Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo (14) , Ác giả ác báo, Gia đình Thánh – Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng

Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo (14)


Phần II: Cuộc tranh luận hiện nay về ly dị tái hôn: đề xuất của Đức HY Kasper

Ai cũng biết trong mật nghị hội Hồng Y mới đây, để chuẩn bị cho THĐ bất thường vào tháng Mười này bàn về mục vụ gia đình, Đức HY Kasper đã được Đức Phanxicô đích thân mời trình bày một đề xuất. Nhiều người lo sợ rằng quan điểm của Đức HY sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp nhận, do đó, dự định tổ chức một cuộc chống đối công khai. Nhưng không thiếu người bình chân như vại, coi chuyện đó không thể xẩy ra được. Những người này cho rằng dù được Đức Giáo Hoàng khuyến khích thảo luận, đề xuất của Đức HY Kasper bị nhiều chống đối ngay trong mật nghị hội. Vả lại cảm thức đức tin luôn hỗ trợ tính bất khả tiêu của hôn nhân, nên họ cho rằng đề xuất này đơn thuần chỉ phản ảnh “cảm thức bất tín” mà thôi. Nhưng như thế, chả lẽ cố gắng của Đức GH Phanxicô và của Đức HY Kasper là công cốc cả sao?

Thực hư vấn đề thế nào, thiển nghĩ cũng nên vào sâu chút nữa.

Âu Châu, Bắc Mỹ và các nơi khác

Sandro Magister của tờ L’Espresso trước nhất lưu ý tới sự chia rẽ rõ rệt khi đụng tới các vấn đề nóng bỏng về luân lý giữa “ý kiến đa số ở một số khu vực thuộc Âu Châu và Bắc Mỹ, nơi ngự trị của chính sách dửng dưng đối với phá thai, tiêu hủy hôn nhân, và ý thức hệ phái tính, và sự mẫn cảm ngược lại của những khu vực mênh mông khác trên thế giới, nhất là thuộc Phi và Á Châu, là những khu vực dù sao cũng có những vấn đề nghiêm trọng của riêng họ, từ hôn nhân sắp xếp tới đa hôn”. Khi THĐ Giám Mục họp vào tháng Mười sắp tới, Giáo Hội chắc chắn sẽ được nghe các giám mục Phi Châu lên tiếng cho hay các cộng đoàn của các vị không thể nào chịu được bất cứ hàm hồ nào về tính độc hữu của hôn nhân. Các vị giám mục Á Châu sẽ nhấn mạnh tới tính vĩnh viễn của nó. Người ta mong rằng một số vị giám mục Âu Châu và Bắc Mỹ sẽ có can đảm dám nói tới các tai hại của việc người Công Giáo coi thường giáo huấn của Giáo Hội.

Tác giả này hỏi rằng: ta có nên phớt lờ các vị giám mục trên đây để chiều theo nhu cầu của những người Công Giáo luôn chỉ biết đến mình ở Tây Phương hay không? Làm thế, theo ông, là vi phạm mục tiêu chủ yếu của triều giáo hoàng này. Vì Đức Phanxicô luôn khuyên ta không nên chỉ khép mình trong các vành đai địa dư và văn hóa của riêng mình, mà phải mở cửa hướng tới những “vùng ngoại biên” của thế giới.

Người ta có quyền hy vọng như Magister. Trong khi ấy, có những người như Michael Brendan Dougherty đi xa hơn bảo rằng không nghe các vị giám mục trên là tự mâu thuẫn với chính mình: giảng một đàng làm một nẻo. Giảng rằng phải sạch tội trọng mới được rước lễ, nhưng lại cho những người đang mang tội trọng được rước lễ vì rõ ràng ly dị và tái hôn mà chưa được tuyên bố vô hiệu là mang tội trọng.

Thực ra Đức HY Kaspers đã nói những gì?

Theo nguồn tin chính thức, bài nói chuyện của Đức HY Kasper tại mật nghị hội Hồng Y hồi đầu năm nay sẽ không được công bố cho công chúng. Không hẳn vì sợ gây hoang mang, cho bằng bài nói chuyện này có đối tượng chuyên biệt, tức các vị có nhiệm vụ đưa ra các đề cương cho hai thượng hội đồng giám mục thế giới sắp tới về gia đình. Chính vì thế, mặc dù có lời yêu cầu công khai của Đức HY Reinhard Marx của Munich, bài diễn văn này vẫn chưa được chính thức công bố cho dân chúng.

Về việc này, ta thấy có nhiều điều đáng ghi nhận: Đức HY Marx là một trong các thành viên của Hội Đồng Hồng Y cố vấn cho Đức GH về việc cải tổ Tòa Thánh. Ngài cho rằng giữ mật bài diễn văn này là điều vô dụng vì gần 200 bản của nó đã được phân phối, do đó, chắc chắn bài diễn văn này sẽ được phổ biến rộng rãi.

Có lẽ vì thế, một tờ báo Ý đã cho đăng nguyên văn bài diễn văn của này bằng tiếng Ý. Và chính Đức HY Kasper cũng cho đăng tải nội dung bài diễn văn này trong cuốn “Gospel of the Family” xuất bản hồi tháng Ba vừa qua.

Trong cuốn sách nhỏ trên đây, phần 5 nói đến “Vấn Đề Về Người Ly Dị Và Tái Hôn”. Đức HY Kasper khởi đầu bằng cách cho rằng: vấn đề này là “một vấn đề phức tạp và gai góc”. Nên không thể chỉ rút gọn nó vào việc cho những người này rước lễ mà thôi, vì đây là “việc chăm sóc mục vụ đối với đời sống hôn nhân và gia đình trong tính toàn bộ của chúng”. Việc chăm sóc này vốn bắt đầu với tuổi trẻ và việc chuẩn bị hôn nhân, sau đó là cùng đồng hành với những người đã kết hôn và các gia đình. Việc chăm sóc này trở nên nhất thiết và tức khắc khi hôn nhân hay gia đình gặp khủng hoảng: phải làm những gì có thể về mục vụ để hàn gắn và hòa giải hôn nhân hay gia đình.

Nhưng có những tình huống trong đó, mọi cố gắng hợp lý để cứu vãn hôn nhân đã tỏ ra vô hiệu. Người ta thán phục và hỗ trợ sự anh hùng của những người phối ngẫu bị bỏ rơi, vẫn tiếp tục ở một mình và một mình tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, nhiều người phối ngẫu bị bỏ rơi khác, vì lợi ích của con cái, đã phải lệ thuộc một cuộc chung sống mới và một cuộc hôn nhân dân sự, “một cuộc hôn nhân mà họ không thể bỏ một lần nữa mà không bị mặc cảm tội lỗi. Trong các nối kết mới này, họ thường cảm nhận được hạnh phúc nhân bản – gần như một hồng phúc từ trời – sau các cảm nhận đắng cay trước đây”.

Và Đức HY Kasper đặt câu hỏi: “Trong những tình huống như thế, Giáo Hội có thể làm gì?”. Rồi ngài vội minh định: “Giáo Hội không thể đề xuất một giải pháp bên ngoài hay ngược với lời dạy của Chúa Giêsu. Tính bất khả tiêu của một cuộc hôn nhân bí tích và việc không thể kết ước một cuộc hôn nhân bí tích thứ hai lúc sinh thời của người phối ngẫu kia là thành phần bó buộc trong truyền thống đức tin của Giáo Hội, một truyền thống mà ta không thể bãi bỏ hay gia giảm được bằng cách nại tới một cảm thức nhân từ (mercy) theo nghĩa phiến diện và rẻ tiền”.

Ngài tiếp liền sau đó rằng “Lòng trung thành của Thiên Chúa, xét cho cùng, là lòng trung thành của Người với chính Người và với tình yêu của Người. Vì Thiên Chúa trung thành, nên Người cũng nhân từ, và trong lòng nhân từ của Người, Người trung thành, ngay cả lúc chúng ta bất trung (2Tm 2:13). Nhân từ và trung thành luôn đi đôi với nhau. Cho nên, không thể có tình huống nào của con người mà lại tuyệt đối vô vọng và tuyệt vọng cả. Bất kể con người nhân bản xuống thấp đến đâu, họ cũng không xuống sâu đến nỗi lòng nhân từ của Thiên Chúa không với tới được”.

Thành thử “câu hỏi là Giáo Hội, trong thực hành mục vụ của mình đối với người ly dị và tái hôn dân sự, có thể tuân thủ ra sao sự cố kết bất khả phân giữa lòng trung thành và lòng nhân từ này?” Đây là một câu hỏi tương đối mới có đây, xuất hiện lần đầu kể từ ngày Napoléon đưa ra đạo luật hôn nhân dân sự năm 1804 và sau đó, được nhiều quốc gia khác mô phỏng.

Đối với câu hỏi trên, Đức HY Kasper cho hay: Giáo Hội đã có những ứng phó tiệm tiến theo chiều tích cực. Thực vậy, Bộ Giáo Luật năm 1917, điều 2356, vẫn coi những người ly dị và tái hôn dân sự là song hôn, một việc tiền kết (ipso facto) bị coi là bất xứng và tùy theo mức độ, còn có thể bị tuyệt thông. Nhưng Bộ Giáo Luật 1983, điều 1093, không còn những hình phạt như thế nữa, các giới hạn cũng đã được nới lỏng. Trong khi ấy, tông huấn Familiaris consortio (số 84) và tông huấn Sacramentum caritatis (số 29), nói tới các Kitô hữu này một cách gần như âu yếm, nhắc nhở họ rằng họ vẫn thuộc về Giáo Hội và được mời gọi tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội.

Cùng một chiều tích cực ấy đã đồng thời được Giáo Hội áp dụng trong các phạm vi khác. Thí dụ phạm vi đại kết và tự do tôn giáo chẳng hạn: Giáo Hội vốn có những thông điệp và quyết định gây khó khăn cho chúng. Nhưng Vatican II đã mở nhiều cánh cửa cho 2 vấn đề này tuy không đi ngược lại truyền thống tín lý có tính bó buộc của Giáo Hội. Bởi thế, ta có quyền đặt câu hỏi: có thể áp dụng cùng một chiều hướng phát triển này vào trường hợp ly dị rồi tái hôn dân sự đang bàn ở đây hay không?

Hai tình huống cần xem xét

Đức HY Kasper ngầm cho thấy rằng có, có thể áp dụng được, nhưng phải áp dụng một cách “có sắc thái” (nuanced) vì các tình huống ở đây rất khác nhau và cần được dị biệt hóa một cách thận trọng (FC số 84). Nghĩa là không thể có một giải pháp chung cho mọi trường hợp. Chỉ có hai trường hợp có thể áp dụng mà thôi, và ở cả hai, “tôi chỉ muốn đặt câu hỏi và ấn định ra phương hướng cho các giải đáp có thể có mà thôi. Thượng Hội Đồng sẽ phải đưa ra giải đáp dứt khoát”.

Chủ quan tin rằng cuộc hôn nhân trước vô hiệu

Điều đó đương nhiên. Trường hợp thứ nhất, theo Familiaris consortio, một số người ly dị và tái hôn xác tín một cách chủ quan trong lương tâm của họ rằng cuộc hôn nhân đổ vỡ vô phương cứu chữa trước của họ chưa bao giờ thành sự cả (FC 84). Trên thực tế, “nhiều vị mục tử xác tín rằng nhiều cuộc hôn nhân tuy được kết ước theo hình thức của Giáo Hội, nhưng vẫn không được kết ước một cách thành sự. Vì là một bí tích của đức tin, nên hôn nhân tiền giả định phải có đức tin và việc ưng thuận các đặc tính chủ yếu của nó, tức tính đơn hôn và tính bất khả tiêu”.

Câu hỏi của Đức HY Kasper là: “Nhưng, trong tình huống này, liệu ta có thể giả thiết một cách không vẽ vời rằng các cặp đính hôn có cùng một niềm tin vào mầu nhiệm được bí tích chỉ về và họ thực sự hiểu được và khẳng định được các điều kiện giáo luật để cuộc hôn nhân của họ thành sự hay không? Há sự suy đoán thành hiệu (praesumptio juris) mà từ đó giáo luật tiến hành thường không phải là một hư cấu luật pháp (fictio juris) đó sao?”

Trả lời cho 2 câu hỏi trên, Đức HYKasper cho rằng “Vì hôn nhân, trong tư cách một bí tích, vốn có đặc tính công cộng, nên việc quyết định về tính thành sự của một cuộc hôn nhân không thể nào để mặc cho phán đoán chủ quan của các bên liên hệ. Tuy nhiên, người ta có thể hỏi liệu con đường luật pháp, một con đường trên thực tế vốn không phải là thiên luật (jure divino), nhưng đã được phát triển trong dòng lịch sử, có phải là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề, hay liệu có thể quan niệm được các thủ tục khác, có tính mục vụ và thiêng liêng hơn hay không? Một cách khác, ta có được phép tưởng tượng điều này: giám mục có thể ủy thác nhiệm vụ này cho một linh mục có nhiều kinh nghiệm về thiêng liêng và mục vụ làm đại diện xá giải hay đại diện giám mục”.

Đến đây, Đức HY nhắc tới bài diễn văn của Đức Phanxicô đọc trước Tòa Thượng Thẩm Rôma ngày 24 tháng Giêng, 2014 trong đó có đoạn nói tới việc hai chiều kích luật pháp và mục vụ không đối nghịch nhau, “ngược lại, hệ thống giáo luật vốn có đặc điểm chủ yếu là mục vụ”.

Nhưng mục vụ có nghĩa gì? “Chắc chắn không đơn thuần là dung thứ (indulgence), vốn hiểu sai cả chăm sóc mục vụ lẫn lòng nhân từ. Nhân từ không loại bỏ công lý; nhân từ không phải là ơn thánh giá rẻ hay một loại hàng bán tống bán táng (clearance sale). Chăm sóc mục vụ và nhân từ không mâu thuẫn với công lý, nhưng có thể nói, là sự công chính cao hơn vì phía sau mọi cuộc kháng án luật lệ cá thể nào không những chỉ là một vụ án có thể xem sét bằng lăng kính qui luật tổng quát, mà còn là một con người nhân bản, một con người không những chỉ là một vụ án mà đúng hơn là một hữu thể có một phẩm giá bản vị độc đáo. Điều này khiến ta cần tới một nền giải thích vừa có tính luật pháp vừa có tính mục vụ và là một nền giải thích áp dụng luật lệ tổng quát một cách thận trọng và khôn ngoan, theo đức công bằng và thẳng thắn (fairness), vào một tình huống cụ thể, đôi khi phức tạp. Hay như Đức GH Phanxicô từng nói: một nền giải thích được linh hứng bởi tình yêu của Đấng Chăn Chiên Lành và là lối giải thích thấy phía sau mọi diễn trình là những con người đang chờ mong công lý”.

Với phương thức trên, Đức HY cho ta hiểu nếu chỉ dựa vào hồ sơ nghĩa là dựa vào giấy tờ, và sau hai hay ba phiên tòa, người ta khó có thể đưa ra được quyết định đúng đắn phản ảnh vui buồn hay thăng trầm của một con người mà không biết gì tới con người và tình huống của họ.

Không nên nới rộng thủ tục tuyên bố vô hiệu

Tìm giải pháp bằng cách nới rộng diễn trình tuyên bố vô hiệu là điều lầm lẫn. Vì điều này sẽ gây ấn tượng tai hại là Giáo Hội cư xử một cách bất trung thực bằng cách chấp nhận ly dị trên thực tế. Theo Đức HY, ta cũng cần nhớ rằng ở đây ta đang nói tới cuộc hôn nhân đã thành sự và hoàn hợp giữa những người đã chịu phép rửa nhưng rồi cuộc hôn nhân của họ đổ vỡ một cách vô phương cứu chữa và một người trong số họ kết ước cuộc hôn nhân thứ hai ở tòa đời.

Ngài cho rằng năm 1994, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố, và điều này được Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại trong Đại Hội Gia Đình Thế Giới năm 2012 tại Milan, rằng người ly dị và tái hôn nhất định không thể rước lễ theo bí tích, nhưng có thể rước lễ thiêng liêng. Như thế, vấn đề nêu ra là: Chịu lễ thiêng liêng vẫn là được nên một với Chúa Kitô và do đó đâu có đi ngược lại lệnh truyền của Người, thì tại sao họ lại bị cấm không được rước lễ theo bí tích cũng là việc để nên một với Người? Nếu ta loại các Kitô hữu ly dị và tái hôn có ý hướng tốt ra khỏi các bí tích và bảo họ tìm đến phương cách cứu rỗi ngoài bí tích (extrasacramental), chẳng hóa ra ta nghi vấn cơ cấu bí tích nền tảng của Giáo Hội? Như thế thì cần Giáo Hội để làm gì? Như thế, há ta đã không trả một giá quá cao hay sao?”

Hỏi như thế rồi, Đức HY Kasper cho rằng một số người lý luận rằng chính sự kiện không tham dự vào việc rước lễ đã chứng minh tính thánh thiêng của bí tích. Nhưng “câu hỏi ngược lại là: há việc đó không phải là một bóc lột đối với con người nhân bản sao, nếu ta biến họ thành dấu chỉ cho một điều gì khác khi họ kêu xin giúp đỡ? Có phải ta đang để cho họ chết đói về phương diện bí tích để người khác được sống không?”

Rồi Ngài dẫn chứng: Giáo Hội sơ khai cho ta một gợi ý có thể chỉ đường cho ta ra khỏi thế lưỡng nan, một gợi ý mà Giáo Sư Joseph Ratzinger đã nhắc đến năm 1972. Đó là chính sách chào đón người bỏ đạo (lapsi) trở về: bằng thủ tục thống hối hợp giáo luật, giống phép rửa thứ hai, không bằng nước mà bằng nước mắt, một thứ phao cấp cứu cho người bị đắm tầu.

Dẫn chứng thứ hai: phản ứng của các giáo phụ đối với những người ly dị và tái hôn. Phản ứng này không thống nhất. Nhưng ở một số Giáo Hội địa phương có luật phong tục (customary law) theo đó, các Kitô hữu đang sống trong mối liên hệ thứ hai lúc người phối ngẫu trước vẫn còn sống, sau một thời kỳ thống hối, được quyền, nhất định không phải là kết hôn lần thứ hai, mà là rước lễ. Origen coi việc này “không vô lý”. Thánh Basilêô Cả và Thánh Grêgôriô thành Nazianzus cũng đề cập tới thực hành này. Ngay Thánh Augustinô, người vốn ngặt nghèo về vấn đề này, xem ra không loại bỏ giải pháp này.

Theo Đức HY Kasper, “vì quan tâm mục vụ, ‘để tránh điều tệ hại hơn’, các giáo phụ trên sẵn sàng dung thứ một điều tự nó không thể nào chấp nhận được. Do đó, về phương diện mục vụ, quả có việc thực hành dung thứ, nhân từ và kiên nhẫn và có đủ lý do vững chãi để cho rằng thực hành này đã được Công Đồng Nixêa (325) xác nhận, chống lại chủ nghĩa khắt khe của phái Nôvatiônô (cấm tha tội trọng).

Vì các nhà chuyên môn còn đang tranh luận về các chi tiết có tính lịch sử trong các vấn đề trên, nên Giáo Hội chưa chấp nhận chủ trương nào. Nhưng điều rõ ràng là Giáo Hội luôn tìm cách vượt lên trên cả chủ nghĩa khắt khe lẫn chủ nghĩa lỏng lẻo và sẵn sàng sử dụng tới thẩm quyền tha và buộc đã được chính Chúa ủy thác (Mt 16:19; 18:18; Ga 20:23). Trong Kinh Tin Kính, ta tuyên xưng: tôi tin phép tha tội. Nghĩa là với những ai thống hối, tha thứ là điều khả hữu. Nếu tha thứ là điều khả hữu đối với kẻ giết người, thì nó cũng khả hữu đối với kẻ ngoại tình. Thống hối và phép giải tội là cách nối kết cả hai khía cạnh lại với nhau: nghĩa vụ đối với lời Chúa và nghĩa vụ đối với lượng nhân từ vô tận của Người. Hiểu như thế, lòng nhân từ của Thiên Chúa không phải là một ơn thánh rẻ tiền, được thông ban mà không cần hồi tâm. Đàng khác, các bí tích không phải là phần thưởng dành cho tác phong tốt hay cho một thành phần ưu tú mà loại bỏ những kẻ cần đến chúng hơn hết (EG 47).

Thành thử, câu hỏi đang thách thức ta là: phải chăng con đường vượt trên chủ nghĩa khắt khe và chủ nghĩa lỏng lẻo, con đường hồi tâm vốn phát xuất từ bí tích nhân từ này, tức bí tích giải tội, cũng là con đường ta có thể theo trong vấn đề này?

Hỏi như thế rồi, Đức HY Kasper nêu ra các điều kiện cho một câu trả lời tích cực. Theo ngài, chắc chắn không phải cho mọi trường hợp. Nhưng 1) nếu người ly dị và tái hôn thực sự thống hối vì đã sai phạm trong cuộc hôn nhân đầu; 2) Nếu các cam kết của cuộc hôn nhân đầu đã được minh giải và việc trở lại cuộc hôn nhân ấy nhất quyết không được đặt ra; 3) nếu một trong hai người không thể cởi bỏ các cam kết giả thiết phải có trong cuộc hôn nhân dân sự thứ hai mà không cảm thấy mặc cảm tội lỗi mới; 4) nếu một trong hai người cố gắng hết sức mình trong việc sống cuộc hôn nhân dân sự thứ hai cho phù hợp với đức tin và dưỡng dục con cái trong đức tin; 5) nếu một trong hai người mong được lãnh nhận các bí tích làm nguồn sức mạnh cho tình huống của mình, thì liệu ta có phải từ khước hay có thể từ khước, không cho họ lãnh nhận bí tích giải tội và rước lễ, sau một thời gian tái định hướng không?

Một dè chừng: giải pháp trên, nếu có, không thể là giải pháp chung, áp dụng cho quần chúng nói chung, nhưng là con đường hẹp chỉ dành cho một số người ly dị và tái hôn trung thực tha thiết lãnh nhận bí tích.

Một cảnh cáo: không nhận giải pháp trên, một điều tệ hại hơn có thể xẩy ra: con cái người ly dị và tái hôn, khi thấy cha mẹ không lãnh nhận các bí tích, cũng sẽ không xưng tội và rước lễ nữa. Nếu thế, không những ta đánh mất thế hệ kế tiếp, mà còn nhiều thế hệ tiếp theo nữa. Phải chăng triết lý thực hành mà ta ra công duy trì xưa nay hóa ra lại phản hữu dụng đến thế sao?

Một đóng góp: Về phần Giáo Hội, con đường trên đòi discretio, sự phân biệt thiêng liêng, sự thận trọng mục vụ, và đức khôn ngoan. Đối với Thánh Bênêđíctô, thánh phụ đời sống đơn tu, discretio hay biện phân là mẹ của mọi nhân đức và là nhân đức nền tảng của vị viện phụ. Và dĩ nhiên của cả vị giám mục nữa. Sự biện phân này không hề là một thoả hiệp rẻ tiền giữa những cực đoan của chủ nghĩa khắt khe và chủ nghĩa lỏng lẻo, mà đúng hơn, cũng giống như mọi nhân đức khác, là con đường trung dung đầy trách nhiệm và là biện pháp đúng dắn.

Đức HY mong rằng loại discretio, loại biện phân này, sẽ là đường đi của THĐ sắp tới, giúp ta tìm được một giải pháp vừa làm chứng một cách đáng tin rằng trong các hoàn cảnh khó khăn của con người, Lời Thiên Chúa vừa là sứ điệp tín trung vừa đồng thời là sứ điệp nhân từ, đem lại sự sống và hân hoan.

Các phản ứng

Bản tin Catholic World News ngày 21 tháng Ba, 2014 tường thuật “phát súng” đầu tiên phản bác đề xuất của Đức HY Kasper là của Đức HY Raymond Burke. Xuất hiện trên chương trình “The World Over” (Khắp Thế Giới) của EWTN/TV, vị Hồng Y này nói với người hướng dẫn chương trình là Raymond Arroyo rằng đề xuất của Đức HY Kasper nói trên dường như đi ngược lại tín lý và giáo luật cố cựu của Giáo Hội Công Giáo.

Ngài bảo: “theo lượng giá của tôi trong tư cách một nhà giáo luật học, tôi không nghĩ đề xuất này khả hữu’. Đức HY Burke hiện là chủ tịch Toà Án Tối Cao (apostolic signatura) của Giáo Hội. Ngài nói thêm: “tôi tin rằng trong những ngày tới… sự lầm lẫn của phương thức này sẽ trở nên rõ ràng hơn”.

Vị Hồng Y người Hoa Kỳ này cho biết lý do tại sao ngài lên tiếng: thoạt đầu, bài diễn văn của Đức HY Kasper được bảo mật vì chỉ dành cho các vị Hồng Y thảo luận mà thôi. Nhưng sau đó, nó đã “bị” quảng bá sâu rộng, nên buộc lòng ngài phải lên tiếng.

Phản kiến thứ hai: chiều kích đích thực của lòng từ bi. Một trong các lời ca ngợi của Đức Phanxicô đối với Đức HY Kasper là các cái nhìn thông sáng của ngài về lòng từ bi thương xót, điều được ngài nhấn mạnh nhiều trong phương thức mới đối với người ly dị tái hôn. Một lòng từ bi bị Đức HY Burke coi là lầm lẫn, rẻ tiền. Ta thử xem thêm quan điểm của Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, về lòng từ bi trong ngữ cảnh cuộc tranh luận hiện nay về người ly dị tái hôn.

Tháng Sáu vừa qua, Carlos Granados, giám đốc Tủ Sách Các Tác Giả Kitô Giáo ở Madrid, có phỏng vấn Đức HY Muller. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức HY trả lời nhiều câu hỏi liên quan tới đề tài đang bàn ở đây.

Trước nhất, được hỏi có thể có thay đổi trong huấn quyền về người ly dị tái hôn hay không, Đức Hồng Y cho hay: “ngay một công đồng cũng không thể thay đổi tín lý của Giáo Hội… Chúng ta đã có một tín lý được khai triển và có cấu trúc đàng hoàng về hôn nhân, dựa trên lời Chúa Giêsu mà ta phải trình bày một cách trọn vẹn. Tính bất khả tiêu tuyệt đối của một cuộc hôn nhân thành sự không phải chỉ là một học thuyết, mà đúng hơn là một tín điều thần thánh đã được Giáo Hội định tín. Trước việc đổ vỡ trên thực tế của một cuộc hôn nhân thành sự, cuộc hôn nhân dân sự mới không thể được chấp nhận. Nếu chấp nhận, ta sẽ đối diện với một mâu thuẫn, vì nếu cuộc kết hợp trước, cuộc hôn nhân “thứ nhất”, thực sự là một cuộc hôn nhân, thì cuộc kết hợp sau không phải là “hôn nhân”…

Được hỏi hiện người ta đang nói tới khả thể cho phép các người phối ngẫu “bắt đầu sống trở lại một lần nữa”. Người ta cũng đang nói rằng tình yêu giữa các người phối ngẫu Kitô Giáo có thể “chết”. Điều ấy có đúng không? Đức HY Muller trả lời rằng: những lý thuyết này đều lầm cả. Người ta không thể viện cớ tình yêu giữa hai người phối ngẫu “đã chết” để tuyên bố một cuộc hôn nhân không còn nữa. Tính bất khả tiêu của hôn nhân không tùy thuộc tình cảm của con người, nó là một đặc tính do chính Thiên Chúa dự kiến… Cho nên, có thể ngưng hiệp thông thể lý qua việc sống chung và yêu thương, một điều ta vốn gọi là ly thân, nhưng không được phép tái hôn bao lâu người phối ngẫu của mình còn sống.

Thế còn lòng cảm thương? Có thể lấy nó làm luật trừ cho luật luân lý chăng? Đức HY Muller trả lời nguyên văn như sau: “Nếu ta mở Tin Mừng, ở đoạn đối thoại với Biệt Phái về ly dị, ta sẽ thấy cả Chúa Giêsu cũng đã có ý đặt một song hành giữa “ly dị” và “cảm thương” (xem Mt 19:3-12). Người tố cáo Biệt Phái không có lòng cảm thương, vì theo lối giải thích Lề Luật tinh vi của họ, họ kết luận rằng chính Môsê đã cho phép rẫy vợ. Nhưng Chúa Giêsu nhắc ta nhớ rằng lòng cảm thương của Thiên Chúa đã chống lại các yếu đuối nhân bản của ta. Thiên Chúa ban cho ta ơn thánh của Người để ta có thể sống trung thành.

“Đấy mới là chiều kích đích thực của lòng cảm thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa tha thứ cả thứ tội nặng nề như ngoại tình; nhưng Người không cho phép một cuộc hôn nhân khác khiến người ta hoài nghi cuộc hôn nhân bí tích đang hiện hữu, là cuộc hôn nhân thực sự mới nói lên sự trung thành của Thiên Chúa. Nại tới điều được coi là lòng cảm thương tuyệt đối của Thiên Chúa như kể trên cũng giống như việc chơi chữ không giúp ta được gì trong việc làm sáng tỏ vấn đề. Trên thực tế, đối với tôi, dường như đấy là cách khiến người ta không chịu tìm hiểu sự sâu xa của lòng thương xót chân thực nơi Thiên Chúa.

“Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy một số nhà thần học sử dụng cùng một lối suy luận như trên về lòng cảm thương để lấy cớ cho phép những người ly dị và nay kết hôn ở ngoài dân sự được lãnh nhận các bí tích. Tiền đề là vì Chúa Giêsu đứng về phía với người đau khổ, tỏ tình yêu đầy cảm thương đối với họ, nên lòng cảm thương là dấu chỉ đặc biệt lên đặc điểm cho mọi hình thức làm môn đệ. Điều này đúng một phần. Tuy thế, nhắc tới lòng cảm thương một cách lầm lẫn sẽ có nguy cơ trầm trọng là tầm thường hóa hình ảnh Thiên Chúa, theo đó, Thiên Chúa không có tự do, mà đúng hơn bị buộc phải tha thứ. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tỏ lòng thương xót ta: vấn đề là ta mệt mỏi không xin tha thứ nữa, không khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi ta, như Đức GH Phanxicô luôn nhắc nhở trong một năm rưỡi đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài.

“Các sự kiện trong Thánh Kinh cho ta thấy rằng ngoài lòng cảm thương, sự thánh thiện và đức công chính cũng thuộc mầu nhiệm Thiên Chúa. Nếu ta cố tình làm mờ nhạt các phẩm tính này của Thiên Chúa và tầm thường hóa thực tại của tội lỗi, thì đâu còn cần phải nhân danh Người mà khẩn cầu Thiên Chúa xót thương làm gì nữa. Điều này khiến ta hiểu tại sao sau khi xử sự một cách hết sức cảm thương đối với người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu đã nói thêm một biểu hiệu nữa của tình yêu nơi Người: ‘Hãy đi và đừng phạm tội nữa’ (Ga 8:11). Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là miễn chước ta khỏi thi hành các giới răn của Người và các lời dạy của Giáo Hội. Nó hoàn toàn trái ngược với điều đó: Trong lòng xót thương vô biên của Người, Thiên Chúa ban cho ta sức mạnh của ơn thánh để ta chu toàn các giới răn của Người và nhờ thế tái lập trong ta hình ảnh hoàn hảo của Người như Cha Trên Trời, sau khi ta sa ngã”.

Trả lời một câu hỏi khác, Đức HY Muller cho rằng rước lễ nói lên mối liên hệ bản thân và cộng đoàn với Chúa Giêsu Kitô. Không như anh em Thệ Phản, đối với người Công Giáo, có một kết hợp hoàn toàn giữa Kitô học và Giáo Hội học: ta không thể có mối liên hệ bản thân với Chúa Kitô và với Thân Thể đích thực của Người trong bí tích bàn thờ mà lại đồng thời mâu thuẫn với cùng một Chúa Kitô và nhiệm thể của Người hiện diện trong Giáo Hội và trong sự hiệp thông Giáo Hội. Cho nên, ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng nếu ai thấy mình trong tình trạng tội trọng, thì không thể và đừng nên rước lễ.

Điều trên không chỉ áp dụng vào trường hợp người ly dị và tái hôn, mà đúng hơn còn áp dụng vào mọi trường hợp trong đó có việc khách quan bác bỏ những gì Thiên Chúa muốn cho ta. Theo định nghĩa, đó là sợi dây được thiết lập trong các bí tích. Chính vì thế, ta phải cẩn trọng chống lại quan niệm duy nội tại (immanentist) về bí tích Thánh Thể, một chủ trương đặt nền tảng trên một chủ nghĩa duy cá nhân thái quá, biến việc lãnh nhận các bí tích hay tham dự vào hiệp thông Giáo Hội tùy thuộc nhu cầu hay khiếu thẩm mỹ của cá nhân.

Đối với một số người, chìa khóa của vấn đề là ước muốn được rước lễ theo bí tích, như thể ước muốn này là một quyền lợi. Với nhiều người khác, rước lễ đơn thuần chỉ là cách nói lên tư cách thành viên của mình trong cộng đồng. Lẽ dĩ nhiên, không thể quan niệm bí tích Thánh Thể theo lối giản lược coi nó như biểu thức của một quyền lợi hay căn tính cộng đồng: Thánh Thể không thể là “một cảm nhận xã hội”!

Đôi khi có người gợi ý rằng quyết định rước lễ nên dành cho lương tâm cá nhân của người ly dị và tái hôn. Luận điểm này cũng nói lên một quan niệm sai lầm về “lương tâm”, từng bị Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin bác bỏ năm 1994. Trước khi lên rước lễ, tín hữu biết họ phải xét lương tâm, một việc cũng buộc họ phải không ngừng đào tạo lương tâm này và do đó phải sốt sắng đi tìm sự thật.

Nhưng còn vấn đề phải thích nghi tín lý vào “thực tế mục vụ”, tuy không thay đổi nó, thì sao? Đức Hồng Y cho rằng việc tách biệt đời sống khỏi tín lý là một trong các đặc điểm của chủ nghĩa nhị nguyên ngộ đạo. Giống như việc tách biệt công lý ra khỏi cảm thương, Thiên Chúa ra khỏi Chúa Kitô, Đức Kitô Thầy Dạy ra khỏi Đức Kitô Chăn Dắt, hay Đức Kitô ra khỏi Giáo Hội. Chỉ có một Đức Kitô. Đức Kitô bảo đảm sự hợp nhất giữa Lời Thiên Chúa, tín lý, và chứng từ đời sống. Mọi Kitô hữu đều biết rằng chỉ nhờ tín lý vững vàng, ta mới đạt tới đời sống vĩnh cửu.

Nhưng có nhiều lý thuyết hiện nay nhằm biến tín lý Công Giáo thành một thứ bảo tàng viện trưng bày các học thuyết Kitô Giáo, một thứ khu bảo tồn chỉ được một ít chuyên viên lưu tâm. Đời sống sẽ không có gì liên quan tới Chúa Giêsu Kitô như Người vốn là và như Giáo Hội vốn dạy về Người. Kitô Giáo đúng nghĩa trở thành một thứ tôn giáo dân sự mới, chính xác về chính trị và bị rút gọn vào một số giá trị được xã hội khoan dung. Điều này sẽ giúp một số người đạt được mục tiêu ngầm của họ: loại bỏ Lời Chúa, nhường chỗ cho ý thức hệ trong cố gắng kiểm soát toàn bộ xã hội.

Chúa Giêsu không trở thành xác phàm để trình bày một số lý thuyết đơn giản nhằm làm cho lương tâm thanh thản và cuối cùng để mặc sự việc ở nguyên trạng. Sứ điệp của Chúa Giêsu là cuộc sống mới. Ai đó nếu nghĩ và sống bằng cách tách biệt đời sống ra khỏi tín lý, không những đã làm méo mó tín lý của Giáo Hội bằng cách biến nó thành một thứ ngụy triết lý duy lý tưởng mà còn tự lừa dối chính mình. Sống làm Kitô hữu là sống trên căn bản đức tin vào Thiên Chúa. Giả mạo sự sắp xếp này là thực hiện một thỏa hiệp dơ bẩn giữa Thiên Chúa và ma qủy.

Trả lời một câu hỏi khác nói rằng một số Giáo Phụ có khuynh hướng khoan dung đối với những cuộc hôn nhân thứ hai trong khi người phối ngẫu đầu vẫn còn sống, Đức HY Muller cho hay: trong khoa giáo phụ học, quả có những giải thích hay thích ứng vào đời sống cụ thể, tuy nhiên, vẫn không có chứng từ giáo phụ nào ngả về phía chấp nhận cuộc hôn nhân thứ hai khi người phối ngẫu đầu còn sống.

Dĩ nhiên, tại Phương Đông Kitô Giáo, một số mơ hồ lẫn lộn diễn ra giữa luật dân sự của hoàng đế và luật lệ của Giáo Hội, từ đó, phát sinh ra nhiều tập tục mà trong một vài vụ quả có đưa tới việc chấp nhận ly dị. Nhưng dưới sự lãnh đạo của giáo hoàng, Giáo Hội Công Giáo trong nhiều thế kỷ qua đã khai triển ra một truyền thống khác được đưa vào bộ giáo luật hiện hành và vào nhiều qui định khác của Giáo Hội, một truyền thống minh nhiên chống lại bất cứ mưu toan nào nhằm thế tục hóa hôn nhân. Điều này cũng xẩy ra trong một số cộng đồng Kitô Giáo Phương Đông.

Đức HY cũng cho rằng đôi khi ta thấy một số trích dẫn Giáo Phụ tuy khá chính xác nhưng ra ngoài ngữ cảnh nhằm hỗ trợ khả thể ly dị và tái hôn. Ngài không tin rằng điều đó đúng theo cái nhìn của phương pháp học khi cô lập hóa một bản văn, lấy nó ra khỏi ngữ cảnh, biến nó thành một trích dẫn biệt lập, tách biệt khỏi bức tranh toàn diện của truyền thống. Trọn bộ truyền thống thần học và huấn quyền phải được giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng, và liên quan tới hôn nhân, ta tìm thấy những lời dạy tuyệt đối rõ ràng của chính Chúa Giêsu. Ngài không nghĩ ta có thể đưa ra một giải thích khác với lời giải thích đã được trình bày trong thánh truyền và huấn quyền của Giáo Hội mà không bất trung với Lời nhập thể.

 Vũ Văn An

Ác giả ác báo

(Chúa Nhật XXVII TN, năm A)

Chúng ta thường nghe nói luật “Nhân – Quả”. Nhân Quả là một phạm trù dùng để chỉ mối liên hệ nguồn gốc tất yếu của các hiện tượng, trong đó hiện tượng này (nguyên nhân) sản sinh ra hiện tượng khác (kết quả). Người Việt cũng có khái niệm Nhân Quả khi nói: “Ở hiền gặp lành” (tích cực), “gieo gió gặt bão” (tiêu cực), hoặc “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”,… Người Anh cũng có cách nói tương tự: “You reap what you sow” (Bạn gặt những gì bạn gieo). Có lẽ cũng có thể so sánh luật Nhân Quả tương tự loại vũ khí Boomerang của thổ dân Úc, ném đi rồi nó lại quay về mình.

 

Nguyên lý Nhân Quả trong đời sống diễn ra theo quá trình mà “phần biết” và “phần được biết” chỉ là sự phân lập từ một tổng thể là “cái biết”, cho nên hiện tượng nó tạo ra sẽ được gọi là “hiện tượng nội sinh” – một hiện tượng mà Phật học gọi là “kamma” (nghiệp, nghiệp chướng). Theo Phật giáo, hiện tượng này không do một đấng quyền năng tối cao hay một thế lực siêu nhiên nào chi phối, nên “nhân quả” được xem là nguyên lý quan trọng nhất của đời sống, khi các vấn đề của đời sống được tìm hiểu từ trong bản chất của nó.

 

Chúng ta cũng nghe nói: “Ác giả ác báo”. Đó là nói tắt của câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”. “Ác giả” là người xấu, việc ác; “ác báo” là điều ác đáp lại. “Thiện giả” là người tốt, việc tốt; “thiện lai” là điều lành đáp lại. “Ác giả ác báo” nghĩa là người làm việc ác thì gặp điều ác báo lại, hoặc việc ác này sẽ bị việc ác khác báo lại – thường gọi là “quả báo”. Câu này nêu lên sự ảnh hưởng tương tác của hành động, ngụ ý khuyên người ta chớ làm việc ác để tránh điều ác, và nên ăn ở hiền lành để gặp sự lành: “Ở hiền gặp lành”. Người Tây phương còn nói một câu theo tinh thần của Kinh Thánh: “Kẻ nào đào hố bẫy ai thì kẻ đó sẽ rơi xuống hố”.

 

Trình thuật Is 5:1-7 là “Bài Ca Vườn Nho”. Bài ca này chắc hẳn có giai điệu thánh thót, với ca từ như sau:

 

Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình.

Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ.

Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng,

Giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho.

Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại.

Vậy bây giờ, dân Giêrusalem và người Giuđa hỡi,

Xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho.

Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?

Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?

Vậy bây giờ, tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi:

Hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.

 

Người gieo trồng luôn muốn điều tốt, thế mà điều xấu lại xảy ra với họ. Người Việt không xa lạ gì với nông nghiệp, nông dân luôn muốn lúa và hoa màu tốt tươi để có vụ thu hoạch cao, thế mà có khi mùa màng lại thất bát, thậm chí họ bị trắng tay. Tương tự, có lần Chúa Giêsu cũng đã kể dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” (Mt 13:24-30). Tác giả “Bài Ca Vườn Nho” kể cho người bạn thân nghe biết về vườn nho của mình. Tác giả (tức là chủ nhân) muốn có nho tốt mà lại chỉ thấy nho dại. Thất vọng ê chề, chủ nhân đành phải chặt phá hàng giậu cho “vườn bị tan hoang” và đập đổ tường cho “vườn bị giày xéo”.

 

Nước Trời được ví với nhiều thứ, một trong các thứ đó là “vườn nho”. Tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng” (Tv 80:9). Vì là giống tốt nên “bóng um tùm phủ xanh đầu núi, cành sum sê rợp bá hương thần, nhánh vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả” (Tv 80:12). Nhưng rồi điều bất thường xảy ra: “Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang” (Tv 80:13-14).

 

Vường hoang, nhà trống. Chắc chắn không là lỗi của chủ nhân bất cẩn hoặc bỏ mặc, mà vì kẻ xấu. Đó là chính các tội nhân chúng ta đã làm hư hại Vườn Nho của Thiên Chúa. Nhưng mặc lấy tâm tình yêu thương của Đấng giàu lòng thương xót, tác giả Thánh Vịnh vẫn chân thành và tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ, bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non được Ngài ban sức mạnh” (Tv 80:15-16).

 

Không chỉ vậy, tác giả Thánh Vịnh còn đại diện cho cả nhân loại mà thề hứa trước Tôn Nhan Thiên Chúa: “Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài. Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80:19-20). Và rồi Thiên Chúa đã thương xót mà bỏ qua tất cả, để chúng ta lại được làm con cái Ngài và được thừa kế gia nghiệp của Ngài. Chúng ta diễm phúc lắm! Vậy chúng ta phải làm gì để tạ ơn Ngài? Đó là điều mỗi chúng ta phải tự trả lời cho rạch ròi và dứt khoát.

 

Tuy nhiên, đừng run sợ mà bạt vía kinh hồn, vì Thiên Chúa nhân hiền, không chấp lách chi đâu, chỉ cần chúng ta biết chân thành nhận lỗi là Ngài Ô-kê ngay. Thánh Phaolô cũng động viên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7). Thế thì còn gì bằng, chả lo sợ chi nữa. Chúa mà. Thánh Clara cũng đã từng nói với các nữ tu: “Đừng sợ! Hãy tín thác vào Chúa Giêsu!”. Nhưng cũng đừng vội thấy vậy mà ỷ lại đấy. Ỷ lại hoặc ảo tưởng là chết chắc!

 

Thánh Phaolô dặn dò thêm: “Ngoài ra, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em” (Pl 4:8-9). Hai cụm từ “hãy để ý” và “hãy đem ra thực hành” rất quan trọng. Đó cũng là mệnh lệnh, phải nhận thức và ghi nhớ nằm lòng. Nghe ngắn gọn và đơn giản nhưng lại không dễ dàng thực hiện!

 

Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Mt 21:33-43) là dụ ngôn “Những Tá Điền Sát Nhân” (tương đương Mc 12:1-12 và Lc 20:9-19). Câu chuyện rất thực tế. Trong đó cũng có vấn đề liên quan lòng đố kỵ, ganh tị và ghen ghét: “Con gà tức nhau tiếng gáy”.

 

Một hôm, Chúa Giêsu bảo người ta hãy nghe một dụ ngôn khác về những con người lòng lang dạ thú: Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: Chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng chúng sẽ nể người con đó. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”. Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.

 

Chúa Giêsu thản nhiên hỏi họ: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”. Họ đồng thanh: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. Đức Giêsu vừa cười vừa gật gù vì thấy họ nói đúng, rồi Ngài bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”. Ngài biết họ là những kinh sư và thầy thông luật, thuộc Cựu ước làu làu, dẫn chứng câu mấy rạch ròi, thế nên Ngài “nhắc khéo” họ về Thánh Vịnh: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118:22).

 

Rồi Ngài kết luận: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi, không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi (Mt 21:43). Đó cũng là lời Đức Giêsu Kitô đang “nhắc khéo” mỗi chúng ta về cách hành xử với Thiên Chúa và với tha nhân, đặc biệt là những người “yếu thế” hơn mình, về cả vật chất lẫn tinh thần. “Đá Tảng” đó là gì hoặc là ai? Không còn ai trồng khoai đất này, đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết để cứu độ chúng ta, mà chính tay chúng ta cũng nhúng chàm, mỗi chúng ta cũng là thủ phạm đã giết Con Thiên Chúa. Chúng ta không trực tiếp đóng đinh Chúa Giêsu, nhưng chúng ta trực tiếp sát hại Ngài khi chúng ta “giết” tha nhân bằng nhiều loại đinh nhọn và sắc bén: Lời nói, ánh mắt, cử chỉ, thái độ, hành động,…

 

Và chính Chúa Giêsu hôm nay lại một lần nữa cảnh báo mỗi chúng ta: “Ai ngã xuống ĐÁ này, kẻ ấy sẽ tan xương; ĐÁ này rơi trúng ai sẽ làm người ấy nát thịt” (Mt 21:44). Thật đáng sợ biết bao! Đúng là đáng sợ thật, vì Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Nếu không sám hối thì sẽ chết hết” (Lc 13:3). Ai cũng là tội nhân, vấn đề hơn thua nhau chỉ là biết nhận lỗi và có sám hối hay không.

 

Các tư tưởng lớn sẽ có lúc gặp nhau. Các hiền triết cũng có quan niệm giống nhau về khái niệm “ác giả, ác báo”. Đó là một dạng ý thức hệ. Khổng Tử nói: “Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa” – Người làm điều tốt lành thì trời lấy phúc báo đáp lại người đó, kẻ làm điều không tốt lành thì trời lấy họa báo đáp lại kẻ đó. Trang Tử nhận định: “Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác tự giai khởi” – Nếu một ngày không nghĩ đến điều thiện, mọi điều ác sẽ tự dấy lên. Sách “Minh Tâm Bửu Giám” ghi: “Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác” – Làm việc thiện sẽ được điều tốt, làm việc ác sẽ gặp điều xấu. Các hiền triết cũng chỉ là phàm nhân mà họ vẫn có thể nhận biết như vậy, tư tưởng gần gũi với Đức Kitô, họ đúng là thánh nhân rồi, thật đáng khâm phục và đáng để chúng ta noi gương lắm!

 

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết nhận mình là kẻ xấu để không ảo tưởng, nhờ đó mà chúng con biết mở mắt-đức-tin to ra để có thể nhìn thấy cái-xà-tội-lỗi của mình chứ không nhìn thấy cái rác nơi tha nhân. Xin giúp chúng con biết tích đức chứ không tích ác để hoàn thiện từng giây phút cho đúng Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

 

GIA ĐÌNH THÁNHLỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG

Năm 1925, nhân dịp phong Thánh cho Têrêsa, Đức Hồng Y Pacelli (sau này là Đức Giáo Hoàng Piô XII) đại diện Tòa Thánh sang Pháp làm phép đền thờ kính Thánh nữ tại Lisieur. Ngài đã nói: “Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người, các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người… Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi… Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”. Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung Têrêsa và nói: “Đây là vị Thánh lớn nhất thời hiện đại”.

 

Chính lòng yêu mến Chúa và con đường nhỏ đã đưa Têrêsa lên thành một vị thánh lớn.            

     

  1. Bậc Thầy của Giáo Hội.

 

Sau 28 năm từ trần, Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được Giáo Hội phong thánh năm 1925. Hai năm sau, Ngài được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng Ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1997. Như vậy, Giáo Hội tuyên phong thánh Têrêxa là bậc thầy trong đời sống đức tin và là bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo.

 

Tại sao một Nữ Tu nhà kín suốt đời sống trong bốn bức tường tu viện mà lại được Giáo Hội tôn lên Bậc Thầy như thế? Suốt đời, Têrêsa không đi đâu cả, 15 tuổi đã vào dòng kín. Vị Nữ Tu trẻ tuổi qua đời lúc mới 24 tuổi, sau 9 năm vào dòng Cát Minh. Một Nữ Tu Dòng Kín chẳng đi đâu, chẳng nói với ai, thế mà Giáo Hội tôn phong là Tiến sĩ và Bổn mạng các xứ truyền giáo! Thánh Têrêsa trở thành Bậc Thầy của Giáo Hội chính là vì Ngài đã sống trọn vẹn tình yêu và đi bằng con đường thơ ấu thiêng liêng.

 

  1. Yêu mến Chúa

 

Thánh Têrêsa hết lòng yêu mến Chúa. Ngài luôn tâm niệm: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa; vâng, con yêu mến Chúa.”. Ngài yêu mến Chúa thiết tha, mãnh liệt và rất tự nhiên, thật đơn sơ. Ngài yêu Chúa như một trẻ thơ yêu cha mẹ, rất hồn nhiên trong sáng. Ngài tâm đắc những lời Chúa Giêsu nói về các trẻ em: “Cứ để mặc trẻ em, đừng ngăn cấm chúng đến với Thầy, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” (Mt 19,14); “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” (Mt 18,3).

 

Khi đọc thư thánh Phaolô, Têrêsa khám phá ra điều này: Giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu, các Tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng; nếu không có tình yêu, các vị Tử đạo đã chối từ đổ máu. Cho nên tình yêu là tất cả. “Tôi cảm thấy tình yêu thấm vào trái tim tôi. Tôi cảm thấy cần phải quên mình để làm đẹp lòng tha nhân. Và kể từ đó, tôi sống hạnh phúc”. Và Ngài còn nói thêm: Giữa lòng Hội Thánh tôi sẽ là tình yêu. Vì thế tôi sẽ là tất cả.

 

Têrêxa đã sống và âm thầm loan truyền sứ điệp của mình là yêu và chấp nhận được yêu. Càng ngày càng trở nên nhỏ bé để được Thiên Chúa bồng bế trên tay Người. Đời sống tận hiến làm hy lễ tình yêu lân tuất của Thiên Chúa. Tận tụy làm vinh danh Giáo Hội bằng cách cứu vớt các linh hồn. Têrêsa đã sống một tình yêu mãnh liệt đối với Thiên Chúa, đối với tất cả mọi người. Têrêsa cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế “. Biết mình nhỏ bé, Ngài luyện tập những nhân đức bé nhỏ. Thích âm thầm chuyên lo làm vui lòng Chúa bằng những hy sinh nhỏ mọn mà chỉ một mình Chúa biết. Ngài không bỏ qua một dịp hy sinh nào có được và cố gắng làm cho đời mình thành một cuộc tử đạo vì tình yêu Chúa. Chẳng hạn: uống thuốc đắng từng giọt để “kéo dài một việc hãm mình nhỏ mọn“; trong công việc chung, chọn những phần khó nhọc hơn, hay khi trời nóng, “chọn nơi ngồi bất tiện hơn cho mình để dành chỗ mát mẻ cho chị em”; chấp nhận cho kẻ khác đến quấy rầy mình; tránh tìm kiếm tiện nghi… Có tình yêu thì việc nhỏ sẽ trở thành việc có giá trị lớn. Thánh Nữ gọi làm những việc như thế là “tung hoa” cho Chúa: “Vâng lạy Đấng lòng con yêu mến, cuộc đời con sẽ tiêu hao như vậy đó … Con không có phương pháp nào khác để minh chứng với Chúa tình yêu của con ngoài việc tung hoa, nghĩa là không để mất một hy sinh nhỏ nào, một cái nhìn nào, một lời nói nào; con sẽ lợi dụng tất cả mọi việc nhỏ nhặt nhất và làm chúng với cả một tâm tình yêu mến… Con muốn chịu đau khổ vì yêu mến, như vậy con sẽ tung hoa trước ngai Chúa; hễ gặp bất cứ bông hoa nào là con cũng rứt cánh dâng cho Chúa … rồi tay thì tung hoa, miệng thì ca hát (làm sao có thể khóc được khi làm một việc vui như thế), và con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu…. Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng “hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau‘  (Thủ bản Tự Thuật).Chính tình yêu Chúa đã chắp cánh cho Têrêsa đi khắp nơi và nói chuyện với mọi người. “Tôi muốn sống cả thời gian trên thiên đàng để làm ích cho dưới thế”;“Tôi sẽ làm mưa xuống những trận hoa hồng”;“Sứ mệnh của tôi là mến yêu”.Tình yêu không đi bằng bước chân nhưng đi bằng trái tim. Tình yêu không nói bằng lời nhưng bằng cầu nguyện. Thiên Chúa đã ban cho Têrêsa một huyền nhiệm về tình yêu. Têrêsa đã đến với mọi người, đến với mọi trái tim bằng tình yêu.

 

  1. Con đường thơ ấu thiêng liêng

 

Têrêsa yêu mến Chúa với một tâm hồn trẻ thơ. Suốt cuộc đời, Ngài đã sống như một trẻ thơ và giữ một tâm hồn thơ trẻ đối với Chúa. Chính điều đó đã làm cho Ngài nên cao trọng.

 

Chẳng bao lâu, sau khi Têrêsa qua đời, tiếng tăm của Ngài đã vang lừng khắp Giáo Hội, làm dấy lên một phong trào rầm rộ những người đi theo “con đường thơ ấu thiêng liêng” của Ngài. Đó là một trong những “trường tu đức” (linh đạo) quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo thánh Nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình. “Con đường thơ ấu thiêng liêng” là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ. Thánh Têrêsa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm, đó là: trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những đứa con thảo đầy tin tưởng và phó thác. Thánh Têrêsa bám chắc vào giáo lý này với tất cả sức lực của Ngài và cố gắng thực hành nó gần như sát mặt chữ. Sống thật sự như trẻ thơ là cách chắc chắn nhất, đơn giản nhất để làm đẹp lòng Chúa Cha. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ bởi vì Chúa Giêsu đã dạy chỉ các trẻ em và những ai giống như chúng mới được vào Nước Trời. Đứa bé càng nhỏ, càng yếu đuối thì lại càng phải và có thể cậy dựa vào lòng thương xót, sự giúp đỡ và chăm sóc tận tình của cha mẹ và những người khác chung quanh. Áp dụng “phương pháp lên trời” hay sử dụng “chiếc thang máy“, thánh Têrêsa không cần phải tìm kiếm những việc cao siêu, to tát, nổi bật, chỉ cần rèn luyện cho mình thái độ làm con, và làm con bé nhỏ của Cha trên trời, ấy là hết lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác. Mọi sự đều để mặc Cha lo, dù đầy khuyết điểm hay tội lỗi cũng không sợ! Càng tiến sâu vào con đường này, Ngài càng được tình yêu Chúa chiếm đoạt trọn vẹn hơn. Thánh nhân đưa tình yêu đó thấm nhuần mọi việc làm, mọi khó khăn thử thách gặp phải, mọi sự khó chịu của cuộc sống chung. Biến tất cả thành những lễ vật dâng lên Chúa. Thánh Têrêsa đã đưa lý tưởng nên thánh đến gần và vừa tầm với mọi người.

 

Trẻ thơ hoàn toàn tín thác vào cha mẹ. Trẻ thơ không biết phân biệt thân thù. Người lớn không thể trở nên như trẻ thơ về phương diện thân xác, nhưng có thể trở nên như trẻ thơ về phương diện tinh thần. Đó là điều kiện cần và đủ để được vào Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô: “ Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” (Ga 3,3). “Sinh ra một lần nữa bởi ơn Trên” có nghĩa là con người cần phải “lột xác” để trở nên như một trẻ thơ, một người bé mọn. Chúa Giêsu đã từng nói, chỉ có người bé mọn mới nhận được ơn mạc khải chân lý của Thiên Chúa: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25). Khi các môn đệ hỏi: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”, Chúa Giêsu đã trả lời: “Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mc 18,3-4). Trẻ nhỏ không có những tham vọng danh lợi, quyền bính, dục tình, không có những mưu mô thủ đoạn…Vì thế, trẻ nhỏ không có tội lỗi. Trẻ nhỏ không có tính kiêu ngạo. Trẻ nhỏ đơn sơn thánh thiện. “Người ta càng gần Chúa, càng hóa đơn sơ”.

 

  1. Gia đình Thánh

 

Lúc sinh thời, Thánh Têrêsa đã vẽ một họa tiết gồm hai bông hồng và năm cánh huệ, ghép vào Thánh Giá Chúa Kitô trên chiếc áo choàng biếu mẹ là Chân Phước Zélie. Hai bông hồng tượng trưng cho song thân là Ông Louis Martin và Bà Zélie Guérin. Năm bông huệ trắng là năm con gái của Chân Phước : bốn người là nữ tu Dòng Kín Carmel (Lisieux) và một Dòng Đức Bà Thăm Viếng (Le Mans). Một gia đình thánh thiện tuyệt vời.

 

 

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh. Đó là một ơn gọi rất cao cả như lời Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Công Ðồng Vatican II cũng lập lại ý tưởng đó: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11.3). Trong các thư của Thánh Phaolô, ngài gọi các tín hữu là những vị thánh. Qua Bí Tích Rửa Tội, mọi tín hữu được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II nói rằng: thành công đẹp nhất của một cuộc đời là sự thánh thiện. Tin Chúa, yêu Chúa và sống theo lời Chúa dạy qua Tám Mối Phúc Thật, mọi tín hữu sẽ nên thánh.

 

Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN hướng dẫn các gia đình: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta.” (số 9).

 

Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và sự ân cần chăm sóc.Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.Từ mái ấm gia đình, cha mẹ con cái siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên chăm Kinh Nguyện tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau, thì “Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”. Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ. Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên ”dùng gương lành và lời nói,truyền dạy đức tin cho con cái” (Hiến chế tín lý về Giáo hội số 11).Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương,cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở (Sắc lệnh tông đồ giáo dân số 11).Cha mẹ chăm lo giáo dục nhân bản và giáo dục tâm linh cho con cái.Với con cái, cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của Chúa (GLTC # 2225). Hạt giống đức tin nơi trẻ em được gieo và chăm sóc trong môi trường gia đình sẽ phát triển thành cây đức tin.Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt. Dạy giáo lý như cung cấp chất dinh dưỡng. Tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm, cây đức tin nơi đứa trẻ sẽ phát triển và đơm bông kết trái. Dạy giáo lý tại gia đình, cha mẹ góp phần với Hội Thánh trong sứ vụ đào tạo đức tin cho con cái.

 

Con đường nên thánh của Têrêsa khởi đi từ Phúc Âm. Con đường tu đức theo hạnh “trẻ thơ” phù hợp vời hết mọi gia đình Công giáo. Nhiều người đã đi và đã nên hoàn thiện đời mình. Nhiều gia đình đã sống và làm cho mọi thành viên trở nên thánh thiện tốt lành.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An