Từ ngày 07.01 đến ngày 12.01.2019_ Phút lắng đọng Lời Chúa

07.01.2019

Thứ Hai sau lễ hiển linh

Mt 4,12-17.23-25

Lời Chúa:

“Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17)

Câu chuyện minh họa:

Chiều hôm ấy, hai cậu bé rủ nhau vào rừng chơi. Thế rồi một trận mưa bất thần đổ xuống. Mưa dai dẳng suốt hai tiếng đồng hồ. Đến lúc tạnh thì trời đã tối. Hai cậu bé vừa lạnh lại vừa sợ. Nỗi sợ hãi càng gia tăng khi hai cậu bé không còn tìm thấy con đường dẫn về nhà. Nhưng rồi một ánh sáng bỗng xuất hiện từ xa. Hai cậu bé khấp khởi mừng thầm. Cả hai đều cố gắng vừa kêu vừa gọi. Thì ra người anh đang cầm chiếc đèn đi tìm hai cậu bé. Và cuối cùng đã đưa hai cậu bé trở về an toàn.

Suy niệm:

Đức Kitô chính là ánh sáng cho chúng ta là những người ngồi trong bóng tối của sự chết, và tội lỗi. Ánh sáng ấy soi rọi vào tâm hồn mỗi người chúng ta, dẫn chúng ta đến miền ánh sáng, ánh sáng của sự thật, và sự sống. Chúa Giêsu khi rao giảng Tin mừng điều đầu tiên là Ngài kêu gọi người ta sám hối ăn năn. Phải chăng đó là điều kiện cần thiết để được cứu độ?

Các tông đồ được sai đi cũng mang một sứ điệp: kêu gọi người ta sám hối ăn năn. Khi con người đi trong bóng tối của tội lỗi, đam mê, ích kỷ… con người bị mất định hướng và đó cũng là nguyên nhân dẫn con người đến những tệ nạn. Vì thế, lời mời gọi sám hối của Chúa Giêsu là ánh sáng dẫn con người bước vào miền sự sống. Nhờ ánh sáng ấy, giúp con người nhận ra những sai trái, lầm lạc, để thay đổi lối sống theo tinh thần Tin mừng.

Xin ánh sáng tình yêu của Chúa soi rọi vào tâm hồn con, để con không còn là nô lệ của bóng tối nữa, nhưng bước đi trong ánh sáng của ơn cứu độ.

 

 

 

 

 

08.01.2019

Thứ Ba sau lễ hiển linh

Mc 6,34-44

Lời Chúa:

“Chính anh em hãy cho họ ăn đi”. (Mc 6,37)

Câu chuyện minh họa:

Trại Trung tâm tiếp nhận người sắp chết ở Calcutta, Ấn Độ, một người nằm dài trên giường, xem ra không thể cử động được cánh tay. Người ta hỏi ông:

– Ông muốn ăn không? Vâng, muốn.

– Tên ông là gì? -Dinenraj (Đinh Văn Rao)

– Ông bao nhiêu tuổi? -Tôi chẳng biết.

– Tên ở đây bao lâu rồi? – Bốn hôm.

– Ông từ đâu đến? – Tôi ở ngoài đường phố.

– Ông mắc bệnh gì? – Bao tử tôi hoàn toàn thất bại, vì hoàn toàn trống không.

Người ta đem đến cho ông phần ăn của ngày lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trung tâm, gồm có: cơm gà giò hầm với càri, khoai tây, sữa đặc, chuối và cam. Ông ăn một cách thèm khát và nhai rất kỹ từng muỗng đồ ăn. Ông mở miệng to để người ta cho ông ăn từng muỗng một. Khi ăn hết dĩa phần ăn, ông nằm duỗi tay chân như một đứa bé chuẩn bị ngủ.

Kể từ ngày được thiết lập (22.08.1952) trong 25 năm trung tâm đã tiếp nhận 36.000 người, trong đó 16.000 người “đã chết trong tay Chúa”. Trung tâm của những người hấp hối này điển hình cho nhiều ngôi nhà tương tự được các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta điều khiển trên khắp thế giới. Các soeurs từng nghiêng mình với lòng kính trọng và yêu thương trên những thân xác gầy gò của những người đàn ông và đàn bà được lượm nhặt ngoài đường phố đưa về. Các soeurs từng mang lại cho những con người bị bỏ rơi này một ý thức nào đó về nhân phẩm, đồng thời truyền đạt cho họ về một thế giới bên kia khả dĩ lau sạch mọi nước mắt, xoa dịu mọi cơn đói, chữa lành những tâm hồn mang nặng nhiều thương tích. Lễ Ngân khánh của Trung tâm này tại Calcutta được tổ chức vào ngày lễ Các Thánh (01.11), là để nhắc nhớ con người về giá trị đời mình là biết qui về Thiên Chúa Tình Yêu.

Mẹ Têrêsa đã mời các bà đích thân đến, mang theo đồ ăn họ đã dọn sẵn ở nhà và tự tay phân phát cho các bệnh nhân nghèo. Mẹ có tài thu hút người thuộc giới trung lưu và thượng lưu không phân biệt tôn giáo tới tham gia công việc mà các nữ tu Thừa Sai Bác Ái vẫn làm hằng ngày là nghiêng mình săn sóc những con người bị xã hội bỏ rơi một cách đáng thương.

Suy niệm:

Thế giới ngày nay còn biết bao người đói khát, còn biết bao người cần đến sự chăm sóc, sự quan tâm và lòng quảng đại của chúng ta. Để thực hiện một phép lạ thì không khó nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, và không dễ nếu chúng ta dửng dưng trước những nhu cầu của anh chị em mình. Đám đông dân chúng đang đói nếu các môn đệ giải tán họ, cho họ ra về thì có thể họ sẽ bị xỉu dọc đường, nhưng Chúa đã đưa ra một giải pháp thật tuyệt vời: cho họ được no nê và giúp họ biết cộng tác với ơn Chúa, chia sẻ với mọi người. Chúa đã làm phép lạ bằng chiếc bánh của người nghèo để nuôi đám đông dân chúng, chiếc bánh ấy được nhân lên với lòng thương xót của Thiên Chúa cùng với sự vâng lời của các môn đệ.

Lạy Chúa, xin cho con có tấm lòng vị tha, thương xót như Chúa, để biết chạnh lòng thương những anh chị em đang gặp khó khăn, đau khổ, buồn phiền…

 

 

 

 

 

09.01.2019

Thứ Tư sau lễ hiển linh

Mc 6,45-52

Lời Chúa:

“Người thấy các ông vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông.” (Mc 6,48)

Câu chuyện minh họa:

Một gia đình quý tộc nước Anh đưa con về nghỉ mát ở miền quê. Trong khi nô đùa, cậu con trai ngã xuống một suối nước sâu.

Nghe tiếng kêu thất thanh, một chú bé lem luốc, con bác nông dân, đã chạy đến tiếp cứu. Và số phận của cậu bé thượng lưu, không biết bơi kia tưởng như ngàn cân treo sợi tóc, giờ đã được cứu sống.

Nhà quý tộc vô cùng biết ơn chú bé nhà quê nghèo. Ông hỏi chú có mơ ước gì không. Chú trả lời: “Cháu muốn được đi học để trở thành bác sĩ cứu người”.

Sau này, cậu bé ngày xưa không biết bơi đã được cứu sống, nay trở thành vĩ nhân của thế giới, thủ tướng nước Anh, Winston Churchill. Và chú bé nhà quê, nhờ sự giúp đỡ của nhà quý tộc, cha của Churchill bây giờ đã là bác sĩ danh tiếng, và là ân nhân của cả nhân loại, người đã tìm ra thuốc Penicilin. Tên của ông Fleming.

Có ai ngờ, khi thủ tướng nước Anh lâm trọng bệnh, các bác sĩ nổi tiếng đều bó tay, thì chính Fleming, lại cứu sống ông một lần nữa.

Fleming đã cứu vớt sinh mạng của Churchill khỏi dòng nước oan nghiệt, để rồi sau này Churchill trở thành thủ tướng lừng danh, niềm hãnh diện và tự hào của cả nước Anh.

Suy niệm:

Đức Giêsu cũng đã cứu thoát các môn đệ khỏi cơn cuồng phong của biển cả, và đã kéo ông Phêrô lên khi ông đang chìm xuống dòng nước sâu.

Đức Giêsu đi trên mặt biển, kéo Phêrô lên khỏi mặt nước, và dẹp yên sóng gió là để bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa trên biển cả, bão tố, tượng trưng cho thế lực của sự dữ. Đồng thời, để củng cố niềm tin của các môn đệ, nhất là Phêrô, để sau này Người sẽ trao cho ông làm thủ lãnh con thuyền Giáo hội. Con thuyền ấy không phải lúc nào cũng bình yên nhưng có lúc cũng phải vật lộn với phong ba bão táp, “bị sóng đánh vì ngược gió”, các môn đệ là những cột trụ Giáo hội cũng hốt hoảng, sợ hãi, nhưng có Đức Giêsu bên cạnh để trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm đến Chúa trong mọi hoàn cảnh, và trong từng giây phút của cuộc đời để những tối tăm, sóng gió không nhận chìm chúng con nhưng luôn an tâm vì có Chúa luôn hiện diện và nâng đỡ.

 

 

 

 

 

10.01.2019

Thứ Năm Sau Lễ Chúa Hiển Linh

Lc 4,14-22a

 

Lời Chúa:

Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21)

Câu chuyện minh họa:

Trong quyển sách mang tựa đề “Chuyện ở đời”, có một câu chuyện như thế này: Ông chủ điền nọ rất giàu có. Ông cho các tá điền mướn đất làm ăn canh tác. Nhưng rồi sau một thời gian làm ăn thất bại, các tá điền lâm vào cảnh túng thiếu nợ nần, nên không thể đóng thuế cho chủ theo đúng kỳ hạn được. Và dù biết rằng ông chủ mình rất tốt bụng, nhưng họ vẫn áy náy lo sợ vì không biết chủ sẽ hoãn nợ cho mình được bao lâu. Một ngày nọ, tất cả các tá điền được mời tới để ông chủ gặp mặt. Ai nấy đều hồi hộp sợ ông chủ thu hồi lại đất vì họ không còn khả năng để đóng thuế nữa. Khi mọi người có mặt đông đủ thì người quản lý của ông chủ bước ra và nói: “ông chủ biết chắc là ai trong các ngươi cũng không đủ khả năng để đóng thuế, cho nên ông chủ nhờ tôi nói cho các người hay” Nói tới đây, viên quản lý ngừng lại, và dường như tim của các tá điền cũng ngừng đập theo, và rồi viên quản lý nói tiếp: “hôm nay tôi mang đến cho các ngươi một tin mừng, đó là ông chủ quyết định tha hết nợ nần cho các ngươi. Từ nay các ngươi cứ an tâm làm ăn sinh sống”. Thế là mọi người sung sướng reo hò. Họ ôm nhau múa nhảy hát ca. Sau nhiều năm vất vả cực nhọc, hôm nay họ mới nhận thấy ánh sáng mặt trời là tươi đẹp, tiếng chim hót trên cành rất thanh thót, cây cỏ chung quanh mình thật rực rỡ và đáng yêu.

Suy niệm:

Hôm nay, Đức Giêsu muốn nói cho mọi người biết rằng: Người chính là Đấng Cứu Thế, là người Tôi Tớ Giavê mà Isaia đã loan báo thuở nào. Lời của tiên tri Isaia viết về sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là viết cho sứ mạng của Giáo hội ở mọi nơi và mọi thời, nhất là trong thời đại này, sứ mạng ấy càng trở nên cấp bách và khẩn thiết hơn. Là Kitô hữu, chúng ta cũng mang lấy chính vai trò của người mẹ mình, đó là tiếp tục sứ mạng của Chúa, là nối dài những công việc mà Người đã làm, là đem tinh thần của Người đến với tất cả các môi trường mà chúng ta đang sinh sống và làm việc.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết cảm nhận được tình thương của Chúa trong cuộc sống, để chúng ta cũng sẵn lòng đón nhận lời dạy của Người như là một hướng dẫn tốt nhất cho con thuyền cuộc đời của mình. Đón nhận để chia sẻ cho người khác bằng một đời sống chân thành đầy bác ái, để qua đó, mọi người khi nhìn thấy đời sống tốt lành của mình thì cũng thốt lên rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh mà chúng tôi vừa nghe”.

 

 

 

 

 

11.01.2019

Thứ Sáu Sau Lễ Chúa Hiển Linh

Lc 5,12-16

 

Lời Chúa:

“Có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sắp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5,12)

Câu chuyện minh họa:

Ebba de Pauli trong quyển “Vị ẩn sĩ” đã mô tả một người cùi như thế này: Đó là một bà trung lưu và có thể nói là “đạo đức”. Bà không phải bận bịu với việc sinh nhai, bà có nhiều giờ để đi nhà thờ đọc kinh dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để tìm nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẫn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ kết luận:

– Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là một con rắn độc!

– Nhưng sao họ coi tôi là rắn độc?

– Vì trong đầu óc bà đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan… Nghe bà nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống mình buồn thảm hơn.

– Vậy xin ngài chỉ cho tôi phải làm sao.

Vị Ẩn Sĩ khuyên bà thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp: từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành; khi nói chuyện với người khác, hãy chia sẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn.

Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo.

Suy niệm:

Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp, và ghê sợ. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của họ là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn. Nhưng chúng ta cần phải cảnh giác với một thứ bệnh cùi đặc biệt như trong bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Đó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn con người ra ô uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh, và do đó đáng bị mọi người xa lánh.

Người cùi đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Điểm đáng để chúng ta quan tâm trong chuyện này là cách Chúa Giêsu đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng Người giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ ấy, Đức Giêsu tỏ dấu đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn muốn chữa lành mọi bệnh tật phần hồn phần xác cho chúng con. Xin cho chúng con biết tin tưởng và tìm đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho chúng con.

 

 

 

 

 

12.01.2019

Thứ Bảy Sau Lễ Chúa Hiển Linh

Ga 3,22-30

 

Lời Chúa:

“Người phải nổi bật lên còn tôi phải lu mờ đi”. (Ga 3,30)

Câu chuyện minh họa:

Hai anh em nọ con của một mẹ goá, đã lớn lên và có địa vị trong xã hội, công việc kinh doanh rất phát đạt. Người mẹ già yếu đối với chúng là một gánh nặng và chúng phải hao tốn vì trang trải thuốc men cho bà.

Ngày kia, hai anh em cùng đến gặp một tổng giám thị một trại tế bần và yêu cầu ông ta nhận mẹ mình vào trong trại. Ông tổng giám thị chấp nhận nhưng trước khi chia tay ông nói:

Tôi có câu chuyện muốn kể cho cô và cậu nghe:

Mấy năm trước đây tại thành phố này có một người chết đi để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Bà mẹ ấy nghèo lắm. Khi đó tôi đã đề nghị với bà ta bỏ hai đứa con nhỏ vào cô nhi viện. Bà ta đã tỏ ra rất bất mãn với lời khuyên của tôi và tỏ vẻ tức bực: “Tôi có 2 tay, và khi nào tay tôi chưa mòn trơ xương thì không đời nào tôi để con tôi vào cô nhi viện”

Hai anh em hỏi ông Tổng giám thị:

– Truyện này có dính líu gì đến chúng tôi đâu?

– Vì người đàn bà đó là thân mẫu của cô và cậu đó!

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi mẹ con kể từng ngày!!!”

Suy niệm:

Thánh Gioan đã nhận ra vai trò và sứ mạng của mình là làm tiền hô cho Thiên Chúa. Cả cuộc đời của ngài đều loan báo về Đấng Kitô. Điều nổi bật nơi Gioan mà chúng ta cần học hỏi đó là Ngài đã sống trong sự khiêm tốn, nhận ra vai trò của mình: “Tôi không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người”. Thánh Gioan đã sống, làm chứng và chết về điều đó trong niềm vui sâu xa, miễn làm sao Đức Kitô được người khác nhận biết.

Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi sống sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa cho mọi người, chúng ta đã sống sứ vụ ấy ra sao? Chúng ta có để cho Chúa được lớn lên không hay cái tôi của chúng ta che khuất những đòi hỏi của Tin mừng rồi?

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho