12.09.2016
THỨ HAI TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 7,1-10
Lời Chúa:
“Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” (Lc 7,9)
Câu chuyện minh hoạ:
Sau quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki, ông Paul Nagai đã trở thành một con người bất hủ, vì sự tận tụy hy sinh vô bờ bến đối với nạn nhân. Ông để lại dòng tâm sự như sau: Từ một kẻ vô thần ông đã trở nên người Kitô hữu như thế nào: Kỳ nghỉ tết đầu năm, lúc tôi học năm thứ hai y khoa, mẹ tôi bị bệnh nặng. Tôi đến bên giường mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ còn một chút hơi thở, nhưng cặp mắt vẫn âu yếm nhìn tôi. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt mẹ tôi, người đã sinh thành, dưỡng dục và yêu thương tôi, đã làm cho tôi xúc động và tin chắc chắn: Phải có một linh hồn tồn tại mãi mãi, và từ đó tôi thay đổi nếp sống. Chính cái nhìn của người đã cảm hoá được Paul Nagai.”
Suy niệm:
Ông đại đội trưởng người ngoại giáo này thật khiêm tốn, ông biết thân phận mình và biết tôn kính Thiên Chúa. Biết mình không xứng đáng để Chúa đến nhà mà còn có lòng tin mạnh mẽ vào lời phán của Chúa Giêsu: “Thưa ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”. Vì thế, nhờ đức tin ông đã được Chúa chữa lành cho người đầy tớ của ông. Đối với mỗi người chúng ta là Kitô hữu, trong mọi hoàn cảnh chúng ta có tin tưởng vào Chúa và phó thác cho Chúa như người ngoại giáo này không?
Lạy Chúa, xin cho đức tin của chúng con mỗi ngày thêm vững mạnh hơn, nhờ việc tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.
13.09.2016
THỨ BA TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 7,11-17
Lời Chúa:
Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14)
Câu chuyện minh hoạ:
Này anh phạm nhân kia. Anh bị tố cáo về tội xách động người ta vi phạm lề luật, chà đạp các truyền thống và tập tục của đạo thánh. Anh tự bào chữa thế nào đây? – Vị thẩm phán toà điều tra hỏi.
– Thưa ngài, tôi có tội.
– Anh thường xuyên la cà với bọn ngoại giáo, đĩ điếm, bọn tội lỗi công khai, bọn thu thuế và bọn ngoại xâm- nói tóm lại, anh giao du với những người bị tuyệt thông. Anh tự bào chữa thế nào đây?
– Thưa ngài, tôi có tội.
– Còn nữa, anh bị tố cáo về tội chất vấn và sửa đổi những nguyên lý cơ bản và thánh thiêng của giáo lý đức tin. Anh tự bào chữa thế nào đây?
– Thưa ngài, tôi có tội.
– À, mà này, tên anh là gì?
– Dạ, Giêsu Kitô, thưa ngài.
Suy niệm:
Tin Mừng thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa chữa lành và cho phục sinh người thanh niên con bà goá thành Naim, đồng thời trình bày sứ mạng cứu thế và lòng nhân ái của Chúa Giêsu.
Thật thế, qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ cho anh thanh niên con bà goá thành Naim sống lại, chúng ta thấy rằng: Chúa Giêsu không chỉ có đủ mọi quyền hành, Ngài làm chủ cả sự sống lẫn sự chết, mà còn mạc khải về sứ vụ của Ngài ở thế gian, đó chính là Chúa đến để mang ơn cứu độ và sự sống đời đời cho nhân loại.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết cố gắng sống đạo tốt, bằng một lòng mến Chúa và yêu tha nhân thật sự. Để qua đó, con sẽ là chứng nhân cho sự hiện diện và ơn cứu độ của Chúa. Amen.
14.09.2016
THỨ TƯ TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lễ suy tôn Thánh Giá
Ga 3,13-17
Lời Chúa:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. (Ga 3,14)
Câu chuyện minh họa:
Huyền thoại của một nước vùng Ấn Độ có câu chuyện này: Thời xưa, đất nước còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa. Thỏ Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không từ chối bao giờ. Một hôm có một cụ già lom khom chống gậy đi tới và nói:
– Già đói lắm, suốt mùa nước lũ già không có gì ăn. Chắc già sắp chết rồi, giờ đây già chỉ thèm một miếng thịt thỏ, Pôlixa có cho già được không?
Thỏ Pôlixa nhìn ông già hom hem yếu đuối, tội nghiệp quá. Thỏ Pôlixa bảo ông:
– Được rồi, ông chờ một lát.
Pôlixa đi kiếm củi xếp thành đống rồi nổi lửa, và nói:
– Ông chờ thịt cháu chín, ông lấy mà ăn.
Rồi thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên lửa tắt, ông già biến mất. Thì ra đó là một vị thần được Thượng đế cho phép tới thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.
Suy niệm:
Chúa Giêsu quá yêu thế gian, nên đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta; hơn thế nữa, Ngài còn dùng chính cái chết để mang lại sự sống cho thế gian. Ngài đã tha thứ muôn vàn tội lỗi và tái sinh chúng ta để chúng ta được sống với Người. Khi xưa dân Do Thái đã không trung thành với Chúa, đúc bò vàng thờ lạy, nên Chúa đã cho rắn độc cắn để cảnh cáo họ. Thế nhưng, với tình yêu thương, Người đã cho ông Môsê làm con rắn đồng để ai nhìn lên nó sẽ được cứu. Đó cũng là dấu chỉ sau này Người sẽ phải chết để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta cần ăn năn sám hối về tội lỗi của mình, và cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, để được sống với Chúa trong ngày sau hết.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên thập giá Chúa, để chiêm ngắm tình yêu mà Chúa đã trao ban cho nhân loại và cho chính bản thân con, để nhờ đó con biết cải thiện đời sống, hoàn thiện con người hơn để xứng đáng với tình Chúa yêu thương. Amen.
15.09.2016
THỨ NĂM TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
ĐỨC MẸ SẦU BI
Ga 19,25-27
Lời Chúa:
Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà” (Ga 19,26)
Câu chuyện minh hoạ:
Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại các nước châu Mỹ La Tinh được cử hành với một truyền thống rất đặc biệt, ở đó người ta sống lại sự hiện diện của Mẹ Maria dưới chân thập giá, họ đi lại từng bước những khổ nạn của Chúa Giêsu trong tiếng hát, trong những lời cầu nguyện và cả trong tiếng khóc nữa.
Các tín hữu còn giữ một truyền thống khác gọi là “chia buồn”. Truyền thống này được cử hành sau nghi thức phụng vụ của Giáo hội vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh: Mọi người trở vào nhà thờ để an ủi Đức Mẹ Sầu Bi, như thể được ở bên Mẹ khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, dân chúng chia sẻ nỗi đau của Ngài, vừa nói lên chính nỗi đau của họ. Trong nghi thức truyền thống chia sẻ nỗi đau buồn này là bức tượng của người phụ nữ mặc áo đen đứng dưới chân thập giá, khi xác Chúa Giêsu được tháo gỡ khỏi thập giá, thì bức tượng của người phụ nữ được đặt ở đầu chiếc quan tài.
Người phụ nữ mặc chiếc áo đen ấy dĩ nhiên tượng trưng cho Mẹ Maria, là Mẹ của Người Con bị hành quyết, là người đàn bà luôn phấn đấu để tin vào sứ điệp của Con. Mẹ đã phải dằn lại cơn giận dữ trước thái độ phản bội của dân chúng, và của những người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Mẹ đã phải tha thứ cho tất cả mọi người…
Suy niệm
Hôm nay lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Danh hiệu Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là cuộc đời của Đức Mẹ phải chịu trăm nghìn đau khổ nối tiếp: Cuộc chạy trốn sang Ai Cập, Lạc mất Chúa ba ngày, Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá, Táng xác Chúa… Thế nhưng, chính trong đau khổ Đức Mẹ đã sống đức tin vững vàng và thông phần vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ.
Đồng thời, Mẹ đau khổ cũng nhắc nhở chúng ta: đời sống Kitô hữu gắn liền với thập giá của Chúa Giêsu, bởi vì “Hạt giống có mục nát đi, mới sinh nhiều hoa quả” (Ga 12,24).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con biết đón nhận thập giá Chúa gởi đến chúng con. Để với tinh thần yêu mến, thập giá Chúa sẽ đem lại ích lợi cho đời sống của chúng con, như Lời thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người (Rm 8,28).
16.09.2016
THỨ SÁU TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Thánh Cornêliô, giáo hoàng
và thánh Cyprianô, giám mục tử đạo
Lc 8,1-3
Lời Chúa:
“Các bà cùng đi với Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai, đã lấy của cải của mình mà giúp đỡ các Ngài.” (Lc 8,3)
Câu chuyện minh hoạ:
Khi cảm thấy không thể yêu Đức Giêsu như mình muốn, thánh Têrêsa Avila đã khóc sướt mướt và cầu xin thánh Maria Mađalena hướng dẫn mình trên con đường hoán cải để yêu Đức Giêsu được như Ngài đã yêu khi ngài thấy Đức Giêsu chết trên thập giá, và để sống chiêm niệm khi không có sự hiện diện cụ thể của Đức Giêsu nữa.
Thánh Têrêsa Lisieux liên tưởng tới phụ nữ tội lỗi ăn năn ấy khi tỏ lòng thán phục sự “liều lĩnh thật đáng yêu của thánh nhân, đã làm vui lòng Đức Giêsu. Thánh nhân cũng thông cảm với ước muốn của Maria Mađalêna là được chạm đến Đức Giêsu. Thánh nhân còn cảm phục sự hoán cải nội tâm nảy sinh trong tâm hồn Maria Mađalena khi cô nhìn thấy mình có thể gặp thấy Đức Giêsu, bằng cách bước vào tâm hồn Thiên Chúa mà “không quanh co dối trá nhưng nấp vào thâm cung của thánh nhan Ngài.
Thật thế, các phụ nữ trong Tin Mừng luôn luôn là nguồn cảm hứng cho những ai gắn bó với Đức Giêsu và muốn phục vụ Ngài.
Suy niệm:
Bài Tin mừng hôm nay thánh Luca dành để nói về các phụ nữ nhiệt thành. Họ đã tích cực giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ trong cuộc hành trình rao giảng của Người.
Ngoài các Tông đồ, là những cộng sự viên bên cạnh của Chúa, thánh Luca còn đặc biệt lưu tâm đến các phụ nữ đi theo Người. Đó là, Đức Maria, Matta, Macđala đã bằng cách này cách khác giúp Chúa. Đây là những phụ nữ được đề cao trong Tin Mừng của thánh Luca. Vì các bà đã biết cộng tác vào trong sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho chúng con có lòng đạo đức và yêu mến Chúa thật lòng, để có thể cộng tác với mọi người cùng nhau xây dựng Nước Chúa, cùng nhau rao giảng Ơn Cứu Độ của Ngài. Amen.
17.09.2016
THỨ BẢY TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN
Lc 8,4 – 15
Lời Chúa:
“Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”(Lc 8,15)
Câu chuyện minh hoạ:
Người ta kể rằng chú Tom có một quả tim rất yếu và bác sĩ đã khuyên bảo nên thận trọng. Vì vậy, khi gia đình hay tin chú sẽ thừa hưởng gia tài một tỷ Mỹ kim do một người bà con mới chết để lại, họ lo sợ không dám loan tin cho chú hay vì e rằng chú sẽ bị đứng tim.
Do đó, họ tìm tới cha sở đề nhờ Ngài giúp đỡ.
Cha Murphy nói:
– Anh Tom ạ, anh hãy nói cho hay, nếu Chúa nhân từ gởi đến cho anh một tỷ Mỹ kim thì anh sẽ tính làm gì đây?
Tom suy nghĩ một chút rồi trả lời không do dự:
– Thưa Cha con sẽ dâng cúng một nửa cho nhà thờ.
Nghe nói vậy cha Murphy bị đứng tim!
Suy niệm:
Bài Tin Mừng thuật thánh Luca hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “người gieo giống” mà giảng dạy dân chúng, giúp họ hiểu về Nước Trời. Dụ ngôn dạy rằng: cùng một lời Chúa rao giảng nhưng tuỳ thái độ tiếp nhận của các tâm hồn mà nó sinh hoa kết quả khác nhau.
Cách đặc biệt, Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô, nên phải có trách nhiệm làm cho hạt giống là Lời Chúa sinh hoa kết quả không chỉ nơi tâm hồn chúng ta mà còn đến được với mọi người chúng ta gặp gỡ.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết lấy đời sống tốt lành, đạo đức để làm chứng cho sự hiện diện của Chúa nơi cuộc đời chúng con, để qua đó mọi người sẽ nhìn thấy Chúa nơi chúng con. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho