Khi đề cập đến đời tu, hay khi nói đến tu sĩ, những người sống đời thánh hiến thì đối với người Công Giáo, ai cũng có cái nhìn tôn trọng và luôn hãnh diện nếu trong dòng tộc hay gia đình mình có người đi tu; thế nhưng, trong tâm thức và sự hiểu biết về đời tu của những người ngoài Công Giáo có phần khác biệt, phần lớn là tiêu cực, thà đừng nói tới thì hơn!
Trong những ngày vui xuân vừa qua, mình có dịp về quê ngoại để chúc tết ông bà, bà con bên ngoại hầu hết đều là phật tử, ít có tiếp xúc với người công giáo nên khi nghe nói mình theo đạo Thiên Chúa và đang đi tu, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên lẫn sự tiếc thương cho mình, một bà ồ lên và bảo:
– Trời đất, sao mà tội nghiệp quá vậy!
Mình đang ngơ ngác, bở ngỡ trước câu nói này thì một cậu xen vào:
– Thấy người cũng được, đâu bị gì đâu mà đi tu thế! Chắc là bị bồ đá rồi phải không?
Mình chỉ biết ú ớ phân trần:
– Dạ không, tại con theo Chúa và muốn phục vụ Chúa thôi.
Một bà khác quay sang hỏi:
– Gốc ông bà mình là Phật giáo, sao không vào Chùa tu mà lại vào nhà thờ vậy con?
– Dạ, tại con tin theo Chúa, vì Chúa đã ban cho con rất nhiều ơn ạ.
Một bầu khí im lặng kèm theo sự e ngại hiện lên qua từng ánh mắt mọi người, mình bắt đầu cảm thấy lời nói không còn được tự nhiên như trước nữa…rồi bữa cơm được dọn lên cắt ngang sự ngại ngùng này. Sau bữa tiệc trưa trong bầu khí tết, niềm vui xuân với tiếng cười, lời chúc nhau tạo lại sự gần gũi, thân thương trong tình thân tộc, nhân cơ hội này, mình muốn giải tỏa thắc mắc nên hỏi nhỏ:
– Bà ơi, con đi tu mà sao bà nói là tội nghiệp cho con? Bà bảo:
– Thì bà thấy tội cho con nên nói vậy? ai đời còn trẻ thế này mà bỏ gia đình, bỏ mọi niềm vui thế gian để sống khắc khổ trong đời tu.
Mình cảm thấy rất khó để giải thích hay biện minh cho đời tu của mình với ông bà trong lúc này, nên đành phớt lờ và lắng nghe trong tinh thần của một người cháu. Sau buổi trò chuyện này, mình mới nhận ra rằng: tâm thức những người bên lương nói chung, bà con phật tử nói riêng đều xem người đi tu là kẻ chán đời, thất tình hay là bị vấn đề gì đó, thậm chí là người bất bình thường nên mới tìm đến nương vào cửa Phật, mới có ý định đi tu. Nhất là khi nghe mình nói đời tu Kitô giáo phải giữ ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời thì đa số bà con lại bảo sao mà dại dột thế! Họ bảo đây là những nhu cầu căn bản mà ai cũng phải tìm kiếm để sống trên đời này.
Vâng, thưa bà con! Là con người thì ai mà không muốn mình sống bình thường, an vui bên mái ấm gia đình và cùng tận hưởng những điều tốt lành mà Thượng đế đã ban cho, nhưng đời tu Kitô giáo là một huyền nhiệm của Tình Yêu, người tu sĩ từ bỏ những niềm vui trần thế để sống với những giá trị cao hơn; rời gia đình để bước vào đời tu không phải là chán đời, là bỏ thế gian, trốn tránh bổn phận mà trái lại, đó là những người yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống này hơn ai hết. bởi vì chỉ có yêu thì họ mới dám chấp nhận hy sinh mọi nhu cầu bản thân để sống cho niềm vui và hạnh phúc của người khác.
Sau những ngày xuân bên gia đình, mình về lại nhà Dòng, tiếp tục thanh luyện mình mỗi ngày trong nếp sống tu trì, chắc chắn mình sẽ không quên hình ảnh thân thương của bà con cùng với những lời “tội nghiệp” dành cho mình. Phải tu như thế nào để tư tưởng này không còn tồn tại mỗi khi nói đến đời tu? Và làm thế nào để những cái nhìn tiêu cực về người tu không còn hiện diện trong ánh mắt người đời?
Là tu sĩ của Chúa, ngoài việc tu luyện và mặc lấy tinh thần: “ra khơi và thả lưới” của vị Cha chung Giáo Phận thì đời sống chứng nhân của tu sĩ cũng rất quan trọng trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Khi gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, mình phải thể hiện thế nào để họ nhận ra mình là sứ giả của Tình Yêu, là những người đang yêu và lúc nào cũng an vui, thanh thoát trong mọi hoàn cảnh. Nhất là, niềm vui và tình yêu này phải được múc lấy từ nơi Thiên Chúa, để luôn tồn tại và hiện diện luôn mãi trong từng lời nói, hành động của mình.
Dòng Kitô Vua Vĩnh Long
(WGP.Vĩnh Long)