Vatican mở phòng khám ung thư miễn phí cho phụ nữ vô gia cư ở Roma

Với sự cộng tác của hiệp hội Komen của Ý, Bộ Bác ái của Tòa Thánh điều hành một phòng khám siêu âm miễn phí, chẩn đoán ung thư ngực cho hàng chục phụ nữ vô gia cư ở Roma, những người gặp khó khăn về tài chính nên thường không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Phòng khám nằm cạnh Hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, bên cạnh một số dịch vụ được điều hành bởi Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha trước đây, nay là Bộ Bác ái, như các nhà tắm ở cạnh Hàng cột, nhà trú ngụ qua đêm có tên “Món quà Thương xót” và phòng khám “Mẹ Thương xót” ở ngay Hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô.

Vào ngày 18/4/2024, Bộ Bác ái đã thành lập tại Quảng trường Thánh Phêrô phòng khám lưu động phòng chống ung thư, với sự cộng tác của hiệp hội Komen Italy, một tổ chức hoạt động nhằm mục đích phòng ngừa và đấu tranh chống lại bệnh ung thư ngực với sự phối hợp của Tổ chức Bệnh viện Đại học Đa khoa Agostino Gemelli (IRCCS) và bệnh viện Gemelli Isola.

Phòng khám lưu động sẽ có mặt tại Vatican hai tháng một lần để hỗ trợ những phụ nữ gặp khó khăn.

Khoảng 40 phụ nữ không được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ bởi phòng khám và Phòng khám Santa Marta, đã được kiểm tra chẩn đoán ung thư ngực, ví dụ như chụp quang tuyến và siêu âm ngực.

Nếu phụ nữ nào bị phát hiện mắc bệnh ung thư ngực, họ sẽ được hỗ trợ kiểm tra thêm và thực hiện tất cả các phương pháp điều trị cần thiết.

Sáng kiến phòng khám chẩn đoán ung thư này chỉ là một trong nhiều sáng kiến được thực hiện bởi phòng khám “Mẹ Thương xót”, được thành lập theo mong muốn của Đức Thánh Cha.

Kể từ ngày 1/1/2024, phòng khám đã cung cấp 4.429 dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm 2.054 lượt khám bệnh tổng quát, 1.901 lượt khám chuyên khoa, 115 lượt khám nha khoa, 359 cuộc xét nghiệm được thực hiện và 4.199 hộp thuốc được giao trong 91 ngày hoạt động.

Phòng khám hoạt động nhờ vào lòng nhân ái của 80 bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và kỹ thuật viên đã tình nguyện cống hiến thời gian và sự chuyên nghiệp của mình để phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất.

Nguồn: Vaticannews.va/vi