Trong Cựu Ước, từ ngữ lòng thương xót được nhắc đến khoảng 400 lần (tính theo sự xuất hiện của từ ngữ rachamim và hai từ ngữ khác có sự liên hệ gần gũi làhesed và hen). Các tác giả của Cựu Ước đặc biệt đã nhắc đến từ ngữ rachamim, có nghĩa là tấm lòng (entrailles), là tử cung (utérus) của người mẹ mang thai đứa con của mình trước khi sinh ra em bé. Tấm lòng, trong chiều sâu, diễn tả không gian trong người phụ nữ có hướng nhìn về người khác. Nghĩa là, trong ý nghĩa của Thánh Kinh mang tính cách nhân chủng học, tấm lòng diễn tả một nơi chốn là nguồn mạch của mọi cảm xúc, là nguồn mạch sâu xa nhất của tình yêu. Tình yêu này được biểu lộ như là lòng từ bi: tình yêu nội tâm, mãnh liệt, thương xót. Ở đây, chúng ta có thể nhớ đến một đoạn của tiên tri I-sai-a: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15).[1]
Lòng của người mẹ chỉ được hiểu cách trọn vẹn, khi hướng về trái tim, về tình yêu thương của người mẹ dành cho con mình. Như thế, để hiểu được lòng thương xót, theo Kasper, thì cần phải trở về và suy nghĩ về từ ngữ trái tim trong Thánh Kinh (leb, lebab, cardia). Trong ý nghĩa Thánh Kinh, từ ngữ trái tim không chỉ biểu lộ cách đơn giản về một bộ phận quan trọng nhất của sự sống, mà nhìn theo phương diện nhân chủng học, trái tim diễn tả trung tâm điểm của con người, là nguồn mạch của mọi cảm xúc, và của mọi khả năng phán đoán. Ở đây, chúng ta nhớ đến các bài Thánh Vịnh trong Cựu Ước mang tính cách kêu than, tới bài hát ai oán của Giê-rê-mi-a, tới lời than van kêu gào của Vua Đa-vít về cái chết của con trai là Áp-sa-lon (2Sam 19). Chúa Giê-su cũng phẫn nộ và buồn rầu về sự cứng lòng của nhóm Pha-ri-sêu: “Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá”. (Mc 3,5), cũng như Ngài chạnh lòng thương dân chúng: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. (Mc 6,34).
Thánh Kinh đi xa thêm một bước, khi nói về trái tim của Thiên Chúa trong ý nghĩa Thần Học. Thiên Chúa chọn con người theo trái tim của Ngài: “Nhưng bây giờ vương quyền của ngài sẽ không đứng vững. Đức Chúa đã tìm cho mình một kẻ như lòng Người mong muốn, và Đức Chúa đã đặt kẻ ấy làm người lãnh đạo dân Người”. (1 Sam 13,14). “Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”. (Cvtđ 13, 22).[2] Những hành động của Thiên Chúa luôn là hành động của trái tim, hành động chan chứa lòng thương xót của Ngài đối với nhân loại. Điều này, Thiên Chúa đã tỏ lộ ngay trong việc sáng tạo của Ngài.
Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ được biểu lộ qua từ ngữ, mà đặc biệt qua lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Lật lại các trang Thánh Kinh về công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta khám phá được lòng thương xót sâu xa của Thiên Chúa. Qua việc sáng tạo, Thiên Chúa đã làm mọi sự đều tốt đẹp và rất tốt đẹp: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”. (St 1, 31). Đặc biệt, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, với người nam và người nữ. Ngài đã chúc lành cho con người, và con người cần sinh sôi nảy nở khắp mặt đất. Ngài còn trao trách nhiệm cho con người coi sóc và làm thăng tiến mọi loài thọ tạo. (St 1, 17-30; 2,15). Tất cả tốt đẹp và rất tốt đẹp.
Tuy nhiên, lập tức câu chuyện lại tiếp tục với một thảm hoạ. Con người lại muốn giống như Chúa và muốn tự vinh danh mình, và muốn mình có khả năng biết điều thiện điều ác. Sự lạ lẫm của con người với Thiên Chúa dẫn đến sự lạ lẫm của con người với nhau, và của con người với thiên nhiên. Trái đất giờ đây mang vào mình biết bao nhiêu gai nhọn, và mọi người phải cực nhọc vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, để làm việc cho sự sống còn. Mầm sống mới giờ đây chỉ có thể được sinh ra trong đau đớn. Phụ nữ và nam giới trở nên xa lạ với nhau (St 3, 16-19). Còn cả chuyện anh em ruột Ca-in và Aben giết hại lẫn nhau nữa (St 4). Sự dữ lớn mạnh như những cơn bão tuyết. Trái tim và những giác quan của con người ngày càng nhuốm màu của sự dữ (St 6,5).
Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không để cho thế giới và con người tiếp tục sống trong thảm hoạ, và tiếp tục rơi vào trong khổ đau. Từ khởi đầu Thiên Chúa nhiều lần đã ra tay can thiệp với những biện pháp khác nhau, để chống lại tội lỗi và sự dữ. Ngài luôn có những hành động tương phản đối với sự hỗn loạn và với những thảm hoạ xảy ra. Từ ngữ lòng thương xót không xuất hiện trong các chương đầu của sách Sáng Thế, nhưng hành động của Thiên Chúa ngay trong câu chuyện sáng tạo diễn tả rất rõ ràng lòng thương xót của Ngài. Khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người với nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (St 3,21). Hơn nữa, dù có phạt Cain về tội giết em, nhưng Thiên Chúa vẫn bảo vệ Cain, đã ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông không giết ông (St 4, 15). Cuối cùng Thiên Chúa đã tạo cho ông Nôe một cơ hội mới để bắt đầu một cuộc sống mới, sau trận lụt hồng thuỷ. Thiên Chúa đã ban phúc lành cho ông Nôe và con cháu ông, Ngài lập lại trật tự và ký kết giao ước tình yêu che chở con người mang hình ảnh của Ngài. (St 8 và 9).
Nhưng như vậy cũng chưa đủ cho con người. Tính kiêu căng của con người không có điểm kết. Con người lại xây dựng tháp Babel cao ngất tới trời cao. Sự kiêu ngạo đã đưa con người tới tình trạng hỗn loạn của ngôn ngữ, con người không còn hiểu nhau được nữa, vì thế con người đã chia cách nhau và tràn lan khắp mặt đất. (St 11). Một lần nữa Thiên Chúa lại không để con người bất trung và bội phản cô đơn lẻ loi với số phận của họ. Ngài đã chống lại hỗn loạn và thảm hoạ. Với việc kêu gọi ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã bắt đầu một trang sử mới với con người (St 12, 1-3). Với Áp-ra-ham Thiên Chúa viết trang sử cứu độ con người. Trong Áp-ra-ham, tất cả mọi người trên trái đất được Thiên Chúa chúc phúc. Trong câu chuyện của Áp-ra-ham, người ta có thể đọc được những lời nói diễn tả tình thương và sự trung thành của Thiên Chúa. (St 24, 12.14.27; 32,11). Đó là khởi đầu của câu chuyện nói về hành động tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối diện với biết bao tội lỗi con người gây ra, đối diện với hỗn loạn và thảm hoạ của tội lỗi. Ngay từ ngày đầu tiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực hiện rõ ràng. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng là cách thức hành xử của Thiên Chúa với sự dữ luôn đe doạ con người. Cách hành xử và hành động xót thương của Thiên Chúa tương phản với sự dữ và hỗn loạn cùng thảm hoạ của nó, và cách hành xử và hành động của Thiên Chúa không nhuốm màu bạo lực. Ngài không tự nhiên xen vào ngay, nhưng với lòng thương xót Ngài tạo cho con người những cơ hội mới, và tái lập sự sống mới với không gian được Chúa chúc lành.[3]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ
1] X. BIANCHI E., Chemins d’humanité, Les Béatitudes, Cerf, Paris 2013, t. 92-93.
[2] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 50-51.
[3] X. KASPER W., Barmherzigkeit, t. 52-53.