Từ Cách Mạng Pháp Đến Vatican I

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 18: Từ Cách Mạng Pháp Đến Vatican I

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN

LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Chương 18: TỪ CÁCH MẠNG PHÁP ĐẾN VATICAN I
(1789-1870)

 

 

   La_Bataille_du_Pont_dArcole
Napoleon và quân đội của ông băng qua cầu Arcole năm 1796

 

 

 

I. THỜI CÁCH MẠNG VÀ ĐẾ CHẾ PHÁP (1789-1815)

 

1,1. Thời cách mạng Pháp (1789-1800)

 

a/ Các giáo sĩ thời đầu cách mạng

 

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị, vua Louis XVI (1774-93) cho triệu tập “Tam Dân Nghị Hội” gồm đại biểu ba đẳng cấp giáo sĩ, quí tộc và thứ dân (300 + 280 + 610 = 1190 thành viên). Robespierre và tất cả đại biểu đều tham gia rước kiệu Thánh Thể ngày khai mạc nghị hội (5-5-1789). Đa số đại biểu giáo sĩ là các cha xứ công khai liên kết với đại biểu thứ dân trong việc thành lập Quốc hội lập hiến (9-7).

 

Ngày 14-7-1789, dân chúng Paris chiếm ngục Bastille, kéo theo nhiều cuộc nổi dậy ở nông thôn và cướp phá tài sản của giới quí tộc. Ngày 4-8, giới giáo sĩ và quí tộc chấp nhận từ bỏ mọi đặc quyền. Ngày 26-8, quốc hội bỏ phiếu tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền, được gợi hứng từ triết học Ánh sáng và bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776), khẳng định quyền Tự do, Bình đẳng và Tư hữu.

Đến tháng 11, theo đề nghị của giám mục Talleyrand, nhà nước trưng thu tài sản các giáo sĩ và nhận đảm trách việc cứu tế, giáo dục. Nhiều nhà thờ và đan viện bị giới tư sản triệt hạ, hoặc đem dùng vào việc khác. Tháng 2-1790 các tu sĩ bị cấm tuyên khấn.

 

Theo tinh thần thời Ánh Sáng và chủ trương Pháp giáo, ngày 12-7-1790, quốc hội phổ biến bản Dân hiến Giáo sĩ, tổ chức lại Giáo hội Pháp : từ nay chỉ có 85 địa phận theo ranh giới tỉnh mới (thay vì 135) ; chức giám mục và cha sở sẽ do hội đồng tuyển cử gồm cả người ngoại bầu lên; sau đó mới thông tin cho đức thánh cha. Ngày 24-8, vua Louis XVI bị cưỡng ép phê chuẩn bản Dân Hiến. Ngày 28-11, quốc hội buộc các giáo sĩ trong vòng tám ngày phải thề hứa tuân theo bản Dân Hiến. Chỉ có 7 trong số 160 giám mục tuyên thệ. Gần một nửa số linh mục đã tuyên thệ. Các giáo sĩ không tuyên thệ không được làm việc nữa, họ được thay thế dần bằng các giám mục và linh mục do dân bầu lên.

 

Ngày 10-3 và 13-4-1791, đức Pio VI ra hai đoản sắc kết án bản Dân Hiến, đòi những vị tuyên thệ phải rút lại lời thề và cấm các giám mục mới được bầu, không được thi hành sứ vụ. Thực ra không phải mọi vị tuyên thệ đều xấu, vì nhiều giáo sĩ tuyên thệ để có thể ở lại với bổn đạo. Tuy nhiên, việc bầu giáo sĩ mới cách vội vã, đưa đến nhiều chọn lựa đáng nghi ngờ. Các linh mục không tuyên thệ phải làm việc lén lút.

 

b/. Canvê của Giáo hội Pháp

 

Tháng tư 1792, Pháp thua liên quân Áo-Phổ nhiều trận. Quốc hội liền coi các giáo sĩ “cố chấp” là kẻ thù của quốc gia. Tháng 8, các giáo sĩ này bị lệnh trục xuất. Trên 30.000 linh mục đi tị nạn khắp Âu Châu, khoảng 10.000 linh mục cùng với 26 giám mục ở lại trong cảnh “hầm trú”. Từ ngày 2 đến 8-9-1792 gần 300 giáo sĩ bị thảm sát tại trại giam. Các giáo sĩ dân hiến cũng mất hết ảnh hưởng, bởi vì quyền hộ tịch (chứng tử, khai sinh, hôn phối…) được chuyển cho tòa thị chính. Vua Louis XVI bị hành quyết ngày 21-1-1793, máy chém ở Paris hoạt động suốt ngày nâng số nạn nhân lên đến 3000… (191 Chân phước tử đạo thời này được suy tôn vào tháng 10-1926).

 

Ý muốn tiêu diệt Ki-tô giáo lên cao độ dưới thời khủng bố từ tháng 9-1793 đến 7-1794 : sử dụng lịch cộng hòa (mỗi tuần 10 ngày). Phá hủy cơ sở tôn giáo, mở lễ hội hóa trang tại nhà thờ, tôn thờ nữ thần lý trí, mở chiến dịch buộc linh mục hoàn tục, hành quyết nhiều giáo sĩ, nữ tu và tín hữu về tội phản quốc và cuổng tín. Giáo hội dân hiến cũng không được hoạt động nữa, cho đến khi Danton (5-4), Hébert (13-4) rồi Robespierre (22-7) bị lên máy chém, an bình mới trở lại.

 

Đầu năm 1795, Quốc Ước Nghị Hội nhìn nhận tự do phụng tự trong nhà thờ nhưng bãi bỏ mọi ngân sách dành cho phụng tự, khởi xướng việc “chính-giáo-phân-ly”. Mùa chay năm đó, các nhà thờ lại đầy người như xưa. Tuy nhiên hai giáo hội vẫn chống đối nhau : Giáo hội dân hiến tổ chức hai công đồng toàn quốc 1797 và 1801, quyết định dùng tiếng Pháp trong phụng vụ và xuất bản các tập Niên san Tôn giáo; còn Giáo hội hầm trú cũng âm thầm tái tổ chức việc truyền giáo. Nổi tiếng có linh mục Linsolas ở Lyon, học hỏi kinh nghiệm Giáo hội Việt Nam, cha tổ chức các thày giảng và trùm họ để đảm bảo sinh hoạt địa phương, còn linh mục thì thi hành tác vụ lưu động (Xc Jean Comby, Pour lire L’Histoire de L’Eglise, Cerf 1986, II, tr.98). Từ tháng 9-1797, vì sợ phái Bảo Hoàng nổi dậy, Chấp Chính Viện trở lại biện pháp cứng rắn với tôn giáo, bắt bớ các linh mục rồi xử bắn hoặc trục xuất đi Guane.

 

c/. Mở rộng cuộc cách mạng

 

Quân đội cách mạng mở rộng bờ cõi nước Pháp, lập nên nhiều nước chư hầu, áp dụng chính sách tôn giáo khác nhau tùy theo khu vực :

 

Trên đất Bỉ đã sáp nhập, các tu viện bị triệt hạ, tài sản bị đem bán. Các tín hữu không thề “mãi mãi thù ghét chế độ vương quyền” đều bị trục xuất lưu đày. Đại học Louvain bị đóng cửa (tháng 10-1797), 600 linh mục bị trục xuất.

 

Trái lại, ở vùng liên tỉnh, sự hiện diện của Pháp ở nước Cộng hòa Batave giúp người công giáo trước được nhân nhượng nay được tự do. Các tín hữu đứng về phía cách mạng nên được hưởng trọn quyền công dân và hoàn toàn tự do phượng tự.

 

Tháng 2-1797, Bonaparte ép đức Pio VI ký hòa ước Tolentino nhường cho Pháp đất Avignon, Venaissain và ba vùng Bắc Ý để lập nước Cộng hòa Cisalpina. Năm sau, Berthier tiến quân vào giáo đô, trục xuất đức Pio VI và lập nước Cộng hòa Roma. Đức Pio VI đã 82 tuổi bị đưa đến Valence và tạ thế ngày 24-8-1799.

 

Trong tình hình nội chiến với phe bảo hoàng, Chấp Chính Viện mời Bonaparte đang hành quân bên Ai-cập về. Khoảng 100 dân biểu tuyên bố trao quyền cho ba vị tổng tài Bonaparte, Ducos và linh mục Sieyes. Đó là cuộc đảo chính 18 tháng Brumaire (9-11-1799). Các phe phái đều đã thấm mệt nên chấp thuận. Vài tuần sau chế độ Tổng Tài ra đời (19-2-1800).

 

1,2. Kỷ nguyên Napoléon I

 

a/. Bản Thỏa Ước 1801

 

Đức Pio VII, là người từng tuyên bố thể chế dân chủ có thể hợp với phúc âm đắc cử ngày 14-3-1800. Còn Bonaparte, đệ nhất tổng tài Pháp, thì nghĩ mình không thể cai trị nếu không giao hảo với tôn giáo của dân Pháp. Theo ông : “Tôn giáo đưa đến ý niệm bình đẳng trên trời cao. Điều đó ngăn cản để người giàu không bị kẻ nghèo tàn sát”. Ông thương thuyết với đại diện Tòa Thánh là hổng y Consalvi và cùng với đức Pio VII ký bản Thỏa ước ngày 5-7-1801 (Concordat) tại Pháp. Theo thỏa ước, việc phụng tự được công khai, chính quyền sẽ trả lương cho giáo sĩ, những ai chiếm giữ tài sản Giáo hội khỏi lo bị vạ. Đệ nhất Tổng tài như các vua Pháp xưa (của thỏa ước Bologne 1516) có quyền chọn giám mục, sẽ được Giáo hoàng thừa nhận theo giáo luật. Trước mắt, đức Pio VII bãi nhiệm tất cả mọi Giám mục.

 

Khi Bonaparte đưa bản Concordat cho quốc hội bỏ phiếu, ông kèm thêm 77 khoản về tổ chức. Theo đó, mọi văn kiện Tòa Thánh, và các sứ thần Tòa Thánh phải được phép của chính phủ mới được Phổ biến hay hoạt động tại Pháp, bản văn cũng buộc dạy trong chủng viện tuyên ngôn Pháp Giáo 1682. Đức Pio VII có phản đối nhưng vô ích. Dầu sao, lễ phục sinh năm 1802, người ta đã mừng trọng thể việc tái lập lễ nghi Công giáo tại Vương Cung Thánh Đường Paris. Cũng tháng đó, Chateaubriand, xuất bản cuốn “Tinh hoa Ki-tô giáo” phục hổi sự hiểu biết và tình cảm với tôn giáo truyền thống.

 

Áp dụng thỏa ước, Giáo hội Pháp chỉ còn 60 tòa giám mục. Các giám mục dân hiến chấp nhận giải nhiệm. Khoảng 30 cựu giám mục không chịu từ nhiệm, đã xúi tín hữu chống lại Thỏa ước và lập “Giáo hội nhỏ” ở miền Tây và Lyon. Về các giám mục mới, Bonaparte chọn nhiều thành phần để dễ hòa giải : 16 giám mục trước cách mạng, 12 giám mục dân hiến và 36 linh mục. Tại các lãnh Thổ bị sáp nhập vào Pháp, Bonaparte cũng áp dụng chính sách tương tự : giảm bớt số địa phận áp dụng các khoản về tổ chức. Nước Đức là nơi chịu nhiều thay đỗi nhất : các hầu quốc của Giáo hội vĩnh viễn biến mất, tài sản, các tu viện nay thuộc về chính quyền. Dân Đức gọi đây là việc tục hóa.

 

b/. Thời trăng mật và thời xung đột

 

Cho đến 1806, Giáo hội Pháp trải qua thời “trăng mật”. Thực tế Giáo hội phục hổi cách chậm chạp vì quá thiếu nhân sự : trong 10 năm qua, số tân linh mục quá ít, một phần đã hoàn tục, phần khác thì tạ thế. Phải mở lại chủng viện và trùng tu các thánh đường … Cuộc canh tân sẽ thực sự sinh hoa kết quả trong thời Trùng Hưng (sau 1815). Ngày 2-12-1804, Đức Pio VII đặt vương miện cho tân hoàng đế tại nhà thờ Đức Bà Paris. Hoàng đế Napoléon đạt được trọn niềm tin của giới Công giáo. Đức Pio VII được tiếp đón long trọng tại khắp các miền đất Pháp. Hàng giáo phẩm Pháp không tiếc lời ca tụng Napoléon : Đấng Chúa xức dầu, Đavít mới, Constantin, Charlemagne… và dành một chỗ đặc biệt nói về bổn phận đối với hoàng đế trong sách giáo lý 1806.

 

Nhưng cũng năm 1806, giai đoạn căng thẳng giữa giáo hoàng – hoàng đế bắt đầu. Napoléon yêu cầu giáo hoàng ngưng buôn bán với Anh quốc, nhưng đức Pio VII từ chối. Thế là tháng 2-1808 quân Pháp chiếm đóng Roma; tháng 5-1809 Nước Tòa Thánh bị sáp nhập vào đế quốc Pháp. Đức Pio VII phản ứng bằng bản vạ tuyệt thông những kẻ xâm lăng… Tháng 7, ngài bị bắt đưa về quản chế ở Savonna (gần Gênes) cho đến năm 1812. Dù bị cản trở, bản vạ tuyệt thông vẫn được Phổ biến tại Pháp.

 

Ngoài ra, dù các giám mục Paris đã cho phép hoàng đế ly dị Joséphine (không có con trai) để cưới công chúa nước Áo Marie-Louise, đức Pio VII vẫn tuyên bố hôn nhân này không thành (1810). Thêm vào đó, tình hình căng thẳng hơn do việc giáo hoàng không thừa nhận các giám mục mới được Napoléon bỗ nhiệm. Để thoát khỏi ngõ bí, hoàng đế triệu tập Công đồng toàn quốc tại Paris năm 1811. Các giám mục Pháp xác định mình trung thành với Tòa Thánh, nhưng lại không muốn làm phật ý hoàng đế, nên chấp nhận đi thuyết phục đức Pio VII. Ngài vẫn không chịu nhượng bộ. Tháng 6-1812, Napoléon áp giải ngài về Fontainnebleau.

 

Sau 6 tháng hành quân trên đất Nga, Napoléon thất bại, một lần nữa ông bắt ép giáo hoàng ký nhận. Bị cô lập, đức Pio VII đã nhượng bộ ngày 25-1-1813, nhưng ngài vội ra một tông thư khác (23-3) hủy bỏ bản văn trên và tiếp tục chịu làm tù nhân. Năm sau, Napoléon bị thua liên minh các nước Âu Châu, đức Pio VII được tự do và trở về Roma trong khải hoàn ngày 24-5-1814.

 

c/. Di sản Cách Mạng

 

Sau thời Cách mạng và Đế chế, Giáo hội Âu châu đã biến chuyển sâu xa. Phần lớn các tài sản Giáo hội đã sang tay trần thế. Giáo hoàng chỉ còn quyền tạm thời với các ông hoàng trong nước Tòa Thánh. Luật pháp công nhận quyền tự do phượng tự. Mỗi người có quyền xác định mình theo đạo nào. Giáo hội mất quyền hộ tịch và mất quyền làm chủ trong ngành giáo dục. Nhiều quyết định cực đoan của cách mạng chưa đủ thời gian để tổn tại như việc “chính giáo phân ly”, phong trào “bài giáo sĩ” … , nhưng sẽ được lập lại trong tương lai, qui chiếu vào cuộc Cách mạng này.

 

Thế nhưng, đức tin tín hữu được thanh luyện qua thử thách và Giáo hội có dịp trở về với sứ vụ chính yếu của mình. Bản thỏa ước sẽ ảnh hưởng suốt thế kỷ XIX : tạo nên hàng giáo sĩ xứng đáng, có phẩm trật rõ rệt, phục vụ việc quản trị. Các giám mục có quyền tuyệt đối trong giáo phận, đặc biệt trong việc thuyên chuyển linh mục. Những bất hạnh của các giáo hoàng đã làm tín hữu xúc động, nên họ càng ngày càng gắn bó hơn với Đấng kế vị thánh Phêrô, quen gọi là phong trào “bên kia núi” (Ultramontanisme), thượng tôn Roma về các việc tôn giáo.

 

Số các tín hữu bị chia thành hai phe : các tín hữu bình dân, coi Cách mạng như công trình của Satan, họ mong trùng hưng xã hội và tôn giáo như thời Vương Quyền; trái lại phe tự do thì cố bảo vệ những thành quả của cách mạng về dân chủ, tự do và bình đẳng, họ nghĩ những nguyên tắc 1789 có thể hòa hợp với Tin Mừng.


II THỜI TRÙNG HƯNG VÀ CHỦ NGHĨA TỰ DO

 

2,1. Bối cảnh chung từ 1815-70

 

Sau khi đánh bại Napoléon I, các quốc gia Âu Châu họp hội nghị ở Vienne (1814-15) dự định trùng hưng lại Âu Châu như trước 1789, theo nguyên tắc vương quyền. Đức giáo hoàng được lại các nước của mình. Ngày 26-9-1815, ba ông vua thuộc ba lối tuyên tín là Chính Thống, Tin Lành và Công Giáo : nước Nga, nước Phổ và nước Áo đã ra tuyên ngôn thành lập “Liên minh Thánh” (Sainte Alliance), tự nguyện “nhân danh Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, bất khả phân”, để liên kết, hỗ trợ nhau tổ chức việc cai trị theo những nguyên tắc ki tô giáo. Nói chung, thời Trùng Hưng, ngai vàng được nối kết với đền thờ, các nguyên tắc cách mạng bị bài bác vì con người có bổn phận chứ không phải có quyền. Theo Joseph de Maistre : “Cần phải trở lại chế độ quân chủ theo luật Chúa và nhìn nhận Giáo Hoàng là người bảo vệ trật tự chung”.

 

Tuy nhiên số người ngả theo các nguyên tắc 1789 ngày càng đông. Phong trào quốc gia độc lập, dân chủ ngày càng phát triển mạnh. Các quốc gia Mỹ Latinh đang được độc lập[(Ecuador (1809), Mehico, Colombia, Chili (1810), Venezuela (1811), Argentine (1816), Peru (1821) Brasil (1822)] .

 

2,2. Xuyên qua Âu châu :

 

* Tại Pháp

 

Thời Trùng Hưng, số địa phận Pháp tăng lên 80 (năm 1822), số linh mục thụ phong thời đế chế khoảng 500 vị mỗi năm, nay đạt mức kỷ lục 2357 vị năm 1829. Thế nhưng, khi vua Charles X bãi bỏ tự do báo chí, dân Paris liền lật đỗ ông, đưa Louis Philippe lên ngôi (cách mạng 1830). Nhiều Thánh đường, tu viện bị phá hoại, việc chống giáo sĩ được công khai hóa… Cũng giai đoạn này báo Avenir do Lamenais chủ trương cổ võ quyền tự do. Lập trường của báo bị tòa thánh kết án năm 1832 và 1834. Song song với những người tiên phong của chủ nghĩa xã hội, Lamenais và De Coux cũng mạnh bạo tố cáo việc bóc lột thợ thuyền và đề nghị tổ chức mới về kinh tế dựa trên nền dân chủ chính trị. Saint Simon, Fourrier, Buchez và ban biên tập báo Atelier, thì đòi hỏi công bằng xã hội, về “quyền thu hoạch điều công nhận đã gieo trổng qua lao động”…

 

Thành công của cách mạng tháng 2-1848, mở đầu nền Cộng hòa đệ nhị đã được đa số giáo sĩ hưởng ứng, và chúc phúc. Người ta nói đến “Đức Ki-tô, Vị cộng hòa của mọi thời, đã chịu chết trên cây tự do vì anh em”. Tiếc rằng cuộc cách mạng tháng 6-1848 diễn ra khá phũ phàng qua việc bắn chết Tổng Giám mục Affre (Paris) khi ngài kêu gọi hòa giải. Quốc trưởng Bonaparte (1848-52) là cháu Napoléon, tái lập lại thời đế chế, trở thành hoàng đế Napoléon III (1852-70). Ông khôn khéo nhờ các giáo sĩ xoa dịu lòng dân và ban hành đạo luật Falloux (1850) về giáo dục, dành quyền rộng lớn cho Giáo hội.

 

* Tại bán đảo Ibérique

 

Vua Joseph, anh của Napoléon I, cai trị Tây Ban Nha từ 1808-13, đã ban hành hiến pháp Cadiz 1812, trong đó bãi bỏ Tòa Tra và nhiều tu viện. Chiến tranh dành độc lập đã đưa Fernando VII lên ngôi (1814-33) và Trùng Hưng Giáo hội Tây Ban Nha. Năm 1820 phong trào “Tự do” tổ chức đảo chính, đã giải tán nhiều tu viện, chiếm đoạt tài sản Giáo hội và ép các giáo sĩ tuyên thệ trung thành với hiến pháp mới … Năm 1823, vua Pháp Louis XVIII đem quân đến và tái lập lại chế độ quân chủ. Kế vị Fernando là nữ hoàng Isabella II, lên ngôi mới có ba tuổi (1833-68). Nhưng các vua xứ Basque và Aragon lại ủng hộ Don Carlos em trai Fernando, gây ra cuộc nội chiến. Các tu viện bị giải tán gần hết, các giáo sĩ bị bắt bớ. Năm 1841 Tây Ban Nha chỉ còn sáu tòa giám mục. Thế nhưng 10 năm sau (1851) Tây Ban Nha ký thỏa ước với Tòa Thánh, vẫn nhận Công giáo là đạo chính thức trong nước.

 

Tình hình tại Bồ Đào Nha cũng tương tự : bị Pháp chiếm năm 1807. Khi vua Juan VI qua đời, Don Miguel lên ngôi (1826-34), Bồ Đào Nha xảy ra nội chiến do thái tử Don Pedro đang là vua Brasil muốn dành ngai vàng cho con gái mình. Vì các tín hữu ủng hộ Don Miguel, nên khi ông bị lật đỗ, nhiều tu viện bị đóng cửa, tài sản Giáo hội bị tịch thâu. Tình hình lắng dịu hơn một chút từ năm 1840.

 

* Tại Đức và Áo

 

Liên bang Rhénanie (1806-15) do Napoléon lập, bị hội nghị Vienne giải tán, thay thế bằng Liên bang Đức gồm 39 nước gồm cả Phổ và Áo. Nguyên tắc “miền nào đạo nấy” mất hiệu lực. Các tín hữu công giáo, Tin Lành nay sống chung với nhau. Các quốc gia Tin Lành Wurtemberg, Hesse, Nassau thì tuyên bố bản Dân Hiến Giáo sĩ. Tại Phổ, nỗ ra vấn đề hôn nhân khác đạo do đạo luật 1803 đã buộc trẻ nhỏ phải theo đạo của cha. Những giám mục phản đối đều bị bắt giam (từ 1825). Mãi đến năm 1848 Phổ mới có Hiến pháp tự do tôn giáo. Riêng miền Bavière, một hiệp ước được ký với Tòa Thánh (1817), vua Ludwig (1825-48) đã biến Munich thành một trung tâm Công giáo lớn của Đức. Joseph Gorres giáo sư sử tại Munich, đã qui tụ được nhiều nhà tư tưởng công giáo tại Đại học này như Dollinger-Trẻ. Johann Mohler, qua tác phẩm “Sự hiệp nhất trong Giáo hội”, đã cố gắng vượt qua khỏi lối nhìn Giáo hội phẩm trật để nhấn mạnh sự hiệp nhất sâu xa bên trong của Chúa Thánh Thần.

 

Tại Vienne, Áo, linh mục dòng Chúa Cứu Thế Hofbauer (+1820) đã tổ chức hoạt động rộng rãi chấn hưng đời sống tôn giáo, qui tụ được nhiều nhà trí thức Áo như Clemens Bruno, nhà thần học G(nther, triết gia Schlegel, chính trị gia Muller. Suốt 39 năm cầm quyền, thủ tướng Metternich (1809-48) bảo vệ Giáo hội nhưng lại cấm liên hệ với Roma. Sau khi ông bị lật đổ, Hiến pháp 1849 nhìn nhận tự do tôn giáo.

 

* Tại Bỉ : Năm 1830 dân Bỉ nổi dậy, không chịu sáp nhập vào Hà Lan nữa. Giới Công Giáo liên minh với nhóm tự do (dù họ chủ trương bài giáo sĩ), để chống lại Vua Hà Lan, thành lập nước Bỉ độc lập dựa trên những nền tảng tự do : tách biệt đạo-đời, tự do phượng tự, giáo dục và xuất bản. Giới Công Giáo chiếm 2/3 dân số đã được ý niệm tự do hỗ trợ. Tổng Giám Mục Sterchx xin đức Gregorio XVI làm ngơ trước luật tách biệt nói trên.

 

* Tại Ý : Các nước thuộc Giáo hoàng cố gắng tẩy xóa những dấu vết hiện diện của Pháp, cấm cả việc chủng ngừa lẫn chiếu sáng đường phố. Các giáo sĩ vẫn giữ những chức vụ chính yếu, nhưng phong trào bài giáo sĩ do các hội kín (như Carbonari) thúc đẩy, ngày càng phát triển. Khắp nước Ý nổi lên phong trào mạnh mẽ đòi thống nhất nước Ý là điều các Giáo hoàng chưa chấp nhận.

 

Năm 1830, khi đức Pio VIII nằm xuống, các nước Tòa Thánh liền nổi dậy. Tân giáo hoàng Grêgorio XVI nhờ quân đội Áo đến tái lập trật tự (25-3-1831) nên bị coi là đối thủ của tự do.

 

Viện phụ Gioberti (+1852) cổ động cho dạng thức liên bang dưới quyền của giáo hoàng, ngài cổ động để hiến pháp tháng 3-1848 dự liệu hạ viện sẽ do dân bầu, còn thượng viện là hồng y đoàn. Đức Pio IX rất được lòng dân, nhưng vì Ngài từ chối tham gia thánh chiến của Ý chống lại Áo quốc nên dân Ý tỏ vẻ thất vọng. Tháng 11-1848, đúng ngày khai mạc viện Dân biểu, chủ tịch nội các Rossi bị ám sát. Dân chúng bao vây điện Quirinal khiến giáo hoàng phải chạy xuống Gaeta. Năm sau, quân đội Pháp của Napoléon III tái chiếm Roma, đưa đức Pio IX trở về và tái lập chế độ chuyên chế như xưa.

Được dân Ý ủng hộ Victor Emmanuel vua xứ Piémont cùng với thủ tướng De Cavour chinh phục và thống nhất “nước Ý Trẻ”. Tháng 3-1861, Emmanuel tự công bố là vua nước Ý, chiếm khoảng 2/3 nước Tòa Thánh. Do dư luận công giáo Pháp, Napoléon III duy trì quân đội để bảo vệ Roma và các vùng phụ cận cho đức Pio IX. Đến khi có chiến tranh với Đức, quân Pháp rút về, Emmanuel chiếm luôn Roma làm thủ đô nước Ý vào tháng 6-1871. Từ 1861 đến 1929, vấn đề lãnh Thổ Roma luôn làm “ô nhiễm” sinh hoạt Giáo hội : các giáo hoàng bất bình với “tự do” được xem như nguổn gốc những bất hạnh cho Giáo hội.

 

* Tại Anh và Ái Nhĩ Lan

 

Giáo hội Công giáo tại Anh quốc dưới 100.000 người nên không có gì khởi sắc. Trái lại tại Ái Nhĩ Lan, Công giáo chiếm đa số. Đã từ lâu họ bị buộc phải tài trợ cho Anh giáo, nhất là khi vua Anh George III ban hành đạo luật Thống Nhất (1800), sáp nhập nước Ái Nhĩ Lan, họ hầu như không có quyền chính trị nào nữa. Luật sư O’Connell tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình… và dành lại được quyền bình đẳng cho giới Công giáo Ái vào năm 1829. Từ nay họ được quyền bầu cử và ứng cử vào các chức vụ.

Giữa thế kỷ XIX, nhờ số tín hữu Ái Nhĩ Lan di tản, số người Công giáo ở Anh tăng lên đến 700000. Thêm vào đó, Giáo hội Anh được phục hổi nhờ một số nhân vật uy tín. Khởi đầu là Giám mục Wiseman (+1865) tác giả của cuốn Fabiola. Ngài xuất thân từ đại học Oxford sau trở thành viện trưởng đại học và tỏ ra rất cởi mở với trào lưu trí thức đương thời. Ngài giúp người Công giáo Anh hiểu biết về Giáo hội tại lục địa và đem lại cho họ sự can đảm. Đức Pio IX đặt ngài làm Giám mục Westminster khi tái lập hàng giáo phẩm Anh quốc năm 1850 (cùng 12 địa phận khác).

 

Wiseman đã mở đường cho John Newman trở lại. Vốn là mục sư Anh giáo, Newman là một trong những người khởi xướng cho phong trào Oxford nhằm canh tân Anh giáo đang lệ thuộc vào chính quyền Anh, nghiên cứu các giáo phụ, Newman đặt lại vấn đề nền tảng Anh giáo và việc phát triển các tín điều. Năm 1845 ông gia nhập Công giáo, sau gia nhập dòng Diễn Giảng rồi trở thành hồng y (1879). Manning cũng trở lại Công giáo sau làm Tổng giám mục kế vị giám mục Wiseman rồi cũng được chọn lên chức hồng y (1875).

 

* Thế giới Tin Lành

 

Vua nước Phổ, Wilhelm III cưỡng bách hai Giáo hội Luther và Calvin sáp nhập thành Giáo hội Tin Lành Thống Nhất năm 1817. Nhiều nước thuộc Đức cũng theo gương này. Tuy nhiên số hệ phái Tin Lành ngày càng nhiều và dựa vào hai trào lưu chính là phong trào thức tỉnh và chủ trương tự do [Thừa kế Piétisme đề cao lòng đạo đức tình cảm và diễn tả ra bên ngoài. Cố trình bày Ki-tô giáo sao cho giới khoa học có thể chấp nhận được]. Tinh thần duy lý thấm nhập dần vào thần học Scheiermacher (+1834) được coi là ông tổ của trường phái này. Trong loạt diễn văn về tôn giáo, ông khởi đi từ lương tâm : “Tôn giáo không phải là suy tư hành động mà là chiêm niệm trực giác”. Tôn giáo là cảm nghiệm sự lệ thuộc vào Đấng tuyệt đối, do đó tín điều chỉ là tương đối.

 

Một số người phản ứng lại việc lệ thuộc quyền dân sự, họ lập ra những Giáo hội tự do (libres). Đó là trường hợp Vinet ở Vaud và Adolphe ở Lyon. Tại Đan Mạch có hai nhân vật rất khác biệt nhau, làm rạng rỡ cho sự thức tỉnh tôn giáo. Nếu Grundtvig (+1872) rao giảng một Ki-tô giáo bình dân, dành vị trí quan trọng cho bí tích và thánh ca, thì triết gia Kierkegard (+1855) đòi hỏi một Ki-tô giáo đoạn giao với thế giới và loan báo những chủ trương hiện sinh của thế kỷ sau.

 

* Thế giới Chính Thống

 

Sang thế kỷ XIX, đế quốc Ottoman hoàn toàn suy thoái, nên các quốc gia bị đô hộ vùng lên đòi độc lập. Sau cuộc nổi dậy của Hy Lạp (1821) thượng phụ Grégoire thành Constantinople bị người Thổ treo cổ ngay tại cổng Tòa thượng phụ. Hy lạp dành được độc lập năm 1832 và Giáo hội Hy Lạp tuyên bố tự trị vào năm sau (năm 1850 được công nhận). Tại nước Nga, những người Raskolniki vẫn tiếp tục đối đầu với Giáo hội chính thức và họ chia thành nhiều hệ phái.

 

Nước Ba Lan lệ thuộc vào Nga hoàng cũng nổi dậy năm 1830 và tuyên bố độc lập. Quân Nga đã đàn áp dân Ba Lan và tái chiếm Varsovie năm 1832. Nhiều người Ba Lan phải bỏ quê hương sang Tây âu, và họ được đón tiếp cách nổng hậu. Dân Ba Lan xin Giáo hoàng can thiệp. Thế nhưng làm sao đức Gregorio XVI có thể ủng hộ cuộc nổi dậy ở Ba Lan đang khi chống lại các cuộc nổi dậy ở nước Tòa Thánh ? Ngài kêu gọi dân Ba Lan chịu khuất phục các hoàng đế. Điều này gây sững sờ cho toàn thể Châu Âu.

 

Tuy Giáo hội Nga chịu áp lực của Nga Hoàng, truyền thống tâm linh ở đây vẫn phát triển mạnh. P. Paisios (+1794), khi ở trọ tại Mont Athos đã nghiên cứu lại các giáo phụ. Ông khai sinh truyền thống các Startsy (linh phụ: Staret), như thánh Anton xưa; đám đông tuốn đến xin họ hướng dẫn đời sống tâm linh. Các nhà tư tưởng Nga cố phát triển ý thức tôn giáo trở về nguổn Chính Thống. Những người thân Slave (Slavophiles), thì chống lại những người chịu ảnh hưởng thuyết dân chủ Tây âu. Nhà văn Dostoievski (+1881) khám phá ra những vực sâu của điên cuổng và tội lỗi nếu không tin vào Thiên Chúa.


III. CÔNG ĐỒNG VATICAN I (1869-70)

 

3,1. Bối cảnh phát sinh

 

Đầu thế kỷ XIX giáo lý Kitô bị triết học và khoa học đặt lại vấn đề. Nhiều người công khai phi bác Thượng đế, chống lại quan điểm Kitô giáo về con người và thế giới. Triết học Kant xác quyết con người không thể hiểu thấu Thiên Chúa, thuyết Duy Nghiệm của Auguste Comte từ chối mọi thứ siêu nhiên ; thuyết tiến hóa của Lamack, Darwin chối bỏ sáng tạo ; Renan qua cuốn”Cuộc đời Giêsu” đã giản lược Ngài vào nhân tính. Những tiến bộ khoa học khiến nhiều người muốn làm “chúa” của chính mình. Các học thuyết xã hội lại quả quyết phải triệt hạ tôn giáo, thứ “thuốc phiện ru ngủ nhân dân”.

 

Nếu giới Công giáo khá thống nhất trong việc bênh quyền lợi cho giáo hoàng đang bị chiếm đất, họ lại phân rẽ nhau về lập trường với chủ nghĩa tự do. Một số mong muốn giáo hội có tầm ảnh hưởng và quyền lợi như xưa, đòi loại bỏ những gì đe dọa Giáo hội như quyền xuất bản tùy ý ; một số khác chỉ yêu cầu chính quyền giữ trung lập và nghĩ người Công giáo nên bằng lòng với quyền tự do chung như mọi người. Họ nghĩ những nguyên tắc của 1789 nếu lọc lựa lại có thể có ý nghĩa Kitô giáo …

 

Đang khi đó, nhân cách lôi cuốn của đức Pio IX và vấn đề lãnh Thổ Roma đã làm chủ trương thân Roma tiến triển. Giới Công giáo bực bội khi thấy lãnh Thổ giáo hoàng bị mất, vì họ nghĩ quyền trần thế ấy bảo đảm cho sự độc lập tinh thần của ngài. Rất nhiều người mong thấy quyền bất khả ngộ của giáo hoàng được định tín. Năm 1854, khi công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, đức Pio IX đã gián tiếp xác định quyền này. Thế nhưng lòng quí mến giáo hoàng đôi khi đi đến thái quá như việc gọi ngài là Ngôi Lời tiếp tục nhập thể.

 

Do áp lực của nhiều giám mục, đức Pio IX đã chọn một giải pháp không toàn diện : Qua hai văn kiện ngày 8-12-1864, ngài chống những sai lầm thời đại bằng cách kết án. Trong thông điệp “Quanta cura” ngài kết án chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tự do… kèm theo thông điệp là một danh mục “Syllabus” gồm 80 mệnh đề bị kết án. Mệnh đề cuối hàm ý chối từ mọi thỏa hiệp với xã hội tân tiến (Trong các mệnh đề kết án, số 80 viết : giáo chủ Roma phải hòa hợp và nhân nhượng với những tiến bộ, với chủ nghĩa tự do và nền văn minh tân tiến). Phe Công giáo bảo thủ thì mừng rỡ. Phe tự do thì cảm thấy sững sờ và lạc lõng … Trong bối cảnh ấy đức Pio IX triệu tập công đồng Vatican I.

 

3,2. Diễn biến Công đồng

 

a/. Việc tổ chức

 

Công đồng khai mạc ngày 8-12-1869. Những mục tiêu đề ra khá mơ hổ. Nhưng đa số nghĩ vấn đề chính là tín quyền bất khả ngộ. 700 trên 1000 Giám mục tại chức đã dự Công đồng. Năm ủy ban chuẩn bị đã soạn thảo khá nhiều tài liệu, nhưng hoàn cảnh chính trị đã giới hạn Vatican I trong hai lãnh vực, với hai văn kiện :

 

Hiến chế Dei Filius (Con Thiên Chúa) được bỏ phiếu ngày 24-4-1870 là thành quả của nhiều cuộc tranh luận về tương quan giữa lý trí và đức tin. Đứng trước các sai lầm của các thuyết Duy Lý, Duy Tín và Phiếm Thần… Công đồng xác định sự hiện hữu của Thiên Chúa ngôi vị mà lý trí con người có thể hiểu được, đồng thời cũng xác quyết việc cần thiết của mạc khải. Do đó không có sự xung đột giữa lý trí và đức tin.

 

Bản dự thảo hiến chế về Hội Thánh có 15 chương, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, các nghị phụ trách riêng chương XVI bàn về Giáo hoàng để thảo luận. Thế là ngày 18-7-1870 hiến chế Pastor Aeternus (Mục tử đời đời) được biểu quyết với 535 phiếu thuận, 2 chống, có 61 vị cho rằng chưa đến lúc xác định quyền vô ngộ, đã xin rời Roma trước vài ngày.

 

Đức Pio IX khẳng định tín điều bất khả ngộ không phải là tín điều mới mà chỉ là xác định một chân lý đã được Giáo hội toàn cầu biết và chấp nhận. Ngài nói : “Thưa chư huynh đáng kính, quyền tối cao của giáo hoàng không bóp chết nhưng tăng thêm, không tiêu diệt mà xây dựng và trong nhiều trường hợp còn củng cố trong chức vị, hiệp nhất trong đức ái, trợ lực và bảo vệ các quyền lợi của chư huynh, nghĩa là của hàng giám mục …”

 

Mermet trong cuốn “Sống đức tin theo Vatican II” nhận định : “Người ta dự tính xây cả ngôi Nhà Thờ Chúa Kitô nhưng mới chỉ kịp xây cái tháp cao. Tháp tuy vững nhưng chơ vơ, còn phải xây dựng cung thánh, lòng nhà thờ, phòng ốc sinh hoạt …”

 

b/. Lý do đình hoãn – Hậu Công đồng

 

Ngày 19-7-1870, Đức-Pháp tuyên chiến. Napoléon III rút quân đội bảo vệ giáo hoàng về nước, và bị sụp đỗ ngày 4-9. Đến ngày 20-9-1870, quân đội của Garibaldi chiếm được Roma, hoàn tất việc thống nhất nước Ý, lấy Roma làm thủ đô. Đức Pio IX ra một văn thư đình hoãn Công đồng “chờ tới khi hoàn cảnh thuận tiện sẽ tiếp tục”. Từ 19-7-1870 các nghị phụ phải trở về nước mình.

 

Hầu hết các Giám mục vắng mặt ngày bỏ phiếu “Pastor Asternus” đều đệ thư bày tỏ sự chấp thuận. Chỉ trừ vài vị ở đại học Đức, qui tụ quanh D(llinger, là từ chối. Tháng 9-1871 họ hội nhau tại Munich tuyên bố lập Giáo hội “Cựu Công Giáo” (Số thành viên tối đa năm 1879 là 53.000). Họ bỏ xưng tội, bỏ độc thân giáo sĩ và phủ nhận tín điều Vô Nhiễm. Về sau họ liên kết với nhóm Jansénisme ở Utrecht.

 

c/. Nhận định

 

Vatican I để lại một cảm giác mất thăng bằng. Mới có 2 trên 51 dự án được biểu quyết. Vì thiếu thời gian, Công đồng đã nói về giáo hoàng nhưng chưa nói về giám mục, linh mục, tín hữu và thế giới mà Giáo hội được phái đến. Thế nhưng, nhiều tác giả hiện nay coi đó là điều may, vì chưa đến thời gian chín mùi để đạt được một giáo huấn đứng đắn cả về thần học lẫn khả năng tiếp nhận của quần chúng. Dầu sao, định tín bất khả ngộ vẫn ít hệ quả so với định tín quyền tối thượng. Thực tế ngày nay, đức Pio XII mới sử dụng có một lần ngày 01-11-1950 khi tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”. Trái lại, khi Công đồng xác quyết “Đức Thánh Cha có quyền tài phán thường xuyên, trực tiếp và quyền Giám mục trên toàn giáo hội”. Điều đó đã giúp gia tăng sự thống nhất về giáo triều Vatican, củng cố uy tín và quyền lực của người cha chung ngay khi ngài mất những quyền trần thế.

 

Hai mươi năm sau, Maurice Blondel đã kêu gọi một công đồng mới : “Để xác định quyền vô ngộ của Giáo hoàng không làm cho việc họp công đồng vô ích; để xác định hổn sống của Giáo hội là đức Kitô Trưởng Tử, là Đầu của Nhiệm Thể; và để hoàn tất những gì đã được tranh luận, khai sáng nhưng còn để dở dang…” đó là điều sẽ được Vatican II thực hiện.

 


TOÁT YẾU

 

Sau cách mạng 1789, đẳng cấp thứ dân và tư sản Pháp tìm cách loại bỏ dần ảnh hưởng của giới tăng lữ : họ quốc hữu hóa mọi tài sản của Giáo hội; cho ra đời bản Dân hiến giáo sĩ năm 1790 để tách giáo sĩ khỏi Roma. Đến khi thấy đa số giáo sĩ phản đối, họ nhờ giám mục Talleyrand tấn phong bất hợp pháp một số giám mục để lập hàng giáo sĩ dân hiến. Trong vòng 10 năm, giáo hội Pháp bị xáo trộn sâu xa. Hébert mạnh tay hơn muốn xóa sạch mọi tàn tích của Giáo hội : ông tổ chức tôn giáo mới thờ thần lý trí. Hàng ngàn linh mục và giám mục không tuyên thệ đã bị bắt, giam, trục xuất hoặc bị giết. Các giáo sĩ ở lại phải làm việc lén lút… Tình hình xảy ra cũng tương tự với các nước bị cách mạng Pháp chiếm đóng.

 

Napoléon I chọn chính sách khác : ông ký với Tòa thánh thỏa ước 1801, nhưng ông thêm 77 khoản về tổ chức để kiểm soát Giáo hội. Được đặt vương miện năm 1804, và được các tín hữu tin tưởng, hoàng đế đã xua quân chiếm Roma, sáp nhập nước Tòa Thánh và bắt giam đức Pio VII. Ông ép đức Pio VII chấp nhận các giám mục ông chọn và cho phép ông ly dị Josephine. Bị cô lập, đức Pio VII đã một lần ký nhận nhưng ngài nhanh chóng hủy bỏ văn bản đó. Chỉ khi Napoléon thua năm 1814, ngài mới về được Roma.

 

Từ 1815, Âu châu bước vào thời Trùng Hưng. Ngai vàng lại được tôn trọng và nhiều khi được nối kết với đền thờ. Thế nhưng phong trào đòi tự do, dân chủ ngày càng phát triển mạnh, nổi bật là các cuộc cách mạng 1830 (Pháp, Bỉ, Ý, Ba Lan) và 1848 (Pháp, Ý, Đức, Áo). Nếu các nước Công giáo chấm dứt những đặc quyền của Giáo hội, thì tình hình tín hữu tại những nước Tin Lành hay Chính Thống lại được tươi sáng hơn.

 

Trước phong trào bài bác Giáo hội của giới triết gia và khoa học thế kỷ XIX, Giáo hội bị phân rẽ thành hai phe bênh hoặc chống phong trào tự do. Đức Pio IX đã mạnh dạn lên án 80 mệnh đề của những học thuyết mới lạ. Giải pháp tạm thời này được bỗ sung bằng hiến chế Dei Filius của Vatican I, xác định khả năng dung hòa giữa lý trí và đức tin qua mạc khải.

 

Vatican I cũng dự định bàn về tất cả các thành phần trong Giáo hội, nhưng vì lý do chiến tranh công đồng chỉ mới kịp định tín về quyền bất khả ngộ của Giáo hoàng. Dầu sao công đồng đã giúp cho Giáo hội ngày càng hợp nhất với Đức Thánh Cha khi nước Tòa Thánh đã bị mất vào tay nước Ý năm 1871.

 

BÀI ĐỌC THÊM

ĐỨC PIO VI LÊN ÁN CÁC NGUYÊN TẮC CÁCH MẠNG PHÁP

(Đoản sắc Quod Aliquantum 1791)

 

… Quyền tự do tuyệt đối chẳng những tạo ra quyền khỏi phải bận tâm đến những ý kiến của tôn giáo, lại còn cho phép nghĩ, viết, xuất bản về tôn giáo cách vô tội vạ, bất cứ cái gì do trí tưởng tượng gợi ra. Quyền quái lạ như thế mà Nghị hội dám coi là quyền tự nhiên của con người

 

Còn gì vô tâm hơn việc thiết lập giữa con người thứ bình đẳng tự do phóng túng này, nó sẽ giết chết lý trí … Còn gì trái ngược với quyền của Thượng Đế Hóa Công, Đấng hạn chế tự do con người bằng cấm đoán làm điều ác, hơn thứ tự do suy nghĩ hành động, mà quốc hội thuận cho con người trong xã hội, như một thứ quyền tự nhiên không thể hủy diệt !!!

(A.LATREILLE, Giáo hội Công giáo và cuộc Cách Mạng Pháp, I,tr.98)

ĐỨC KITÔ – NHÀ CÁCH MẠNG

 

Một số linh mục và văn sĩ muốn chứng tỏ điều trên nhưng không được dư luận hưởng ứng bao nhiêu.

Đức Giêsu đích thực là kẻ không quần chẽn, một người Cộng Hòa chính gốc. Ngài đã triển khai tất cả những nguyên tắc về bình đẳng luân lý và chủ nghĩa ái quốc tinh túy nhất. Ngài đương đầu với mọi nguy hiểm : Ngài chống lại bọn quyền thế mà thời nào cũng vậy, đều lạm dụng quyền hành ; Ngài chế diễu bọn giàu có cứng lòng ; Ngài tấn công sự kiêu ngạo của các vua và đám tư tế (…)

 

Con Thiên Chúa đã đứng lên chống lại giới quí tộc trong nước. Anh em của tôi ơi, hãy suy niệm về chân lý này. Ngài không ngừng làm cho quần chúng phẫn nộ về những bạo chúa trong dân, bọn làm tiền bất chính, những kẻ độc đoán trong tư duy và tất cả những kẻ áp bức . Bọn quý tộc kiêu hãnh đánh lừa đám đông duy nịnh họ, và Thổi vào tâm hồn những kẻ nô lệ chúng sự điên cuồng, chống lại Đấng giải phóng con người. Cuối cùng, thưa anh em, tôi xin vui lòng chết sau khi nói xong lời này: “Chính bọn quí tộc đã đóng đanh Con Thiên Chúa”.

(Trích F.P.BOWMAN, Le Christ romantique. Droz, 1973)

GIẢI TRỪ KITÔ GIÁO

 

Linh mục Bévalet, nguyên cha chính Strasbourg, gửi chủ tịch Quốc Ước Nghị Hội chứng thư linh mục, tỏ ra hết mình với cách mạng.

Ngày 25 tháng Brumaire 1793, 
năm thứ hai nước Cộng Hòa Pháp duy nhất bất khả phân

Thưa công dân chủ tịch,

 

Tôi kính gửi ngài chứng thư linh mục của tôi. Tôi xin bày tỏ nơi đây lòng biết ơn của tôi với Hội Quốc Ước. Một giấy chứng nhận yêu nước quả xứng với lòng nhiệt thành tôi đã không ngừng bày tỏ từ thời cách mạng, nhằm ủng hộ quyền con người và ủng hộ vinh quang của chế độ Cộng hòa. Đó là tước vị danh dự duy nhất mà tôi gìn giữ và gắn bó bằng mọi giá.

 

Là linh mục đầu tiên của Alsace từng được đeo phù hiệu quốc gia, tôi là người tuyên thệ từ ngày đầu tiên ; người đầu tiên đã hiến những vòng bạc làm tặng phẩm yêu nước ; là sáng lập viên hội Belfort, người đầu tiên ở Strasbourg đã xé tấm màn giả hình bao trùm lên thành phố dị đoan và cuồng tín này (…)

Tôi tuyệt đối không cần của cải mà cũng chẳng có lo âu hay tham vọng nào cả, sự công bằng của hội quốc ước làm tôi an tâm. Tuy nhiên, nếu tôi xin Hội Quốc Ước điều gì, tôi xin đừng để tôi ở không, hãy sử dụng tôi sao cho có lợi cho nền cộng hòa.

(Document d’Histoire 1776-1850, I, A. Colin 1944,tr.72)

CÔNG ĐỒNG TOÀN QUỐC PHÁP – 1797

 

Khi được quyền tự do phụng tự (th 2-1795) giáo hội Dân Hiến đang suy yếu vì nhiều linh mục đã hổi tục. Từ 15-8 đến 12.11.1797 khoảng 30 giám mục, 60 linh mục và nhiều đại biểu trưởng lão và các địa phận về họp ở Paris.

 

* Sắc lệnh I về phụng vụ

 

Điều 1. Cấm cử hành nhiều thánh lễ cùng lúc tại một nhà thờ

 

Điều 3. Trong thánh lễ xứ đạo, các mục tử không bao giờ bỏ đọc thánh thư, Phúc Âm cho tín hữu sau lời nguyện đầu lễ cùng đôi lời giải thích (…) Công đồng mong muốn trong mọi thánh lễ đều đọc như thế.

 

Điều 4. (…) Trong mọi trường hợp, không thể cho phép linh mục dâng hai thánh lễ một ngày.

 

Điều 6. Giáo hữu muốn rước lễ thì rước ngay sau linh mục. Trừ trường hợp khẩn thiết, không được bỏ luật này.

 

* Sắc lệnh II về phụng vụ

 

Công đồng quốc gia xét rằng phụng vụ phải cố hết sức liên kết tín hữu với lời kinh của chủ tế bằng cách giúp họ hiểu chúng, tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc này còn tùy thuộc sự khôn ngoan Kitô giáo do hoàn cảnh đòi hỏi, nay quyết định

 

Kể từ ngày ban hành sắc lệnh này, lời nguyện đầu lễ được soạn bằng ngôn ngữ bình dân (Pháp) tại mọi nhà thờ công giáo Pháp.

 

Trong việc soạn cuốn lễ nghi thống nhất cho giáo hội Pháp, các bí tích cử hành bằng tiếng Pháp, phần mô thức sẽ dùng la ngữ.

 

Trong các địa phận quen dùng Thổ ngữ, xin các mục tử nỗ lực gấp đôi để phổ biến tiếng Pháp.

(JC. Để đọc LSGH II,t. 97)

RÚT KINH NGHIỆM TỪ VIỆT NAM

 

* Chỉ thị về các trùm họ và thầy giảng tận hiến truyền bá đức tin (8-2-1976)

Lm. Linsolas, cha chính địa phận Lyon tổ chức giáo hội theo mẫu giáo hội chịu bách hại ở Bắc Việt Nam.

 

(…) Chính nhờ lòng sốt sắng và nhiệt thành của các thầy giảng tại Trung Hoa, Bắc Việt và các miền truyền giáo khác ở nước ngoài, các thừa sai giữ vững được giáo hội giữa những lời dụ dỗ hằng ngày, giữa bách hại liên tục của thế gian và ma quỷ hợp sức chống lại sự tiến triển của đức tin. (…) Tại quê hương bất hạnh của chúng ta, tôn giáo đang bị cô lập cũng gặp các khó khăn y như những miền theo ngẫu thần giáo. Việc thiết lập chức Trùm các họ đạo và các thầy giảng, qua kinh nghiệm thành công, nay trở thành một nguồn quý giá và khẩn thiết, có thể gìn giữ ngọn đuốc đức tin sẵn sàng chuyển đến cho các nước khác (…)

(JC.Để đọc LSGH II,t.98)

LẬP TRƯỜNG NAPOLÉON I VỀ TÔN GIÁO

Chính sách của tôi là cai trị người ta theo như đa số họ muốn . Tôi nghĩ đó là cách để biết ý dân. Chính vì là Công giáo, tôi đã kết thúc cuộc chiến Vendée ; chính vì tôi thành Hổi giáo, tôi đã chiếm đóng Ai Cập; nhờ chọn theo Ultramontain (bên kia núi Alpes, ủng hộ giáo hoàng) mà tôi được lòng tại Ý . Nếu tôi cai trị dân Do Thái, tôi sẽ tái thiết đền thờ Salomon. (16-8-1800 au Conseil d’État).

 

[1801] Tôn giáo là một thứ chủng ngừa hay vaccine, bảo đảm cho ta khỏi đám lang băm và phù thủy, bằng cách thỏa mãn lòng ưa thích điều huyền bí của ta ; các linh mục đáng giá hơn mọi ông Kant và những kẻ mơ mộng bên Đức. Làm sao có trật tự trong một nước mà không có tôn giáo được ? Xã hội không thể tồn tại mà không có sự chênh lệch về của cải, mà chênh lệch của cải không thể tồn tại nếu không có tôn giáo. Một người chết đói ở cạnh người dư dật, nó không thể chấp nhận sự khác biệt ấy nếu ở đó không có một quyền bính nói với nó rằng : “Thiên Chúa muốn như thế, phải có người giàu kẻ nghèo trên thế gian này ; nhưng rồi đây trong cõi vĩnh cửu, việc phân chia sẽ khác hẳn”.

 

[…] Tôi chẳng quan tâm mầu nhiệm nhập thể trong tôn giáo, nhưng là mầu nhiệm trật tự xã hội. Tôn giáo đưa đến ý niệm bình đẳng trên trời cao. Điều đó để ngăn cản người giàu không bị kẻ nghèo tàn sát.

(JC.Để đọc LSGH II,t.99)

THỎA ƯỚC 1801
(Giữa Đức Piô VII và chính phủ Pháp)

 

Chính phủ nước Cộng Hòa nhìn nhận đạo Công giáo tông truyền và Roma là tôn giáo chiếm đa số công dân.

 

Đức Thánh Cha cũng nhìn nhận tôn giáo này đã sa sút và hiện vẫn chờ thiện ích lớn nhất, cũng như vinh dự lớn nhất, được tái lập việc phụng tự công giáo tại Pháp và tuyên xưng niềm tin riêng biệt mà các Tổng Tài nước Cộng Hòa đã làm. Vì thế, sau khi hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích tôn giáo cũng như gìn giữ bình yên trong nước, nay thỏa thuận như sau :

 

1. Đạo công giáo tông truyền và Rôma sẽ được tự do sinh hoạt tại Pháp; việc phượng tự được công khai phù hợp với luật lệ an ninh mà chính phủ xét là cần thiết vì trật tự chung.

 

2. Việc phân chia mới các ranh giới địa phận tại Pháp sẽ được Tòa Thánh cùng chính phủ thực hiện.

3. Đức Thánh Cha tuyên bố cho những vị có chức Giám Mục ở Pháp rằng Ngài chờ đợi nơi họ với sự tín nhiệm vững chắc, mọi loại hy sinh kể cả tòa giám mục, vì lợi ích hòa bình và hiệp nhất.

(JC.Để đọc LSGH II,t.100)

CÁC KHOẢN VỀ TỔ CHỨC

 

Những luật lệ an ninh trong khoản một của bản Thỏa Ước, được khai triển vượt quá chính Thỏa Ước. Giáo hoàng không được tham khảo ý kiến về vấn đề này.

 

1. Bất cứ là sắc chỉ, đoản thư, phúc thư, sắc lệnh, giấy ủy nhiệm, chứng thư, chữ ký bảo chứng hay thứ gì khác do Roma gởi đến, dù chỉ liên hệ một số người đặc biệt, cũng không được nhận, phổ biến, in ấn hay thi hành cách nào cách khác mà không có phép của chính phủ.

 

2. Không cá nhân nào tự xưng là sứ thần, đặc sứ, đại diện hoặc Ủy viên Tông Tòa hay tự nhận bất cứ danh hiệu nào khác, nếu không được phép, thì không thể hoạt động trên lãnh Thổ Pháp cũng như nơi khác về các việc có liên quan đến giáo hội Gaulois…

 

24. Những ai được chọn dạy các chủng viện phải ký nhận tuyên ngôn hàng giáo sĩ Pháp đã soạn năm 1682 … Họ sẽ phải tuân phục dạy trong chủng viện giáo thuyết đã hàm chứa trong đó. (Tuyên ngôn 1682, xc chương XII)

(JC. Để đọc LSGH II, t.100)

QUYỀN GIÁO HOÀNG ĐẦU THẾ KỶ XIX

Joseph de Maistre và Lamenais coi quyền giáo hoàng là nền tảng cho toàn xã hội như vậy họ chống lại Pháp giáo lẫn các giám mục, nhưng lại gần với quần chúng ngày càng ngưỡng mộ giáo hoàng hơn xưa.

 

* Joseph de Maistre

 

Không có giáo hoàng thì chẳng còn Kitô giáo nữa, và hậu quả không thể tránh được là trật tự xã hội bị thương tổn … Giáo hội phải được cai quản như bất cứ hiệp hội bất kỳ nào khác ; bằng không sẽ chẳng còn việc liên kết, tụ họp và thống nhất nữa. Vì thế việc cai trị này tự bản chất thì vô ngộ, nghĩa là tuyệt đối bằng không sẽ chẳng cai quản nữa (…) Giả thuyết mọi đế vương Kitô giáo liên kết trong tình huynh đệ tôn giáo thành một dạng cộng hòa quốc tế dưới quyền thiêng liêng tối thượng, không có gì là chướng cả. (Du pape, 1891)

 

* Lamenais

 

Không có giáo hoàng sẽ chẳng có Giáo hội, không Giáo hội thì chẳng có Kitô giáo, mà không có Kitô giáo thì chẳng còn tôn giáo hay xã hội nữa. Như chúng tôi đã nói, đời sống các nước Châu Âu bắt nguồn, một nguồn duy nhất, từ quyền giáo hoàng.

 

Nếu đạo Công giáo vẫn có ảnh hưởng cả trong những nơi niềm tin không còn giữ vai trò chủ đạo, không chống lại sự phát triển lòng cứng tin của Tin Lành, thì người ta đã không còn thấy dấu vết Kitô giáo nào từ lâu rồi. Và trong những miền đó, nếu còn có cư dân, chúng sẽ là những chủng tộc man di dữ tợn và xấu xa hơn mà thế gian chưa từng thấy ; và số phận toàn Âu Châu sẽ là thế đó nếu đạo Công giáo bị sụp đổ hoàn toàn. Vì thế, mọi tấn công chống lại quyền giáo hoàng là phạm tội khinh khi tôn giáo, đối với người Kitô hữu ngay lành; còn với nhân viên quốc gia, đó là tội phản văn minh và phản xã hội.

(De la religion considérée dans ses rapports 
avec l’ordre social, 1825 (JC.Để đọc LSGH II, t.106)


TINH THẦN DÒNG TU THẾ KỶ XIX

 

Guillaume Chaminade (1761-1850) sáng lập tu hội Marianist gồm hai ngành nam và nữ. Trong lá thư luân lưu 1839 này, cha đã nêu lên lý do thành lập. Đó cũng là nét đặc trưng của khá nhiều hội dòng vào tiền bán thế kỷ XIX.

 

Mọi lạc giáo đã phải cúi đầu trước Rất Thánh Trinh Nữ… Ngày nay, lạc giáo lớn đang ngự trị chính là sự dửng dưng với tôn giáo, nó sẽ mê hoặc các tâm hồn trong sự ù lì ích kỷ và chán nản của dục vọng. Hố vực thẳm phun lên thành ngọn đám khói đen kịt và hôi thối, đe dọa bao trùm cả địa cầu trong đêm tối mù mịt, vắng bóng điều lành, đầy dẫy điều ác và có thể nói Ánh Dương Chân Lý không sao chiếu vào nổi. Còn ngọn đuốc thần linh của đức tin thì lịm dần và tắt hẳn trong lòng Nước Kitô, khiến nhân đức ngày càng hiếm hoi và nết xấu sổ lồng giận dữ đáng sợ. Dường như chúng ta sống trong giai đoạn tiên báo của thời kỳ rã ngũ toàn diện và như thời kỳ hầu như khắp thế giới đã bỏ đạo trong hành động (…)

 

Chúng ta, rốt hết sau mọi người, chúng ta tin mình được chính Đức Maria kêu mời để hết sức trợ giúp Mẹ đấu tranh chống lại lạc giáo lớn của thời chúng ta. Chúng ta đã chọn châm ngôn như đã tuyên bố trong Hiến Pháp, những lời sau của Rất Thánh Trinh Nữ nói với những người giúp việc ở Cana : “Người bảo gì cứ làm theo”; xác tín về sứ mạng chúng ta dù chúng ta yếu hèn, là phục vụ tha nhân tất cả những công trình nhiệt tâm và thưong xót, vì thế chúng ta tận dụng mọi phương thế để bảo vệ và chữa lành họ khỏi bị tiêm nhiễm sự ác, dưới khẩu hiệu chung là giáo dục phong hóa Kitô giáo, và theo tinh thần này chúng ta xem đó là đối tượng của một lời khấn riêng biệt.

(JC. Để đọc LSGH II,107)

BÁO AVENIR

 

(…) Tôi không nghĩ rằng có ai, không mù không điếc, đã sống sáu tháng ở Roma, dù cố gắng đến mấy, lại có thể dấu chính mình về sự thật đáng buồn này : Giáo hội Công giáo hiện đang bị cai trị bởi những người thờ ơ với mọi nguyên tắc, chỉ tìm một mục đích và một luật lệ duy nhất là những quyền lợi trần thế, và về quyền lợi cuối cùng, nghĩa là quyền lợi chính trị vượt trên mọi quyền khác, tôi không loại trừ ai cả.

 

Càng mở mắt nhìn, tôi càng không thể không thấy Roma ngày nay họa lại chính xác hội đường (Do thái) thời Đức Giêsu. Nhóm Saducê, do phủ quốc vụ khanh đại diện, bận tâm đến lạc thú, tiền tài và thế lực, mang dấu vết của sự dua nịnh bỉ ổi và sự cấu kết hèn nhát với Hêrôđê, tổ chức một triều đình mẫn cán với các Philatô khôn khéo, luôn sẵn sàng đóng đinh Đức Kitô, chỉ vì ngài quấy nhiễu một chút chính sách của họ, hoặc ngài đe dọa sự hỗn độn của họ; và thực tế họ đóng đanh ngài mỗi ngày vì lý do quốc sự (raison d’Etat). Còn đám Pharisiêu, chúng chẳng tin gì cả, tôi không biết họ còn sót lại niềm tin nào mà họ dám bóp méo để phù hợp với dục vọng của họ, thì còn tệ hơn nhiều (…) Do đó tôi kết luận, cần Thiên Chúa phải can thiệp trực tiếp mới cứu được Kitô giáo đích thực (…)

 

Nhưng điều đã dứt khoát ở trong trí tôi, là tôi sẽ không quan tâm, bất cứ cái gì, đến những chuyện tôn giáo nữa. Những chiến đấu của tôi vì giáo hội đã chấm dứt. Những người khác có thể bảo vệ giáo hội giỏi dang hơn, may mắn hơn, nhưng chưa chắc có lương tâm hơn. Từ nay chính nghĩa của tôi, là chính nghĩa của tổ quốc tôi cũng như của mọi quốc gia, đó là chính nghĩa chung của quyền tự do theo hướng thuần túy chính trị. Chính vì nó, tôi dốc hết tâm lực trong những ngày cuối đời tôi… vì triết học sẽ không gây nên các “thông điệp”.

(Lamenais, Correspondance tập V – JC. Để đọc LSGH II,115)

LỜI MỘT TÍN HỮU

 

Với tập sách này Lamenais đoạn giao với tổ chức Giáo hội. Bằng giọng văn tiên tri và khải huyền ông lên án sự cấu kết giữa Giáo hội với các thế lực chống lại quyền tự do của con người.

 

* Thị kiến bảy ông vua

 

Vua thứ nhất cầm bình đầy máu đổ vào cái sọ và uống. Thức uống đó dường như làm ông mạnh hẳn lên. Rồi ngẩng đầu lên, từ lồng ngực thoát ra tiếng kêu đục khàn : “Khốn thay cho ông Kitô Kẻ đã mang tự do đến trên trái đất ! “

 

Đoạn sáu ông đội vương miện khác đồng loạt đứng lên, và đồng thanh thoát lên cùng tiếng kêu ấy : “Khốn thay cho ông Kitô Kẻ đã mang tự do đến trên trái đất ! “

 

Khi vị thứ bảy uống trong sọ người như các vị khác, chân đạp trên thập giá ông nói thế này:

Với ông Kitô, sẽ có tử chiến, cuộc chiến đời đời giữa y và chúng ta. Nhưng làm thế nào để tách dân ra khỏi y ? Đó là một cố gắng vô ích. Vậy phải làm gì đây ? Xin hãy nghe tôi: cần phải chiếm bằng được các linh mục của ông Kitô bằng của cải danh vọng và quyền lực. Rồi dù chúng ta làm gì, chúng ta ra lệnh chi, họ sẽ điều khiển dân thuộc về ông Kitô tùng phục chúng ta trong mọi sự (Chương XIII).

(JC. Để đọc LSGH II,t.116)

MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ CỘNG HÒA (1848)

 

“Hãy nêu gương cho các tín hữu về vâng lời và tùng phục Nhà Nước Cộng Hòa. Anh em vẫn thường khấn xin được hưởng sự tự do đã làm anh em ta ở Hoa Kỳ vui sướng; sự tự do này anh em sẽ có. Nếu chính quyền muốn dựng cờ tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo, anh em hãy mau mắn đáp ứng ý muốn của các cấp chính quyền. Lá cờ Cộng Hòa sẽ mãi mãi là lá cờ bảo vệ tôn giáo… Hãy cộng tác bằng mọi cách cải thiện đời sống thợ thuyền. Phải hy vọng rằng người ta sẽ biểu lộ sự quan tâm chân thành và hữu hiệu với giai cấp lao động”. (Hồng Y Bonald gửi các linh mục)

 

Thưa các công dân , Đức Giêsu Kitô là người đầu tiên từ đỉnh cao thập giá, đã công bố cho khắp hoàn vũ những lời tuyệt vời này : Tự do, bình đẳng, huynh đệ… Đấng Thánh, Nhà Cộng Hòa tối cao, Vị Cộng Hòa của mọi thời mọi nước, chính là Đức Kitô chịu chết trên cây tự do vì anh em. Phải, chính từ đổi Canvê mà tự do đã đi xuống.

(Bài giảng của các cha xứ n.1848, JC. Để đọc LSGH II,119)


NHẪN NHỤC NHÂN ĐỨC SỐ MỘT KITÔ GIÁO

 

Những ngày tháng 6-1848 đẫm máu tại Paris gieo rắc kinh hoàng cho giới cầm quyền và các bậc vị vọng Công giáo. Niềm vui đã tan vỡ. Từ nay để bảo vệ xã hội, họ nhân danh tôn giáo kêu gọi người nghèo sống nhịn nhục.

 

Giáo hội đã nói với người nghèo : chớ lấy của người. Không những bạn không được lấy cắp mà bạn không còn được ham muốn nó nữa ; nghĩa là bạn chớ nghe theo những lời dạy dỗ gian dối không ngừng Thổi vào lòng bạn ngọn lửa tham lam và ham muốn. Hãy chấp thuận sự nghèo khó, bạn sẽ được ban thưởng và đền bù đời đời. Đó là điều giáo hội đã nói với người nghèo cả ngàn năm qua, và người nghèo đã tin vào điều đó cho đến ngày nay người ta vất bỏ niềm tin ra khỏi lòng họ. (Montalembert, Diễn văn tại quốc hội 20-9-1848)

 

Hỡi người nghèo, chúng tôi mang cho các bạn những hy vọng của tôn giáo, như sự đền bù tuyệt diệu cho điều mà vận may đã từ chối các bạn, cũng là động lực mạnh mẽ để chấp nhận và kiên nhẫn.

(Tổng Giám Mục Paris : Đức Cha SIBOUR – JC. Để đọc LSGH II, t.121)

LỜI NGUYỆN CỦA HỒNG Y NEWMAN

 

Hỡi ánh sáng ân huệ giữa vùng tăm tối 
Xin hướng dẫn con tiến bước !

Đêm vẫn dày đặc và con còn xa khuất quê nhà 
Xin hướng dẫn con tiến bước !

Xin lưu tâm nẻo đường con; 
cần gì con phải thấy 
tận chân trời xa thẳm ?

Một bước thôi cũng đủ rồi. 
Chưa bao giờ con cầu khẩn Ngài như hôm nay 
hầu Ngài dẫn dắt con.

Khi con muốn chọn lựa và hiểu biết con đường, 
lúc này đây, xin hướng dẫn con. 
Con yêu mến tia sáng ban ngày ;

Niềm tự hào dù con còn bao sợ hãi. 
Xin hiển ngự trong con; 
xin đừng nhớ đến quá khứ nữa

Quyền năng Ngài chúc lành con đã quá lâu rồi, 
để nay không còn hướng dẫn con nữa, 
giữa lũng sâu, ao đầm và ghềnh thác 
bao lâu đêm tối còn kéo dài;

Rồi khi bình minh dậy, 
các thiên sứ sẽ cười con 
rằng con đã luôn yêu mến 
và con đã đánh mất một thời gian.

(Trích Jean Honoré, Itinéraire Spirituel 
de Newman, năm 1833, Seuil 1946)


MỘT LINH PHỤ CHÍNH THỐNG GIÁO

 

Như thánh Antôn, Starets là vị thầy hướng dẫn các đan sĩ. Vào thế kỷ XIX, các Startsy ở Nga, thường là cao niên, trở thành người hướng dẫn các phần tử ưu tú của Nga. Nổi tiếng nhất là Séraphin de Sarov (+1833) và các vị ở đan viện Optino. Trong cuốn anh em nhà Karamazov, Starets Zosime được Dostoievski mô tả theo chân dung các Startsy danh tiếng.

 

Starets là ai ? Starets chính là người thu hút tâm hồn và ý chí bạn. Khi chọn một Starets bạn trút bỏ ý chí mình và trao cho người với sự tuân phục hoàn toàn, với sự từ bỏ trọn vẹn (…)

 

Những người bình dân lẫn những nhân vật nổi tiếng lũ lượt đến bái quỳ trước các Startsy của đan viện chúng ta và xưng thú với các ngài những nghi nan,tội lỗi, đau khổ của mình, van xin lời chỉ bảo, hướng dẫn…

 

Nói về Starets Zosime, nhiều người kể lại rằng vì đã đón tiếp từ nhiều năm những người đến Thổ lộ tâm can, và khao khát được ngài chỉ dạy, an ủi, nên cuối cùng ngài đạt được sự sáng suốt lớn lao. Chỉ cần thoáng nhìn một khách lạ, người cũng đoán được vì sao ông ta đến, ngài phải làm gì cho ông ấy và ngay cả điều đang dày vò lương tâm người ấy. Hối nhân rất đỗi kinh ngạc, bối rối đôi khi đâm hoảng sợ vì cảm thấy bị dò thấu cõi lòng trước khi thốt lên lời (…) Thế nhưng Aliosa thấy rằng, những người lần đầu tiên đến thưa chuyện với Starets lòng đầy lo lắng sợ hãi; hầu như tất cả từ nhà ngài về đều hớn hở, và gương mặt ủ dột nhất cũng hân hoan mãn nguyện.

(Anh em nhà Karamazov, 1880 
Nxb Văn Học, Hà Nội 1988,tr 61-64)


NƯỚC Ý XÓA SỔ NƯỚC TÒA THÁNH

 

Nước Ý đơn phương giải quyết nước Tòa Thánh khiến các Giáo hoàng tự giam ở Vatican, không đi ra ngoài.

 

Vương quốc nhìn nhận quyền tối cao về tôn giáo của giáo hoàng, quyền đặt giám mục Ý, nhà nước không đề cử giám mục và không buộc thề trung thành.

 

Mỗi năm sẽ cấp dưỡng 3.200.000 bảng Ý. Đức Pio IX nhận hai lần rồi bỏ không nhận nữa.

Giáo hội chỉ làm chủ đồi Vatican, điện Latran và biệt thự Castel Gandolfo trên bờ hổ Albano.

Năm 1874, Đức Pio IX qua sắc lệnh “non expedit” cấm tín hữu tham gia bầu cử tại Ý. Năm 1876 các giáo hoàng mới cho phép bầu cử ở cấp tỉnh và xã.

(Bùi đức Sinh, LSGH II, 215-216)

TRÍCH BẢN SYLLABUS

 

Đức Pio IX kết án 80 sai lầm thời ngài. Khi kết án, bản văn không xác định học thuyết nào mới đúng, nên giám mục Dupanloup có thể đề ra lối giải thích hòa hoãn hơn.

 

Những xác quyết sau bị kết án :

 

55. Giáo hội phải tách rời khỏi Nhà nước và Nhà nước phải được tách rời khỏi Giáo hội.

 

63. Cho phép từ chối vâng phục các ông hoàng hợp pháp và cho phép nổi dậy chống lại họ.

 

77. Ở thời đại chúng ta, không nên coi tôn giáo như đạo duy nhất của đất nước, loại bỏ mọi tôn giáo khác.

 

78. Trong một số nước Công giáo, luật pháp nên dự trù cho phép các ngoại kiều đến đây cư ngụ, được cử hành công khai các phụng tự riêng của họ là hợp lý.

 

79. Quả là sai lầm khi cho rằng quyền tự do phượng tự và việc cho phép mọi người toàn quyền công khai và cởi mở biểu lộ mọi ý tưởng và quan điểm của mình sẽ dễ dàng đưa các dân tộc đến chỗ suy đổi phong hóa và tinh thần, cũng như làm lan tràn cơn dịch của chủ nghĩa dửng dưng.

 

80. Giáo chủ Roma có thể và phải hòa hiệp, cũng như phải nhân nhượng với sự tiến bộ, với chủ nghĩa tự do và văn minh tân tiến. (JC. Để đọc LSGH II,123)

VATICAN I

 

* Tương quan lý trí và đức tin

(Một vài định tín trong Hiến chế Dei Filius)

 

Nếu ai nói bản thể hay yếu tính của Thiên Chúa và tất cả mọi vật là một và đồng nhất, Anathema sit. 

Nếu ai rằng Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Đấng Sáng Tạo và là Thiên Chúa chúng ta, không thể nào nhận biết cách chắc chắn qua những công trình của Ngài, nhờ vào ánh sáng tự nhiên của lý trí nhân loại, Anathema sit.

 

Nếu ai nói rằng những tín điều giáo hội đưa ra, đôi khi có thể phải hiểu cách khác, theo như sự tiến bộ của khoa học, với ý nghĩa khác với ý nghĩa mà giáo hội đã hiểu và còn đang hiểu, Anathema sit. 
(JC. Để đọc LSGH II,124)

 

ĐỨC TIN VÀ LÝ TRÍ

(Thđ.Humani Generis, đức Pio XII, 12.8.1950)

 

(….) Các nhà thần học và triết gia Công giáo nhận nhiệm vụ bảo vệ và truyền bá chân lý của Thiên Chúa và con người, không được phép không biết và coi thường các quan điểm mới mẻ ít nhiều xa lạ với đức tin. Trái lại, họ phải biết quan điểm ấy, Bởi vì người ta không thể chữa bệnh nếu không biết bệnh ; vì trong sai lạc vẫn thường ẩn dấu một phần của chân lý, hơn nữa, chính những quan điểm ấy sẽ thúc đẩy người ta nghiên cứu những vấn đề thần học cách cẩn thận và sâu xa hơn.

QUYỀN BẤT KHẢ NGỘ

Trích Hiến chế Pastor Aeternus 18.7.1870

 

(…) Chúng tôi dạy và tuyên bố rằng Giáo hội Roma, do sự sắp đặt của Thiên Chúa, có quyền tối thượng và năng quyền thường xuyên trên mọi Giáo hội khác, và rằng quyền tài phán của giáo chủ Roma thì trực tiếp như quyền giám mục. Những mục tử các cấp và thuộc mọi nghi lễ cùng mọi tín hữu, từng người và toàn thể đều có bổn phận tùy thuộc do phẩm trật và vâng lời thật sự, không những trong những vấn đề liên hệ đến đức tin phong hóa, mà cả trong vấn đề kỷ luật và quản trị giáo hội trải rộng khắp thế giới (…)

 

Quyền này của Đức giáo hoàng không hề cản trở quyền tài phán thường xuyên và trực tiếp của các giám mục, qua đó các giám mục, được Thánh Thần thiết lập, kế vị các Tông đồ, để chăm sóc và cai quản đoàn chiên được ủy thác cho các ngài như những mục tử chân thực (…)

 

Chúng tôi truyền dạy và công bố tín điều đã được Thiên Chúa mạc khải : Đức giáo hoàng Roma khi ngài lên tiếng từ tòa (ex cathedra) nghĩa là chu toàn trách vụ mục tử và thầy dạy mọi Kitô hữu, dùng quyền tông đồ tối cao, để xác định một giáo thuyết về tín lý hay luân lý thì toàn thể Giáo hội phải chấp nhận, vì khi đó ngài được hưởng sự trợ giúp thần linh đã được hứa cho Pherô, về ơn bất khả ngộ mà Chúa Cứu Thế đã muốn ban cho giáo hội để định tín về đức tin và luân lý. Do đó, những định tín của đức giáo hoàng Roma không thể thay đổi, chứ không phải vì sự nhất trí của Giáo hội.

(Trích Histoire des Conciles oecuméniques, 
t.12 của Roger Aubert, JC. Để đọc LSGH II,124)

 

ĐIỀU KIỆN BẤT KHẢ NGỘ

(Viết theo Théo-Encyclopédie tr. 544)

 

Ơn bất khả ngộ dựa vào lời hứa Đấng bào chữa (Ga 14,8-21). Theo Lumen Gentium, Ơn bất khả ngộ giúp xác định những điểm tín lý và luân lý, xác định minh nhiên ý nghĩa của mạc khải. Do đó, ơn này không phải để thêm điều gì mới, mà chỉ nhằm soi sáng, minh định giáo huấn của Đức Kitô. 

Ba trường hợp có ơn bất khả ngộ : Mọi tín hữu đều tin như nhau (Lumen Gentium 12); Tập thể giám mục hợp với nhau và với giáo hoàng (LG 25); Đức Thánh Cha tuyên bố từ Tòa (Ex Cathedra, theo Mt 16,18-19 và Ga 21,15-17).

 

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006