20.12.2021
THỨ HAI TUẦN IV MÙA VỌNG
Lc 1,26-38
Lời Chúa:
Bấy giờ, Bà Maria nói với sứ thần: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Câu chuyện minh họa:
Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”
– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.
Nghe thế, cây tre phản đối:
– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…
– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.
Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.
Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”
– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…
– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.
Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.
Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.
Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.
Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.
Suy niệm:
Cây tre đã để cho chủ làm theo ý chủ và đã đạt được vụ mùa bội thu. Nếu cây tre không được xẻ ra, thì nó sẽ trở thành vô dụng.
Nhờ lòng tin tưởng và phó thác vào tình yêu Chúa, Đức Maria đã dám bỏ mình, xin vâng theo thánh ý Chúa để Ngôi Lời được nhập thể trong thế giới này. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực thi trong cuộc đời, thì Chúa sẽ đi vào thế giới hôm nay. Khi Mẹ xin vâng, Mẹ cũng chưa hiểu rõ con đường Chúa muốn nhưng Mẹ tin tưởng để Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ. Nhìn vào gương Mẹ, chúng ta có dám thưa tiếng xin vâng ngay trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời không?
Lạy Chúa, xin biến đổi trái tim chúng con để chúng con biết sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc cuộc đời chúng con tưởng chừng như vô vọng.
21.12.2021
THỨ BA TUẦN IV MÙA VỌNG
Lc 1,39-45
Lời Chúa:
“Tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. (Lc 1,44)
Câu chuyện minh họa:
Một tác giả vô danh nọ đã tưởng tượng ra câu chuyện như sau:
Khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, Ngài gọi các tổng lãnh thiên thần lại vấn kế. Ngài hỏi các thiên thần nên đặt cái bí ẩn của sự sống ở đâu?
Một sứ thần góp ý:
– Nên chôn vùi nó dưới đất.
Một sứ thần khác đáp:
– Nên đặt nó dưới đáy biển.
Một vị nữa lại cho rằng:
– Đặt nó trên núi cao là thượng sách,
Thế nhưng Thiên Chúa không đồng ý với những giải pháp ấy, Ngài nói:
– Phải làm sao để bất cứ người nào cũng đạt được cái bí ẩn của sự sống.
Cuối cùng, một sứ thần liền nói:
– Nên đặt cái bí ẩn ấy vào trái tim con người.
Thiên Chúa nhận thấy đó là điều tuyệt hảo, Ngài liền đặt cái bí ẩn của sự sống vào trái tim con người.
Suy niệm:
Thiên Chúa đặt nơi con người điều bí ẩn không ở đâu xa, nhưng là ngay chính con tim của mỗi người. Điều bí ẩn ấy thể hiện qua những hành động bác ái cụ thể, hành vi yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ… Để nhận ra điều bí ẩn ấy, chúng ta cần phải tỉnh thức và có tinh thần sẵn sàng, để trao ban, yêu thương, và mang lại hạnh phúc cho người khác. Và như thế, điều bí ẩn ấy mang lại sức sống.
Đức Maria đã mang đến cho bà Êlisabeth niềm vui, khiến bà nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa nơi Mẹ. Nơi cung lòng thánh thiện, Con Thiên Chúa đã ngự trị, được sống bằng sự sống của Mẹ. Chúng ta cũng được mời gọi mang Chúa đến cho người khác qua cử chỉ yêu thương, hành vi bác ái, và một trái tim cảm thông. Nhờ đó mọi người nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết mang Tin Mừng, niềm vui và sự bình an của Chúa đến nhiều người nhất là những người chưa nhận biết Chúa.
22.12.2021
THỨ TƯ TUẦN IV MÙA VỌNG
Lc 1,46-56
Lời Chúa:
“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1,49).
Câu chuyện minh hoạ:
Có một bài ca mà mỗi ngày, khi hoàng hôn buông xuống, là có cả hàng triệu người cùng ca lên để tạ ơn Thiên Chúa… Đó là bài ca Magnificat.
Đức Gioan Phaolô 2 trong thông điệp Redemptoris Mater, nơi số 37, đã không ngần ngại gọi bài ca này là bài ca giải phóng. Nó cũng giống như bài ca La Marseillaire của cuộc cách mạng Pháp.
Suy niệm:
Hạnh phúc là điều mà ai cũng mơ ước và tìm mọi cách để đạt được. Thế nhưng, khi chúng ta làm cho người khác điều tốt đẹp thì đó là hạnh phúc cho chúng ta. Những hạnh phúc mà chúng ta tìm nơi vật chất, giàu sang, thú vui… sẽ mau qua và đó cũng không phải là hạnh phúc thật. Hạnh phúc mà Đức Maria cảm nhận được chỉ có nơi Thiên Chúa vì những ân huệ Chúa đã dành cho Mẹ. Và Mẹ đã dành suốt cuộc đời mình để đáp lại ân huệ đó.
Mẹ đã nhìn nhận mình là người nghèo được Chúa đoái đến. Người nghèo trong Tin Mừng là người được Chúa chúc phúc đầu tiên. Người nghèo được nói đến ở đây không phải là nghèo về vật chất, nhưng là người khiêm tốn, biết tựa nương vào Chúa, nhìn nhận mình yếu kém trước mặt Chúa. Và như thế, Chúa đoái thương nhìn đến và chúc phúc cho những người ấy.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận mình yếu kém để được Chúa yêu thương, biết nhận ra mình tội lỗi để được Chúa thứ tha, và biết mình thiếu thốn để Chúa ban ơn.
23.12.2021
THỨ NĂM TUẦN IV MÙA VỌNG
Lc 1,57-66
Lời Chúa:
“Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.” (Lc 1,66)
Câu chuyện minh họa:
Ở xứ Pa-lét-tin, việc sinh hạ một bé trai là dịp vui mừng lớn. Gần giờ sinh nở, các bạn bè và nhạc sĩ xóm làng tụ tập ở nhà ấy. Khi tin sinh nở được loan ra, nếu là bé trai thì các nhạc sĩ trổi khúc reo vui và mọi người đều hoan hỷ chúc mừng; nếu là bé gái thì các nhạc sĩ lẳng lặng ra về, buồn tiếc. Có câu tục ngữ: “Sinh con trai vui mừng khắp chốn, sinh con gái buồn tủi nơi nơi.” Như vậy, gia đình Ê-li-sa-bét được vui mừng gấp đôi, vì cuối cùng ông bà đã có được một người con trai. Đến ngày thứ tám, đứa bé trai được cắt bì và đặt tên. Các bé gái được đặt tên trong vòng ba mươi ngày sau khi sinh. Ở xứ Pa-lét-tin các tên đều mang ý nghĩa. Có tên diễn tả cảnh trạng xảy ra lúc sinh như trường hợp E-sau và Gia-cóp (St 25,26). Có tên diễn tả chính đứa trẻ. Ví dụ như “laban” có nghĩa là trắng hay vàng. Cũng có khi đứa trẻ mang tên cha nó. Thông thường tên đứa trẻ diễn đạt sự vui mừng của cha mẹ.
Suy niệm:
Mỗi đứa trẻ sinh ra là một niềm hy vọng lớn lao cho gia đình. Gioan đã chào đời trong niềm vui mừng chào đón của mọi người trong gia đình, và hàng xóm. Niềm vui vì được một người con nối dõi mà họ hằng trông đợi, nhưng hơn thế nữa, Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục nơi hai ông bà vì tuổi già mà son sẻ. Thiên Chúa lại còn dùng chính Gioan làm tiền hô cho Chúa. Điều Thiên Chúa làm không như những gì con người dự định. Vì thế, mỗi người chúng ta được Chúa cho hiện diện trên trần gian này đều bởi ý định của Thiên Chúa, mỗi người giữ một vai trò riêng. Do đó, chúng ta cần phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa vì Thiên Chúa luôn dành phần tốt nhất cho mỗi người.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết ý thức vai trò và trách nhiệm của mình để chu toàn bổn phận mỗi ngày theo thánh ý Chúa.
24.12.2021
THỨ SÁU TUẦN IV MÙA VỌNG
Lc 1,67-79
Lời Chúa:
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.” (Lc 1,68)
Câu chuyện minh họa:
Khi Inhaxiô còn trẻ, chàng chỉ mong trở thành một quân nhân, nhưng một tai nạn xảy ra, chàng bị thương phải nằm dưỡng bệnh lâu ngày. Chàng đọc sách, hết sách đời đến sách đạo, cuối cùng chàng đổi thay và trở nên một bậc thánh. Có người đã nhận định về chàng: “Anh ta đã muốn kiến tạo mình trước thời gian, nhưng chàng không thể hoàn thành chương trình cho đến khi năm tháng đã trôi qua.”
Suy niệm:
Ông Dacaria công khai nói lên niềm tin của mình khi Chúa mở miệng cho ông sau 9 tháng bị câm, trọng tâm là lời ngợi khen, cảm tạ mà ngày nay Giáo Hội dùng để ca ngợi Chúa trong giờ kinh sáng. Đó là tâm tình cảm tạ tri ân trào ra từ việc cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa dành cho Dacaria.
“Đêm thánh” là đêm khởi đầu của lịch sử, Đấng Cứu Thế đến đem ơn cứu độ cho trần gian, đem đến một tương lai mới. Nhưng đêm này không phải xảy ra một lần nhưng mỗi lần những cử chỉ yêu thương được thể hiện, những lời tha thứ được bày tỏ, bầu khí an vui thuận hòa được diễn ra… chính lúc đó đêm thánh được họa lại.
Ước gì cuộc sống của chúng ta được dệt nên bằng những “Đêm thánh vô cùng”, như thế là chúng ta đang hát lên khúc ca đêm thánh tuyệt vời, tuyệt vời không phải bởi lời ca ý nhạc, nhưng tuyệt vời bởi những cử chỉ tin yêu, phó thác.
25.12.2021
THỨ BẢY
LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Ga 1,1-18
Lời Chúa:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14)
Câu chuyện minh họa:
Có một chuyện ngắn, mang tựa đề là “Người khách cuối cùng”, tôi xin được tóm tắt như sau:
Thôn ấp Bêlem còn chìm trong bóng tối. Hài nhi Giêsu còn thiếp ngủ trong máng cỏ. Bỗng cửa chuồng bò mở ra. Một bà lão xuất hiện. Thân hình gầy guộc. Nước da nhăn nheo. Áo quần rách rưới. Maria nhìn bà lão bằng cặp mắt canh chừng, lo âu và thoáng một chút sợ hãi. Bà lão tiến lên, tiến lên nữa, đến tận máng cỏ. Rất may là Hài nhi Giêsu vẫn còn ngủ yên. Nhưng rồi bất ngờ, đôi mắt Hài nhi Giêsu khẽ mở và nhìn bà lão. Maria càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy cặp mắt của bà lão giống hệt cặp mắt của Hài nhi Giêsu, vì cả hai cùng sáng lên một tia hy vọng. Bà lão nghiêng mình trên máng cỏ. Bàn tay thọc sâu vào trong túi. Dường như bà lão lấy ra một vật gì đó, rồi đặt xuống bên cạnh Hài nhi Giêsu. Maria thắc mắc không hiểu là vật gì.
Yên lặng một lúc, bà lão đứng lên và cất bước. Như có một sức mạnh thần bí thúc đẩy, bà lão bước đi nhanh nhẹn. Lưng không còn còng xuống và nét mặt lấy lại được vẻ tươi trẻ. Bà lão mất hút trên khoảng đồi xa xa. Bấy giờ, ngọn gió không còn lạnh cóng vì hừng đông đã ló dạng. Maria lại gần bên máng cỏ xem bà lão đã để lại vật gì. Maria vô cùng ngạc nhiên và kêu lên:
– Ôi, một quả táo vàng.
Bà lão ấy là hình ảnh tượng trưng cho Evà, đã trao lại cho Hài nhi Giêsu quả táo của tội lỗi đầu tiên. Và giờ đây, Hài nhi Giêsu đang cầm trên tay như cầm một trái cầu nhỏ, cho một thế giới mới xuất hiện.
Suy niệm:
Tội nguyên tổ đã ảnh hưởng trên tất cả chúng ta, mọi người đều lãnh án đau khổ và chết. Từ tội nguyên tổ ấy sinh ra nhiều thứ tội lỗi nơi con người: Cain, tháp Babel, cho đến tội của mỗi người. Do tội lỗi, con người tự đẩy mình xa rời Thiên Chúa. Tội lỗi phá đổ mối dây hiệp thông và tạo nên một vực thẳm ngăn cách con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thế nhưng, vì tình yêu nhân loại, Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm nhỏ bé, sinh ra nơi hang đá nghèo hèn, mặc lấy thân phận yếu hèn như chúng ta, Ngài cúi xuống thật gần với con người để nâng con người sa ngã lên. Ngài đã cứu độ chúng ta bằng con đường tự hạ, tự hủy mình ra không. Ngài đã đến kéo con người ra khỏi vực thẳm, phá đổ bức tường ngăn cách, và dẫn con người về với nguồn ơn cứu độ.
Hiểu được ý nghĩa đó, mỗi người chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Chúa đang tuôn tràn trên mỗi người qua mầu nhiệm nhập thể, và trao ban cho tha nhân bằng những hành vi chia sẻ, những lời cảm thông, và những cách đối xử đầy tình người hơn.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình yêu vô biên của Chúa đang đến với con người qua mầu nhiệm nhập thể, không những thế, Người đến với chúng con qua nhiều cách thức, nhất là nơi những người nghèo khổ đang cần đến chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho