Canh tân để sống chứng nhân

Thứ 4 lễ Tro
(Gn2, 12-18; 2Cr 5, 20-21.6, 1-2; Mt 6, 1-6. 16-18)
 
Hôm nay lễ Tro, chúng ta nghe những lời Kinh Thánh có tính cách rất mạnh mẽ. Ngôn sứ Giô-en đã kêu gọi: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Hãy trở về với Thiên Chúa, Chúa ngươi” (Ge 2, 12).Thánh tông đồ Phao-lô đã đề nghị chúng ta: “Hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2Cr 5, 20). Còn trong Tin mừng, Chúa Ki-tô báo trước: “Cha các ngươi hiện diện nơi bí ẩn; Ngài thấy những gì trong bí ẩn, sẽ thưởng công cho ngươi”, khi chúng ta làm phúc bố thí, khi chúng ta cầu nguyện, và khi chúng ta ăn chay. Lát nữa đây, khi được xức tro, chúng ta sẽ nghe lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Trong 40 ngày mùa Chay, cũng là hành trình tiến đến Vượt qua, những lời trên sẽ được lặp lại.
 
Anh chị em thân mến, cử chỉ nhận tro là truyền thống đã có từ Cựu ước. Giáo Hội kế tục hành vi này nhằm nhận ra sự yếu đuối của bản chất con người, nhận ra sự nghèo khó vốn dĩ của mình. Lãnh tro tức là công bố về cái không vững chắc mà con người muốn bám víu, về cái mong manh mà con người thích cậy dựa vào. Lãnh tro tức là dấu chỉ sám hối vì nhiều lần, chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa để tôn thờ các ngẫu tượng.
 
Nếu mùa Chay là thời gian chúng ta cố gắng canh tân bản thân mình, thì không một ngẫu tượng nào có thể thống trị được linh hồn chúng ta. Nếu mùa Chay là thời gian củng cố đức tin của mình, thì không sự dữ nào của Satan chiếm được trái tim chúng ta. Nếu mùa Chay là thời gian thực thi Lời Chúa, thì không một hành vi suy đồi nào quấy phá tâm hồn chúng ta. Trong mùa Chay thánh, chúng ta được kêu gọi nghiêm túc nhìn lại mình đã dành thời gian cho việc cầu nguyện chưa? Thời gian cho việc suy niệm Lời Chúa, cho việc chia sẻ đức tin mà chúng ta sống với anh chị em mình chưa? Và cho việc chia sẻ vật chất cho những anh chị em đói khát chưa? Quả vậy, mùa Chay là thời gian canh tân đức tin của mỗi ki-tô hữu.
 
Hôm nay, chúng ta đến với Chúa trong tinh thần tự do để nghe Lời Ngài: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”.
 
Năm nay, lễ Tro rơi vào ngày cuối cùng của năm cũ và giáp ngày đầu tiên của năm mới Ất Mùi, chúng ta không ăn chay nhưng chúng ta vẫn xức tro. Không ăn chay vào ngày lễ Tro, một đàng Giáo Hội Việt Nam sống tinh thần hội nhập văn hóa dân tộc, đàng khác như Chúa Giê-su trả lời cho những người đến hỏi Ngài: “Tại sao các môn đệ của ông không ăn chay” (Mc 2, 18-22). Bởi vì niềm vui của ngày Tết cũng giống như niềm vui của chàng rể đang ở với họ, nên ăn chay được lùi lại vào thứ 6 mồng 9 tháng Giêng, Âm lịch.
 
Còn việc xức tro, một đàng để có thể giữ được con số 40 ngày của mùa Chay tịnh, đàng khác để nhắc nhở con cái Giáo Hội ý thức về phẩm giá con người trong những ngày vui Tết, mà thư mục vụ của Đức cha giáo phận đã lấy lại lời của thánh Phao-lô: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (Gl 5,19-21). Phẩm giá con người có liên quan trực tiếp đến sự sống đời đời. Ngoài ra, khi xức tro để bắt đầu mùa Chay và cũng là những ngày Tết bắt đầu, vì phẩm giá của mình và của tha nhân, mỗi tín hữu cần sống thật sự thư mục vụ của vị cha chung giáo phận.
 
Tạ ơn Chúa vì lễ Tro giáp ngày đầu Năm mới để giúp chúng con ý thức mình là ki-tô hữu: canh tân để nên chứng nhân. Xin cho chúng con một trái tim mới trong năm Tân Phúc âm hóa đời sống giáo xứ cũng như hết mọi ngày trong suốt cuộc đời. Amen.
Lm. Vinh Sơn