Những bức xúc của Đức giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, ở trang 6 có in bộ tượng khỉ ba không, nhiều người đã hỏi tôi: tại sao lại in bộ tượng khỉ ấy và nó có ý nghĩa gì ?
- Một bài học.
Trong bài “Những bức xúc của Đức giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, ở trang 6 có in bộ tượng khỉ ba không, nhiều người đã hỏi tôi: tại sao lại in bộ tượng khỉ ấy và nó có ý nghĩa gì ? Tôi xin thưa rằng năm nay 2016 là năm Bính Thân, tôi có dịp đọc qua sách báo và Google thấy nói rất nhiều về khỉ. Khỉ là một con vật vốn tinh ranh lại hay bắt chước. Tôi muốn lượm lặt trong đó những gì hữu ích cho đời sống để chia sẻ cho độc giả bất kể là Kitô hữu hay không. Xin trình bày ý nghĩa bộ tượng trong hai điểm : ý nghĩa đối với mọi người và ý nghĩa đối với cộng đoàn.
- Ý nghĩa đối với mỗi người
Mỗi người có thể rút từ bức tượng khỉ cho mình một bài học:
2.1-Có thể bắt chước khỉ ba không để không nhìn, không nghe, không nói những gì xấu. Chuyện kể rằng một Phật tử người Nhật được nghe câu chuyện học trò Đức Khổng Tử là Nhan Uyên hỏi ngài về đức Nhân và những gì phải làm, Đức Khổng Tử dạy : phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, nghĩa là cái gì không hợp với lễ thì không nên (vật) nhìn, không hợp với lễ thì không nên nghe, không hợp với ngôn thì không nên nói. Ông người Nhật mới nghĩ ra làm bước tượng khỉ ba không, để ở chùa Toshogu bên Nhật cách đây 400 năm để nhắc nhớ mọi người đến chùa.
Đây là việc làm rất tốt đó là tránh điều xấu, nhưng chưa đủ, vì cuộc đời còn nhiều phức tạp khác …
2.2- Có thể bắt chước khỉ ba không để vừa ba không đối với cái gì xấu, đồng thời ba không đối với tất cả các cái khác dù xấu dù tốt đi nữa, ba không với tất cả để cho mình được an thân an phận, vô cảm vô can, sống chết mặc bay, mặc kệ nó …
Đây là một thói xấu mới bắt đầu thịnh hành, có lẽ do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, con người bớt tính xã hội, nặng tính cá nhân, chỉ biết lo cho mình. Không thể chấp nhận lối sống này.
2.3- Có thể không bắt chước khỉ ba không để cho mình không vô cảm vô can với tất cả tốt xấu, để mình sống an thân an phận, ích kỷ, nhưng chọn lựa luôn mở mắt, lắng nghe, học hỏi, tìm tòi, sáng kiến, góp ý, để cảm thương, sửa chữa, tha thứ, hiệp thông … dũng cảm làm cho mình và mọi người sống sao cho nên người hơn, phải vượt lên cao hơn khỉ chứ không chỉ bắt chước như khỉ.
Đây là lối sống có tính chủ động và tích cực mà con người hôm nay phải chọn lựa để tập luyện giúp mình và giúp người khác cộng tác với nhau xây dựng xã hội thành một cộng đoàn hoàn hảo.
- Ý nghĩa với đời sống cộng đoàn
Con người có bản tính sống cộng đoàn. Sinh ra lớn lên từ trong gia đình, học hành để hiểu biết sinh sống trong trường học và trong xã hội. Trong báo Bài giảng Chúa nhật tháng 9 năm 2015 trang 108 có đăng bài tôi dịch của ông Jean Vanier về Tình bạn và Tín nhiệm. Ông là một nhà triết học, thần học, nhân văn học nổi tiếng. Ông cho biết ngắn gọn thế nào là một cộng đoàn :
Cộng đoàn nào cũng có nhiều người, giống nhau và khác nhau. Thường những người giống nhau thì tìm đến với nhau để kết bạn thành nhóm. Các nhóm biết sống hòa hợp thì là bạn với nhau, nếu có nhiều xung khắc thì chia thành “bạn và thù”. Đây là hai nguy hiểm cho cộng đoàn. Mỗi người sống trong cộng đoàn phải khám phá và yêu mến cái bí quyết của con người riêng tư của mình trong cái độc đáo độc nhất của nó. Trong một cộng đoàn, vấn đề không phải là có những người đã hoàn hảo. Một cộng đoàn được hình thành bởi những người liên kết với nhau, mỗi người được làm thành bởi sự pha trộn tốt và xấu, bóng tối và ánh sáng, yêu thương và hận thù. Đó là thực tại của mỗi người và mỗi người có quyền là thực tại của mình, nhưng mỗi người cần phải học tập để chấp nhận chúng, sống chung với chúng, mà không được gây thảm kịch cho người khác. Chúng ta cần được biến thể, thanh tẩy, cắt tỉa. Bởi thế cần có thời gian để xây dựng cộng đoàn đích thật.
Do đó mà mỗi người mỗi nhóm không thể sống như khỉ ba không đối với cả cái gì xấu lẫn cả cái gì tốt, để tìm an phận an thân. Kitô hữu chúng ta luôn phải ý thức mình là những con người vốn “bướng bỉnh và đã bị tổn thương” do nguyên tội, nên không ai là toàn hảo. Ca dao khuyên ta rằng
“Người khôn không nỡ roi đòn,
Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay.”
Khôn như vậy thì không cần ai la mắng nặng lời.
“Lời nói không mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Giữ đúng như vậy thì ai cũng lắng nghe, không bịt tai lại.
Đức giáo hoàng Phanxicô khi nêu lên 15 căn bệnh cần sửa chữa thì kết luận rằng chỉ có thể chữa được bằng hai cách : một là nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng bằng việc ta cầu nguyện mới có thể ý thức thực trạng của mình, và nhờ Phúc Âm của Chúa Giêsu mới có thể chữa ta khỏi mù, khỏi điếc, khỏi câm; hai là mỗi người sử dụng khả năng nhìn nghe nói của mình để không chỉ ba không với cái xấu cũng như tốt,không chỉ vô cảm vô can. không chỉ lo an thân an phận để câu like, câu tiền…mà phải dũng cảm và chủ động tích cực hơn dùng mọi khả năng Chúa ban để biến đổi mình và mọi người.
Nhờ hai cách đó Kitô hữu mới có thể được biến thể thành con người đúng nghĩa hơn, như thi sĩ người công giáo Ý là Dante, trong “Hài kịch thần linh” có dùng một từ Ý là transumanar, nghĩa là Kitô hữu được lòng Chúa thương xót, được cảm nghiệm cái hôn của Chúa, thì phải bước vào một lối sống mới, biết nhìn, nghe, nói, nghĩ, làm, phục vụ … để trở thành một “người đã biến thể.”
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần Thơ 2016
(WGP.Cần Thơ 13.02.2016)