Xua đuổi và đạp đổ

Chia sẻ Tin Mừng CN 3 MC NB 2015 (Ga 2, 13-25)

 

Xua đuổi và đạp đổ

 

Cho đến nay Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh phá hủy khoảng 131 nhà thờ trong những tháng gần đây. Dữ liệu thực tế có thể gấp 3 – 4 lần con số trên, nhưng chưa được kiểm chứng. Vào ngày 21. 7. 2014, lúc 03:00 sáng, tại Thị trấn Nước, Quận Pingyang, Thành phố Ôn Châu, Tỉnh Chiết Giang, gần 1000 Kitô hữu tập hợp tại khu đất nhà thờ Kau Yan để ngăn cản việc phá hủy. Người dân bị công an và quản lý đô thị đánh đập. Hàng chục Kitô hữu bị thương và phải nhập viện. Khoảng một giờ sau đội phá dỡ sơ tán khỏi khu vực.

 

Thực tế là việc phá hủy nhà thờ là một phần trong một kế hoạch rộng hơn đã được Bí thư Xia Baolong cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã ngày 17 tháng 2, ông nói “thế lực thù địch phương Tây” đã thâm nhập vào cộng đồng Kitô hữu. Và trong tháng 7 năm 2013, ông cảnh báo đảng bộ Ôn Châu chống lại ảnh hưởng ngấm ngầm của cộng đồng này. Như muốn khẳng định những “quan ngại” này, vào ngày 06 tháng 5 trường Đại học Quan hệ Quốc tế và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội xuất bản cuốn “Blue Book.” Cuốn sách nói rằng tất cả các tôn giáo đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh quốc gia và rằng “các lực lượng thù địch phương Tây đang xâm nhập vào các tôn giáo của Trung Quốc.” Đến nay, các nỗ lực để bóp nghẹt tôn giáo, kiểm soát hoặc loại trừ và phá hủy các cơ sở của họ đã trở thành một chiến dịch trên toàn quốc. Tính đến tháng Năm năm nay hơn 60 nhà thờ ở Ôn Châu đơn phương nhận được thông báo phá dỡ. Một số phần phụ bị đập bỏ và thánh giá bị gỡ, phá hủy hoặc trùm kín.

 

Trong các năm 2003-2004, chiến dịch phá hủy hàng trăm nhà thờ ở Chiết Giang đã được đưa ra. Điều đáng chú ý là kể từ đó, cộng đồng Kitô hữu ở Chiết Giang và Ôn Châu phát triển nhiều hơn và bây giờ số Kitô hữu khoảng 15% dân số của thành phố 9 triệu dân này. Thành phố Ôn Châu (được gọi là Giêrusalem của phương Đông vì cộng đồng Kitô hữu khá lớn) hầu hết các nhà thờ đã bị phá hủy. Quận Vĩnh Gia có số lượng nhà thờ mà thánh giá bị gỡ bỏ lớn nhất, và nhà thờ Sanjiang ở Vĩnh Gia, được xây dựng với giá 30 triệu nhân dân tệ (4,8 triệu), đã bị phá hủy. (Ucan, July 29, 2014, Revolution News)

 

Qua bản tin trên, chính quyền càng ra sức phá hủy nhà thờ, thì đền thờ trong lòng tín hữu Kitô ngày càng phát triển. Tin Mừng của Thánh sử Gioan hôm nay tường thuật Đức Giêsu thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền thiên xung nộ khí, ra tay xua đuổi, lật đổ, để thanh tẩy Nhà Chúa. Đồng thời, Người cũng muốn xua đuổi thú tính, đạp đổ tà quyền của tiền tài danh lợi ra khỏi đền thờ trong lòng từng Ki tô hữu.

 

Xua đuổi thú cầm

 

Đạo diễn Trần Văn Thủy đã chua chát xác nhận ngay đầu phim Chuyện Tử Tế: “Tất nhiên, chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình…” Có thể nói là khi vô cảm với nỗi đau khổ tha nhân thì chỉ là loài súc vật, loài ngợm. Chim chóc và thú vật gọi chung là thú cầm, thường được coi là biểu tượng của xác thịt, bản năng, hay thú tính con người, vốn chỉ biết đến nhu cầu hạ đẳng là sinh tồn. Thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng, khống chế của bản năng, thì mới thành con người đúng nghĩa, biết nghĩ đến tha nhân.

 

“Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ.” (Ga 2, 15) Đức Giêsu xua đuổi cầm thú ra khỏi Đền Thờ, tâm hồn tín hữu. Người muốn giải thoát Kitô hữu khỏi ách thống trị của xác thịt với những nhu cầu, đòi hỏi bất tận. Không chỉ ăn để sống, mà còn đòi ăn ngon, ăn sang, ăn sành điệu, cầu kỳ. Không chỉ mặc che thân, mà còn đòi mặc đẹp, kiểu cọ, hàng hiệu, khoe da thịt. Từ nhu cầu cấp thiết trở thành xa hoa, hưởng thụ, biến con người trở nên nô lệ cho bản năng lúc nào chẳng hay.

 

Để có thể tiết độ, không cho xác thịt chế ngự, không lệ thuộc vào bản năng, thú tính, thất tình, lục dục, sự dữ, Thánh Phaolô nhắc nhủ: “Vậy nếu có cơm ăn, áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ.” (1Tm 6, 8)

 

Đạp đổ tiền của

 

“Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.” Đức Giêsu còn tiếp tục giải thoát Kitô hữu khỏi cám dỗ của cải vật chất, danh lợi thế gian. Người thanh tẩy Đền Thờ tâm hồn khỏi vết nhơ, khỏi hôi tanh tiền tài, khỏi đam mê danh vọng, khỏi cuồng vọng quyền lực, để có thể đón Chúa ngự đến.

 

Không thể nào có thể tôn thờ Chúa, đi theo Chúa được khi còn mãi tham lam vơ vét của cải thế gian. Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận kẻ vong ân bạc nghĩa, phản phúc, bất trung.”Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Lc 16, 13)

 

Thánh Phaolô tóm gọn một lời sâu sắc, xót xa về những ai còn nặng lòng với thú tính, của cải, chức tước, danh lợi, quyền lực: Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian (Pl 3, 19)

 

Vì thế, Đức Giêsu khuyên nhủ đừng quá chú trọng đến những nhu cầu ăn mặc của bản thân, những ham muốn thế gian phù phiếm, mà luôn phó thác vào Chúa Quan Phòng. “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? (Mt 6, 25 -26).

 

“Nghèo trong con ở, nghèo trong áo con mặc, nghèo trong đồ con ăn, nghèo trong đồ con dùng, nghèo trong việc con làm” (Cha Chevrier) (Đường Hy Vọng, số 408)

 

Lạy Chúa Giêsu, kính xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con, khỏi những nhu cầu giả tạo, khỏi những ham muốn vật chất thế gian, để chúng con xứng đáng trở nên Đền Thờ đón Chúa ngự.

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chiến thắng, đạp nát đầu con rắn độc, kính xin Mẹ an ủi, bầu cử và che chở chúng con khỏi sa chước cám dỗ xác thịt, thế gian và ma quỷ, để chúng con xứng đáng trở nên Đền Thờ Thiên Chúa. Amen.

 

AM Trần Bình An