Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh tại Pháp

Đạo Công Giáo tại Pháp có bề dầy lịch sử hơn 17 thế kỷ. Ngày nay các trào lưu tục hóa muốn xóa bỏ gốc tích truyền thống này. Tuy nhiên Kitô giáo đã ăn sâu vào văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc và các lãnh vực đời sống của người dân, quốc gia và dân tộc. Đây là dấu ấn không thể bị xóa nhòa. Các kỳ nghỉ trong năm học của học sinh sinh viên đều dựa trên những dịp lễ lớn của Kitô giáo (kỳ nghỉ Lễ Các Thánh, Giáng Sinh, Phục Sinh…). Tên của các vị thánh được đặt cho một số đại lộ, đường phố hay thành phố. Các nhãn hiệu phó mát và rượu nổi tiếng gắn liền với các đan viện dòng tu. Ngày di sản quốc gia, địa điểm viếng thăm của dân chúng tập trung chủ yếu tại các vương cung thánh đường và các ngôi nhà thờ chính tòa nguy nga tráng lệ với nét kiến trúc đa dạng, độc đáo và giầu tính nghệ thuật. Những dịp lễ lớn Giáng Sinh, Phục Sinh hay dịp lễ gắn liền với gia đình như rửa tội, rước lễ lần đầu… đều có những món ăn đặc trưng. Đặc biệt, các di tích và sử sách Kitô giáo vẫn là những nhân chứng vật chứng không thể phủ nhận cho những ai có thiện chí tìm hiểu căn nguyên.
 
Cũng như mọi nơi, trong suốt Mùa Chay tại Pháp, việc thực hành chia sẻ được các Kitô hữu chú trọng. Đâu đó đều tham gia vào việc đóng góp cụ thể nhằm chống lại nghèo đói và ủng hộ cho công cuộc phát triển tại các quốc gia và địa phương đang cần sự giúp đỡ. Các bữa ăn quyên góp chỉ với chén cơm trắng cũng được các giáo xứ tổ chức để giúp đỡ cho những người thiếu thốn. 
  
Cuộc khổ nạn và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu có sức mạnh biến đổi và hoán cải rất nhiều tâm hồn quay về đường chính nẻo ngay. Đức tin Kitô giáo vẫn tiếp tục đánh động và thôi thúc những người có thiện ý trở về với Thiên Chúa qua những dịp lễ lớn và những biến cố xảy ra trong đời. Vào Đại Lễ Phục Sinh năm nay, Giáo Hội Pháp đón nhận thêm gần 3000 người trưởng thành gia nhập đạo Công Giáo.
 

 
Bắt đầu bước vào Tuần Thánh với Chúa Nhật Lễ Lá, số người đến tham dự các nghi thức tăng lên khác thường. Đặc biệt, dịp Tam Nhật Vượt Qua, không ai có thể bàng quan trước một Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà lại ở giữa các môn đệ như người tôi tớ trong bữa Tiệc Ly. Thứ Sáu Tuần Thánh, các nghi thức suy tôn Thánh Giá và các chặng đàng Thánh Giá được cử hành khắp nơi. Trong nhà nguyện của một số nhà hưu dưỡng, những người cao tuổi mắt đã mờ và chân không còn vững chãi được trợ giúp bởi đôi nạng vẫn bước đi chậm rãi để kết hợp với cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Trong phần suy tôn Thánh Giá nơi các nhà thờ, đoàn người đủ mọi thành phần già trẻ nam nữ lũ lượt tiến về Thập Giá Chúa Kitô để chiêm ngắm và để được đánh động bởi tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người.
 
Một số các giáo xứ trong các giáo phận cũng tổ chức đi đàng Thánh Giá trên đường phố. Đoạn đường Thánh Giá tại thành phố Lyon năm nay được xuất phát từ nhà thờ Saint Louis trong khu vực giới lao động Guillotières đi trên những chiếc cầu bắc qua hai con sông lớn Rhône và Saône chảy qua thành phố, băng qua quảng trường trung tâm Bellcour để tiến về nhà thờ chính tòa Saint Jean. Các bài suy niệm được cha Jean-Sébastien Tuloup, Giám Đốc chủng viện Saint Irénée đảm nhiệm với sự hiện diện của Đức Hồng Y Philippe Barbarin.    
 
Khoảng 20 giáo xứ tại thủ đô Paris đi đàng Thánh Giá trên đường phố. Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris chủ sự đàng Thánh Giá tại khu vực đồi Montmartre. Đặc biệt, đoạn đường Thánh Giá trên đại lộ Champs Elysées (nơi diễn ra buổi duyệt binh vào ngày Quốc Khánh Pháp 14 tháng 7) do giáo xứ Saint-Pierre de Chaillot tổ chức cùng với sự tham dự của các sinh viên và đoàn hiệp sĩ Malta. Các bài suy niệm được hướng dẫn bởi linh mục tu sĩ Philippe Jeannin, OP, người thực hiện chương trình Ngày Của Chúa trên kênh truyền hình 2 trong việc truyền hình trực tiếp các thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần tại các ngôi thánh đường khác nhau.
 
Các đoạn đường Thánh Giá diễn ra hết sức trang trọng và đánh động cả những người khách qua đường mà không hề ảnh hưởng đến giao thông hay trật tự nơi công cộng. Trái lại, nó mang lại nét đẹp tôn giáo trong đời thường và thể hiện sự hài hòa giữa chiều kích tâm linh với các khía cạnh của cuộc sống.
 
 
Đêm vọng Phục Sinh, mọi người rạng rỡ quây quần đông đảo bên đống lửa tại đó Nến Phục Sinh, biểu tượng của Chúa Sống Lại, được thắp sáng xóa tan đêm tối và được rước vào nhà thờ. Đoàn người hân hoan tay cầm nến cháy sáng miệng hát kinh Vinh Danh và Alleluia tai nghe công bố Tin Mừng Phục Sinh. Niềm vui ngày Chúa sống lại tuôn trào và lan tỏa cho hết mọi loài thụ tạo.
 
 
Dịp Lễ Phục Sinh cũng trùng lặp mới mùa xuân. Cái lạnh giá của mùa đông khô cằn bị đẩy lùi. Người ta bắt đầu nghe thấy tiếng chim hót vào ban mai và trong ngày. Trăm hoa đua nở khoe sắc khoe màu. Đất đai ngủ vùi trong suốt mùa đông giờ đây bừng tỉnh dậy để nuôi dưỡng mọi thứ thảo mộc. Tấm thảm màu xanh điểm tô các sắc hoa phủ khắp đó đây. Cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc và khoác trên mình chiếc áo mới màu xanh mơn mởn như muốn cùng hòa mình vào bầu khí lễ hội Phục Sinh. Tạ ơn Thiên Chúa đã tác tạo muôn loài và sai Đức Giêsu Kitô đến thế gian để mang lại ơn cứu độ và mở lối cho nhân loại bước vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Quốc. Alleluia.     
 
Vọng Phục Sinh 2010
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng