01.05.2017
THỨ HAI TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,22-29
Lời Chúa:
Đức Giêsu bảo: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26)
Câu chuyện minh họa:
Có một ngôi sao truyền hình nổi tiếng của Anh quốc đã trở lại Công giáo. Anh cho biết: Sở dĩ có cuộc đổi đời này là do ảnh hưởng của Mẹ Têrêsa Calcutta. Anh nói: Làm sao tôi có thể diễn tả được tôi đã mang ơn Mẹ như thế nào. Mẹ đã chỉ cho tôi thấy một Kitô giáo bằng hành động. Mẹ đã dạy cho tôi biết quyền năng của tình thương. Mẹ đã làm cho tôi xác tín: Một cá nhân giàu lòng khoan dung từ ái có thể khơi dậy cả một ngọn sóng thương yêu, để rồi ngọn sóng này sẽ ùa tràn vào thế giới.
Suy niệm:
Cơn đói khát ngày nay lan tràn khắp nơi, người ta chỉ lo nghĩ tới của cải vật chất, mà quên đi phần quan trọng trong cuộc đời này. Chúa Giêsu nhân cơ hội này, lên tiếng để mọi người ý thức và tìm kiếm thứ lương thực trường tồn không bao giờ hư mất. Ngài đã làm nhiều dấu lạ nuôi dưỡng dân chúng, nhưng điều Ngài chủ tâm là mang đến cho họ sự sống đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta đã lãnh nhận ân huệ cao cả ấy, chúng ta có chia sẻ cho anh chị em của mình thứ lương thực ấy chưa?
Lạy Chúa, xin cho con biết khao khát chỉ mình Chúa mà thôi, để những thứ khác không chi phối cuộc đời con.
02.05.2017
THỨ BA TUẦN 3 PHỤC SINH
Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Ga 6,30-35
Lời Chúa:
“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35)
Câu chuyện minh họa:
Thời đó, Arthur Jones được gọi nhập ngũ phục vụ trong không lực hoàng gia và sống trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định quan trọng: Trước đây anh vẫn luôn luôn quì gối đọc kinh, liệu bây giờ vào quân ngũ rồi có nên tiếp tục quì gối không?
Lúc đầu anh cảm thấy ngường ngượng nhưng rồi anh tự nhủ: “Tại sao chỉ vì sợ những kẻ khác dòm ngó mà mình lại thay đổi cách sống? Bộ mình vừa khởi đầu cuộc sống xa nhà là đã để cho thiên hạ sai bảo phải nên làm và không nên làm điều này điều nọ sao?
Nghĩ thế, anh liền quyết định cứ tiếp tục thói quen quì gối xuống đọc kinh. Khi vừa đọc kinh xong, lập tức anh nhận ra mọi người đang để ý anh, và khi làm dấu thánh giá, anh chợt nhận ra lúc ấy họ mới biết anh là một người công giáo. Và xảy ra là trong toàn trại lính chỉ có một mình anh là người Công giáo. Tuy nhiên, hằng đêm, anh vẫn quì gối cầu nguyện. Anh nói rằng mười phút cầu nguyện ấy thường dẫn đến những cuộc tranh cãi kéo dài hàng giờ.
Vào ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:
– Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại:
– Có thể tôi là người Kitô hữu dám công khai biểu lộ đức tin của mình, nhưng tôi không cho rằng tôi là người Kitô hữu tốt nhất đâu. Dầu vậy tôi cũng xin cám ơn bạn về điều bạn vừa nói.
Suy niệm:
Nói tin vào Chúa thì dễ nhưng việc làm để thể hiện niềm tin của mình thì thật không dễ chút nào. Chỉ khi nào người ta tin nhận Ngài chính là sự sống, là hạnh phúc của họ thì họ sẽ hết lòng tìm kiếm và sống hết mình vì Chúa. Con người chỉ tìm kiếm những niềm vui và hạnh phúc trong chốc lát và mau qua, rồi lại đi tìm những hạnh phúc chóng tàn khác, và cứ như thế không có gì có thể lấp đầy nỗi khát vọng ấy. Vì thế, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta đi tìm cho mình hạnh phúc đích thực, nơi mà mối mọt không thể đục khoét, là chính Đức Giêsu. Ngài là của ăn của uống nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, là nguồn năng lực giúp ta tiến thêm trên đường hoàn thiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy tâm hồn con bằng tình yêu Chúa, để con không còn khao khát điều gì ngoài Chúa.
03.05.2017
THỨ TƯ TUẦN 3 PHỤC SINH
Thánh Philipphê và thánh Giacôbê Tông đồ
Ga 14,6-14
Lời Chúa:
“Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm…” (Ga 14,12)
Câu chuyện minh họa:
George Washington, tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, người có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh. George cũng nổi tiếng là người luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm.
Ngày kia, khi còn nhỏ, cậu George ra vườn làm cỏ vô tình chặt đứt cây anh đào mà mẹ rất quý. Khi cha cậu thấy cây anh đào bị chặt, liền hỏi:
Con có biết ai là người chặt cây anh đào không?
George suy nghĩ rồi trả lời:
Chính con là người chặt cây anh đào, xin cha cứ phạt con!
Và George rất ngạc nhiên khi nghe cha nói:
Điều con làm là một điều lỗi, nhưng con đã chữa được điều lỗi đó là khi con dám nhận lỗi.
Suy niệm:
Khi chúng ta tin nhận Chúa là Cha, thì dù chúng ta có lỗi lầm, chúng ta đến với Người thì Người sẽ không bao giờ bỏ mặc ta, mà còn ban ơn giúp ta phục thiện. Chính vì yêu thương nhân loại, nên Chúa Cha đã ban cho nhân loại chính người con yêu quý nhất của mình. Người sống giữa thế gian và coi tất cả chúng ta là anh em của Ngài. Ngài chỉ cần chúng ta tin và đến với Ngài thôi. Đến với Ngài để được Ngài bảo vệ; tin vào Ngài để được sự sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con ra khỏi chính mình để con tìm gặp Chúa, dám đánh mất tất cả vì yêu Chúa, và dám lội ngược dòng để đến với Ngài, vì tin rằng Ngài đang chờ đợi con phía trước.
04.05.2017
THỨ NĂM TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,44-51
Lời Chúa:
“Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)
Câu chuyện minh họa:
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles-de-Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm ở Marốc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất, đó là cô cháu bé chưa tròn mười tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé bất thần đặt một câu hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu thấy cậu làm được nhiều công việc vĩ đại. Thế cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?”. Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở nên bất động. Từ bao lâu nay, chưa hề có một ai đã làm anh phải suy nghĩ nhiều như thế. “Anh đã làm cho Đức Giêsu chưa?”. Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả mọi thì giờ của mình vào những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm. Mắt anh bỗng mở ra để thấy rõ cái thống khổ nghèo hèn của mình. Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu rồi xin đến Nazareth để sống trọn vẹn cho Đức kitô. Một ngày nọ. Giữa lúc anh đang đắm mình cầu nguyện, anh bỗng nghe từ nhà bên cạnh tiếng than van của một người Hồi giáo. Charles de Foucauld chợt nhớ đến gương bác ái của Đức Giêsu, anh có thể cầu nguyện một mình, giam mình trong phòng giữa lúc anh em đang rên rỉ trong hấp hối, trong khát vọng được sao? Nghĩ thế, anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là với những người cô đơn lạc lõng, nghèo nhất trong xã hội. Những năm cuối đời, Charles Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Anh đã chia sẻ với họ đến giọt máu cuối cùng. Ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện. Ngày nay các tiểu đệ và tiểu muội của Đức Giêsu đang tiếp tục sống lý tưởng của anh. Họ đã lao động và sống giữa những người khốn khổ nhất trong xã hội. Tất cả cuộc sống của họ là sự hiện diện âm thầm và cố gắng làm một cái gì cho Đức Giêsu.
Suy niệm:
Chính vì yêu chúng ta nên Chúa Giêsu đã chấp nhận chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn, của uống nuôi linh hồn chúng ta, và ở cùng chúng ta luôn mãi. Khi ta ăn một thức ăn gì, thì thức ăn đó được tiêu hóa nuôi dưỡng thể xác ta. Cũng vậy, khi “ăn Chúa”, Người trở thành bản thân ta, và khi đó: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Vì thế, khi có Chúa trong ta, ta trở thành con người mới, vì chúng ta đón lấy một con người mới, sự sống mới. Chúa tha thiết mời gọi chúng ta đến với Người, để dòng máu của Người được chảy trong ta, để ta được liên kết mật thiết với Người.
Thế nhưng chúng ta không dừng lại ở đó, chúng ta cần chia sẻ cho những người khác nữa qua việc phục vụ của chúng ta, đến với những người nghèo khổ, bất hạnh, những người đang cần một bàn tay nâng đỡ. Chúng ta hãy ra đi như Charles Foucauld đã chia sẻ cuộc sống với dân nghèo đến giọt máu cuối cùng.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại, để nhân loại được sống nhờ sức sống của Ngài. Xin cho tâm hồn con xứng đáng mỗi khi rước Chúa, để Chúa được lớn lên trong con mỗi ngày.
05.05.2017
THỨ SÁU TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,52-59
Lời Chúa:
“Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,56)
Câu chuyện minh họa:
Một cuốn phim mang tựa đề: “Cậu bé Marcellino” kể lại câu chuyện sau đây:
Ở cổng nhà dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một thầy dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marcellino đã leo lên kho trên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá. Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marcellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh giá. Từ đó, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày nọ người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi:
– “Con thích điều gì nhất”.
Cậu bé đáp:
– “Con muốn được thấy mẹ con”.
Người khổng lồ liền nói:
– “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”.
Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marcellino nữa, họ đi tìm khắp nơi và cuối cùng thấy cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.
Suy niệm:
Chúa Giêsu là lương thực nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày qua Bí tích Thánh Thể. Đó là dấu chỉ tình yêu của Ngài dành cho ta, Ngài mời gọi chúng ta đến và nhận lãnh. Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta chính thân thể của Người, Người cũng muốn chúng ta khi nhận lãnh Ngài, cũng trao ban cho anh chị em mình như vậy, vì Bí tích Thánh Thể cũng là Bí tích của sự hiệp thông và trao ban; do đó, Thánh lễ cũng cần được nối dài trong cuộc sống của mỗi Kitô hữu, là quan tâm đến những người xung quanh, yêu thương, chia sẻ, vị tha, bác ái… với mọi người, như chính Chúa đã nêu gương cho chúng ta.
Xin cho con biết nối dài thánh lễ trong cuộc đời con, để Chúa được hiện diện nơi nhiều người hơn, và để của lễ đời con được sống động hơn nữa nhờ trao ban cho anh chị em con.
06.05.2017
THỨ BẢY TUẦN 3 PHỤC SINH
Ga 6,60-69
Lời Chúa:
“Ông Simon Phêrô đáp: Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)
Câu chuyện minh họa:
Một tu sĩ Hồi giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta. Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn: “Tôi chết thay cho thầy tôi”.
Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ của họ. Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho đến cùng. Hai thầy trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố, ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau: “Các ngươi hãy bắt giữ lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này”.
Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và điệu đến trước mặt bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn: “Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi, vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống lang thang như tôi”. Nói xong ông giơ tay lên trời.
Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào lên: “Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi”.
Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình như sau: “Họ là ai mà sẵn sàng chết thay cho nhau?”. Quan bạo chúa mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối tương quan giữa thầy trò.
Vị tu sĩ Hồi giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau: “Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế”.
Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự do cho họ. Người môn sinh chợt hiểu được rằng ai hy sinh mạng sống mình thì sẽ tìm lại được nó.
Suy niệm:
Chúng ta theo Chúa trên những nẻo đường hạnh phúc, thì chúng ta cũng phải biết theo Chúa trên những nẻo đường khó khăn. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, Ngài hy sinh cả tính mạng mình để chúng ta được sống. Cái chết của Chúa sẽ trở nên vô nghĩa nếu như Chúa không chết cho nhân loại. Nếu cái chết của Chúa không ẩn chứa tình yêu thì cái chết ấy là điên rồ.
Chúng ta có xác tín rằng theo bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời không?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho