Tuyên bố của các bề trên thượng cấp Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương về thông điệp Laudato si’

Chúng tôi, các bề trên thượng cấp Vùng Châu Á Thái Bình Dương chân thành và phấn khởi chào đón thông điệp Laudato si’ (Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta).

2015_07_major_superiors_visit_xavier_jesuit_school.jpg
Các bề trên thượng cấp Vùng Châu Á Thái Bình Dương thăm dự án xây dựng trường Xaviê

Ngài đã thu hút sự chú ý đến nhu cầu cấp bách cho sự hòa giải với tạo thành vốn là một trong những ưu tiên tông đồ của chúng ta ở Châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi thúc giục tất cả thành viên trong Vùng, các cộng tác viên và tất cả những người mà chúng ta đang tìm kiếm và phục vụ họ hãy đáp lại cách sâu xa và quảng đại yêu cầu của Đức Thánh Cha.

 

Nhiều sứ vụ Dòng Tên của chúng ta có những ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng bước đi thiết yếu đầu tiên sẽ là một cuộc hoán cải mang tính cá nhân đối với mỗi người trong chúng ta. Rõ ràng rằng chúng ta có đề cập đến những vấn đề liên quan đến môi sinh trong tiến trình huấn luyện Giêsu hữu và đây cũng là chủ đề cho việc thường huấn của chúng ta. Vì thế, đối với cả việc cầu nguyện cá nhân lẫn việc giảng dạy công khai của chúng ta, chúng ta cần hướng đến 3 chủ đề cụ thể đã được Đức Thánh Cha nêu ra, đó là: đào sâu lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì biết bao quà tặng chúng ta nhận được từ công cuộc tạo dựng (ngợi khen); nhận thức về tính chất nối kết với nhau của tất cả mọi sự (môi sinh hội nhất); và trở nên những người chữa lành cho một thế giới bị tổn thương (những bước thực hành)

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “những hành động nho nhỏ hằng ngày” có thể làm biến đổi thế giới. Chúng tôi đề nghị mỗi cộng đoàn Dòng Tên bắt tay ngay vào một tiến trình phân định hướng đến việc tạo nên những thay đổi cụ thể trong nếp sống của chúng ta. Khi chúng ta làm điều này, chúng ta có thể ghi nhớ 3 ưu tiên đặc biệt sau đây: cung cấp nước sạch cho mọi người; trồng nhiều cây xanh để làm dịu bầu không khí của trái đất và tái chế tài nguyên và rác thải để chống lại những ảnh hưởng của lối “văn hóa vứt bỏ.”

Môi sinh là một lĩnh vực mà chúng ta có thể dễ dàng cộng tác với tất cả những ai thành tâm thiện chí. Giáo hội sẽ mong chờ chúng ta cả nơi sự nghiên cứu sâu xa lẫn hành động ý nghĩa. Chúng ta có thể trợ giúp các giám mục địa phương bằng cách góp phần vào việc nghiên cứu một nền thần học và linh đạo sâu xa hơn về môi sinh. Qua những trường học và những trung tâm truyền thông xã hội của chúng ta, chúng ta có cơ hội tốt để thúc đẩy việc giáo dục hướng đến “những công dân sinh thái” theo như viễn tượng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Thêm vào đó, mối bận tâm đối với tạo thành phải trở thành một yếu tố sống còn của việc đối thoại liên tôn và cộng tác của chúng ta.

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả ngôi nhà gia đình như là một không gian độc đáo cho việc học cách thưởng thức vẻ đẹp của tạo thành và để thực hành quản lý “ngôi nhà chung của chúng ta” sao cho tốt đẹp. Trong những việc mục vụ của chúng ta, chúng ta có thể động viên các gia đình sống một đời sống đơn sơ hơn, vốn cũng là một nhân đức mà chúng ta, những người sống đời tu cũng cần để làm mới lại chính mình.

Đức Thánh Cha cũng thôi thúc mọi người ở mọi nơi đi theo một hệ thuyết mới, một tầm nhìn mới về tương quan giữa chúng ta với tha nhân và với thế giới thụ tạo. Ngài mời gọi chúng ta nhận thức hơn nữa về những nhu cầu của những người cận thân hôm nay của chúng ta và trách nhiệm của chúng ta đối với những thế hệ tương lai. Trong lúc kêu gọi như thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắm đến nhiều vấn đề vốn liên quan tới các tỉnh và miền Dòng của chúng ta và chúng ta phải tiếp tục khảo sát những vấn đề như: nhập cư, ô nhiễm, năng lượng nguyên tử, năng lượng bền vững, quản lý những nguồn năng lượng và phẩm giá của mỗi con người.

 

Sau cùng, khi chúng ta muốn chân thành biến đổi trái tim của mình, chúng ta hãy tập trung vào những nhu cầu của người nghèo vốn là những người chịu nhiều đau khổ vì những ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và bất công về kinh tế. Khi lưu tâm đến những điều đó, chúng ta sẽ được lôi cuốn đến với người nghèo và với Đức Kitô khiêm nhường hơn.

 

Dòng Tên vùng Châu Á Thái Bình Dương
Siem Reap, Cambodia, ngày 17 tháng 07 năm 2015

 

Lm. Mark RAPER SJ, President, Chủ tịch Vùng Châu Á Thái Bình Dương / Bề trên Miền East Timor
Lm. Brian McCOY SJ, Australia
Lm. Francisco In-don OH SJ, Cambodia
Lm. John LEE Hua SJ, Tỉnh dòng Trung Hoa
Lm. Petrus SUNU HARDIYANTA SJ, Indonesia
Lm. Yoshio KAJIYAMA SJ, Japan
Lm. John Che-chon CHONG SJ, Korea
Lm. Colin Chin Hock TAN SJ, Malaysia-Singapore
Lm. Thomas BENZ SJ, Micronesia
Lm. Jose CHANGANACHERRY SJ, Myanmar
Lm. Antonio F MORENO SJ, Philippines
Lm. Agustinus SUGIYO PITOYO SJ, Thailand
Lm. Joseph Pham Thanh LIÊM SJ, Vietnam

 

(Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, SJ,

dongten.net 18.08.2015)