Từ ngày 09.09 đến ngày 14.09.2019 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

09.09.2019

THỨ HAI TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,6-11

Lời Chúa:

“Ngày sabat được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?”. (Lc 6,9)

Câu chuyện minh họa:

         Người ta thường kể lại với câu chuyện vui sau đây: Một hôm Chúa Giêsu hiện ra cho một đan sĩ có bổn phận phải coi nhà khách và thỉnh thoảng đan sĩ bố thí cho người đến xin giúp đỡ. Trớ trêu thay đúng vào lúc Chúa Giêsu hiện ra thì chuông nhà khách reo lên báo hiệu có người nghèo đến gõ cửa xin giúp đỡ. Thoạt đầu người đan sĩ có vẻ do dự không biết phải ở lại bên Chúa Giêsu đang hiện ra cho mình hay phải đến phòng khác làm bổn phận mang thức ăn cho người đói ăn xin. Nhưng rồi vị đan sĩ quyết định đến nhà khách để chu toàn bổn phận, xong việc rồi đan sĩ trở lại với Chúa Giêsu và bất ngờ thấy Chúa còn chờ nơi đó. Chúa Giêsu tươi cười bảo vị đan sĩ: “nếu con đã không ra đi chu toàn bổn phận giúp cho người nghèo kia thì Ta đây đã không ở lại để chờ con”.

Suy niệm:

Chu toàn việc bác ái có thể nói là việc được đặt lên trên lề luật, việc này đồng nghĩa với việc thực hành bác ái bao hàm trong đó lòng yêu thương tha nhân, chứ không mang tính vụ lợi. Luật giữ ngày sabat là trung tâm của toàn bộ lề luật. Thế nhưng, con người đã dùng nó để xét đoán, và lên án nhau, thậm chí là giết chết thay vì mang lại sự sống. Chúa Giêsu đã giúp họ nhận ra ý nghĩa đích thực của ngày sabat, là mang lại ơn giải thoát khi chữa khỏi người bại tay. Ngài rất khéo trong cách chữa bệnh: không hành động nhưng dùng lời để chữa lành, nhằm tránh những lời tố cáo của bọn biệt phái.

Chúa Giêsu luôn trung thành với sứ mạng và nâng cao phẩm giá con người. Nếu chúng ta để ý sẽ thấy trong hội trường Nadareth Chúa long trọng tuyên bố: “Người sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, giải thoát người tù tội, cho người mù được thấy, cho người áp bức được tự do…”

Lạy Chúa, xin cho con biết khôn ngoan trong cách xử thế, để những việc con làm không là nguyên nhân để người khác tố cáo, ghen ghét hay đố kỵ.

 

 

 

 

 

10.09.2019

THỨ BA TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,12-19

Lời Chúa:

“Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. (Lc 6,12)

Câu chuyện minh họa:

Tại Roma có một nhà dành cho các bà mẹ tí hon, dưới tuổi thành niên. Căn nhà này do chị Fancesca Ganmagni điều khiển.

Chị Fancesca đã kể lại cuộc đời của chị như sau: “Tôi sinh trưởng tại Bắc Italia. Năm 20 tuổi, tôi quyết định lên đường qua Phi Châu để làm việc truyền giáo trong bậc giáo dân. Trong những năm lưu lại đây, tôi đã sa ngã và mang thai.

Ý định trở về Italia đến với tôi. Nhưng làm sao bây giờ? Tôi không thể mang cái bụng bầu về nhà cha mẹ tôi được, nhưng tôi cũng không thể đang tâm giết hại cái bào thai.

Trước tình trạng đó, tôi chỉ biết cầu nguyện và xin ơn tha thứ, vì tôi tin chắc là Chúa không bỏ tôi.

Thế rồi tôi đã trở về Italia và cho ra đời đứa con của tôi, trong lúc tôi chỉ có 2 bàn tay trắng. Tôi tìm đến căn nhà dành cho các bà mẹ độc thân, vị thành niên để xin được sống ở đó…”

Trên đây là những lời tâm sự của Fancesca. Nhờ cuộc sống chung với những bà mẹ nhỏ tuổi, Fancesca đã nảy ra ý định phục vụ cho những người đồng cảnh ngộ. Ý định đó đã thành sự thật, vì ngày nay chị đang điều khiển căn nhà dành cho các bà mẹ độc thân vị thành niên ở Italia.

Fancesca không hề mở một lớp học hay tổ chức những buổi nói chuyện về Đức Tin bao giờ. Thế nhưng cách sống cũng như cách làm việc của chị đã làm cho các bà mẹ trẻ sống với chị, đến với Chúa.

Khi được hỏi về việc cầu nguyện của chị, chị trả lời: “Ngày xưa, lúc còn bé, tôi thường dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện. Nhưng nay thì tôi ít có thời giờ để cầu nguyện như xưa. Bây giờ tôi có một cách cầu nguyện khác cũng hữu hiệu như lối cầu nguyện trước kia mà lại tự nhiên hơn nhiều, đó là cầu nguyện theo việc làm thường ngày của tôi và qua những cử chỉ nhỏ nhặt thường tình hằng ngày”.

Suy niệm:

Trước mọi biến cố quan trọng, Chúa Giêsu luôn kết hợp với Chúa Cha. Cũng vậy, trước khi chọn các tông đồ, Chúa lên núi thức suốt đêm cầu nguyện với Đấng sai Ngài đến thế gian. Vì thế, những gì Ngài thực hiện luôn phù hợp với thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu chọn các tông đồ để các ông sống với Ngài, và để thành lập một cộng đoàn mới gồm những người tin Chúa. Đó cũng là bài học cho các ông để những khi phải quyết định hay làm một điều gì phải biết diện kiến Chúa và thực thi ý Ngài.

Là những môn đệ của Chúa, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào Chúa là Đấng đã yêu thương chọn và gọi mỗi người, đồng thời chúng ta cần luyện tập cho mình những đức tính phù hợp với lối sống của người môn đệ, đặc biệt là đời sống kết hiệp với Chúa mỗi ngày.

Đời sống kết hợp với Chúa là quan trọng hơn cả của người Kitô hữu. Xin cho mỗi người chúng con biết dành thời gian sâu lắng bên Thánh Thể Chúa để chúng con kín múc nguồn ân sủng Ngài luôn tuôn đổ trên chúng con.

 

 

 

 

 

11.09.2019

THỨ TƯ TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,20-26

Lời Chúa:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6,20)

Câu chuyện minh họa:

Chuyện được kể rằng: Một vị vua nọ có tất cả mọi sự, nhưng không bao giờ cảm thấy được hạnh phúc. Ngày kia có một người khuyên nhà vua hãy mặc cho kỳ được chiếc áo lót của người hạnh phúc nhất trần gian. Quân lính đã được sai đi khắp nơi để tìm cho bằng được con người ấy, họ đi săn lùng khắp nơi mà vẫn không tìm được người hạnh phúc ấy. Cuối cùng họ bắt gặp một người chăn chiên đang đứng giữa mưa gió mà vẫn ngân nga ca hát. Hẳn người này phải là con người hạnh phúc nhất trần gian. Nghĩ như thế nên họ mới xông đến lột áo người chăn chiên ra. Thế nhưng than ôi, người chăn chiên nghèo đến nỗi không có nổi một chiếc áo lót trên người.

Suy niệm:

Nghèo khó, đói khát, rách rưới… ai lại mến chuộng? Vậy tại sao Chúa lại đề cao những người nghèo khó? Những môn đệ theo Chúa từ bỏ gia đình, chài lưới, vợ con… vì Chúa và vì Tin mừng. Người sẽ bù đắp cho các ông gấp trăm, hứa ban thưởng Nước Trời, và ban dư đầy hồng phúc cho các ông.

Sự nghèo khó được coi là phúc, chỉ trở nên giá trị và cao cả khi nó trút bỏ được mọi ràng buộc làm cho con người trở nên nô lệ, trở nên tự do khi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu. Như vậy, nghèo khó tự nó không phải là phúc; cũng thế giàu có không phải là họa nếu nó giam hãm con người trong những ràng buộc của thế gian. Vì thế, giàu hay nghèo không quan trọng nhưng vấn đề chính là chúng ta có trở thành những con người tự do đi tìm chân lý hay không.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống tinh thần nghèo khó như Chúa đòi hỏi theo tinh thần tin mừng, để mai sau con cũng được hưởng vinh phúc là thiên đàng Chúa hứa ban.

 

 

 

 

 

12.09.2019

THỨ NĂM TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Lc 6,27-38

Lời Chúa:

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”. (Lc 6,38)

Câu chuyện minh họa:

Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:

“Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng”.

Suy niệm:

Mức độ đo lường tình yêu thương của chúng ta không thể so sánh với một ai khác, nhưng chỉ có mức độ cao nhất là nơi Thiên Chúa, mẫu gương trọn lành vô cùng mà không có nơi một loài thụ tạo nào. Chúng ta đang trên con đường đi tới sự trọn lành thì không thể nào chúng ta dừng lại thỏa mãn bản thân nhưng phải nhìn vào gương mẫu của Chúa để tiến xa hơn mỗi ngày. Những hành động yêu thương chỉ có nơi Chúa, và Người nêu gương cho chúng ta là sự yêu thương không loại trừ, và không giới hạn, trao ban một tình yêu chân thành, yêu thương cả thù địch, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi, và vu khống mình…

Thật vậy, chúng ta không thể yêu thương chỉ trên môi miệng mà thôi nhưng cần phải thực hành tình yêu thương ấy bằng những hành động cụ thể đối với những người chung quanh và những người mà chúng ta gặp gỡ.

Lạy Chúa, nói yêu thương thì dễ nhưng thực hành yêu thương rất khó, xin uốn nắn con tim con mỗi ngày để con chỉ nghĩ đến người khác như là hiện thân của Chúa để con yêu thương và phục vụ họ như Chúa đã nêu gương.

 

 

 

 

 

13.09.2019

THỨ SÁU TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Thánh Gioan Kim Khẩu, tiến sĩ Hội Thánh

Lc 6,39-42

Lời Chúa:

“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ?”. (Lc 6,41)

Câu chuyện minh họa:

         Truyện kể về một viên tướng, sau khi xông pha trận địa và lập được nhiều chiến công, được nhà vua mở yến tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, viên tướng quá vui đã xúc phạm đến một trong các cung phi. Thế là mọi người đua nhau lên án. Lúc đó, mọi công trạng của ông hầu như biến mất. Trước mắt mọi người ông chỉ là một tội nhân.

Suy niệm:

Nói xấu người khác dễ lỗi phạm biết bao, mà những lỗi phạm của bản thân lắm khi còn tệ hơn những lỗi phạm của người khác. Khi lên án người khác, nhằm nói lên rằng bản thân mình vô tội nhưng thật ra đó như là cái đà che tội bản thân mình mà thôi.

Hôm nay Chúa răn dạy những môn đệ của Chúa và những người có trách nhiệm giảng dạy phải hết sức sáng suốt, làm gương sáng, và phải có trách nhiệm về những việc làm hay lời nói của mình. Điều này đòi hỏi người môn đệ của Chúa phải luôn biết thao thức tìm kiếm ý Chúa qua việc học hỏi, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện mỗi ngày…

Trên thực tế, có khi nào chúng ta suy nghĩ rằng những lời xét đoán của tôi đưa ra làm ảnh hưởng danh dự của người khác không? Khi xét xử người khác, tôi có đặt mình vào vị trí của người khác nếu tôi bị người khác xét oan không?

 

 

 

 

 

14.09.2019

THỨ BẢY TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

Suy tôn thánh giá

Ga 3,13-17

Lời Chúa:

“Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. (Ga 3,16)

Câu chuyện minh họa:

Ngày kia Bà thánh Catarina thành Sienna bị một cơn cám dỗ dường như quá sức của mình. Bà phải vất vả lắm mới qua được cơn cám dỗ này. Sau khi cơn cám dỗ qua đi, Bà thấy Chúa hiện ra và bà liền hỏi Chúa:

– Lạy Chúa lúc tâm hồn con bị cám dỗ đầy dẫy những hình ảnh tối tăm nhơ nhớp như thế thì Chúa ở đâu?

Chúa trả lời:

– Con yêu quí của Cha, Cha ở ngay trong lòng của con.

– Trong lòng của con? Lẽ nào Chúa lại ở trong lòng của con trong những lúc như thế được?

– Vậy con hãy trả lời cho Cha hay: Cơn cám dỗ đó đã làm cho con vui sướng hay cực khổ?

– Lạy Chúa khi đó con vô cùng đau buồn và khổ cực.

– Con biết ai đã làm cho con đau buồn và cực khổ như vậy nếu không phải là Cha ở trong lòng con? Con có tin rằng nếu không có Cha ở trong con thì cơn cám dỗ đã lôi kéo con, làm cho con sa ngã phạm tội rồi không? Phần con, con đã hết sức chống cự, còn Cha đã giúp con chiến thắng. Chiến đấu sẽ làm cho con trở nên vững mạnh và giúp con có thêm nhiều công nghiệp.”

Suy niệm:

Đền thờ có một giá trị cao cả và chiếm vai trò quan trọng trong sinh hoạt của dân Chúa. Thời Cựu Ước người ta quan niệm đền thờ là nhà của Thiên Chúa, hằng năm những người thuộc về dân Chúa phải lên đền thờ để chu toàn bổn phận của mình. Đến thời Tân ước, ý nghĩa của đền thờ được Chúa Giêsu nâng lên cấp độ cao hơn. Thế nhưng dù đền thờ được đề cao đến mấy đi nữa, nhưng Chúa vẫn mong muốn một đền thờ khác cao quý hơn đó là đền thờ tâm hồn mỗi người. Vì thế, Chúa muốn mỗi người chúng ta cần thanh tẩy tâm hồn liên lỷ để xứng đáng là nơi Chúa ngự.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết loại khỏi đền thờ tâm hồn mình khỏi mọi nhơ uế của tội lỗi, khỏi mọi đam mê của bạc tiền, khỏi mọi tham vọng của vật chất…, để tâm hồn chúng con mãi thuộc về Chúa.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho