** Hôm qua thứ năm 15 tháng giêng là ngày chót trong chuyến viếng thăm Sri Lanka ĐTC Phanxicô đã chỉ có một sinh Hoạt chính là thăm Học viện văn hóa Biển Đức XVI tại Bolawalana, cách Colombo 35 cây số, trước khi từ giã Sri Lanka để lên đường sang Philippines. Tuy nhiên ngài cũng đã có một sinh hoạt ngoài chương trình, đó là thăm một ngôi chùa Phật giáo và gặp nguyên tổng thống Mahinda Rajapaksa.
Lúc 6 giờ rưỡi sáng, ĐTC đã dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Tòa Sứ Thần. Sau đó lúc 7 giờ 45, ĐTC đi xe đến Bolawalana. ĐTC đã được Linh Mục Mahamalage Quintus Fernando viện trưởng Học Viện Biển Đức XVI tiếp đón và tháp tùng vào nhà nguyện Học viện. ĐTC đã quỳ cầu nguyện trong thinh lặng. Bên trong nhà nguyện cũng có 10 linh mục dòng Tên thuộc cộng đoàn gần Học viện, một ca đoàn và vài dân chài của vùng này. Bên ngoài nhà nguyện có 250 công nhân đã cộng tác trong việc xây cất Học viện. Nhà nguyện được dâng kính “Đức Bà Lanka”. Đền thánh Đức Bà Lanka tại Colombo có từ năm 1911 ban đầu được dâng kính Đức Mẹ Lộ Đức, năm 1917 có thêm một hang đá và là nơi thu hút tín hữu hành hương. Sau đó đền thánh được nới rộng và hồi Đệ nhị thế chiến bùng nổ ĐHY Jean Marie Masson thuộc dòng Hiến sinh vô nhiễm, TGM Colombo, khấn hứa dâng một đền thánh với tên “Đức Bà Lanka”, nếu Sri Lanka không bị chiến tranh tàn phá. Đền thánh được hoàn thành năm 1974 và được Đức Phaolô VI nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường trong ngày thánh hiến cùng năm.
Học viện Biển Đức XVI thành hình năm 2011 do sáng kiến của ĐHY Malcom Ranjith, TGM Colombo. Học viện có mục đích cộng tác với các giới chức chính quyền và các tổ chức khác trong việc tái thiết quốc gia sau ba mươi năm nội chiến. Học viện bao gồm một ban đối thoại liên tôn và cộng tác, một ban ngữ học chuyên dạy các thứ tiếng ngoại quốc bắt đầu bằng tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung của Sri Lanka, và một ban nghiên cứu các môn học cao đẳng gồm các khoa nhân văn, triết học, thần học, kinh tế, thương mại, tin học vv…
Sau khi thăm Học viện Biển Đức XVI, lúc 8 giờ rưỡi ĐTC đã đi ra phi trường cách đó 8 cấy số để từ biệt Sri Lanka lấy máy bay sang Philippines.
ĐTC đã được tổng thống tân cử Sirisena tiếp đón trong phòng khách. Cùng hiện diện có một số giới chức lãnh đạo đạo đời, tất cả các Giám Mục Sri Lanka và một nhóm tín hữu. ĐTC và tổng thống đã duyệt hàng chào danh dự. ĐTC đã bắt tay từ biệt các vị lãnh đạo đạo đời. Tổng thống đã tiễn ĐTC tới tận chân thang máy bay.
** Chiếc máy bay Airbus 340 của hãng hàng không Sri Lanka đã cất cánh rời phi trường Colombo lúc 9 giờ sáng và trực chỉ Manila. Máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng bay ngang qua không phận các nước Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan. Campuchia và Việt Nam, trước khi tới Philippines.
ĐTC đã gửi điện tín chào tổng thống Maithripala Sirisena và quốc dân Sri Lanka. Ngài bày tỏ lòng biết ơn sự tiếp đón nồng hậu của tổng thống, chính quyền và toàn dân Sri Lanka và bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình, hiệp nhất và thịnh vượng của Sri Lanka.
Khi máy bay bay trên không phận của Ấn Độ ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên tổng thống Pranab Mukherjee và nhân dân Ấn.
Qua không phận Thái Lan ĐTC gửi lời chào thăm quốc vương Bhumibol Adulayadej và bảo đảm cầu nguyện cho nhà vua và toàn dân Thái được tràn đầy ơn hòa bình và thịnh vượng của Thiên Chúa.
Khi bay trên không phận Campuchia ĐTC gửi điện tín chào thăm và khẩn cầu phước lành tràn đầy của Thiên Chúa trên vua Norodom Sihamoni và quốc dân.
Khi máy bay ở trên bầu trời Việt Nam, ĐTC đã gửi điện tín cho ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Việt Nam. Ngài bảo đảm các lời cầu nguyện cho ông và toàn dân Việt Nam và khẩn nài Thiên Chúa ban ơn hòa bình và thịnh vượng trên mọi người.
** Sau 6 giờ 15 phút bay vượt chặng đường dài 4.567 cây số, chiếc Airbus 340 đã tới phi trường Villamor Manila lúc 17 giờ 45 giờ địa phương.
Bầu khí chờ đợi ĐTC tại Philippines rất là hân hoan. HĐGM đã ra thông cáo mời gọi đánh chuông 60.000 nhà thờ và hằng trăm ngàn nhà nguyện trên toàn nước để chào mừng ĐTC, khi ngài đến phi trường Manila. Đây là lần thứ tư một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm Philippines. Lần đầu tiên là Đức Phaolô VI hồi năm 1970 tức cách đây 45 năm, tiếp theo đó là Đức Gioan Phaolô II trong hai năm 1981 và 1995.
Đón tiếp ĐTC tại phi trường có ĐHY Luis Antonio Tagle TGM Manila, ĐC Socrates Villegas, TGM Lingayen-Dagupan, Chủ tịch HĐGM Philippines, ĐTGM Giuseppe Pinto, Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines, các Giám Mục thuộc ban Thường Vụ. Về phía chính quyền có Tổng thống Benigno Simeon Aquino III, một số vị lãnh đạo dân sự. Cũng có mấy ngàn bạn trẻ vùa hát vừa múa chào mừng ĐTC. Bên cạnh đó là một ban vũ thiếu nhi mặc áo có cánh thiên thần và hàng chục ngàn tín hữu cầm cờ Toà Thánh và cờ Philippines vẫy chào ĐTC.
Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Philippines và bà đại sứ Philippines cạnh Tòa Thánh đã lên máy bay chào ĐTC.
Tổng thống Aquino đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Sau khi ĐTC và tổng thống bước lên bục, ban quân nhạc đã trổi quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Phihlippines. Tiếp đến ĐTC và tổng thống duyệt hàng chào danh dự. Hai em bé một trai một gái đến tặng hoa cho ĐTC. Tổng thống giới thiệu với ĐTC một vài giới chức chính quyền. ĐTC đã chào các Giám Mục và ĐHY Tagle. Tiếp đó ĐTC đã lên xe díp trắng để về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 9 cây số. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ chỉ diễn ra sáng thứ sáu 16 tháng giêng, khi ĐTC đến viếng thăm xã giao tổng thống.
Hai bên đường từ phi trường về Toà Sứ Thần cách đó 9 cây số cũng đầy tín hữu đúng hai bên đường chào đón ĐTC. Xe đã tới Tòa Sứ Thần 45 phút sau đó. ĐTC đã dùng bữa tối và nghỉ ngơi lấy sức cho các sinh hoạt tiếp theo.
** Manila là thủ đô của Philippines từ năm 1591, nằm trên bờ biển phía đông đảo Luzon, là đảo lớn nhất của quần đảo Philippines gồm hơn 7.100 đảo. Cấu trúc thành phố có từ thời Tây Ban Nha đô hộ với các bức tường của thành cổ có pháo đài gọi là Intramuros. Manila hiện có 1,5 triệu dân cư và là trung tâm của một vùng thành phố khác là Metro Manila bao gồm 17 thành phố chung quanh có tổng cộng 12 triệu dân. Ở mạn nam Intramuros là công viên Rizal, nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho tín hữu ngày 18 tháng hai. Manila có nhiều nơi phụng tự Công giáo trong đó có nhà thờ chính toà nơi ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ và tiểu vương cung thánh đường Thánh Sebastian kiểu gô tích hoàn toàn bằng thép. Manila cũng có khoảng 30 đại học, học viện và viện cao học bách khoa, kỹ thuật, nổi tiếng nhất là Đại học giáo hoàng thánh Toma, nơi ĐTC sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo và giới trẻ Philippines.
Tổng giáo phận Manila có từ năm 1595, có 3 triệu 484 ngàn dân trong đó có 3 triệu 49 ngàn người Công giáo, tức chiếm 88%. Giáo phận có 88 giáo xứ, 260 nhà thờ hay cứ điểm truyền giáo, 271 linh mục giáo phận, 369 linh mục dòng, 529 tu huynh, 899 nữ tu khấn trọn, 89 đại chủng sinh và 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo hội điều khiển 204 cơ sở giáo dục và 38 trung tâm bác ái.
Sáng thứ sáu hôm nay ĐTC được chính thức tiếp đón tại Dinh Tổng thống Malacanhăng, gặp gỡ chính quyền và ngoại giao đoàn, rồi lúc 11 giờ cử hành thánh lễ cho hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Manila. Vào ban chiều ngài gặp gỡ các gia đình tại tòa nhà thể thao “Mall of Asia Arena”.
Để kết thúc bài theo gót ĐTC sau đây là bài phỏng vấn ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle, TGM Manila dành cho phái viên Sean Lovett của chương trình tiếng Anh đài Vaticăng, về bầu khí chờ đợi ĐTC, kỷ niệm chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI và bầu khí chờ đợi ĐTC Phanxicô.
Hỏi: Thưa ĐHY, tình hình Philippines hiện nay ra sao?
Đáp: Philippines vừa mới lấy lại sức sau trận bão vừa qua. Trong lúc này đây tôi vẫn còn nhớ như in các hình ảnh tàn phá: cây cối trụi hết không còn một lá nào, tuy nhiên các đường xá được quét dọn sạch sẽ và lề đường được lót lại để chuẩn bị tiếp đón ĐTC…
Hồi Đức Phaolô VI viếng thăm Philippines dân chúng đã rất hăng say tiếp đón ngài như là một ơn từ trời, Đức Phaolô VI đã muốn đến thăm các gia đình nghèo của quận Tondo ở Manila, nổi tiếng là một trong những vùng nghèo nhất của thành phố. Người dân tại đây vẫn còn nhớ chuyến viếng thăm ấy của Đức Phaolô VI. Khi tôi tới thăm giáo xứ nhân một dịp lễ cha sở và tín hữu tại đây đã chỉ cho tôi thấy căn nhà nơi Đức Phaolô VI đã thăm. Còn có các kỷ niệm các hình ảnh và các hiệu quả của chuyến viếng thăm cách đây 45 năm đó.
Hỏi: Có tương quan giữa hai chuyến viếng thăm của hai vị Giáo Hoàng không, vì có đề tài về lòng thương xót và đối thoại…
Đáp: Vâng, có tương quan giữa hai cuộc viếng thăm. Chúng ta phải nhớ tới các người mà Đức Phaolô VI đến gặp gỡ hồi năm 1970, là các Giám Mục Á châu tụ tập về để gặp ĐGH. Và chính trong dịp này tại Manila với sự khích lệ của Đức Phaolô VI Liên Hội Đồng Gám Mục Á châu đã chào đời. Đức Phaolô VI cũng đã khánh thành đài phát thanh Chân Lý Á châu để có thể loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu qua Radio. Trong một nghĩa nào đó, chuyến viếng thăm của Đức Phaolô VI đã như là tiếp nhận Công Đồng Chung Vaticăng II tại Á châu, với hình ảnh của ĐTC mời gọi chúng tôi đối thoại và tài liệu Giáo hội Người. Thế rồi bốn năm sau tại Đài Loan năm 1974 đã có đại hội đầu tiên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu về đề tài rao giảng Tin Mừng tại Á châu. Theo Đức Phaolô VI việc rao truyền Tin Mừng phải xảy ra qua đối thoại. Như thế các biến cố có liên hệ với nhau.
Hỏi: Không có nhiều người nối liền Đức Phaolô VI với Đức Phanxicô. ĐHY có làm điều này không?
Đáp: Ồ, có chứ. Tôi có làm điều đó. Khi có người nói một cách tích cực cũng như một cách tiêu cực rằng “ĐTC Phanxicô đang làm một cuộc cách mạng, đang đối thoại, đang ôm hôn người nghèo”, thì tôi nói là đã thấy nơi Đức Phaolô VI rồi trong lộ trình của ngài và trong con người của ngài. Trực giác này, quan niệm này mà ĐTC Phanxicô xem ra đang lấy lại và tái đề nghị, tôi đã sống như là chứng nhân trong các nghiên cứu và cuộc gặp gỡ của tôi với Đức Phaolô VI tại Philippines. Các cử chỉ biểu tượng của Đức Phaolô VI xem ra đã mở đường cho Đức Phanxicô.
Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói là ngài mang theo một sứ điệp cảm thương đến cho người nghèo, cho các nạn nhân của bão lụt và động đất, và xin đừng chi phí nhiều cho các việc chuẩn bị đón tiếp, có đúng thế không thưa ĐHY?
Đáp: Vâng, đây là dấu vết các chuyến viếng thăm của ngài. Bên Nam Hàn cũng thế ĐTC sẽ không hài lòng thấy các chuẩn bị lộ liễu. Cả bàn thờ dâng thánh lễ cũng phải đơn sơ, là dấu chỉ của vị Giáo Hoàng này, của sự đơn sơ của ngài.
Hỏi: Người dân Philippines rất quảng đại trong việc diễn tả lòng trìu mến của họ có khó kìm hãm họ không thưa ĐHY?
Đáp: Trong một kiểu nào đó thì khó kìm hãm họ. Nhưng chúng tôi đã không chỉ làm cho dân chúng hiểu các ước muốn của ĐTC, mà cũng hiểu các dấu chỉ thời đại nữa. Chúng tôi không muốn dấy lên gương mù gương xấu. Tất cả mọi người đều có thể tìm một cớ để dành cho ngài một sự tiếp đón sang trọng, vì có gì đi nữa thì ngài cũng là Giáo Hoàng, Nhưng chúng tôi phải ý thức đối với biết bao nhiêu người mà chúng tôi phải tiếp đón hằng ngày giữa chúng tôi: những người nghèo và đói. Vì thế tất cả tiền tiết kiệm được cho chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ được dùng để trợ giúp người nghèo. Và ĐTC đã rất rõ ràng trong việc này.
Hỏi: Thế giới đã chú ý rất nhiều đến Philippines sau trận bão Haiyan và Hagupit, nhưng ĐHY đã thường nói đến các trân bão thường ngày ập đổ trên Philipines…
Đáp: Vâng chúng tôi thường có các trận bão, trung bình khoảng 20 tới 22 trận bão mỗi năm. Chúng tôi cũng thường có động đất ở các mức độ khác nhau. Chúng khiến cho thế giới chú ý vì sức tàn phá rộng rãi của chúng. Nhưng, như tôi đã nói trong nhiều dịp, chúng ta không được quên các trận bão hằng ngày, các trận động đất hằng ngày do nghèo đói, gian tham hối lộ, các thoả hiệp thương mại sỗ sàng và các thực hành không liêm chính gây ra cho người dân. Cả khi mặt trời rạng rỡ, bóng tối lan tràn trong cuộc đời của biết bao nhiêu người. Cả trong Thượng Hội Đồng Giám Mục tôi đã nhắc tới những người trong các nhóm bé nhỏ, đối với chúng tôi bên Á châu, sự nghèo túng không phải là một cái gì ngoại tại đối với gia đình. Nó ghi đậm dấu trên cuộc sống, trên tế bào gia đình. Khi tôi thăm một nhà tiếp đón các trẻ em và người trẻ lang thang ngoài đường ban đêm, tôi mới nhận ra rằng cha mẹ các em khoan nhượng với tất cả những điều đó, bởi vì họ hy vọng rằng các nhân viên của chính quyền có thể tiếp đón con cái họ và nuôi dạy chúng trong các nhà tiếp đón. Họ không phải là các cha mẹ lơ là với con cái của họ, nhưng họ là các cha mẹ quá nghèo không có gì cho con ăn cả, và họ nói với con cái họ: “Sao con không đi ra ngoài và khi cảnh sát đem con vào nhà tiếp đón, tại sao con không đi với họ? Con sẽ có được an ninh ban đêm. Cho đêm nay con có một mái nhà và thức ăn”.
Hỏi: ĐTC Phanxicô đã nói rằng ngài muốn chuyến viếng thăm không tập trung nơi ngài, nhưng tập trung nơi Chúa Giêsu và nơi gương mặt của những người nghèo. ĐTC có đưa ra các chỉ dẫn nào khác không thưa ĐHY?
Đáp: Ngài không muốn mất thời giờ trong những chuyện có thể làm cho ngài chia trí đối với trọng tâm sứ mệnh của ngài là gặp gỡ người nghèo và lắng nghe họ. Trong chuyến viếng thăm của ĐTC có nhiều người hỏi: “Chúng con có thể gặp ĐGH một phút không? Có thể dâng tặng cho ngài cái này cái kia không?” Tất cả đều rất đẹp. Nhưng nếu chỉ có ba ngày thăm viếng, thì cần phải lựa chọn. Và cũng cần tiết kiệm sức lực cho ĐTC nữa. Các chuyến bay dài, việc thay đổi khí hậu, thay đổi múi giờ, thay đổi thực phẩm vv… có thể khiến cho một người 78 tuổi kiệt lực. Cần phải sử dụng các sức lực ấy cho sứ mệnh của ngài. Vì thế chúng tôi đang giúp ĐTC tập trung vào các cuộc gặp gỡ của ngài với các gia đình và với giới trẻ tại Manila. Trong các cuộc gặp gỡ này ngài cũng sẽ lắng nghe các chuyện của các gia đình gặp khó khăn, các gia đình đã là nạn nhân của nhiều trận bão lụt, cũng như lắng nghe các khó khăn của giới trẻ. Như tôi đã nói, có một loại bão xảy ra không phải chỉ tại một nơi, nhưng tại khắp nơi. ĐTC sẽ lắng nghe họ, và không phải chỉ có ngài sẽ ban lời an ủi cho họ, mà ngài cũng được củng cố bởi chính đức tin của các người đáng thương này nữa.
Hỏi: Như là TGM Manila, đâu là thách đố lớn nhất của ĐHY trong việc tổ chức một biến cố phức tạp như chuyến viếng thăm này của ĐTC?
Đáp: Chúng tôi đã thành lập một nhóm hỗn hợp gồm các người của chính quyền, của lãnh vực kinh tế và của Giáo hội. Và ủy ban này đã là một kết quaả chuyến viếng thăm của ĐGH rồi: vị chủ chăn hoàn vũ tạo ra ý thức về gia đình. Và tôi rất hạnh phúc. Tôi chắc chắn rằng cả sau chuyến viếng thăm này nữa ý thức của sự hiệp thông, của sự cộng tác tất cả cùng nhau sẽ tiếp tục. Tôi muốn duy trì sự hợp tác này.
Hỏi: ĐHY nghĩ chuyến viếng thăm này của ĐTC có đặc tính nào?
Đáp: Một cuộc gặp gỡ với nhiều đau khổ. Nhưng sứ điệp Kitô không kết thúc với khổ đau, vì luôn luôn có một sự Phục Sinh. Và tôi hy vọng rằng ĐTC sẽ trông thấy điều này giữa những người đã đau khổ và tiếp tục đau khổ.
Linh Tiến Khải
(Nguồn: RV)