Chúa Hài Đồng cần gì hôm nay?

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần dự sinh nhật người thân hay bạn bè, và một thứ không thể quên khi dự sinh nhật là quà tặng. Tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất của chúng ta đều được gói ghém trong món quà đó. Và có lẽ người nhận quà không quan trọng quà lớn hay nhỏ, miễn rằng có quà là vui rồi. Cũng vậy, sinh nhật củ Chúa Hài Đồng, chúng ta cũng là người được mời tham dự, và có lẽ Ngài cũng cần quà? Nhưng biết tặng gì cho Ngài bây giờ? Nếu như Hài Nhi sinh ra trong một cung điện cao sang, lộng lẫy thì kiếm quà tặng còn khó chứ, đàng này, Ngài lại sinh ra trong cảnh khó nghèo nơi hang đá giữa đêm đông giá rét nên cái gì cũng thiếu thốn cả, nhưng có lẽ cần nhất vẫn là tình người.

Rồi Noel đến, ai ai cũng ao ước nhận được những cánh thiệp, những món quà của ông già noel, cách riêng với người Công giáo thì lời chúc quen thuộc nhất vẫn là ‘Giáng sinh an lành – thánh đức’, ‘dư tràn ân lộc của Chúa Hài Đồng’… Bình an là điều ai cũng muốn được nhận trong mỗi mùa Giáng sinh, đúng như lời các thiên thần đã ca hát trong đêm Con Chúa chào đời: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14). Lúc này chúng ta cũng chỉ muốn nhận ơn lành của Chúa, mà đã dâng gì cho Chúa chưa? Hay chúng ta nghĩ rằng đây chỉ là một lễ kỉ niệm thôi, vì Ngài đã sinh ra cách đây hơn 2000 ngàn năm rồi, cần gì quà nữa? Đã hẳn là như vậy, nhưng nếu chỉ sống ích kỷ cho riêng mình thôi thì xem ra Giáo hội cử hành lễ Giáng sinh hàng năm không mấy ý nghĩa. Tất cả những trang hoàng đó đây, những hang đá thật lớn, những ngôi sao đủ màu sắc và ánh điện lung linh huyền ảo ở mọi nơi đều chỉ nhằm thỏa mãn tầm mắt, thỏa mãn túi tiền của người giàu thôi, chứ Chúa đâu cần những thứ đó. Xem chừng Chúa càng ngày càng thấp hèn đi so với sự vĩ đại của hang đá mỗi năm.

Giả như Chúa thực sự sinh ra trong mùa Giáng sinh này như Ngài đã sinh ra cách đây hơn hai ngàn năm thì những thứ đó Ngài đâu cần, vì cả vũ trụ này đều là của Ngài mà. Điều Ngài cần nơi chúng ta chính là tình thương, không phải dành cho Ngài (vì chúng ta đâu có cơ hội gặp Ngài như các mục đồng hay như các đạo sĩ năm xưa) mà là cho những người kém may mắn trong xã hội, những con người đang cần những ánh mắt dịu hiền để nỗi đắng cay hằn trên từng khuôn mặt được xoa dịu, những con người đang cần những bàn tay vỗ về để những vết thương được chữa lành, những con người đang cần những tiếng ru ngọt ngào thay cho tiếng bom rơi đạn xé…, bởi vì tất cả những người đau khổ đều là hiện thân của Đức Kitô (Mt 25,35-40.42-44).

Chúa giáng trần để cứu độ nhân loại, nghĩa là cho chúng ta được đón nhận ân sủng và bình an của Người vì Người là Hoàng Tử bình an. Không chỉ trao ban, Ngài còn muốn chúng ta đem bình an đến cho ng người khác. Như vậy, món quà dâng Chúa Hài Đồng chính là việc trao ban bình an cho tha nhân, thứ bình an mà chúng ta đã khao khát và được lãnh nhận trong mùa Giáng sinh. Người muốn bình an đó như ngọn lửa được chia sẻ mãi để thắp lên những ngọn nến nho nhỏ sưởi ấm tình người. Tình yêu trao ban là tình yêu còn mãi, tình yêu khép kín là tình yêu héo úa lụi tàn.

Bài hát mà chúng ta vẫn được nghe mỗi mùa Giáng sinh về: “Đêm nay con chẳng có gì lễ Chúa Hài Nhi…vàng con không có, nhũ hương cũng không, mộc dược cũng không… Nhưng con chỉ có tấm thân hòa bình, từ đêm Ngài đến. Khi con nhìn ngắm tấm thân hòa bình giữa đồng Bêlem. Con xin tận hiến tấm thân hòa bình vào đêm Ngài đến. Cho con thành tín sống luôn hòa bình giữa người anh em…”. Đó phải là tâm tình của mỗi người Kitô hữu mừng Con Thiên Chúa giáng trần. Có như vậy, thì lời cầu chúc bình an mà chúng ta dành cho nhau mới có ý nghĩa. Và việc Giáo hội mừng lễ Giáng sinh hằng năm không phải là thừa, nhưng là t cơ hội để chúng ta kín múc và làm lan toả nguồn bình an tuyệt diệu cho người xung quanh.

Hãy tưởng tượng bạn là một người kinh doanh đến kho hàng của Hài Nhi Giêsu lấy hàng, rồi đi khắp nơi cung cấp cho những ai đi tìm bình an và hạnh phúc thật. Bạn sẽ không bao giờ lo ế hàng hay lỗ vốn bởi ông chủ Giêsu bảo hành tuyệt đối cho bạn. Hơn nữa, Ngài còn chỉ cho bạn cách bán hàng, địa điểm nào tốt nhất, nơi nào có nhu cầu nhiều nhất, thậm chí còn bán hàng như cho không bạn mà không cần đòi tiền cọc, vì Ngài tín nhiệm bạn. Và như vậy, cứ một mùa Giáng sinh đến chính là lúc bạn trở về kho hàng Giêsu để trả tiền nợ và lại tiếp tục lấy hàng ra đi bán… Chỉ khi nào bạn không còn muốn buôn bán nữa, Ngài mới đòi bạn cả vốn lẫn lời.

Hãy noi gương Mẹ Maria không giữ bình an riêng cho mình mà mau mắn đem chia sẻ cho người khác (Lc 1, 39-45), hay như Anrê (Ga 1,40-42), Philípphê (Ga 1,45-46), và còn rất nhiều người khác nữa mà Kinh Thánh nói đến. Chúa đang cần chúng ta trở thành cánh tay nối dài của Ngài để đem bình an cho mọi người ở khắp nơi. Nếu ý thức được như thế thì lễ Giáng sinh mới thật sự có ý nghĩa như đúng tên gọi của Hài Nhi: “Emmanuel- nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).

 

Tác giả bài viết: Cs.