16.09.2019
THỨ HAI TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Thánh Cornêliô, giáo hoàng tử đạo
và thánh Cyprianô, giám mục tử đạo
Lc 7,1-10
Lời Chúa:
“Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” (Lc 7,9)
Câu chuyện minh họa:
Một đêm nọ, có một người, nằm chiêm bao thấy mình phải vác một cây Thập Giá rất dài và nặng, trên đường đi về với Chúa. Vì thấy cây Thập Giá quá dài như thế, nên người này đã cưa bớt đi cho đỡ dài và đỡ nặng.
Khi gần tới đích rồi, người này gặp một vực sâu. Cách duy nhất để có thể vượt qua vực sâu này, đó là dùng cây Thập Giá làm cây cầu. Nhưng vì đã lỡ cưa ngắn cây Thập Giá đi rồi, nên người này đã không thể nào qua vực sâu kia được. Lo sợ về tình trạng trên đây quá, đến nỗi đổ mồ hôi hột, vì thế người này đã tỉnh giấc chiêm bao.
Suy niệm:
Trong cuộc sống có rất nhiều khoảng cách: tuổi tác, học thức, giàu nghèo, văn hóa, niềm tin… nhưng chúng ta chỉ vượt qua những khoảng cách đó bằng thập giá, Thập Giá của Đức Kitô chịu Đóng Đinh. Khoảng cách trong Tin mừng hôm nay nhắc đến là khoảng cách giai cấp: chủ-tớ, khỏe mạnh-đau yếu, địa lý. Và niềm tin đã nối kết những khoảng cách đó. Chính niềm tin đã phá vỡ hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, giữa người với người, và giữa những hoàn cảnh với nhau. Đức tin mà chúng ta đề cập đến không chỉ trên môi miệng nhưng nó được thể hiện ra bằng hành động, bởi “đức tin không việc làm là đức tin chết”.
Mỗi người chúng ta cần duyệt xét lại chính mình xem những hố sâu nào đang ngăn cách tôi?
Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con, để nơi con dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách, và đến với Chúa, với anh chị em con mỗi ngày một gần hơn.
17.09.2019
THỨ BA TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 7,11-17
Lời Chúa:
“Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa”. (Lc 7,16)
Câu chuyện minh họa:
Một gia đình nọ có một người con trai vừa học xong Trung học đã bị thiệt mạng vì tai nạn xe. Sau khi chôn cất người con, bà mẹ đã gửi cho một tờ báo địa phương một lá thư với những lời lẽ như sau: “Hôm nay chúng tôi đã mất đi người con trai 20 tuổi, nó đã thiệt mạng ngay trong một tai nạn xe gắn máy tối thứ sáu vừa qua. Phải chi tôi biết được điều đó xảy ra, tôi đã nói chuyện với nó lần cuối; phải chi tôi biết trước điều đó, tôi đã dành thời giờ ôn lại biết bao điều tốt đẹp nó đã mang lại cho những ai yêu thương nó. Khi tôi đưa lên bàn cân những đức tính tốt và những khuyết điểm của nó, tôi thấy những khuyết điểm của nó chẳng là bao. Tôi không còn dịp để nói với con tôi những gì tôi muốn nó nghe nữa. Nhưng hỡi các bậc phụ huynh, quí vị còn có cơ may, quí vị hãy nói với con cái những gì quí vị muốn chúng nghe, nếu quí vị biết rằng đó là lần nói chuyện cuối cùng. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với con tôi chính là ngày nó chết. Nó gọi điện thoại cho tôi và nói: “Má, con gọi điện để nói với má rằng con thương má, thôi má đi làm, chào má”. Nó đã cho tôi một điều mà tôi phải trân trọng mãi mãi. Nếu cái chết của con tôi có một mục đích nào đó, thì đó có lẽ là để làm cho người khác trân trọng cuộc sống hơn, và để nói với người khác, cách riêng với các gia đình hãy dành thời giờ để nói với nhau rằng chúng ta quan tâm đến nhau. Có thể quí vị sẽ không có một dịp may nữa, hãy làm ngay ngày hôm nay đi.
Suy niệm:
Người mẹ viết lá thư trên đây không có được cơ may của người mẹ thành Na-in trong Tin mừng hôm nay. Thật ra vào thời Chúa Giêsu, không phải tất cả những người mẹ mất con đều được cơ may ấy.
Việc Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại mang đến cho chúng ta nhiều ý nghĩa: dù việc hồi sinh ấy rồi cũng sẽ chết, Ngài chứng tỏ quyền năng của Ngài và nhất là báo trước sự phục sinh của Ngài. Tin tưởng vào sự phục sinh của Chúa, giúp chúng ta tuân phục thánh ý Chúa và nhất là biết chỗi dậy sau những khi vấp ngã. Qua việc làm của Chúa, nêu gương cho mỗi người chúng ta biết quan tâm nhau để nhận ra những đau khổ của nhau và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Sự im lặng của bà góa thành Na-in, gợi lên cho chúng ta dù bất lực nhưng bà vẫn hoàn toàn phó thác vào Chúa.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết giúp nhau gánh những gánh nặng để chúng con cùng nhau đến với Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
18.09.2019
THỨ TƯ TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 7,31-35
Lời Chúa:
“Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?”. (Lc 7,31)
Câu chuyện minh họa:
Một ký giả, khi được thực hiện một thiên phóng sự về lễ Kim Khánh hôn phối của một đôi vợ chồng già sống rất hạnh phúc, đã đến hỏi người chồng về bí quyết đã giúp cho ông giữ được niềm vui và sự an hoà trong gia đạo. Ông lão đã trả lời đại khái như sau:
“Giản dị lắm cậu ơi! Tôi mồ côi cha mẹ từ tấm bé và đã tự mình chống chọi với đời để mưu sinh ngay từ thuở nhỏ. Tôi không còn thời giờ để nghĩ đến việc khác, cũng chẳng có thời giờ để phạm vào một vài lỗi lầm của tuổi trẻ. Lúc đã gần đến tuổi lấy vợ, tôi mới để ý đến Kiều Giang… Sau khi hôn lễ và những tiệc tùng đã chấm dứt, ông nhạc tôi kêu tôi ra riêng một nơi, trao cho tôi một gói nhỏ mà bảo tôi: “Đây là tất cả những gì con cần biết để cho vợ con được hạnh phúc và mang hạnh phúc đến cho con”. Trong cái gói nhỏ ấy chỉ có một cái đồng hồ quả quít. Đây, chiếc đồng hồ ấy đây! Đây là chiếc đồng hồ vàng đã cũ nhưng chạy vẫn còn tốt lắm. Cậu thấy không? Chỉ cần ấn vào cái nút nhỏ này là đồng hồ mở ra. Bây giờ mời cậu hãy nhìn vào hàng chữ khắc trên mặt đồng hồ. Tôi đọc đi đọc lại câu ấy mỗi ngày 10 lần. Đó là tất cả bí quyết của tôi!”
Ký giả đọc câu ấy như sau: “Hãy nói vài lời dễ thương với vợ con!”
Những lời tử tế tạo được nhiều phép lạ!”
Suy niệm:
Một cuộc sống biết quan tâm đến người khác không mấy ai làm được, nếu họ chỉ nghĩ đến bản thân mình. Một cuộc sống vô cảm làm cho con người ngày càng xa cách nhau dù ở rất gần nhau. Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ mỗi Kitô hữu biết thay đổi lối sống cho phù hợp với Tin mừng. Lời kêu gọi sám hối cũng như lối sống của Gioan Tẩy Giả đã không được đón nhận, nên Chúa Giêsu đã ví họ như lũ trẻ ngoài chợ. Khi Chúa Giêsu đến với những người tội lỗi, những người bị xã hội loại bỏ, thì người ta lại bảo Ngài chỉ là tay ăn nhậu. Họ cố chấp không thay đổi lối sống và cách nhìn, nên tìm cách biện minh để loại bỏ chân lý.
Còn chúng ta, lối nhìn của chúng ta về Chúa có như họ không? Chúng ta có nhận ra chân lý, đi tìm và sống chân lý cách triệt để chưa? Chỉ khi chúng ta ra khỏi cái tôi của mình, thì chúng ta mới tìm thấy sự hiện diện đầy tình yêu thương của Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin cho con vượt qua tính ích kỷ, tham vọng, định kiến của bản thân để con đến với Chúa, với anh chị em con bằng quả tim biết yêu thương. Amen.
19.09.2019
THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 7,36-50
Lời Chúa:
“Tôi nói cho chị hay: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha thứ, bằng cớ chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha thứ ít thì yêu mến ít”. (Lc 7,47)
Câu chuyện minh họa:
Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị. Ở đó chàng đã ăn chơi trác táng. Kiếp sống sa đọa đã đưa chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống êm ấm trong gia đình. Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về nghĩ mình quá bất xứng, không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó chàng viết thư cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý nếu cha mẹ bằng lòng cho chàng trở về thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà. Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một cái áo bông, mà còn lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cửa dậu trước ngõ.
Suy niệm:
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy cha mẹ trần gian yêu thương con cái và mong đợi đứa con lầm lỗi quay về. Thiên Chúa còn hơn thế nữa, con người dù ngập chìm trong tội lỗi nhưng Thiên Chúa vẫn luôn mong đợi con người quay về với Ngài. Tình yêu của Ngài vượt trên tất cả, Ngài luôn tha thứ và chờ mong chúng ta từng phút giây. Người phụ nữ trong Tin mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của ăn năn sám hối nên đã đến bên chân Chúa, bất chấp những lời dèm pha, khinh bỉ của những người cùng ngồi ăn với Chúa Giêsu. Chúng thấy được rằng, khi chúng ta cảm nhận ơn tha thứ, chúng ta sẽ yêu mến nhiều hơn. Lần giở lại lịch sử, chúng ta thấy các vị thánh là những người từng sống tâm tình ăn năn sám hối, bằng việc ý thức thân phận tội lỗi của mình và tiến tới trong tình yêu mến.
Lạy Chúa, càng sống trong sự tha thứ chúng con càng cảm nhận tình yêu thương, xin cho mỗi người chúng con biết ý thức thân phận tội lỗi của mình để sống tâm tình sám hối và biết tha thứ cho những anh chị em chung quanh chúng con, nhất là những người gây đau khổ cho chúng con.
20.09.2019
THỨ SÁU TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo
Lc 8,1-3
Lời Chúa:
“Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.” (Lc 8,1)
Câu chuyện minh họa:
Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này đang hấp hối… có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:
– “Tại sao bà lại làm như vậy?”
Mẹ Têrêxa trả lời:
– “Bởi vì tôi rất yêu mến bà…”
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
– “Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!”
– “Tôi rất yêu mến bà”. Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
– “Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà”.
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời…
Suy niệm:
Mẹ Têrêsa Calcutta đã đóng một vai trò quan trọng trong Giáo hội. Đồng thời, Mẹ là nhân chứng sống động của Chúa Giêsu. Trong thời Giáo hội sơ khai, Đức Maria đã đồng hành với các môn đệ, và cùng đi với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường. Ngày nay Chúa cũng muốn có sự hiện diện của người phụ nữ trong việc loan báo Tin mừng. Qua đó, đối với Chúa dù là nam hay nữ, mỗi người đều có giá trị trước mặt Chúa.
Ước gì mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm của mình và thực thi bản chất của Giáo hội, là loan báo tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.
21.09.2019
THỨ BẢY TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Thánh Matthêô, tông đồ, tác giả sách Tin mừng
Mt 9,9-13
Lời Chúa:
Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mt 9,9)
Câu chuyện minh họa:
Không có một sự kiện vật chất gì bên ngoài chứng tỏ dân làng Aman giàu có, nhưng niềm vui tươi nở trên gương mặt chứng tỏ sự nghèo vật chất không ngăn cản họ sống hạnh phúc.
Phải, tất cả mọi người trong làng đánh cá Aman này đều sống trong an bình hạnh phúc. Nhưng rồi một ngày kia có hai người đánh cá trong làng là Jopo và Jopa, lưới lên một thùng rất nặng, khi thuyền về đến bờ, họ tò mò mở nhanh thùng ra và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy thùng chứa đầy những hạt ngọc. Hai anh em không biết làm gì với kho tàng liền bàn nhau đem đến hỏi ý kiến nhà hiền triết Akian sống gần bên. Jopo hỏi:
– Thưa Ngài, chúng tôi phải làm gì với những hạt ngọc này, số lượng đủ để phân phát cho mỗi người trong làng chúng tôi mỗi người một hạt và như thế mỗi người chúng tôi trở thành giàu có.
Nhà hiền triết trả lời một cách khô khan.
– Hãy đem chúng đổ lại xuống biển.
– Nhưng thưa Ngài, Ngài không cảm thấy sung sướng cho những người dân trong làng mỗi người được tặng một hạt ngọc để sống giàu có dư thừa hay sao?
Nhà hiền triết chậm rãi giải thích:
– Đó là sự khác biệt to lớn giữa giàu có của cải vật chất và hạnh phúc.
Phải, dân làng Aman này nghèo vật chất nhưng đang sống rất là hạnh phúc bởi vì họ yêu mến qúy trọng sự sống vì sự sống đáng trọng chứ không phải vì sự sống đó mang lại cho họ của cải lợi lộc vật chất.
Suy niệm:
Khi con người theo đuổi một lý tưởng mà dám từ bỏ những gì là quý giá, đó mới là điều đáng trân trọng. Matthêu đã từ bỏ một cái nghề hái ra tiền một cách dễ dàng, nhưng ông đã can đảm vứt bỏ tất cả sau khi gặp Chúa, và ước mong dấn thân theo Chúa. Đối với dân Do Thái thời bấy giờ xem ông như một người tội lỗi, nhưng dưới cái nhìn của Chúa, Ngài thấy tận sâu thẳm tâm hồn ông. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng là những con người tội lỗi, nhưng Chúa vẫn yêu thương và kêu gọi chúng ta mỗi ngày bước theo Chúa một gần hơn, để chúng ta trở nên giống Ngài nhiều hơn nữa; chúng ta đã đáp lại lời mời gọi đó như thế nào? Chúng ta có nhanh nhẹn bước ra khỏi cạm bẫy của tội lỗi chưa?
Lạy Chúa, xin thêm sức cho con để con vượt ra khỏi những yếu hèn của bản thân mà bước theo Chúa mỗi ngày.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho