sĩ Dòng Tên trong khu bảo tồn dành cho người bản địa khởi đầu vào thập niên 1840, khi cha Peter Desmet thiết lập các mối quan hệ đầu tiên với thổ dân Lakotas ở vùng bình nguyên. Chẳng bao lâu, ngài đã nổi tiếng là người đáng tin cậy, dấn thân cho sứ mạng giáo dục là dạy chữ cho dân bản địa. Năm 1877, tù trưởng Sioux, ông Sinte Gleska, đã xin Tổng thống Mỹ lúc ấy Rutherford B. Hayes “cho phép các linh mục Công giáo khác được đến đây. Họ mang áo chùng thâm, để dạy [chúng tôi] học đọc và viết tiếng Anh”. Vì vậy, năm 1880, chính phủ liên bang đã nhượng đất này cho các tu sĩ Dòng Tên, để họ có thể xây dựng các thánh đường, nghĩa trang và trường học.

Các tu sĩ giáo điểm Saint-Francois hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và cư dân của cộng đồng Lakota – gồm một phó tế, và nhiều giáo dân được giáo điểm ủy nhiệm… Nhiệm vụ của họ thật đa dạng : giảm tình trạng thất nghiệp, bỏ học sớm, vận động để người trưởng thành tiếp tục việc học, phân loại rác thải…

ĐỨC PHANXICÔ ỦNG HỘ THỔ DÂN

Các tháng qua, dự án xây dựng đường ống dẫn dầu, lần này tại bang North Dakota, đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong các bộ tộc địa phương. Vài tuần sau khi thắng cử, một trong các quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là thay đổi các quyết định của người tiền nhiệm Barack Obama. Ông Trump đã phê chuẩn dự án xây dựng đường ống dẫn dầu đi qua một trong các khu bảo tồn của người Sioux trong vùng.

Từ tháng 3.2016, các nhóm dân bản địa – bao gồm bộ tộc Standing Rock – đã biểu tình rầm rộ chống lại dự án này. Dưới mắt họ, nó đi ngược “với việc thể hiện niềm tin của thổ dân”, và “nguy hại đến dòng nước thánh thiêng của sông Missouri”.

Nhiều lần, từ khởi đầu triều đại giáo hoàng của mình, ĐTC Phanxicô đã khẳng định sự ủng hộ của ngài dành cho thổ dân Mỹ. Tháng 2.2017, nhân kỳ họp thứ bốn mươi của Hội đồng các nhà quản lý Quỹ phát triển nông nghiệp thế giới (Fida), ngài đặc biệt mời gọi chính phủ của các quốc gia có liên quan “nên nhận ra rằng những cộng đồng bản địa là một nhân tố cấu thành dân số và phải được đề cao giá trị cũng như tham vấn; phải tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia toàn diện, trên lãnh vực địa phương lẫn toàn quốc”. Ngài mời gọi “một sự hợp tác giữa nhà cầm quyền và thổ dân, bằng cách vượt lên những đối kháng và xung đột”.

THIÊN LÂM (theo La Croix) 

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc