13.03.2017
THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 6,36-38
Lời Chúa:
“Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán…” (Lc 6,37)
Câu chuyện minh họa:
Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau: “Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh bích quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay.
Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.
Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết sức nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.
Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận.
Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó.
Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người khác. Chàng trai kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.”
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên đây, chúng ta rút ra được bài học, cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế, chúng ta đừng vội xét đoán hay kết án người khác. Chúng ta cần phải suy xét cẩn thận, khi có đủ bằng cớ rồi mới đưa ra kết luận.
Chúng ta cần trở nên giống Chúa Giêsu nhiều hơn. Khi lầm lỗi, Ngài mong con người trở về, Ngài sẵn sàng tha thứ cho chúng ta với một tình thương yêu vô bờ. Đối với tha nhân, chúng ta có dám tha thứ khi người anh em của mình đến xin lỗi không? Chúng ta có nhẫn nại để người anh em của mình sửa lỗi không? Chúng ta có nhìn nhận những việc làm của anh em mình với ánh mắt của Chúa không hay chúng ta chỉ biết xét đoán theo cảm tính riêng?
Lạy Chúa, chúng con vốn là những người ích kỷ, hẹp hòi chỉ biết sống cho mình. Xin Chúa thay đổi tâm hồn chúng con để mỗi ngày chúng con trở nên giống Chúa nhiều hơn.
14.03.2017
THỨ BA TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 23,1-12
Lời Chúa:
“Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11)
Câu chuyện minh họa:
Ngày 28.06.1911, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm thêm 22 hồng y mới thuộc 14 quốc gia: 8 vị Ý, 2 vị Mỹ, 12 thuộc 12 nước khác.
Một trong hai vị của Hoa Kỳ là tân Hồng Y Roger Mahony Tổng Giám mục Los Angeles cho biết: “Chúng ta cần nhớ rằng việc bổ nhiệm Hồng Y không phải là một phần thưởng vì những thành tích quá khứ, nhưng là một lời mời gọi gia tăng hoạt động mục vụ trong tương lai”. Đức hồng y nhắc lại thân thế khiêm hạ của Ngài: “Hồi nhỏ tôi phải đi chăn gà vịt và quét dọn chuồng gà, chứ không phải xuất thân từ một gia đình sang trọng”. Đức Hồng y tiếp: “Trong Phúc âm, Chúa đã chọn những người tầm thường để thực hiện công việc của Ngài”.
Suy niệm:
Những người được Chúa chọn không phải vì khả năng riêng của họ nhưng Chúa chọn theo ý Chúa và sự quan phòng của Người. Hôm nay, Chúa Giêsu lên án những hành vi tự cao quá mức của những người biệt phái và kinh sư. Khi đi dự tiệc họ chỉ thích ngồi ghế trên, ăn chay thì làm bộ rầu rĩ, đeo những bản kinh thật to… Chúa không bác bỏ hành vi thờ phượng Chúa nhưng bảo con người phải tuân theo luật lệ: “tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm hãy giữ”. Bởi vì trong mười điều răn, Thiên Chúa đã đặt trên hai nguyên tắc căn bản: tôn kính Thiên Chúa và tôn trọng con người.
Là những người lãnh đạo, cách sống của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người; vì thế chúng ta không chỉ nói mà còn làm gương cho người khác nữa, đừng để bị Chúa chê trách như những kinh sư: “những việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”.
Lạy Chúa, xin cho con loại bỏ những hành vi phô trương bên ngoài để chỉ tôn thờ Chúa bằng hành vi đạo đức thật sự, để Danh Chúa mỗi ngày được cả sáng hơn.
15.03.2017
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 20,17-28
Lời Chúa:
“Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư.”(Mt 20,18)
Câu chuyện minh họa:
Vào năm 1924 ở nước Anh, Eric là lực sĩ chạy nhanh nhất trong cự ly 100m. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đoạt huy chương vàng ở thế vận hội được tổ chức tại Paris năm đó. Thế nhưng vào phút chót một sự việc xảy ra làm cho mọi người đều ngỡ ngàng và bực tức. Số là việc thi đấu cho môn chạy 100m này lại nhằm vào ngày Chúa Nhật. Eric nghĩ rằng việc phụng sự Chúa không cho phép anh thi đấu vào ngày Chúa Nhật. Vì thế anh đành từ chối thi môn này. Vừa nghe tin Eric từ chối thi đấu, lập tức mọi người tìm cách gây sức ép đối với anh. Ngay cả hoàng tử xứ Wales cũng cố gắng thuyết phục anh vi phạm tiếng nói của lương tâm. Thấy anh không chịu đổi ý, báo chí nước Anh đã gọi anh là tên phản bội. Tuy nhiên Eric vẫn khăng khăng không chịu làm ngược với niềm xác tín của mình. Cuối cùng anh đề nghị với các huấn luyện viên chọn một lực sĩ khác thay cho anh trong môn chạy 100m, là môn anh chưa một lần thi đấu. Kết quả là trong thế vận hội năm ấy, nước Anh đã đạt hai huy chương vàng cho môn chạy 100m và 400m.
Suy niệm:
Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người. Nơi Ngài sẽ đến là sự phản bội của người môn đệ mình, bị nộp vào tay thượng tế, bị kinh sư loại bỏ, bị kết án tử hình cách bất công… Điều đó cho chúng ta thấy sự đau khổ tột cùng của Ngài. Ngài thấy trước những đau khổ như thế, và Ngài không dừng lại ở đó, Ngài còn loan báo chắc chắn về sự phục sinh của Ngài. Qua đó, chúng ta thấy rằng, phía sau của thập giá là vinh quang, phía sau của cái chết là sự phục sinh và phía sau của khổ đau là ánh sáng của niềm hy vọng.
Hai người môn đệ đến xin được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong Nước Ngài, thì Ngài muốn họ chia sẻ chén đắng với Ngài. Mỗi người chúng ta có can đảm chấp nhận uống chén đắng để theo Chúa không? Chén đắng của mỗi người là sự chiến đấu liên lỉ của sự tử đạo, đau khổ, buồn phiền, nước mắt, hy sinh… Nhưng chúng ta sẽ được chung phần vinh quang với Ngài trong Nước Trời mai sau.
Lạy Chúa, xin cho con mỗi ngày theo Chúa biết chấp nhận vượt qua những đau khổ của thập giá để con được vinh quang trong Nước Chúa mai ngày.
16.03.2017
THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 16,19-31
Lời Chúa:
“Con ơi, hãy nhớ lại suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh…” (Lc 16,25)
Câu chuyện minh họa:
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành.
Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng:
– Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà!
– Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không?
– Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc.
– Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi.
– Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì?
– Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy.
– Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh.
– Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều.
– Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia
Suy niệm:
Câu chuyện khiến mỗi người chúng ta ngẫm nghĩ lại, những hạnh phúc và những gì mình đang có biết đâu là những hy sinh của người khác. Chúng ta sống là sống với và sống vì người khác nhưng đôi khi chúng ta lại dửng dưng trước những người làm ơn cho chúng ta. Trong cuộc đời này, vẫn còn nhiều những mảnh đời bất hạnh, những con người đang thiếu thốn cơm bánh, những tâm hồn đang lạnh lẽo trong sự cô đơn… Chúng ta có biết đến với họ để chia sẻ, an ủi và mang lại hơi ấm cho họ không?
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy dừng lại nơi người anh em đồng loại của chúng ta, để mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Niềm vui của Ông Hoàng Hạnh Phúc là trao ban đời mình cho người khác, Ông đã trao ban đến không còn gì cho bản thân mình. Đó cũng là mẫu người rất quen thuộc đối với mỗi Kitô hữu chúng ta, là Đức Giêsu Kitô. Người đã trút bỏ tất cả, vinh quang, danh dự, uy quyền… kể cả mạng sống mình chỉ vì cứu con người ra khỏi vòng tội lỗi.
Lạy Chúa, Chúa đã đến trong thế gian này để mang lại hạnh phúc cho con người, xin cho chúng con cũng biết trao ban hạnh phúc ấy cho những anh chị em chúng con, nhất là những người đang gặp khó khăn, đau khổ, và bất hạnh trong cuộc sống.
17.03.2017
THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 21,33-43.45-46
Lời Chúa:
“Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)
Câu chuyện minh họa:
Chuyện ngụ ngôn “Lừa và Sói” kể rằng: Một hôm, lừa đang gặm cỏ, bỗng thấy Sói phi nước đại phóng tới. Lừa giả bộ đi khập khiễng. Khi Sói đến gần, hỏi nó vì sao bị thọt chân, thì Lừa trả lời:
– Vừa nãy tôi nhảy qua hàng rào bị xóc gai.
Rồi Lừa đề nghị Sói trước khi ăn thịt mình hãy nhổ gai ra đã, để khỏi bị gai đâm.
Sói tin lời, Lừa giơ cao chân để Sói soi mói kỹ lưỡng các móng chân Lừa. Lừa thừa cơ đạp mạnh vào mõm Sói rồi bỏ chạy.
Sói bị gẫy hết răng ôm đầu kêu la.
– Đáng đời ta! Cha mẹ nuôi ta thành kẻ chuyên ăn thịt, chứ đâu dạy ta làm thầy lang!
Suy niệm:
Câu chuyện ngụ ngôn cho chúng ta một bài học: kẻ nào không làm đúng công việc của mình sẽ lãnh hậu quả bi thảm. Mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa giao phó vào vườn nho của Người. Người giao cho chúng ta tài năng, của cải vật chất, trí khôn… để chúng ta đem hoa lợi về cho Người. Người giao cho chúng ta không kiểm soát cũng chẳng canh chừng. Có những tá điền không làm đúng công việc của mình, nhưng chỉ biết lợi dụng tự do để làm lợi cho bản thân. Thiên Chúa luôn nhẫn nại với chúng ta, Người sẵn sàng tha thứ tội lỗi chúng ta nếu chúng ta thật lòng sám hối. Thay vì tiêu diệt các tá điền, ông lại sai các tá điền khác canh tác. Người xây tháp canh để bảo vệ chúng ta, ban ân sủng để chúng ta có sức thi hành nhiệm vụ. Chính trong ý nghĩa đó, giúp mỗi người chúng ta ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với Chúa, đừng để ngày sau hết chúng ta bị thảy ra ngoài như những người tá điền sát nhân bị loại khỏi vườn nho.
Ước gì mỗi người chúng ta ý thức thân phận của mình được Thiên Chúa yêu thương và sống tốt vai trò của mình để khi Chúa đến Người sẽ ban thưởng Nước Trời.
18.03.2017
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 15,1-3.11-32
Lời Chúa:
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.” (Lc 15,20)
Câu chuyện minh họa:
Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị. Ở đó, chàng đã ăn chơi, trác táng… Kiếp sống sa đọa đã đưa chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.
Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng, không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý: nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.
Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một cái áo bông mà lấy tất cả các áo trong nhà ra treo kín cả bờ dậu trước ngõ như một rừng cờ đón rước con trở về.
Suy niệm:
Cha mẹ luôn luôn yêu thương con mình, nhất là những đứa con hư hỏng, yếu đuối, bệnh tật, và luôn mong con quay về khi sai đường lạc lối. Thiên Chúa còn hơn thế nữa, Ngài luôn dõi mắt nhìn chúng ta không phải để phán xét nhưng là để trông nom và mong chúng ta quay về khi chúng ta lạc lối. Chúng ta phiêu lưu trong tội lỗi, nhiều khi chúng ta thất vọng không dám quay về với Thiên Chúa nhưng Người vẫn không bao giờ thất vọng về chúng ta, Người luôn kiên nhẫn cho dù tội lỗi của chúng ta có lớn tới mức nào đi nữa.
Phần chúng ta, chúng ta có biết sám hối khi chúng ta có lỗi hay không? Chúng ta có dám quay về với Chúa khi chúng ta lạc lối không?
Lạy Chúa, Chúa dùng tình yêu để mở lối thoát cho chúng con, xin cho chúng con nhận ra con người tội lỗi của mình để sám hối, và được tình yêu Chúa cảm hóa tâm hồn chúng con.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho