Người Kitô hữu yêu mến Mẹ Maria bởi Mẹ có một vai trò ấn tượng trong công trình cứu độ. Mẹ chính là người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc. Bởi Chúa Giêsu mang hai bản tính Thiên Chúa và loài người, nên Mẹ được gọi là Mẹ Thiên Chúa.
Vai trò của Mẹ Maria trong Giáo hội không tách biệt khỏi tương quan của Mẹ với Chúa Giêsu và bắt nguồn từ chính điều ấy. “Sự liên kết của Mẹ với Chúa Con trong công trình cứu độ biểu lộ rõ ràng từ giây phút cưu mang Chúa Cứu Thế trong cung lòng đồng trinh của Mẹ cho đến khi Chúa Giêsu chết trên thập giá”. Hơn cả, sự liên hiệp này được biểu lộ rõ ràng nhất qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Vì thế, Mẹ đi tiên phong trong một cuộc đời của niềm tín thác, và khi đứng dưới chân thập tự, Mẹ hiệp nhất trọn vẹn với người Con rất thánh của Mẹ. Người đứng đó chịu đựng cùng một nỗi đau với người con duy nhất của mình, một nỗi đau tột cùng, và trong trái tim người mẹ, Mẹ cùng tham gia vào cái chết của Chúa Giêsu. Đứng dưới chân thập tự, Mẹ đã chấp nhận lời phó dâng của người Con rất thánh Mẹ, đó là làm Mẹ của người môn đệ Chúa :”Này bà, đây là con bà!”.
Theo sách giáo lí của Hội thánh Công Giáo:
965 Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ Maria đã trợ giúp Hội thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình.” 506 Trong sự liên kết của Mẹ với các môn đệ Chúa và một vài người phụ nữ khác, “chúng ta cũng nhìn nhận Mẹ qua lời khẩn khoản nài xin các ơn của Chúa Thánh Thần, đấng đã “rợp bóng” trên người trong biến cố Truyền Tin.”
… Và cả trong biến cố Mẹ Lên Trời
966 “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.” Biến cố Mẹ Lên Trời là một sự tham dự đặc biệt vào sự phục sinh của con Mẹ, và là một lời tiên tri đối với sự sống lại của các Kitô hữu.
Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là Đấng Đồng Trinh ngay cả khi sinh con; khi lên trời Mẹ cũng không lìa bỏ thế giới, nhưng dự phận vào nguồn sống của chúng con. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống, và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ linh hồn chúng con sẽ được cứu rỗi khỏi sự chết.
…Người là Mẹ của chúng ta trên bình diện ân sủng
967 Vì hằng gắn bó với thánh ý Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con Mẹ với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria là mẫu mực đức tin và đức ái cho Hội thánh. Do đó Mẹ là một chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội thánh, có thể nói Mẹ là một kiểu mẫu của Hội thánh.
968 Vai trò của Đức Maria đối với Hội thánh và toàn thể loài người còn cao trọng hơn nữa. “Đức Maria đã cộng tác một cách hoàn toàn độc nhất vô nhị vào công trình của Đấng Cứu Thế, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Mẹ thật là mẹ chúng ta.
969 “Trong nhiệm cục ân sủng, kể từ khi Mẹ tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin, sự ưng thuận mà Mẹ đã kiên quyết giữ trọn cho đến khi đến bên thập giá, Đức Maria tiếp tục thiên chức làm Mẹ cho đến lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người được tuyển chọn. Thực vậy, sau khi về trời, vai trò của Người trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ chuyển cầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được cứu độ đời đời… Vì vậy, trong Hội Thánh, Đức Trinh nữ được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, vị Bảo trợ, Đấng Phù Hộ và Đấng Trung Gian”.512
Giáo hội cho rằng: Mẹ là người con được sủng ái của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bởi món quà ân sủng tuyệt vời này, Mẹ trổi vượt hơn mọi tạo vật, cả trên trời dưới đất (x. Công đồng Vatican II: Giáo hội, số 53).
Trong Cựu ước, các tiên tri cũng đã chỉ ra vai trò của Ngài trong công trình cứu độ
+ Người nữ sẽ đạp đầu con rắn (St. 3:15), con rắn đã dẫn con người đến với tội lỗi. Kinh thánh phiên bản Jerusalem Bible dịch rằng: “Nó sẽ đạp lên đầu ngươi và ngươi sẽ rình cắn gót chân nó.” Bản dịch JB lưu ý: “Bản Kinh thánh Latinh sử dụng một đại từ chỉ giống cái: Người đàn bà sẽ đạp… và vì thế, Đáng Cứu thế và Mẹ người xuất hiện cùng một lúc, đại từ đó dùng để ám chỉ đến Đức Maria; việc áp dụng này trở nên phổ biến trong giáo hội”. Bản dịch của News Bible thì viết: “Mưu duệ người ấy sẽ đạp nát đầu ngươi, và ngươi sẽ rình cắn gót chân ấy” (St. 3:15).
+Vì vậy, chính Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người phụ nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en. (Is. 7:14) Bản dịch của Hy Lạp chỉ ra Đức Trinh nữ Maria trong vị trí là một người nữ đang mang thai. Giáo hội tìm ra trong lời tiên tri này về sự liên hệ đến việc giáng sinh của Chúa Giêsu.
Tân ước cũng chỉ ra sự thánh thiện và vai trò của Mẹ Maria trong công trình cứu độ. Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”(Lc 1:29).
+ “Từ nay đến hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc, 1:48). Vì thế lòng tôn kính chúng ta dành cho Mẹ Maria là lòng tôn kính mà Kinh thánh chỉ cho chúng ta cần làm theo, đó là: Từ đây đến hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
+ Bà Êlizabet được tràn đầy Thánh Thần cũng tung hô rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em cưu mang cũng được chúc phúc”(Lc,1:42).
+ Đáp lại lời của sứ thần Chúa rằng Mẹ sẽ cưu mang một người con trai, trong khi mẹ không biết đến chuyện người nam, Mẹ nói rằng: “Vâng. Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc, 1:38).
Bởi thế, Giáo hội Công giáo tôn vinh Mẹ Maria là “đấng thánh”, “đấng đầy ân sủng” vì Kinh Thánh cũng đã dành cho Mẹ những danh hiệu này. Giáo hội không nói rằng Mẹ Maria là người của sự hòa giải giữa Thiên Chúa và loài người. Đó là vai trò của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ. Mẹ Maria là một tạo vật được chính Thiên Chúa cứu chuộc. Ngài là Mẹ của Đấng Cứu Độ và là Chúa, Chúa Giêsu Kitô, là mẹ chúng ta; vì thế chúng ta cầu khẩu Mẹ chuyển cầu cho chúng ta(Ga, 2:3). Nếu chúng ta không nhận Mẹ Maria là Mẹ chúng ta, chúng ta cũng không thể nhận Chúa Giêsu là người anh của mình.
Joseph Đinh chuyển ngữ
Nguồn: Catholic Church Affairs