Một cuộc đời truyền giáo, phục vụ những người phong cùi ở Bangladesh. Đó là câu chuyện của sơ Roberta Pignone, bác sĩ người Ý thuộc Dòng Truyền giáo Hải ngoại của Học viện Giáo hoàng. Sơ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong vai trò là giám đốc bệnh viện Damien ở Khulna.
Theo sơ Roberta Pignone, từ năm 2012 ở Khulna, các trường hợp nhiễm bệnh Hansen đã tăng gấp đôi. Trong năm 2017, có 35 trường hợp bệnh phong và 400 bệnh lao đã được điều trị tại bệnh viện Damien.
Vào năm 1986 các sơ đã mở trung tâm này với mục đích điều trị và ngăn ngừa các trường hợp bệnh phong và vào năm 2012 là bệnh lao. Sơ Roberta Pignone kể: “Khi còn bé tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình trở thành một nữ tu. Tôi cảm thấy tôi muốn làm điều gì đó cho người khác, và đó là lý do tại sao tôi chọn học Y khoa. Nhưng trở thành một nữ tu tôi không nghĩ đến”.
Về kinh nghiệm truyền giáo và ơn gọi của mình, sơ Roberta nói: “Tôi được gửi đến Bangladesh. Ở đây tôi gặp các nhà truyền giáo của Dòng Truyền giáo Hải ngoại của Học viện Giáo hoàng và tôi hiểu rằng hiến dâng cuộc đời cho Chúa đó là một trong những con đường phù hợp nhất trở thành một nhà truyền giáo và một bác sĩ cho người nghèo. Trước khi vào tu viện, tôi muốn trở thành một bác sĩ gia đình và làm việc trong một phòng khám ở các làng. Ngược lại ở đây tôi không chọn công việc theo ý mình, tôi đón nhận tất cả như một món quà của Chúa Thánh Thần. Nó dường như với tôi là một cái gì đó lớn hơn tôi nhiều”.
Từ năm 2011, sơ Roberta Pignone sống ở Khulna, thành phố quan trọng thứ ba trong cả nước. Khu vực đô thị có khoảng một triệu rưỡi dân, họ sống chủ yếu về nông nghiệp và công nghiệp dệt, trong những khu đông đúc với cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Sơ Roberta giải thích: “Với môi trường sống như vậy nguy cơ lây lan bệnh Hansen tăng theo cấp số nhân. Năm 1998, theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bệnh phong đã được trừ diệt. Nhưng đây không phải là trường hợp của Bangladesh. Vào thời điểm đó, sự quan tâm của thế giới về bệnh phong đã chấm dứt và không ai quan tâm nhiều đến nghiên cứu, điều trị và chẩn đoán bệnh. Chúng tôi là tổ chức duy nhất tiếp tục phục vụ cho người bệnh trong cả nước”.
Sơ tiếp tục: “Hôm nay, chúng tôi chịu những ảnh hưởng tiêu cực của sự suy giảm đó. Mỗi năm chúng tôi tìm thấy những trường hợp nhiễm bệnh mới trong quá khứ và những khuyết tật nghiêm trọng do căn bệnh gây ra. Lý do là trong nhiều năm không có nhiều nghiên cứu về bệnh này. Từ tháng 11 năm 2012, các trường hợp nhiễm bệnh đã tăng gấp đôi. Nếu trước đây chúng tôi có khoảng 15 bệnh nhân mỗi năm, ngày nay có 35-36 bệnh mỗi năm. Con số này chỉ đề cập đến thành phố Khulna và các vùng lân cận”.
Sơ Roberta nhấn mạnh: “Việc điều trị dành cho tất cả, Kitô hữu, người Hồi giáo và người Hindu, không phân biệt đối xử; thậm chí chúng tôi không hỏi họ thuộc về tôn giáo nào. Các nhân viên của chúng tôi gồm 35 người, họ cũng đến từ những tôn giáo khác nhau: 10 người làm việc trong bệnh viện và những người khác đi phục vụ ở các trung tâm cùng với ba nữ tu. Công việc của chúng tôi chủ yếu được thực hiện tại gia đình của các bệnh nhân và họ được điều trị và được cung cấp thuốc tại các phòng khám địa phương. Chỉ các trường hợp nặng mới phải nhập viện để họ được nghỉ ngơi và ăn uống tốt. Trong trường hợp này chúng tôi gặp một chút khó khăn: việc nhập viện cho bệnh nhân lao không hề dễ dàng: nếu một người cha không có mặt ở nhà, ông không thể đi làm và mang thức ăn về cho gia đình. Đây là lý do tại sao chúng tôi thường cung cấp chăm sóc tại nhà, thậm chí mang thức ăn hoặc áo ấm cho mùa đông. Ngược lại, trong trường hợp bệnh phong, nhập viện là cần thiết. Đối với liệu pháp đa trị, tức là sự kết hợp của thuốc kháng sinh có liều lượng được ấn định bởi Tổ chức Y tế thế giới, thuốc được cung cấp bởi chính phủ. Mặt khác, chúng tôi cung cấp miễn phí tất cả các loại thuốc hỗ trợ như vitamin, thuốc giảm đau cho các tác dụng phụ”.
Sơ nói thêm: “Trong số các dịch vụ được cung cấp cho người bệnh phong, mỗi thứ ba, thứ năm và chiều thứ sáu có vật lý trị liệu, cả ở nhà và trong bệnh viện. Nó phục vụ để giảm khuyết tật. Nhưng trên tất cả, vì bệnh phong có liên quan đến sự mất độ nhạy với ngoại vi, tức là chân tay, chúng tôi cũng sản xuất giày có đế mềm ngăn ngừa sự hình thành các vết loét ở bàn chân”.
Nữ tu báo cáo rằng bệnh viện tìm cách để làm cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc. Đối với điều này, chúng tôi tạo mối tương quan với hiệu trưởng của các trường học, với sinh viên và bác sĩ địa phương. Kinh nghiệm của chúng tôi dạy chúng tôi, tuy nhiên, việc nhận định các trường hợp mới xảy ra thông qua các bệnh nhân cũ, những người đã trải qua những ảnh hưởng của bệnh trên da của họ và tư vấn cho những người khác phải trải qua điều trị. Chúng tôi cung cấp cho họ một trách nhiệm lớn: họ đã được chăm sóc và chúng tôi kêu gọi họ giúp chúng tôi tiếp đón, giúp đỡ những người khác như chính họ đã được nhận lãnh”.
Sơ Roberta Pignone kết luận: “Chính Chúa muốn tôi ở đây và Ngài cho tôi sức mạnh để tôi có thể thực hiện công việc vượt quá khả năng của tôi. Tôi đang ở Bangladesh, ở tận cùng trái đất, để chữa bệnh, nâng đỡ, chăm sóc những người bé mọn nhất của thế giới, những bệnh nhân phong không được quan tâm. Nhận thức này củng cố tôi mỗi ngày. Sự hiện diện của tôi ở vùng đất này làm cho người dân Bengala ngạc nhiên. Họ rất khó hiểu tại sao một phụ nữ chưa lập gia đình mà lại rời quê hương của mình như trường hợp của tôi, thật vui khi biết rằng một số bệnh nhân coi đây là bệnh viện thứ hai. Chúng tôi sẽ hiện diện ở đây luôn mãi. Chúng tôi mang lại hy vọng, mang lại một lối sống khác, giúp họ sống xứng đáng với nhân phẩm, xứng đáng là con của Chúa. Điểm truyền giáo của Bangladesh thật sự “một món quà của Chúa Thánh Thần dành cho tôi”. (Asia News 09/02/2018)
Ngọc Yến
(RadioVaticana 14.05.2018)