Viện mẫu với gậy nhẫn Có nên ngạc nhiên

Lễ chúc phong Viện mẫu tiên khởi của Việt Nam cho nữ đan sĩ M.Gioan Thánh Giá Phạm Ghy Tạc diễn ra ngày 14.8.2016 đã làm không ít giáo dân cũng như các giáo sĩ thấy lạ và thắc mắc. Hiểu được những hiệu ứng này, tôi xin đóng góp một chút hiểu biết của mình vào công việc chung, với ước mong những thông tin đơn giản có được ở đây có thể thúc giục những ai muốn tìm hiểu thêm về đời sống đan tu trong Giáo hội, với những hy sinh rất được tôn trọng, đặc biệt là trong thời đại xáo trộn và đầy xung đột của thế giới chúng ta hôm nay.
 

* Về phương diện lịch sử

Liên quan đến các Viện phụ và Viện mẫu nói chung : cách đây nhiều thế kỷ, đặc biệt vào thời Trung cổ, các Viện phụ đã có cây gậy như các Giám mục nhưng các Viện mẫu thì rất hiếm thấy. Các tài liệu của Giáo Hội, sách Phụng vụ, sách lễ nghi của Giáo Hoàng và Giám mục cũng không hề nói đến cây gậy khi mô tả nghi thức chúc phong cho một Viện mẫu. Ngay cả sách Nghi Lễ của Giám mục hiện hành cũng không nhắc đến. Song từ nhiều thế kỷ qua, người ta vẫn thi thoảng bắt gặp hình ảnh các Viện mẫu thuộc các dòng Xitô và Biển Đức có mang gậy. Dường như đó luôn luôn là một đặc ân (theo nghĩa Giáo luật), đôi khi tùy từng cá nhân song phần nhiều là đặc ân được ban cho một Đan viện, một Tu Hội hay là cho toàn Hội Dòng.

Chỉ có một trường hợp ngoại lệ trong lịch sử được nói đến nhiều là Viện mẫu của Las Huelgas ở Tây Ban Nha : Đây là một Đan viện Mẫu  (Abbaye = Đan Viện Phụ) thuộc quản hạt (thời đó gọi là nullius diocecis). Địa hạt này là một địa hạt lớn và bao gồm nhiều xứ đạo. Viện mẫu có một Giám mục Phụ tá, thực tế là vị quản lý thực quyền địa hạt nhân danh Viện mẫu này, điều hành trực tiếp dưới quyền bính của Viện mẫu. Viện mẫu đó là một Công chúa của Hoàng gia. Viện mẫu không chỉ có cây gậy mà còn cả mũ của Giám mục. Dĩ nhiên, bà không mang trên đầu chiếc mũ đó với chiếc voan, nhưng trong những cuộc kiệu quan trọng, một chị em khác cầm lấy trên tay và đi trước Viện mẫu hay đi sau hoặc đi gần bên.

* Về phương diện Phụng vụ

Đúng là khi người ta thấy một Viện mẫu với cây gậy thì rất ngạc nhiên vì đây là một sự kiện hiếm hoi và lạ thường. Dù rằng, Viện mẫu chỉ cầm gậy những lúc rất đặc biệt : lúc được chúc phong và khi có những lễ khấn dòng. Mà thông thường, khi lễ khấn dòng được chia làm hai phần : phần thứ nhất làm tại phòng hội có tính nội bộ với lời khấn hứa vâng lời (đây là lúc biểu tượng mà Viện mẫu cần đến cây gậy); phần hai với những nghi thức công khai tại những lễ khấn dòng, do Giám mục hoặc linh mục chủ sự, nên các Viện mẫu không cầm gậy nữa. Nói cách khác, cuộc sống thường nhật của một Đan viện dường như sẽ không cho chúng ta có cơ hội để nhìn thấy được một Viện mẫu với cây gậy của mình, nếu không phải là đan sĩ sống trong nội vi.

 

Một Viện phụ thường cầm gậy ở tay trái, để tay phải được tự do khi cần phải chúc lành. Trái lại, đối với một Viện mẫu, cây gậy được cầm ở tay phải. Đây là một truyền thống lâu đời của các Hội Dòng Biển Đức (vị Sáng Lập là Thánh Benoit, lễ ngày 11.7); dòng Xitô (Hội Dòng Cisterciens), cùng luật với các Hội Dòng Biển Đức. Năm 1937, tại các cuộc khảo cổ ở Saintes, vùng Charente, người ta đã tìm thấy các cây gậy của các Viện mẫu có từ thế kỷ thứ XIII.

Qua việc chúc phong Viện mẫu, Giáo Hội muốn tỏ bày sự ân cần đầy thương yêu đối với người trở thành người Mẹ cho các chị em của mình. Nghi thức được diễn ra trong thánh lễ, được xem là lời Tạ Ơn của Giáo Hội. Vị Giám mục chủ sự sẽ nói lên ý nghĩa đời sống của các nữ đan sĩ và vai trò đặc biệt của Viện mẫu trong Đan viện : “Ơn gọi đan tu của chị em phải là dấu chỉ của sự kết hợp độc quyền của Giáo Hội – Hôn Thê với Thầy Chí Thánh của mình là Đức Kitô, tuyệt đối được yêu thương trên hết mọi sự. Và vì thế, các chị là những người được đặt ngay giữa lòng của mầu nhiệm Giáo Hội và các chị tham gia vào sự sống phì nhiêu của công cuộc truyền giáo của Giáo Hội”. Sau đó, các đan sĩ đến quỳ trước mặt và tay trong tay Viện mẫu, đón nhận cái hôn bình an. Qua cử chỉ này, các nữ đan sĩ diễn tả ước muốn đặt cuộc sống của mình trong bàn tay của Viện mẫu, người mà trong Đan viện thay mặt Thiên Chúa. Cuối cùng, một linh mục đọc bức thư với phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha và lời nhắn nhủ của ngài.

NT. TRẦN THỊ QUỲNH GIAO – FMM

Dưới đây là một số nguồn có thể tìm hiểu thêm về Viện mẫu trong Giáo Hội :

http://www.alienor.org/collections-des-musees/fiche-objet-62596-crosse

https://books.google.fr/books?id=VLb8WWG-jaIC&pg=PA19&lpg=PA19&dq=crosse+abbesse&source=bl&ots=aNsMnrzshH&sig=g1BdUCdXJRPURKQev1u7weU9mIo&hl=fr&sa=X&ved=0ahUKEwiHyu-r99LOAhVsL8AKHdLZCzg4ChDoAQhMMAk#v=onepage&q=crosse%20abbesse&f=false

http://www.citeaux.net/elenchus/moniales/02.htm

http://www.saintececiledesolesmes.org/index.php?option=com_content&view=article&id=102&Itemid=100

https://www.google.fr/search?q=crosse+abbesse&biw=1920&bih=955&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ved=0ahUKEwi-qJOf-tLOAhVHI8AKHUnmBokQsAQIIw

dấu chỉ của trách nhiệm và vai trò Viện mẫu :

1/ Chiếc nhẫn của Viện mẫu nói lên ấn dấu giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội bé nhỏ là cộng đoàn mà Viện mẫu là vị đại diện.

2/Luật Thánh Biển Đức mà Viện mẫu đã hứa phải sống và hướng dẫn cộng đoàn sống.

3/Cây gậy : nhắc Viện mẫu noi theo hình ảnh của Chúa Giêsu – Vị Mục Tử nhân lành – phải lưu tâm săn sóc và hướng dẫn chị em mà Ngài đã giao phó.

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc