15.07.2019
THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Thánh Bônaventura, giám mục, tiến sĩ Hội thánh
Mt 10,34-11,1
Lời Chúa:
“Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được”. (Mt 10,39).
Câu chuyện minh họa:
Ông Vincio, người Ý, 58 tuổi, là giáo sư môn toán. Hôm đó ngày 23.12.1993 đang trên đường đi thì chiếc xe hơi của ông bị nổ lốp. Ông xuống xe loay hoay thay bánh “sơ cua”. Đúng lúc đó, có người tới giúp ông một tay. Khi gần ráp xong bánh xe, thì người đàn ông này kiếu từ phải đi. Ráp xong bánh xe, ông Vincio thu lại đồ nghề mới biết hộp đồ nghề của mình bị mất cắp một số đồ mắc tiền do người đàn ông “tốt bụng” kia lấy. Ông buồn thở dài, nhưng ông thấy một vé số rơi xuống đường có lẽ của tên ăn trộm. Ông lượm bỏ vào túi. Dịp xổ số đầu năm 1994, ông mang vé số đó ra dò thì may quá vé số trúng 50 triệu lire tiền Ý tức khoảng 60.000 đôla, ai mà chẳng thích. Nhưng lương tâm ông Vincio áy náy vì vé số này không phải của ông. Lòng ông dường như đeo một tấn đá nặng nề. Ông bỏ tiền đăng quảng cáo để tìm ra chủ nhân của tấm vé số đó. Nhiều người tham tới nhận là của mình. Nhưng chỉ vài câu hỏi, ông biết là kẻ tham lam. Ba tuần sau, tên trộm đồ sửa xe điện thoại tới nhận và tả lại mọi chi tiết. Ông Vincio mang 50 triệu lire tới trả cho chủ nhân. Tên trộm quá cảm động, xin lỗi ông Vincio và nói vì anh ta đang thất nghiệp lại nuôi 2 đứa con thơ nên buộc lòng phải lấy đồ sửa xe bán lấy tiền. Tên trộm hỏi tại sao ông Vincio không giữ lấy 50 triệu lire mà xài vì có ai biết gì đâu. Ông Vincio trả lời, lương tâm ông không cho phép. Ra về, ông Vincio cảm thấy nhẹ nhõm tâm hồn hơn bao giờ hết. Mất đồ sửa xe, nhưng được tiền nhiều, được tiền đó nhưng lại mất bình an tâm hồn. Cái vòng mất – được đó cứ luẩn quẩn xoay tròn. Cuối cùng ông Vincio chấp nhận mất số tiền để được bình an tâm hồn.
Suy niệm:
Nếu chúng ta chấp nhận mất đi cái chóng qua để được cái trường tồn, mất cái vui thú tạm bợ để được hạnh phúc thật, mất đi thân xác này để được sự sống đời đời… Những cái mất này so với cái chúng ta được thì cái mất chẳng là gì và cái được thì vô tận. Lời Chúa mời gọi chúng ta dám từ bỏ, chấp nhận cuộc sống khó khăn, những thử thách… để chúng ta đạt được phần thưởng mà không ai có thể lấy mất được.
Là Kitô hữu, chúng ta càng phải ra khỏi bản thân mình để làm chứng cho Chúa, dẫu biết rằng không tránh khỏi những thách đố, khó khăn nhưng với một niềm hy vọng và xác tín rằng Chúa sẽ là phần thưởng mai sau cho chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những ưu tư và bận tâm mỗi ngày để được xứng đáng hưởng phần phúc mà Chúa sẽ ban cho con trên thiên đàng. Amen.
16.07.2019
THỨ BA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11,20-24
Lời Chúa:
“Người quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối”. (Mt 11,20).
Câu chuyện minh họa:
Thời vua Luis 13 đang trị vì nước Pháp, ngày kia hoàng hậu Anne d’Autriche mở tiệc đãi khách. Hôm đó bà đeo sợi dây chuyền bằng ngọc. Thánh Vincent de Paul có mặt trong bữa tiệc đó, đã nói với bà: “Thưa hoàng hậu, nếu bà muốn bà có thể làm một phép lạ”.
Hoàng hậu nhìn thánh nhân với vẻ đầy kinh ngạc. Thánh nhân nói tiếp: “Vâng, bà có thể đổi viên ngọc này thành bánh mì giúp những người nghèo đói”. Vài giờ sau, phép lạ đã xảy ra: Hoàng hậu trao cho thánh Vincent de Paul sợi dây chuyền ấy để bán lấy tiền mua bánh mì cho người nghèo.
Suy niệm:
Phép lạ có thể xảy ra hàng ngày nếu mỗi người chúng ta biết quảng đại cho đi. Những người đã từng chứng kiến những phép lạ của Chúa lẽ ra họ phải sám hối để lãnh nhận ơn tha thứ, lẽ ra họ phải tin Chúa nhiều hơn; thế nhưng họ đã không sám hối và không tin nên họ sẽ chịu hình phạt nặng hơn những người khác.
Tôi có làm nên những “phép lạ” hằng ngày cho tha nhân bằng sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ không? Tôi có thực sự khiêm tốn đón nhận ơn cứu độ qua việc sám hối không?
Lạy Chúa, xin giúp con biết thay đổi cách sống của mình phù hợp với Tin Mừng và thánh ý Chúa, để con không rơi vào nơi tối tăm đời đời.
17.07.2019
THỨ TƯ TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11,25-27
Lời Chúa:
“…vì Cha đã giấu không cho những bậc thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”. (Mt 11,25).
Câu chuyện minh họa:
Trên chuyến xe lửa tiến về Paris, một anh sinh viên trẻ ngồi bên cạnh một cụ già. Sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong việc cầu nguyện.
Anh sinh viên nhìn cụ già với vẻ khinh bỉ. Một lát sau anh nói:
– Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí à?
Cụ già thản nhiên đáp:
– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Anh sinh viên cười ngạo nghễ rồi nói:
– Lúc còn con nít tôi có tin. Nhưng bây giờ khoa học đã mở mắt cho tôi và tôi không thể tin được nữa. Ông hãy quăng xâu chuỗi ấy đi và hãy học hỏi những khám phá mới, ông sẽ thấy những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.
Cụ già khiêm tốn hỏi:
– Cậu vừa nói về những khám phá khoa học mới. Cậu có thể giúp tôi hiểu được những khám phá ấy?
Anh sinh viên hăng hái trả lời:
– Được chứ. Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng ông những cuốn sách khoa học rồi ông sẽ thấy sự phong phú kỳ diệu của nó.
Cụ già rút trong túi ra một tấm danh thiếp và đưa cho anh sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, anh thanh niên tái mặt và lặng lẽ cúi đầu đi sang toa khác, bởi vì trên tấm danh thiếp có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. Ông Louis Pasteur là một nhà bác học đã có nhiều phát minh trong lãnh vực hóa học và sinh vật học. Chính ông đã tìm ra thuốc chích ngừa bệnh chó dại. Dù thông thái như thế, nhưng ông vẫn khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, vẫn nỗ lực tìm kiếm Chúa để sống gắn bó với Người. Vì thế ông đã nghe được tiếng Chúa và đón nhận được những mặc khải của Người.
Còn anh sinh viên kia khả năng và sự hiểu biết không được bao nhiêu, nhưng đã tỏ ra kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết ấy. Sự kiêu căng của anh đã che khuất đi khuôn mặt của Thiên Chúa, đã làm át đi tiếng nói của Người trong tâm hồn anh. Chính vì thế anh đã không thể nhận ra dung mạo của Thiên Chúa, không nghe được tiếng nói của Người trong cuộc đời mình.
Suy niệm:
Sự phát triển của khoa học kỷ thuật không đủ mạnh để phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng chỉ có sự kiêu ngạo vì những thành quả mình đạt được mới kéo người ta rời xa Thiên Chúa, che mờ hình ảnh tuyệt đẹp của Thiên Chúa. Tuy là một nhà phát minh nổi tiếng nhưng Louis Pasteur vẫn chìm đắm trong cầu nguyện. Còn chúng ta là những người tin, theo Chúa, người môn đệ của Chúa, chúng ta sống mối thân tình với Chúa thế nào? Trước những thành quả của bản thân, chúng ta có thái độ ra sao?
Lạy Chúa, Chúa mạc khải cho những ai có tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ. Xin giúp con nhận ra sự yếu hèn của mình, những tội lỗi và thiếu xót của bản thân để con thật tình sám hối và sống khiêm tốn hơn.
18.07.2019
THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11,28-30
Lời Chúa:
“… hãy học với tôi vì có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. (Mt 11,29).
Câu chuyện minh họa:
Trần Nghiêu Tử làm quan Tiết độ sứ đời Tống là người tài bắn, thiên hạ khen phục, Nghiêu Tử cũng lấy làm kiêu căng tự đắc.
Nghiêu Tử thường bắn ở trong vườn nhà mình. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy Nghiêu Tử bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé đứng xem. Ông lão thấy Nghiêu Tử bắn mười phát trúng bảy, tám, thì hơi gật gù và mỉm miệng cười.
Nghiêu Tử thấy thế, gọi vào bảo:
– Nhà ngươi cũng biết bắn chứ, ngươi cười ta bắn không được có phải không?
Ông lão đáp:
– Giỏi gì đâu, chẳng là quen tay đấy thôi.
Nghiêu Tử giận quá, nói:
– A, nhà ngươi khinh ta bắn không giỏi phải không?
Ông lão bán dầu đáp:
– Khinh hay không ngài cứ xem tôi rót dầu đây thì biết!
Nói xong, ông lão lấy một cái bầu đặt xuống đất, trên miệng bầu để một đồng tiền rồi từ từ rót dầu qua lỗ mà không nhiễu một tí dầu nào ra lỗ đồng tiền cả.
Rót đoạn, ông lão ngẩng lên nhìn Nghiêu Tử:
– Như tôi đây cũng chẳng giỏi gì đâu chẳng là quen tay đấy! Nghiêu Tử cười, khen phải và từ đó không lên mặt là tay bắn giỏi nữa.”
Suy niệm:
Sự khiêm nhường mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là mỗi người hãy sống đúng vị trí và phẩm giá của mình, biết phân biệt điều hay lẽ phải, không để sự gian ác chi phối bản thân ta. Đồng thời chúng ta không thỏa hiệp với tội ác, không làm điều ác rồi bào chữa cho mục đích tốt. Người hiền lành thường được mọi người quý chuộng, tôn kính, tin tưởng… Đó là những người khiêm nhường theo lẽ thường tình. Còn sự khiêm nhường của Chúa Giêsu đáng giá hơn rất nhiều. Ngài dám nói sự thật dù phải chịu đau thương khổ giá, nhưng không oán hận mà còn xin Chúa tha cho những người bắt, hành hạ và giết Chúa nữa.
Lạy Chúa, xin uốn nắn trái tim con giống trái tim Chúa để con biết khiêm nhường, yêu thương và tôn trọng người khác như chính Chúa; vì con tin rằng tình yêu và sự khiêm tốn, sẽ dễ dàng giúp con đến với tha nhân.
19.07.2019
THỨ SÁU TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 12,1-8
Lời Chúa:
“Con Người làm chủ ngày sa-bát”. (Mt 12,8).
Câu chuyện minh họa:
Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ năn nỉ:
Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý.
Hoàng đế Napoléon trả lời:
Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót.
Bà mẹ nói: Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không cần gọi là lòng thương xót nữa.
Hoàng đế Napoléon đáp: Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó.
Và ông sai thả người thanh niên đó ra.
Suy niệm:
Việc giữ ngày sa-bat đối với người Do Thái rất quan trọng. Nhưng đối với Đức Giêsu, ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, để giải thoát loài người chứ không phải để ràng buộc. Chúa Giêsu không hủy bỏ luật sabat như người Do Thái nghĩ. Chúa đã đến để mang lại ý nghĩa nguyên thủy của nó: làm điều lành và mang lại sự sống cho con người. Chúa cũng muốn mỗi chúng ta tuân giữ luật Chúa không dựa trên sự khô cứng mà dựa trên tình người để đối xử với nhau.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dùng tình thương mà cư xử với nhau hơn là dùng luật để đàn áp và gây khó khăn cho nhau.
20.07.2019
THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 12,14-21
Lời Chúa:
“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người…” (Mt 12,18)
Câu chuyện minh họa:
Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”.
– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.
Nghe thế, cây tre phản đối:
– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…
– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.
Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.
Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”.
– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…
– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.
Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.
Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.
Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.
Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.
Suy niệm:
Cây tre trong câu chuyện trên đây muốn được sử dụng tốt và trở nên có ý nghĩa thì phải theo ý kiến của người chủ, có khi phải chịu gọt tỉa đau đớn.
Chúa Giêsu đã là một gương mẫu cho chúng ta. Người là vị tôi trung của Chúa Cha, đẹp lòng Cha mọi đàng. Ngài luôn vâng phục thánh ý Cha và luôn làm cho Chúa Cha hài lòng. Đồng thời, Ngài cũng luôn kiên nhẫn với chúng ta, để chúng ta trở về với Chúa. Chính lòng nhân hậu của Chúa đã cải biến nhiều tâm hồn. Phần chúng ta, chúng ta có học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường chưa? Chúng ta có kiên nhẫn với anh chị em chúng ta không hay khi thấy một việc làm chướng mắt của họ, chúng ta vội kết án họ?
Những đòi hỏi của Phúc âm hôm nay bắt ta duyệt xét lại cách sống của chúng ta, đời sống cộng đồng cũng như đời sống cá nhân. Nói cách khác, khi người ta nhìn vào cách sống của chúng ta, người ta phải nhận ra hình ảnh một Đức Kitô kín đáo, nhân hậu và hiền lành.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mạnh dạn thưa với Chúa: Xin hãy dùng con theo thánh ý Chúa, vì Chúa tạo dựng chúng con cho Chúa.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho