Tử đạo trong thế kỷ 21

 

 


TỬ ĐẠO TRONG THẾ KỶ 21

(LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM- 2014)

 

tu-dao-trong-the-ky-thu-21Hôm nay, chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài là cha ông, tổ tiên của chúng ta.

Khi mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi noi gương các ngài để can đảm sống chứng nhân đức tin giữa lòng đời trong bối cảnh hôm nay.

Như vậy, cùng một lời mời gọi nên thánh, chung một lý tưởng hoàn thiện, nhưng mỗi thời đại, chúng ta được thúc đẩy thể hiện niềm tin của mình bằng một cung cách khác.

Nhưng trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu các thánh tử đạo Việt Nam đã sống đời chứng nhân như thế nào?

 

  1. Đời sống chứng nhân nơi các thánh tử đạo Việt Nam

 

Mỗi lần nhắc đến các thánh tử đạo Việt Nam, ấy là mỗi lần chúng ta nhắc đến tấm gương anh dũng, can đảm, kiên trì, trung thành vì đức tin; tính trung thực, lòng yêu mến quê hương, tính liên đới, tấm lòng bác ái, vị tha nơi các ngài. Nhất là tấm gương anh dũng hy sinh chấp nhận cả cái chết để bảo vệ niềm tin vào Đức Kitô.

 

Điểm nổi bật nơi các thánh tử đạo là: các ngài không chấp nhận bất cứ hình thức nào theo kiểu: thuốc đắng bọc đường để bỏ Chúa. Khi dụ dỗ không được, vua quan thường hay tức giận và vu khống đủ điều xấu xa cho các ngài.

 

Một trong những tội mà các vua quan thời bấy giờ thường hay gán cho các ngài cũng rất giống tội danh mà các nhà lãnh đạo Dothái đã kết án Đức Giêsu, đó là tội chống chính quyền, sách động dân chúng, phản lại dân tộc. Khi bị ghép cho tội tầy trời như thế, thì chỉ còn nước chết và chết mà thôi!!!

 

Tuy nhiên, đây là một sự hồ đồ, ngộ nhận nơi vua quan, vì thế các ngài đã không chấp nhận và lại là dịp để chứng tỏ lòng yêu nước cũng như trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Điều này đã được thánh linh mục Khuông từng tuyên bố : “Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng”. Tuy nhiên, các ngài đã phân biệt được đâu là ranh giới của lãnh vực này. Thánh binh sĩ Trần Văn Trung đã chấp nhận cái chết để nói cho vua quan biết lập trường của người Công Giáo: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”. Thua keo này họ bày keo khác, sự gán ghép với ý đồ thâm độc cho rằng tổ tiên chúng ta là những người theo đạo Tây, nên đây là tà đạo! Thánh linh mục niên trưởng Vũ Bá Loan đã khẳng khái tuyên bố: “Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi”.

 

Khi nói về mẫu gương nổi bật nơi các ngài, chúng ta không thể quên được lòng trung thực được thể hiện qua cung cách lựa chọn của các thánh.

 

Các ngài đã noi gương Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh của mình, yêu thương thật lòng không giả dối, ngụy biện… Chính thánh quan Hồ Đình Hy đã nói: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý”. Khi nói về tình yêu thương, sự bao dung, tha thứ, thánh Cai Tả nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”.

 

Khi được các quan tinh vi gợi ý giả vờ bước qua Thánh Giá để có cớ mà tha cho tội chết. Đây là một cám dỗ khá xảo quyệt và hấp dẫn, có vẻ được lợi cả hai, đời này và đời sau. Nhưng cha ông chúng ta đã không bị vướng vào cạm bẫy này, nên khi bị dụ dỗ và khuyên dụ nhắm mắt bước qua Thánh Giá, thày giảng Nguyễn Cần nói: “Thưa quan, mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”.

 

Nói chung, gương mẫu của các thánh tử đạo Việt Nam là rất nhiều, tuy nhiên, hôm nay, chúng ta chỉ đưa ra hai đặc tính nơi các ngài là:

 

  • Không chấp nhận sự vu khống cho rằng người Công Giáo là người phản quốc, chống lại dân tộc. Cần phân biệt được đâu là người yêu nước thực sự, đâu là kẻ giả hình…
  • Không chấp nhận sống hai mặt, hai lòng, giả dối để được lợi cho phần xác mà mất linh hồn.

Thiết nghĩ, hai đặc tính trên chính là sức hút và khơi nguồn cảm hứng cho mỗi chúng ta nên thánh trong thời đại hôm nay.

 

  1. Tử đạo trong thế kỷ 21

 

Ngày nay, cảnh tượng kinh hoàng như thời các thánh tử đạo của chúng ta phải chịu như máu đổ, đầu rơi; đòn roi tra tấn; hay nhục hình ghê rợn…, không còn diễn ra trên diện rộng nữa, có chăng chỉ là những nơi xa xôi hẻo lánh, hay những người nắm chính quyền thiếu hiểu biết, ấu trĩ, bảo thủ hoặc ngu dốt, nên mới gây ra những hậu quả đáng tiếc, tạo nên sự mâu thuẫn giữa luật và người thi hành luật! Hay khi thi hành đã hành pháp sai mục đích chủ trương chính sách của dân tộc, hoặc đôi khi biết sai nhưng vẫn cứ nhắm mắt thi hành chỉ vì muốn trục lợi cá nhân… dung dưỡng cái bụng của mình mà làm cho cái đầu bị ngắn trí và trái tim bị teo lại nên không còn biết đúng – sai. Những người như vậy, họ thuộc hạng người bị mù lương tâm!

 

Còn trên bình diện thế giới, hình khổ theo kiểu cổ điển mà các chính quyền đưa ra để đàn áp những người Công Giáo cũng không thể diễn ra, bởi vì: hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Có chăng, chỉ có phiến quân nhà nước Hồi Giáo (IS) cực đoan mà thôi!

 

Vì thế, khi nói đến tử đạo ngày nay, vẫn khái niệm duy nhất là chết vì bảo vệ đức tin. Tuy nhiên, cần mở rộng lối suy nghĩ để hiểu khái niệm này cách rộng rãi hơn, phù hợp với môi trường cũng như thách đố của chúng ta hiện nay.

 

Người chứng nhân của thời đại hôm nay chính là dám chấp nhận ngược dòng để sống căn tính, cốt lõi của Tin Mừng, đó là: chấp nhận đứng về phía người thấp cổ bé họng, những người không có tiếng nói, những người cô thế, cô thân, bị loại ra bên lề nhằm bênh vực và lên tiếng thay cho họ khi quyền chính đáng của họ bị cướp đoạt. Khi đứng về phía họ như vậy, chúng ta sẵn sàng bảo vệ công lý, chống lại bất công.

 

Tử đạo ngày nay còn là lựa chọn và khước từ trước những cám dỗ, lôi cuốn, hấp dẫn để trục lợi cá nhân, an thân, ăn trên ngồi trước, ham quyền cố vị…, hay chạy đua những dục vọng, dâm ô, khát vọng bất chính, sống trác táng, phóng đãng… Khi khước từ những thứ đó, chúng ta được mời gọi để sống một cuộc sống công minh chính đại, sống tinh thần phục vụ vô vị lợi theo lời mời gọi của Chúa và Tin Mừng của Ngài.

 

Trong thời đại này, một hiện tượng cũng khá phổ biến đang lưu hành trong xã hội và nó chi phối sự lựa chọn của rất nhiều người, làm cho chúng ta đáng quan ngại, đó là: sự dửng dưng, vô cảm trước nỗi đói khổ, hoạn nạn của anh chị em. Bên cạnh đó, lập trường sống theo kiểu hạt nhân, đèn ai nấy rạng, nên không cần quan tâm đến nhau cũng là điều đáng để chúng ta suy nghĩ!

 

Giữa một xã hội như thế, người Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần nghèo khó, liên đới, trách nhiệm, loại bỏ những thứ như: hưởng thụ, khoái lạc, quyền lực, vụ lợi hay những thái độ dửng dưng, vô cảm… để chấp nhận nghịch lý của Tin Mừng khi lội ngược dòng với những hấp dẫn bất chính của con người và xã hội thời nay nhằm truyền tải cho xã hội và con người hôm nay một thông điệp rằng:

 

Đạo Công Giáo là Đạo Yêu Thương. Yêu con người và yêu dân tộc. Sẵn sàng đóng góp và xây dựng tổ quốc này ngày càng tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, yêu thương, liên đới, cảm thông với nhau hơn. Tuy nhiên, khi thấy cảnh trái luân thường đạo lý, người nghèo bị áp bức, bóc lột… sự thật bị bóp méo… thì chúng ta không thể an thân, bình chân như vại. Ngược lại, bằng khả năng, cách thế của mình, chúng ta phải lên tiếng trong sự ôn hòa, yêu thương và trách nhiệm, để làm cho cuộc sống này tràn đầy tình thương và nhân ái hơn.

 

Khi sống chứng nhân như thế, hẳn chúng ta đã làm cho khái niệm tử đạo ngày nay được phong phú hơn, rộng rãi hơn và thiết thực hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một thách đố mang tính trường kỳ nói lên tính tử đạo liên lỷ ngang qua những lựa chọn mà chúng ta phải đối diện hằng ngày.

 

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam các thánh Tử đạo là mẫu gương cho chúng con noi theo. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà ban cho chúng con ơn trung thành, can đảm để sống chứng nhân cho Chúa trong thời đại hôm nay. Amen.

 Jos Vinc Ngọc Biển