Từ 2 hội thảo chữ quốc ngữ tổ chức ở Bình Đình & Quảng Nam: thử đánh giá về vai trò của các thừa sai đầu tiên trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ

Mặc dù, đã có nhiều cuộc Hội thảo khoa học chữ Quốc ngữ về ngôn ngữ, tuy nhiên về lịch sử chữ Quốc ngữ chưa được bàn thảo tường tận. Tháng 01/2016, tại Bình Định đã có cuộc Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, chứng minh : Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. Tháng 8/2016, tại Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”, đi tìm : Nguồn gốc Dinh trấn Thanh Chiêm và ông tổ chữ Quốc ngữ đó là thừa sai Francisco de Pina.

chu-quoc-ngu-1

Tại hai Hội thảo trên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những nhận thức khác nhau…

Tại Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, một số nhà nghiên cứu chứng minh: Việc linh mục Borri sử dụng một số chữ Quốc ngữ trong tác phẩm “Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina – Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” và các Lm. Giram, Roiz, Luis sử dụng chữ Quốc ngữ trong các bản báo cáo viết tay của mình, chứng tỏ rằng : ngay từ những năm 1618 – 1620 đã có một khởi đầu hình thành chữ Quốc ngữ tại Nước Mặn, Bình Định. Và Nhà in Làng Sông / Qui Nhơn (Bình Định) – thuộc Giáo phận Đông Đàng Trong, Nhà in Nhà Chung / Tân Định (Sài Gòn) – thuộc Giáo phận Tây Đàng Trong và Nhà in Kẻ Vĩnh / Ninh Phú (Hà Nội) – thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài là ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổng kết Hội thảo: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm : Nước Mặn, Hội An và Thanh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn. Nước Mặn cũng là trung tâm học tiếng Việt hình thành sớm ở Đàng Trong. Năm 1622, giáo sĩ Emmanuel Borges, Giovanni di Leira; rồi năm 1624, giáo sĩ Gaspar Luis, Girolamo Majorica đều đến Nước Mặn học tiếng Việt”. 

Còn ở Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”, những nhà nghiên cứu khác lại nhận định : Dinh trấn Thanh Chiêm là “Kinh đô” thứ hai ở Đàng Trong, nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ và xác định Francisco de Pina là cha đẻ chữ Quốc ngữ.

Tuy nhiên, sử liệu chép : Dinh trấn Quảng Nam mà các giáo sĩ gọi Dinh Quảng Nam là Ciam/Dinh Cham/Dinhciam/Digcham/Cacciam/Cachao/Cáchão/Cacham/Cachàm, không thấy sử liệu chép Dinh trấn Thanh Chiêm và các giáo sĩ không gọi Dinh Quảng Nam  Thanh Chiêm. “Chúng ta chưa tìm ra được một tài liệu nào do chính họ viết nói rõ Thanh Chiêm là nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam, hay là nơi ra đời chữ Quốc ngữ” (PGS.TS. Ngô Văn Minh). Với Pina, các tham luận chỉ dẫn chứng ông là người nói giỏi tiếng Việt. Trong khi, nói giỏi tiếng Việt và biên soạn ngữ pháp tiếng Việt là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Sau một ngày hội thảo, Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổng kết Hội thảo : “Hội thảo chưa có Tổng kết …”.

Từ hai cuộc Hội thảo trên, thử đánh giá vai trò của các thừa sai trong buổi đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ :

1. Những Cư sở đầu tiên :

Cư sở (Residentia) là một loại nhà của các thừa sai Dòng Tên được Hiến pháp Dòng Tên quy định : Khu nhà lớn, có nhiều tu sĩ ở và có nhiều loại hình hoạt động tông đồ.

– Cư sở Nước Mặn thành lập 7/1618, cư sở đầu tiên của Đàng Trong [1] .

– Cư sở Hội An : cuối 1619 [2], trước chỉ là 1 cộng đoàn thuộc quyền linh mục Buzomi (thư 1618). Linh mục Pedro Marques là Bề trên tiên khởi của cư sở. Năm 1619, linh mục Marques, sau khi rửa tội được 40 Nhật kiều đã dựng cho họ một nhà nguyện [3].

– Cư sở Cacham (Dinh Chiêm) được thành lập sau tháng 7/1625 [4]. Theo bức thư báo cáo thường niên năm 1624 do linh mục Manoel Fernandes viết tại Faifo (Hội An) ngày 02 tháng 7 năm 1625 gởi cho linh mục Nuno Mascarenhas, Bề trên của Dòng thì : “…Một nhà đã được lập tại Cachão, thủ phủ của chúa. Cho đến lúc này, chiếu theo luật của Dòng, nhà này không được tính vào số các nhà [Casa-Residentia] của Dòng, mặc dù một cha và người bạn dòng của ngài luôn ở đó. Hiện giờ, tại nhà này cha Francisco de Pina đang dạy ngôn ngữ cho cha Alexandre de Rhodes và cha Antonio de Fontes”  [5].

Theo báo cáo thường niên năm 1625 do linh mục Gaspar Luis viết tại Nước Mặn, đề ngày 01 tháng 01 năm 1626, tại Đàng Trong có ba cư sở : Hội An, Thanh Chiêm và Nước Mặn [6]. Như thế, theo luật Dòng, cư sở Thanh Chiêm được thành lập năm 1625, vào thời điểm sau ngày 02 tháng 7 năm 1625, tức sau ngày linh mục Manoel Fernandes viết thư báo cáo cho linh mục Nuno Mascarenhas, Bề trên của Dòng.

2. Các thừa sai đầu tiên sáng tạo chữ Quốc ngữ

Linh mục Bề Trên Francesco Buzomi (Ý) và hai cộng sự của giáo đoàn ông là Francisco de Pina (Bồ), Christoforo Borri (Ý) là ba thừa sai đầu tiên sáng tạo phôi thai chữ Quốc ngữ. Công lao của các giáo sĩ khác như Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau – giai đoạn hình thành chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.

* Linh mục Francesco Buzomi :

Đến Cửa Hàn năm 1615. Bị chúa Nguyễn trục xuất, năm 1617 Buzomi được quan trấn Qui Nhơn Trần Đức Hòa đưa vào Nước Mặn. Ông rời hẳn Đàng Trong năm 1639. Trong ba giáo sĩ đầu tiên đến Đàng Trong gồm Buzomi, Pina và Borri, Buzomi là người có thời gian ở Đàng Trong lâu nhất. Buzomi cũng là Bề Trên đầu tiên miền truyền giáo Đàng Trong từ năm 1618. Nước Mặn là Cư sở đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên tại Đại Việt. Daniello Bartoli (1608-1685) – Nhà sử học Dòng Tên chép : “Linh mục Buzomi đã cố gắng nghiên cứu học hỏi, biên soạn ngữ vựng và văn phạm tiếng Đàng Trong. Và vào năm 1623, cha Pina và cha Buzomi là những thừa sai đã nắm bắt được ngôn ngữ thông dụng của Đàng Trong”. Bức thư của Buzomi viết tại Nước Mặn năm 1626, có một số chữ Quốc ngữ viết theo lối cách ngữ và có một số dấu giọng [8].

Năm 1622, sau khi gọi linh mục Borri về Macao, Bề trên đưa ba linh mục khác là Em. Fernández, Em. Borges (Bồ), J. Leira (Ý) và thầy Romano Niti (Nhật) vào Đàng Trong. Fernández thay Marquez ở Hải Phố để Marquez đi giúp Pina ở Dinh Chiêm; hai linh mục Borges và Leira vào Nước Mặn học tiếng Việt và tập sự với linh mục Buzomi. Năm 1622, tại Nước Mặn, Buzomi dạy tiếng Việt cho hai Linh mục Emmanuel Borges và Giovani Leira [9]; năm 1624, linh mục Gaspar Luis cùng linh mục Girolamo Majorica cũng vào Nước Mặn học tiếng Việt từ linh mục Buzomi [10]. Như vậy, năm 1622 tại Nước Mặn có “Trường dạy tiếng Việt” đầu tiên của các giáo sĩ Dòng Tên ở Đàng Trong.

* Linh mục Francisco de Pina : 

Đến Hội An năm 1617, không may lúc này người ta đang truy đuổi các giáo sĩ “đạo ngoại”, chúa Nguyễn ban bố lệnh trục xuất các thừa sai, Pina được giáo dân Nhật kiều ở Hội An cưu mang, nuôi giấu. Sau đó, được quan trấn Qui Nhơn Trần Đức Hòa đưa vào Nước Mặn từ năm 1618 đến cuối năm 1619. Từ năm 1620 đến năm 1622, Pina đi đi về về giữa Hội An và Nước Mặn; năm 1623, Pina mua nhà ở Dinh Chiêm và năm 1625 lập Cư sở Dinh Chiêm. Ông mất năm 1625 ở Cửa Đại, táng tại Hội An [11].

Pina là giáo sĩ đầu tiên nói giỏi tiếng Việt, năm 1624 ông giảng đạo không cần thông ngôn. Ông từng soạn một tập nhỏ về chữ viết và các cung điệu về ngôn ngữ, đang bắt tay vào ngữ pháp, tuy nhiên vẫn phải nhờ người đọc để ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha (thư Pina viết năm 1623). Năm 1624, Pina là thầy dạy tiếng Việt đầu tiên cho Alexandre de Rohdes và Antonio de Fontes tại Dinh Chiêm [12].

* Linh mục Christoforo Borri           

Đến Cửa Hàn năm 1618, rồi vào ngay Nước Mặn cùng với Buzomi và Pina. Năm 1622, Borri rời Nước Mặn. Tác phẩm “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Borri xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631, tại Rôma. Dầu vậy, chữ Quốc ngữ Borri đã sử dụng trong “Tường trình” là chữ Latinh hóa được ông ghi chép từ những năm ở Đàng Trong, khi ông ở Nước Mặn cùng với hai linh mục Buzomi và Pina. Trong đó, có 94 từ Quốc ngữ (ngoài tên người tên đất, chữ Quốc ngữ của Borri còn có cấu trúc câu từ 3 đến 6 từ, có 2 câu phức tạp hơn và đã viết theo lối cách ngữ…).

Dù Borri không thông thạo tiếng Việt bằng Pina, nhưng ông cũng đủ hiểu biết tiếng Việt để giảng giáo lý Kitô cho giáo dân người Việt tại Nước Mặn mà không cần phiên dịch. Chính ông là người đã cho chúng ta hiểu biết nhiều nhất về cách ký hiệu phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh của các thừa sai Dòng Tên khi giao tiếp với người Việt trong buổi đầu hình thành chữ Quốc ngữ. Cách ký hiệu phiên âm Latinh hóa chữ viết tiếng Việt của Borri viết từ những năm 1618-1622, nhưng giống với chữ Quốc ngữ ngày nay hơn so với chữ Quốc ngữ của Pina viết trong thư năm 1623 (người giỏi tiếng Việt nhất lúc bấy giờ) và một số nhà truyền giáo khác trong giai đoạn 1615-1626.

* Gaspar d’ Amaral và Antonio Barbosa

Gaspar d’ Amaral với cuốn “Diccionario da Lingua Annamitica” và cuốn “Diccionario anamita-portugues-latim” và Antonio Barbosa với cuốn “Diccionario  portugues-anamita” (Tự điển Việt-Bồ và Tự điển Bồ-Việt)Những cuốn sách này đã bị thất lạc, chúng ta chỉ biết qua tài liệu ghi chép.

* Linh mục Alexandre de Rhodes 

Alexandre de Rhodes đến Việt Nam muộn (cuối năm 1624), nhưng là giáo sĩ duy nhất ra vào nhiều thời gian ở cả hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài (Đàng Trong 7 năm, Đàng Ngoài 4 năm). Ba tác phẩm chữ Quốc ngữ của ông, in năm 1651 là “Phép giảng tám ngày”, “Văn phạm Việt ngữ” và “Từ điển Việt-Bồ-La”. Trong gần hai thế kỷ, mãi cho đến lúc xuất hiện hai cuốn từ điển “Việt-La” và “La-Việt” của Taberd năm 1838, ba tác phẩm ấy vẫn là những công trình duy nhất áp dụng hệ thống chữ viết Quốc ngữ được in.

3. Francisco de Pina là cha đẻ chữ Quốc ngữ ?

Roland Jacques trong “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam”chép : “Theo chính lời xác nhận của linh mục Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự Latinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt Nam”. Nhưng bản chuyển bức thư của Pina ra Việt ngữ từ tiếng Pháp có đối chiếu bản tiếng Anh của dịch giả Trần Duy Nhiên lại khác : “Về phần con, con đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các cung điệu về ngôn ngữ này; con hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Mặc dù con cũng đã tập hợp những câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn của các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ ngữ và các mẹo luật ngữ pháp, nhưng cho đến giờ này con vẫn phải nhờ một người đọc để con ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha”.

Trong bài tựa Tự điển Việt-Bồ-La, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã nhắc tới ba nhân vật có công trong việc biên soạn các tác phẩm của mình, nhân vật đầu tiên Rhodes nhắc tới là người thầy Pina, sau đó mới đến hai giáo sĩ Amaral và Barbosa là tác giả Tự điển Việt-Bồ và Tự điển Bồ-Việt.

Có một nhận xét cũng đáng lưu tâm :

“Pina là người đầu tiên am tường tiếng Việt. Ngài thông thạo đến nỗi ngài giảng dạy cho dân chúng trong ngôn ngữ của họ. Giáo sĩ Đắc Lộ đã được hân hạnh làm học trò của ngài, và không ngớt ca tụng, thán phục ông thầy dạy tiếng Việt cho mình. Tiếc thay, ngày nay chúng ta không được biết gì về những bút ký của nhà truyền giáo De Pina, nếu thực ra ngài có viết. Hẳn để sử dụng riêng cho ngài, ngài đã có một phương pháp viết Quốc ngữ nào đó ? Ngài có truyền cho người học trò trẻ tuổi một văn kiện nào của ngài không ? Có lẽ không, theo chính lời giáo sĩ Đắc Lộ trong bài tựa kể trên. Song hai vị khác đã được xướng danh rõ ràng, đó là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Theo Đắc Lộ thì vị thứ nhất đã soạn một tự điển Việt-Bồ và vị thứ hai một tự điển Bồ-Việt” (Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm: Giáo sĩ Đắc Lộ và Tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên, Nxb Tinh Việt Văn đoàn, Sài Gòn, 1961, tr. XLIV-XLV).

Như vậy, từ ghi chép của Pina trong bức thư năm 1623 và “lời tri ân” của A.Rhodes đối với những người giúp đỡ ông hoàn thành Tự điển Việt-Bồ-La cho chúng ta biết rằng : Pina nói thành thạo tiếng Việt. Do vậy, giống như Buzomi và Bori, Pina cũng chỉ mới tự soạn một phương pháp viết Quốc ngữ để sử dụng riêng cho mình, Pina chưa làm được công việc mà sau đó các giáo sĩ Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes thực hiện, là biên soạn Tự điển.

Với những chứng cứ khoa học hiện biết được : “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Borri; Bức thư năm 1623 của Pina; Bức thư năm 1626 của Buzomi…, chúng ta có thể xác định, ba nhà truyền giáo có công đầu tiên trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là linh mục Bề trên Buzomi và hai linh mục trong giáo đoàn của ông là Pina và Borri, chứ không thể xác định ai là người đầu tiên duy nhất.

Nguyễn Thanh Quang
(Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định)

Từ cgvdt.vn