Từ một giáo sư vô thần trở lại Công Giáo: Phỏng vấn Tiến sĩ Holly Ordway

Lớn lên, Holly Ordway bị thuyết phục rằng Thiên Chúa chẳng có gì hơn là sự mê tín, hoàn toàn không có bằng chứng hay lý do gì để chứng minh.

HollyOrdway.jpgSau đó cô lấy được bằng Tiến Sĩ Văn chương, đi du lịch khắp nước với vai trò là người đấu kiếm cừ khôi, rồi trở thành giáo sư đại học tiếng Anh, hoàn toàn không còn chỗ cho Thiên Chúa.

Nhưng một ngày nọ một người bạn thông minh và rất đáng ngưỡng mộ bất ngờ tiết lộ rằng anh là người Ki-tô hữu. Việc đó đã đưa Holly vào một chuyến đi tìm chân lý về Thiên Chúa, một nhân vật được nói rất nhiều trong văn chương, mỹ thuật, sự tưởng tượng, và lịch sử. Và đỉnh điểm là vào năm 2012 cô đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

Holly kể lại chi tiết hành trình đi tìm chân lý của mình trong hồi ký, Not God’s Type: An Atheist Academic Lays Down Her Arms (Nhà xuất bảnThánh Ignatius, 2014). Quyển sách lần đầu tiên xuất hiện và đã chiếm vị trí cao trên bảng xếp hạng của Amazon. Chỉ trong vài ngày, nó đã được xếp hạng:

#1 trong các tiểu sử và hồi ký tôn giáo
#15 trong tất cả các sách của Ki-tô giáo
#30 trong tất cả các hồi ký trên Amazon
#353 trong tất cả sách trên Amazon

Gần đây tôi có ngồi nói chuyện với Holly về thuyết vô thần mà cô theo đuổi trước đây, vai trò của sức tưởng tượng trong sự hoán cải trở về Giáo hội Công giáo của cô, và minh chứng mạnh mẽ nhất về Ki-tô giáo.

——————

BRANDON VOGT: Bất cứ khi nào những người không tín ngưỡng phân tích những câu chuyện hoán cải từ vô thần sang Công giáo, rất nhiều người vội vàng nói ngay rằng người hoán cải đó thực sự không phải là người vô thần. Cô có xếp mình vào dạng người này trong đời sống trước đây không?

Tiến Sĩ HOLLY ORDWAY: Tôi thường nghe những khẳng định như vậy, và tôi thừa nhận rằng nó làm tôi rối tung lên. Thậm chí nếu trước đây tôi không ‘thực sự’ là một người vô thần đi nữa thì điều đó có liên quan gì đến việc đúng hay sai khi tôi tin Ki-tô giáo là chân lý?

Nhưng dù thế nào, tôi chắc chắn khẳng định mình là một người vô thần khi tôi ở tuổi 20. Đôi khi người ta cho rằng chắc phải có một biến cố đau thương hay một sự chối bỏ đức tin nào đó, nhưng thực sự không có. Nó là một tiến trình tiệm tiến từ tình trạng không tôn giáo, sang tình trạng bàng quan, rồi đến trạng thái hoàn toàn bị thuyết phục rằng thuyết vô thần là đúng.

Tôi nhớ lại một cuộc đối thoại của tôi khi tôi khoảng 8 tuổi gì đó. Một cậu bé cùng đứng đợi tại trạm xe buýt với tôi hỏi tôi có tin Thiên Chúa không. Tôi suy nghĩ vài giây rồi trả lời “Tớ không biết nữa. Có thể Thiên Chúa là có thật, mà cũng có thể là không.” Cậu bé liền nói “Ồ, vậy là cậu thuộc phái Bất Khả Tri.” Tôi ghi nhớ cuộc đối thoại đó không phải vì nó có vẻ quan trọng, nhưng vì tôi học được một từ mới, và đó luôn là một điều thú vị đối với tôi vì tôi là một người thèm khát đọc sách từ nhỏ.

Gia đình tôi thuộc dạng “Ki-tô hữu theo phong trào”: chỉ vào mùa Giáng Sinh, cũng có trưng ra một bộ tượng Chúa ra đời và những bài hát Giáng Sinh truyền thống vang lên từ máy hát, và mẹ tôi về một mặt nào đó lại quở trách cái thói quen tuổi mới lớn của tôi hay mở miệng là “Lạy Chúa tôi”. Nhưng trong nhà tôi chẳng có quyển Kinh Thánh hay sách tôn giáo nào hết, và chúng tôi chẳng bao giờ đi lễ. Bước vào tuổi mới lớn, tôi bắt đầu quan tâm đến những câu hỏi đúng hay sai, và cảm thấy rất muốn biết được ý nghĩa và sự nối kết, nhưng điều này lại không làm tôi thỏa mãn khi tìm hiểu những vấn đề trong các thuật ngữ tôn giáo.

Vào đại học tôi hấp thụ tư tưởng đang thịnh hành lúc đó cho rằng tôn giáo nói chung, và Ki-tô giáo nói riêng, chỉ là một sự hiếu kỳ của lịch sử thôi, và quan điểm cho rằng khoa học có thể giải thích được tất cả. Khi tôi ở độ tuổi gần 30, tôi bị thuyết phục rằng chẳng có Thiên Chúa nào cả (hay chẳng có thực tại tâm linh nào hết). Tôi không tin là tôi có linh hồn; Tôi cho rằng mình chỉ là một động vật thông minh, và tin rằng khi chết tức là ý thức của tôi bị mất đi. Và tôi nghĩ rằng chẳng có ý nghĩa cuộc sống đời sau là gì cả, và cho rằng những ai tin vào bất kỳ một dạng thần thánh nào đó thực sự tự bỏ bùa mê mình. Nghe có vẻ hơi tiêu cực một tí, nhưng tôi nghĩ đó là một lý giải tốt nhất cho mọi sự trên thế giới này, và sự thật luôn luôn tốt hơn những vỗ về giả tạo. Nếu nói đó không phải là chủ nghĩa vô thần thì tôi chịu không biết nói sao nữa …

Có khi tôi nghe những người vô thần tranh luận rằng “Bạn chẳng cần phải tin có Thiên Chúa thì cũng vẫn trở thành người đạo đức.” Tôi đồng ý! Theo kinh nghiệm của tôi, tôi vẫn biết người vô thần có thể là những người đạo đức và làm những việc tốt. Điều mà tôi không thể làm được, nếu là người vô thần, là đưa ra được lý do thuyết phục tại sao tôi có ý thức đạo đức này, hay không thể giải thích tại sao tôi nhận thấy những nỗ lực của tôi trở thành người tốt luôn luôn không có lý tưởng.

Rồi tôi cũng không hiểu nổi những giáo huấn của Ki-tô giáo về nhân đức và luân lý có gì khác hơn là một loạt những quy tắc và những khẩu hiệu sáo rỗng – tôi cũng không hiểu rằng Giáo hội làm cho những giáo huấn này là một cầu nối với một Đấng đang sống, mà Đấng này, nếu bạn cho phép, sẽ thực sự làm một điều gì đó để thay đổi và biến đổi bạn thành một con người mới, một con người sống trọn vẹn ý nghĩa … Nhưng đó là điều phải mất rất lâu thời gian mới có thể hiểu được, và hơn nữa chỉ từ khi tôi trở thành một người Công giáo thì tôi mới bắt đầu biết trân trọng trọn vẹn quyền năng hoán cải và sức mạnh của ân sủng của Thiên Chúa, và trên hết là qua Bí tích Thánh thể. Đó là một mô thức hoàn toàn khác.

BRANDON: Chị đã đi theo một con đường riêng để đến với Chúa, một con đường thuộc triết học nhưng cũng đầy tính văn chương. Vậy những nền tảng khi chị còn là giáo sư tiếng Anh đã góp phần cho sự hoán cải của chị như thế nào, và sức tưởng tượng đóng một vai trò như thế nào trong đó?

HOLLY: Tôi không thích nghe những tranh luận về Thiên Chúa, hay đọc Thánh Kinh, nhưng ân sủng của Chúa hoạt động qua sự tưởng tượng của tôi … giống như một làn gió lùa dưới khung cửa đóng kín và khóa kỹ.

Để bắt đầu, văn chương Ki-tô giáo cổ điển đã gieo những hạt giống trong sức tưởng tượng của tôi khi còn là cô gái nhỏ, điều đó tôi viết chi tiết hơn trong quyển sách của tôi. Sau này các văn sĩ Ki-tô giáo đã giúp cho tôi những tiếng nói bất đồng với thể loại văn hiện thực mà tôi đã được học — có thể là tiếng nói bất đồng duy nhất, vì tôi không thích đọc bất kỳ cái gì đề cập trực tiếp đến chủ đề đức tin hay đạo Công giáo, và do vậy không được tiếp cận với tư tưởng Ki-tô giáo chính thống.

Tôi lại phát hiện ra những tác giả yêu thích của tôi lại là những người có đức tin Ki-tô rất vững vàng. C.S. Lewis và J.R.R. Tolkien là đầu tiên; rồi là các nhà thơ: Gerard Manley Hopkins, George Herbert, John Donne, và một số tác giả khác. Những tác phẩm của họ làm đảo lộn những khẳng định vô thần của tôi, một phần nào đó vì tôi không thể phân loại thể thơ của họ vào nhóm “tôn giáo” hay “không tôn giáo”, đức tin của họ hòa trộn và xuyên suốt tác phẩm, và các bài thơ làm tôi rung động nhất là “The Windhover” (Chim cắt) và Donne’s Holy Sonnets (Bản Sonat Thánh của Donne) của Hopkins trình bày rõ ràng quan điểm Ki-tô giáo. Tôi đã cố gắng xét đức tin của họ như là một cái gì đó có thể tách rời khỏi khả năng viết vô thần của họ, nhưng cái kiểu phân tích đó của tôi không thành công, đặc biệt hoàn toàn thất bại với tác phẩm văn học đồ sộ và phong phú như Chúa tể những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings).

Cuối cùng, tôi đi đến quyết định là tôi cần phải đặt thêm nhiều câu hỏi. Tôi cần phải tìm hiểu tại sao một con người như Donne có ý gì khi ông ta nói về đức tin vào Thiên Chúa, vì bất kỳ ông ta có ngụ ý gì đi nữa thì nó có vẻ không phải là “đức tin mù lòa, đối nghịch lại với lý trí’.

Các nhà văn Công giáo đã khêu gợi sự tò mò của tôi đi tìm ý nghĩa của “đức tin”. Trong suốt nhiều năm đọc những tác phẩm như Biên niên sử Narnia (Chronicles of Narnia), Chúa tể của những Chiếc nhẫn (The Lord of the Rings), và thơ của Hopkins đã cho tôi khái niệm về một con đường khác để nhìn vào thế giới. Đó là một cái nhìn vào thế giới đầy ý nghĩa và đẹp tuyệt vời, và điều đó giải thích được ý nghĩa của niềm vui và sự đau khổ, ánh sáng và bóng tối mà tôi có thể nhìn thấy và trải nghiệm. Quan điểm vô thần của tôi về thế giới, theo sự so sánh, rất hạn hẹp và bằng phẳng; nó không thể giải thích cho tôi tại sao tôi lại xúc động trước cái đẹp và quan tâm đến lẽ phải. Tôi tự nghĩ, khẳng định của Ki-tô giáo có thể chưa đúng, nhưng nó có chiều sâu của nó, và điều đó rất đáng để tìm hiểu.

BRANDON: Trong nhiều năm chị được huấn luyện là một vận động viên đấu kiếm tài năng, tham dự nhiều vòng thi đấu trên khắp đất nước (và đã giành được không ít giải thưởng). Việc đấu kiếm có gì liên quan đến sự trở lại của chị không?

 

HOLLY: Đấu kiếm cũng có liên quan đến sự hoán cải của tôi theo nhiều cách, nhưng trực tiếp nhất là qua việc chứng kiến huấn luyện viên đấu kiếm của tôi! Một điều quá sức ngạc nhiên đối với tôi, sau khi làm việc với huấn luyện viên suốt 1 năm, tôi mới biết rằng ông ấy là người Ki-tô hữu. Ông là một huấn luyện viên mẫu mực, rất kiên nhẫn (và tôi không phải là một học trò dễ bảo!), thông minh và thâm trầm, và rõ ràng là một Ki-tô hữu nhiệt thành, và vì thế ông đã thử thách lối suy nghĩ áp đặt của tôi về những người Ki-tô hữu là những người huênh hoang và nhẹ dạ. Vì vậy khi tôi bắt đầu tò mò về những gì người Ki-tô hữu thực sự tin tưởng — tức là khi các bài thơ bắt đầu có tác dụng với tôi! — Tôi nhận thấy mình có thể hỏi huấn luyện viên của tôi các câu hỏi và cảm thấy an tâm và được tôn trọng khi tôi trao đổi về các vấn đền này.

Sau khi trở thành một Ki-tô hữu, đấu kiếm trở thành một con đường để trở nên tông đồ và là một phép ẩn dụ thực tại để phát triển đời sống Ki-tô hữu. “Hãy cầm lấy gươm của Thánh Thần” âm vang trong tôi!

BRANDON: Trong quyển Không phải người của Chúa (Not God’s Type), chị kể chi tiết một số quyển sách được chứng minh rất hữu ích trong suốt hành trình của chị. Chị có thể kể một vài quyển?

 

HOLLY: Tôi đọc rất nhiều sách! Quyển Ranh giới Ki-tô giáo (Mere Christianity) là một trong những quyển quan trọng nhất, đặc biệt những tranh luận liên quan đến đạo đức của ông, nhưng cũng còn vì cách ông cung cấp những hình ảnh sinh động và những phương pháp loại suy để giảng giải ý nghĩa các từ ngữ như “đức tin” và “sự ăn năn.”

Với các câu hỏi về lịch sử và triết học, tôi đặc biệt được quyển sách mang tên Thiên Chúa có tồn tại không? (Does God Exist?), một tranh luận giữa J.P. Moreland (một Ki-tô hữu) và Kai Nielsen (một người vô thần), các chuyên mục của triết gia William Lane Craig, và quyển Bảo vệ các phép lạ (In Defense of Miracles), trong đó có những tranh luận nổi tiếng của David Hume phản bác lại các phép lạ cũng như những tranh cãi về tình trạng có hay không có phép lạ . Một trong những quyển sách quan trọng mà tôi đọc là một tác phẩm uyên bác có uy tín của N.T. Wright có tên Sự Phục Sinh của Con Thiên Chúa (The Resurrection of the Son of God), quyển sách đã thuyết phục được tôi Phục sinh là một sự kiện lịch sử.

Văn chương cũng giúp tôi trên đường tìm chân lý. Đặc biệt quyển Biên niên sử của Narnia (Chronicles of Narnia) giúp tôi liên kết lý trí của mình với sự tưởng tượng, vì thế tôi đã nắm bắt đượcý nghĩa của sự hiện diện của Thiên Chúa và nhìn thấy được tầm quan trọng của vấn đề đó chứ không còn là một tư tưởng trừu tượng nữa, nhưng xem đó là một vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.

BRANDON: Có thể chìa khóa then chốt cho sự trở lại của chị là khi chị bắt đầu tin vào sự Phục sinh từ cõi chết của Đức Giê-su mang tính lịch sử. Chứng cứ nào dẫn chị đến quyết định đó?

HOLLY: Một trong những bước đưa tôi đến quyết định đó là nhận thức của tôi về các phép lạ vừa có thể xảy ra vừa mang tính lý trí. Từ khi tôi bước đến được niềm tin rằng (trên các cơ sở khác) có một Đấng Tạo Hóa siêu việt là nguồn cội của luân lý, của trật tự và của lý trí thì tôi liền tìm ra được ý nghĩa rằng thế giới thực tại này có trật tự và có thể lý giải được, với những nguyên tắc tự nhiên hoạt động theo một cách có trật tự, nhưng cũng có một chiều kích siêu nhiên của thực thể. Giống như việc tôi có thể để cho thiên nhiên tự làm công việc của mình trong khu vườn của tôi, hay tôi có thể làm việc để thay đổi tính ‘tự nhiên’ của vạn vật bằng cách trồng thêm một cái cây hay nhổ một cây con, thật hợp lý khi cho rằng Đấng Tạo Hóa đã tạo ra những căn nguyên của tự nhiên hay trực tiếp hoạt động, can thiệp vào lịch sử. Do vậy tôi đã cẩn thận cân nhắc rằng ít nhất khả năng đã có một phép lạ siêu việt xảy ra: biến cố Phục Sinh.

Có nhiều chi tiết chứng cứ khớp với nhau tạo ra một bằng chứng thuyết phục về biến cố Phục Sinh; tôi sẽ đề cập một vài điều ở đây. Một trong những bằng chứng là thái độ của các tông đồ trước và sau biến cố Phục Sinh. Những trình thuật Tin mừng không mô tả thái độ của các ông sau biến cố Khổ Hình Thập Giá theo cách chờ đợi ánh sáng hão huyền. Dù rằng Chúa Giê-su đã nói trước về sự Phục sinh của Người, các tông đồ đã hoàn toàn đầu hàng và bỏ đi tản mác, cho rằng Đức Giê-su là một Đấng Messia bị thất bại. Nếu các tông đồ sau này cố tình dựng lên câu truyện Biến cố Phục sinh, tại sao các ông lại phải chèn vào những chi tiết mô tả các ông như người phản bội và nhát gan? Những nghiên cứu hàn lâm của tôi trong văn chương cho phép tôi nhận ra rằng Tin Mừng đã được viết như lịch sử, không phải là truyện thần thoại hay ngụ ngôn, và tôi cũng tìm ra rằng chắc chắn không có đủ thời gian để dựng lên một truyền thuyết. Giải thích hợp lý nhất cho tất cả các biến cố đó bắt đầu có vẻ sáng tỏ nếu được xét chi tiết theo cách này, và đúng là các biến cố đó đã xảy ra.

Rồi, sau biến cố Phục Sinh, có một sự thay đổi hoàn toàn trong thái độ của các ông, các ông đã trở thành những người dũng cảm loan báo Chúa Ki-tô Phục Sinh. Có rất nhiều từ ngữ trong thời cổ đại người ta đã dùng để mô tả việc nhìn thấy ma, nếu các ông dùng những từ ngữ này thì chắc các ông đã ít gặp rắc rối! Nhưng các ông đã nói về Chúa Giê-su là một người vẫn đang sống, thân xác đã sống lại, và vắn tắt một lời là các ông sẵn sàng chết vì sự khẳng định đó.

Và có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất về Biến cố Phục sinh là chính Giáo Hội. Nếu tôi cho rằng Giáo Hội đã tự tạo ra biến cố Phục Sinh nhằm giải thích cho sự tôn thờ Chúa Giê-su của mình, thì tôi phải đặt lại câu hỏi, bằng cách nào sự tôn thờ đó lại đứng ở vị trí hàng đầu? Nếu Giáo Hội không phải là kết quả của một phép lạ, thì chính Giáo hội là một phép lạ.

Điều quan trọng phải nói ở đây là tôi không bị thuyết phục bởi một hay hai chứng cứ riêng lẻ nào đó; tôi bị thuyết phục bởi hàng loạt những bằng chứng cộng lại, tất cả đều gắn kết khớp với nhau. Các biến cố lịch sử không thể được chứng minh như một bài toán hay thử nghiệm như một giả thuyết khoa học, và luôn luôn có cách để đưa ra một giải thích thay thế. Nhưng bởi vì một thực tại thay thế không có nghĩa là nó phải hoàn toàn tương đồng về tính hợp lý hay tính có thể có. Nói riêng về lĩnh vực văn chương của tôi, có những người khẳng định rằng William Shakespeare thực sự không viết các vở kịch của ông. Thậm chí một một vài chỗ khá mơ hồ về tính chính thống: ví dụ, một vài vở kịch của ông được viết chung tác giả, và với tôi có dường như ít nhất một đoạn trong vở Macbeth (diễn thuyết của Hecate) là được viết thêm về sau. Tuy nhiên, nếu chứng cứ được xét theo cách tổng hợp chung lại thì quyền tác giả là của Shakespeare!

Vì thế, đó cũng là những gì đã xảy ra khi tôi đánh giá về Biến cố Phục sinh, thậm chí với nhiều lý do thuyết phục hơn chứng minh cho khẳng định của Ki-tô giáo. Chứng cứ đã được giải thích rõ ràng nhất với kết luận rằng biến cố Phục sinh thực sự đã xảy ra. Và khi đến được với kết luận đó, tôi hiểu rằng chắc chắn phải có những ý nghĩa gì đó trong đời tôi. Tôi phải tự đặt câu hỏi cho mình: “Điều này có ý nghĩa gì cho tôi? Bây giờ tôi phải làm gì …?”

Và đây là nơi dành cho vai trò của sự hình dung của tôi: giúp tôi tạo mối liên kết giữa lý trí và ý chí. Thực vậy, sự tưởng tượng trong văn chương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu của tôi. Những tiểu thuyết và thi ca vĩ đại nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu của tôi, giúp tôi lớn lên trong đức tin – và làm tôi say sưa trong đức tin.


Ghi chép của
Brandon Vogt

[Nguồn: wordonfire.org]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/04/2016]