ROMA. “Thật là một ngày lịch sử. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại một cuộc bàn cãi kéo dài hàng nghìn năm”. Triết gia Massimo Cacciari đã nhất trí với Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Viên, Áo quốc, trong việc quy gán cho Đấng sáng lập Dòng Tên, thánh Ignatius Loyola, “chiến thắng tại Thượng Hội Đồng Giám mục”. Massimo Cacciari là một triết gia kiêm chính khách người Ý. Ông đã từng là thị trưởng thành phố Venice, Italia. Hiện nay, ông đang giảng dạy môn Suy tư triết học và siêu hình học tại Đại Học Vita-Salute San Raffaele tại Ý quốc. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn triết gia Massimo Cacciari được thực hiện bởi phóng viên Giacomo Galeazzi về kết quả sau cùng của Thượng Hội Đồng Giám mục vừa qua. Bài phỏng vấn được đăng trên vaticaninsider.
Hỏi (phóng viên): Việc chấp nhận cho lãnh nhận các bí tích đối với những người ly dị tái hôn đã được uỷ thác cho “sự nhận định” của các vị giải tội, tuỳ theo từng trường hợp. Liệu có phải là một sự thoả hiệp không theo ông?
Thưa (Massimo Cacciari): “Vâng, nhưng theo ý nghĩa sâu xa hơn của thuật ngữ này: thuật ngữ “nhận định” của Dòng Chúa Giêsu [Dòng Tên – người dịch]. Thượng Hội Đồng đã bước theo Đức Thánh Cha trong vết chân của Thánh Ignatius. Đó không phải là một sự bắt buộc phải đồng ý để giả bộ phớt lờ những khác biệt. Đây là một sự nhận thức, vốn đã luôn được thực hiện bởi các Giêsu hữu, trong sự phức tạp về hoàn cảnh dân sự cũng như đạo đức trong bối cảnh thế trần, cùng với sự khẩn thiết của nhu cầu cần đồng hành với bối cảnh của xã hội đó với những giá trị của nó. Điều đó không có nghĩa là chịu thua những nguyên lý và những cách hành xử của thế gian, trái lại là nhận ra thực tại và dấn mình vào trong đó để thay đổi nó.
H: Liệu đây có phải là một chiến thuật “chính trị” không thưa ông?
T: Vâng. Giáo Hội của Đức Phanxicô không trộn lẫn cùng với đạo đức của thế gian nhưng được đặt để bên trong để có thể gây ảnh hưởng lên nó. Đường hướng của Đức Bergoglio thì rõ ràng cũng chính là điều được thực hành liên lỉ và bất cứ nơi đâu bởi các Giêsu hữu. Ở Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Trong những thế kỷ mà chiến thuật này đã bị phản đối về mặt chính trị không chỉ bởi những người chống đối nhưng còn từ phía những người thuộc phái cấp tiến như Jansen và Pascal, đối với họ, Tin Mừng phải là một lưỡi gươm của thế gian và cuộc đối thoại Kitô hữu phải luôn luôn rõ ràng: hoặc là có hoặc là không. Trong Thượng Hội Đồng, một cuộc bàn cãi lịch sử lại được đưa ra trong Giáo hội như là điều sẽ phải đối diện. Đức Phanxicô một cách nhất quán là một Giêsu hữu, trong ý nghĩa cao quý nhất của từ này.
H: Tại sao có quá nhiều chống đối với Đức Phanxicô, thưa ông?
T: Đường hướng của ngài là điều đã phải chịu rất nhiều chống đối gay gắt trong lịch sử giáo hội. Đó là một cuộc tranh cãi nền tảng mà người ta chẳng thể nào giải quyết. Đó không phải là một giàn xếp mang tính trung gian. Cùng với bước ngoặt này, Thượng Hội Đồng đã thấu hiểu hoàn cảnh đạo đức của thế giới đương đại mà Giáo Hội được đặt để vào, và Giáo Hội không chống lại nó như là kẻ thù từ bên ngoài. Điều này đã luôn luôn là một phương pháp của Giêsu hữu, trong mọi quốc gia và mọi thời kỳ. Trong Giáo triều có những lập trường thù nghịch đối với Đức Phanxicô như những lập trường được phát biểu bởi Giuliano Ferrara. Những người chống đối, vì không đồng tình với cách thức hành động để biến đổi đạo đức và hành vi hiện nay của ĐTC, nên họ cáo buộc ĐTC là chịu thua, là đầu hàng trước thế giới hiện đại.
H: Ông có đồng tình với những chỉ trích này về ĐTC không, thưa ông?
T: Không. Lịch sử Giáo Hội chắc chắn là phức tạp hơn cuộc bút chiến về sự cải cách của Thượng viện và các phe phái trong Quốc Hội Ý cũng như một nhóm thiểu số của các thành viên thuộc đảng Dân Chủ. Mẫu gương của Đức Phanxicô và đi cùng với ngài trong thượng Hội đồng là một sự đồng cảm của thánh Ignatius đối với thời đại của chúng ta. Điều này không phải là chiến thuật chính trị như những kẻ thù trong nội bộ của Đức Bergoglio suy nghĩ, nhưng nó xuất phát từ một nhà thần bí vĩ đại đầy nhân đạo. Đó là thánh Ignatius, người vốn chịu ảnh hưởng bởi Erasmus Rotterdam và thánh nhân tôn kính thánh Phanxicô [Assisi]. Đức Bergoglio đã không chọn tên của thánh Phanxicô Assisi để nịnh bợ thứ chủ nghĩa sinh thái hiện đại. Trước khi công kích ĐTC thì người ta cần phải hiểu biết một chút về lịch sử.
H: Đâu là phương pháp mà Giêsu hữu Bergoglio [ĐTC Phanxicô – người dịch] đã tiến hành thưa ông?
T: Tháo cởi dần dần tất cả những nút thắt, một cách chậm rãi, trong một viễn tượng của nghìn năm. Việc cải tổ Giáo Hội sẽ chỉ kết thúc khi tận thế, nơi tận cùng của lịch sử. Đức Phanxicô đã làm cho Giáo Hội dịch chuyển theo viễn tượng này. Sự kiên nhẫn là nhân đức cần có của các mục tử trong Giáo Hội, cùng với một sự vâng phục không ù lỳ thụ động và nô lệ, tuy nhiên cần nhận thức được rằng Giáo Hội có tất cả thời gian để huấn luyện các tín hữu trong việc lắng nghe. Người ta chỉ có thể phán xét Đức Thánh Cha từ viễn tượng này mà thôi. Cuộc tranh cãi nảy sinh từ Thượng Hội Đồng là chân thật, thực tế và thâm sâu. Và cuộc tranh cãi ấy sẽ không chỉ dừng lại tại đây và người ta cũng không thể dự đoán nó sẽ đi đến kết thúc như thế nào.
H: Điều gì có thể đe doạ Đức Thánh Cha, theo ông?
T: Khả năng có thể lầm lẫn về những mục đích là một nguy hiểm luôn luôn hiện diện trong lịch sử của Giáo hội. Đức Bergoglio phải đương đầu với hai hình thức chống đối những hành động của ngài. Đầu tiên là lập trường chống đối từ một nhóm thiểu số tập trung vào những điều chẳng có gì quan trọng. Đó là người chống đối Đức Giáo Hoàng vì tinh thần bảo thủ của họ và họ tự giam mình trong những giao thông hào tự huỷ hoại. Kế đến, là lập trường chống đối khôn ngoan hơn mà tôi phát hiện ra từ những cuộc đối thoại thẳng thắn với một vài giám mục. Các giám mục nói với tôi rằng việc cho người ly dị đã tái hôn rước lễ thì họ đã làm rồi và đó là một thực hành đã phổ biến. Tuy nhiên các giám mục lo sợ rằng việc phê chuẩn bằng giấy trắng mực đen cho lãnh nhận các bí tích đối với những người ly dị tái hôn có thể làm giảm bớt tính chất thánh thiêng của hôn nhân. Theo quan điểm của các giám mục, đây là một bước nhảy có thể làm suy yếu nguyên tắc trên nếu điều đấy không được đặt trong một khung cảnh thần học.
H: Ông có đồng ý với những chống đối này không, thưa ông?
T: Không, nhưng tôi hiểu ý nghĩa của nó. Từ chối cho những người ly dị tái hôn được rước lễ chẳng có nền tảng tín lý nào cả. Nó chỉ được dựa trên truyền thống. Ai không đồng ý với sự cởi mở của Đức Phanxicô thì đang tỏ ra sợ hãi và cẩn trọng thái quá. Nhưng nuôi dưỡng nỗi sợ cũng là một sai lầm. Đằng khác tôi hoài nghi về sự ủng hộ của giáo dân đối với ĐTC vì rất nhiều người chỉ muốn ủng hộ ĐTC vì chủ nghĩa môi trường và vì những trận chiến khác của họ nhưng họ chẳng quan tâm gì đến chiều sâu trong sứ điệp đức tin của ĐTC cả. Những người vô thần cánh tả này có nguy cơ có thể gây ra cho ĐTC Phanxicô những tổn hại mà những nhà bảo thủ nhân danh Thiên Chúa đã từng gây ra cho Đức Giáo Hoàng Ratzinger.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai
nguồn: http://vaticaninsider.lastampa.it/inchieste-ed-interviste/dettaglio-articolo/articolo/sinodo-famiglia-44217/