Đức cha Vincent Zhu Weifang của giáo phận Ôn Châu được cả Vatican lẫn Trung Quốc công nhận nhưng đức giám mục phó của ngài thì không.
Đức cha Vincent Zhu Weifang của giáo phận Ôn Châu qua đời
hôm 7-9. Năm 2015 ngài dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại
chiến dịch triệt hạ thánh giá của chính quyền ở Chiết Giang.
Ảnh được cung cấp
Quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc có thể sẽ căng thẳng thêm sau cái chết của Đức cha Vincent Zhu Weifang của giáo phận Ôn Châu hôm 7-9. Ngài thọ 89 tuổi.
Đức cha Zhu, từng trải qua nhiều thập niên trong các trại lao động khét tiếng của Trung Quốc, ngài được cả Vatican và Trung Quốc công nhận. Tuy nhiên, Đức giám mục phó Peter Shao Zhumin, có quyền kế nhiệm, được Vatican công nhận nhưng chính quyền Trung Quốc lại không.
Sự kiện này cùng với sự qua đời của Đức Giám mục thuộc giáo hội thầm lặng Vincent Huang Shoucheng của giáo phận Mindong hôm 30-7, làm rộ lên tranh cãi hiện nay giữa Vatican và đảng Cộng sản Trung Quốc về việc ai bổ nhiệm giám mục ở quốc gia này hay rộng hơn là ai có tiếng nói sau cùng về các vấn đề liên quan Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc.
Vòng đàm phán mới giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh được tin là đã diễn ra ở Rôma trong tháng Tám. Một số người hy vọng rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục.
Nhưng vì Đức cha Shao được phong chức như là một giám mục được chính quyền công nhận, ngài sẽ phải đáp ứng các yêu cầu chung của nhà chức trách Trung Quốc. Một yêu cầu trong đó là đồng tế Thánh lễ với một giám mục không có sự ủy quyền của Đức thánh cha. Ngài cũng sẽ phải trở thành thành viên của Hội Công giáo yêu nước, một tổ chức giáo dân bị cáo buộc kiểm soát giáo hội cho nhà nước.
Những tiêu chí đó đi ngược lại lương tâm của nhiều người Công giáo thuộc giáo hội thầm lặng, những người tuyên bố trung thành với Tòa Thánh.
Nếu Đức cha Shao tuân theo những yêu cầu này của chính quyền, ngài có nguy cơ bị cộng đoàn khoảng 80.000 người của mình xem thường – cộng đoàn này nhiều gần gấp đôi số người thuộc giáo hội công khai mà trước đây cũng thuộc quyền cai quản của Đức cha Zhu.
Tương tự như vậy, Đức cha phó Guo Xijin kế nhiệm Đức cha Huang của Mindong thuộc giáo hội thầm lặng. Giáo phận ở tỉnh Phúc Kiến ở miền đông là thành trì vững mạnh của cộng đoàn thầm lặng với khoảng 80.000 người Công giáo. Đức cha Guo cũng không được chính quyền công nhận, trong khi có đức giám mục không hợp thức là Đức cha Zhan Silu, ngài không được Vatican công nhận trong cùng giáo phận.
Nhà chức trách đưa Đức Cha phó đi ‘tham quan’
Lễ an táng của Đức cha Zhu là vào ngày 13-9 nhưng chỉ có 400 người được phép tham dự, một nguồn tin địa phương yêu cầu không nêu tên cho biết.
Chính quyền đã đưa Đức cha Shao, cha chưởng ấn Paul Jiang Sunian và ít nhất một cha nữa đi “tham quan” cách đây một tuần khi sức khỏe của Đức cha lớn tuổi trở nên nghiêm trọng, theo nguồn tin này.
“Thậm chí các linh mục thuộc cộng đoàn công khai phải xin phép công an để vào nhà thờ ở làng Ma’ao, hạt Yongjia, để chào tạm tiễn biệt vị giám mục của họ hôm nay”, nguồn tin nói.
Phản đối chiến dịch triệt hạ thánh giá
Đức cha Zhu dẫn đầu các linh mục phản đối chiến dịch triệt hạ thánh giá của chính quyền ở Chiết Giang tháng 7-2015. Chiến dịch này kéo dài từ cuối năm 2013 đến khoảng tháng 3-2016, đã chứng kiến trên 1.700 thánh giá bị di dời khỏi các nhà thờ Kitô giáo trong tỉnh này, nơi có gần 2 triệu tín hữu Tin Lành và 200.000 người Công giáo.
Đức cha Zhu sinh ra trong một gia đình Công giáo ngày 10-12-1927 tại hạt Yongjia thuộc tỉnh Chiết Giang. Ngài vào tiểu chủng viện năm 1939. Năm 1954, ngài thụ phong linh mục, ba năm trước ngài tốt nghiệp Đại Chủng viện Xujiahui ở giáo phận Thượng Hải kế bên.
Vì đức tin của mình, Đức cha Zhu bị bắt lần đầu năm 1955 và bị đẩy vào một trại cải tạo lao động. Ngài được phóng thích năm 1971 nhưng lại bị bắt vào Lễ Phục sinh năm 1982 và bị giam trong tù. Sau đó ngài được thả ra có bảo lãnh năm 1988.
Khi sức khỏe của mình bắt đầu suy yếu những năm gần đây, ngài giao toàn quyền cai quản giáo phận cho Cha Ma Xianshi, một trong ba linh mục tổng đại diện của mình hồi tháng Ba và thuyên chuyển các linh mục xứ hồi đầu tháng Tám.
(UCAN 09.09.2016)