Vụ đắm tàu của thánh Phaolô: Xác tàu đã biến Malta thành một quốc gia

Hàng năm vào ngày 10 tháng Hai, lễ quan thầy Thánh-Phaolô-Đắm-Tàu là ngày lễ hết sức quan trọng ở Malta. Vì vừa là ngày lễ tôn giáo vừa là ngày lễ của quốc gia.

Vào năm 60 Công nguyên, một vụ đắm tàu trên vùng bờ biển Malta đã trở thành một khúc quanh lịch sử cho vùng quần đảo nhỏ bé của Địa Trung hải. Chuyến hải hành bắt đầu như một chuyến đi thảm họa tới Rôma lại kết thúc bằng một trong những động thái thiên định sâu sắc nhất trong lịch sử Kitô giáo. Thánh Phaolô, tù nhân trên đường đi xét xử, thoát khỏi nạn đắm tàu, đem đến cho cư dân một niềm tin sẽ định hình mãi mãi bản sắc của Malta, niềm tin vào Chúa Kitô.

Daniel Cilia: Tượng Thánh Phaolô trên hòn đảo nhỏ của vụ đắm tàu

Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại rõ ràng tỉ mỉ vụ đắm tàu của Phaolô (Cv 27,28). Bị kẹt trong một trận bão dữ dội, con tàu đắm ngay trong chỗ mà ngày nay gọi là vịnh Thánh Phaolô. Sống sót từ vụ đắm tàu, Phaolô và các bạn đồng hành được người Malta đón tiếp với “tình nhân loại khác hẳn bình thường”, theo ghi chép của thánh Luca. Bất chấp gánh nặng thể chất và cảm xúc của thử thách (vừa trải qua), sứ vụ của Phaolô vẫn được tiếp diễn không ngừng nghỉ. Khi bị một con rắn độc cắn trúng, Phaolô chỉ đơn giản rũ nó đi, khiến cư dân trên đảo kinh ngạc. Sách viết như sau :

1 Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Man-ta. 2 Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. 3 Ông Phao-lô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. 4 Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau : “Chắc chắn người này là một tên sát nhân : hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” 5 Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. 6 Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết ; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần. (Cv 28,1-6)

Trong số những phép lạ mà Phaolô đã làm ở Malta có phép lạ chữa lành cho cha của Publius, quan lớn nhứt trên đảo. Sự việc này, liên kết với lời cầu nguyện và những giảng dạy của Phaolô, đã gieo rắc những hạt giống Kitô giáo lên Malta. Publius được xem, theo truyền thống, như giám mục đầu tiên trên quần đảo, nguồn gốc của di sản Kitô giáo liên tục không gián đoạn kéo dài từ hai thiên niên kỷ nay.

Sự Quan Phòng của Chúa giữa một thảm họa

Việc Phaolô đến đảo Malta chứng minh cho chính sự giảng dạy của ông trong Thư gởi tín hữu Rôma: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Mặc dù chuyến đi tới Rôma gặp nhiều thử thách, nhưng những ngày ông ở Malta đã đem lại những hoa trái tinh thần lạ thường. Quả vậy, khi đến thăm Malta năm 2010, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã dẫn lại khoảng khắc thiên định đó khi tuyên bố: “Trong tất cả những ân sủng đem đến cho vùng bờ biển này theo dòng lịch sử của dân tộc các bạn, ân sủng mà Phaolô đem đến là lớn hơn hết thảy”.

Một di sản đức tin

Ảnh hưởng của Phaolô đã biến Malta thành một trong những trung tâm Kitô giáo hàng đầu trên toàn thế giới. Những địa điểm như hang Thánh Phaolô ở Rabat (nằm dưới nhà thờ giáo xứ Rabat ở Malta ), nơi thánh tông đồ từng ở và giảng đạo, vẫn là nơi thờ phụng rất được ưa thích. Hang đá đã thu hút những khách hành hương như đô đốc Lord Nelson, đến ba vị Giáo hoàng thời hiện đại, trong đó có Đức Phanxicô năm 2022.

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong hang thánh Phaolô (Rabat), nhân chuyến tông du Malta năm 2022

Một công trình lâu đời khác trong di sản của Phaolô là nhà thờ giáo xứ Vụ đắm tàu của Thánh Phaolô tại La Valette. Được xây dựng trong những năm 1570, nhà thờ có lưu giữ những thánh tích như xương cổ tay phải của thánh Phaolô và một cột đá cẩm thạch liên quan đến vụ tử đạo của thánh nhân ở Rôma. Nghệ thuật của nhà thờ, đặc biệt là bức tranh sau bàn thánh của Matteo Perez ở Aleccio diễn tả vụ đắm tàu, là bài giáo lý bằng mắt về nguồn gốc Kitô giáo của Malta.

Kitô giáo qua những thời đại

Truyền thống Kitô giáo ở Malta, có tuổi đời 2.000 năm, đã trải qua nhiều cơn sóng gió, trong đó có cả những lần trổi dậy của ngoại giáo và sự thống trị của đạo Hồi. Những hầm mộ Kitô giáo nguyên thủy ở Rabat, trong số những hầm mộ rộng lớn nhất ngoài Rôma và những nhà thờ thời bizăngtin chứng minh cho sự bền bỉ của đức tin. Trong lúc một số học giả cấp đại học nghi ngờ sự sống liên tục của Kitô giáo Malta trong thời kỳ Ả Rập (869-1091), những người khác vẫn thừa nhận một cách thuyết phục những bằng chứng khảo cổ học, đặc biệt là những đồ tạo tác từ thời kỳ La Mã và những sổ sách thời Trung Cổ về sản xuất ngũ cốc, cho thấy sự hiện hữu bất biến của Kitô giáo. Vào thế kỷ 13, Kitô giáo tự tái khẳng định, để lại một dấu ấn không tàn phai trên văn hóa của quần đảo.

Lời chứng kín đáo của Malta

Bất chấp vai trò trung tâm của mình vào buổi bình minh của Kitô giáo, Malta lại bị lãng quên ít nhiều trong câu chuyện rộng lớn hơn về công cuộc truyền bá đức tin. Theo giải thích của giáo sư Stanley Fiorini, kích thước nhỏ của quần đảo và việc ngành khảo cổ học chú trọng hơn đến thời kỳ những ngôi đền thời tiền sử đã góp phần vào sự mơ hồ tương đối đó. Tuy vậy, lịch sử của Malta cho ta một cái nhìn bao quát có một không hai về tính bền vững của đức tin Kitô giáo tại vùng Địa Trung hải. Và chúng ta có thể khám phá nó trong Năm Thánh này.

Người hành hương khi đến thăm quần đảo có thể thực hiện chuyến đi theo dấu Thánh Phaolô ở Malta, nơi hòa quyện lịch sử, đức tin và văn hóa. Tổ chức Peregrinatio Sancti Pavli Apostoloi AD 60 mời gọi người hành hương, khách tham quan và những người đam mê lịch sử đến khám phá những địa điểm thánh, từ vịnh Saint-Paul (Thánh Phaolô) đến hầm mộ ở Salini qua hang Saint-Paul ở Rabat. Các bạn chỉ có một ngày hoặc hai, chuyến hành hương độc nhất vô nhị này cho phép hiểu biết cặn kẽ hơn sự hiện diện mang tính thay đổi của Thánh Phaolô đối với đảo. Hãy khám phá câu chuyện chữa lành, đức tin và sự đoàn kết vẫn còn tiếp tục gây cảm hứng cho mọi thế hệ.

Trong một vụ việc có vẻ như là tai nạn của Phaolô, Malta đã tìm thấy phước lành lớn nhất của mình. Vụ đắm tàu của ngài không những chỉ mang Lời Chúa đến những bờ biển của quần đảo mà còn để lại một di sản là đức tin, lòng kiên trì và sự quan phòng, vẫn còn tiếp tục tạo cảm hứng cho toàn vùng Địa Trung hải. Như lời phát biểu chính xác của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sự cống hiến của Phaolô là một ân sủng lâu dài, được một quốc gia chấp nhận và yêu quý, như ru những ai đến thăm viếng nó bằng những đợt sóng êm ái của niềm hy vọng, hiển hiện rõ ràng từ hai ngàn năm nay.

Lê Hưng

Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (09/02/2025)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*