Ngày 20 tháng 9 văn phòng quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc bên New York đã triệu tập một cuộc họp hàng lãnh đạo các tôn giáo về đề tài: “Xác nhận trách nhiệm che chở: vai trò của giới lãnh đạo tôn giáo trong việc phòng ngừa các tội phạm tàn ác”.
Cuộc họp này đã được Văn phòng quan sát viên thường trực của Toà Thánh tổ chức cùng với Văn phòng đặc trách về Phòng ngừa diệt chủng của Liên Hiệp Quốc. Phát biểu trong dịp này có ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, và các vị lãnh đạo Hồi giáo, Do thái và các tôn giáo thiểu số, cũng như các giới chức liên hệ của Liên Hiệp Quốc liên quan tới trách nhiệm che chở người dân.
Sau lời chào mừng của ĐTGM Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức của Liên Hiệp Quốc tại New York; tới phiên ông Simon Adams, Giám đốc điều hành Trung tâm toàn cầu của trách nhiệm che chở. Ông Adam Dieng, cố vấn đặc biệt của văn phòng Liên Hiệp Quốc đặc trách việc phòng ngừa diệt chủng, trình bầy chiến thuật khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo là các tác nhân tích cực trong việc phòng ngừa các tội phạm tàn ác, đặt biệt ngăn chặn việc xúi dục bạo lực. Ông Bani Dugal, Giám đốc tổ chức Bahai quốc tế, Imam Yahya Pallavicini, của cộng đoàn hồi giáo Ialia, rabbi Arthurr Schneier, rabbi trường hội đường Park East New York cũng đã lần lượt lên tiếng.
Trách nhiệm che chở là một điều lệ quốc tế tìm bảo đảm cho luật lệ quốc tế không thất bại trong việc ngăn chặn các tội phạm tàn ác như: diệt chủng, tội phạm chiến tranh, thanh lọc chủng tộc và các tội chống lại nhân loại. Luật này đã được các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đồng thanh chấp nhận trong hội nghị hồi năm 2005 có sự tham dự của các quốc trưởng và chính quyền toàn thế giới.
Mục đích của cuộc họp nói trên là cống hiến cơ hội cho một cuộc thảo luận về hoạt động không thể thiếu, mà các vị lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức quố tế có thể làm để phòng ngừa các tội phạm tàn ác, cũng như xây dựng các xã hội hoà bình.
** Để cho cuộc họp đem lại nhiều kết quả, đã có một bảng câu hỏi được phân phát để mọi người cùng suy tư.
Các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân có thể cộng tác với các chính quyền và các cơ cấu khác như thế nào để trợ giúp họ trong trách nhiệm che chở và thăng tiến đối thoại và tôn trọng lẫn nhau và chấp nhận sự khác biệt? Các vị lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức tôn giáo cần những gì nơi các chính quyền và các tổ chức khác để chu toàn sứ mệnh là những người làm hoà bình? Các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân có thể góp phần vào việc phòng ngừa và chống lại việc xúi dục hận thù, đối nghịch và bạo lực như thế nào? Các vị lãnh đạo tôn giáo có thể được khích lệ lên tiếng thế nào, không chỉ khi cộng đoàn của mình bị nhắm tới, nhưng cả khi các cộng đoàn tôn giáo khác bị tấn công nữa? Các cộng đoàn tôn giáo có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để có thể làm vang lên diễn văn tích cực của mình và tích cực thăng tiến sự khoan nhượng như thế nào? Trong các thời điểm khủng hoảng các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân có thể làm gì để che chở các nhóm thiểu sổ trong cộng đoàn của các vị? Sau các tình hình bạo lực tàn ác, các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân có thể góp phần vào việc thăng tiến sự thật và sự hoà giải cần thiết cho việc chữa lành các xã hội bị chia rẽ như thế nào?
Thật ra, trong lịch sử Giáo Hội công giáo các vị Giáo Hoàng và hàng Giám Mục toàn thế giới đã thường xuyên lên tiếng kêu gọi đối thoại, hoà bình và hoà giải. Mới nhất trong thế kỷ XX như ĐGH Biển Đức XV hồi đệ nhất thế chiến, ĐGH Pio XII trong thời đệ nhị thế chiến, ĐGH Gioan XXIII và ĐGH Phaolô VI trong thời chiến tranh lạnh giữa hai khối NATO và VARSAVA, nhất là ĐGH Gioan Phaolô II trong các thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, ĐGH Biển Đức XVI và Đức Phanxicô trong các năm qua. Các ngài đã không ngừng lên tiếng lên án chiến tranh bạo lực tàn phá và thiết tha kêu gọi đối thoại, hoà bình và hoà giải.
** Những gì ĐGH Phaolô VI nói trước hàng lãnh đạo toàn thế giới, khi đến viếng thăm và phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ngày mùng 4 tháng 10 năm 1965 tức cách đây 61 năm, vẫn còn rất thời sự. Ngài ca ngợi Liên Hiệp Quốc như là một tổ chức có sứ mệnh cao quý là làm cho mọi dân tộc trở thành anh em với nhau, tuy khác biệt nhưng bình đẳng với nhau. Nhưng không thể là anh em, nếu không khiêm nhường. Chính kiêu căng, ngạo mạn khơi đậy các căng thẳng và chiến đấu cho uy tín, cho sự thống trị, cho khuynh hướng thực dân, cho ích kỷ và bẻ gẫy tình huynh đệ… Tổng thống John Kennedy đã nói một câu đáng ghi nhớ: “Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh, hay chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại”. Chỉ cần nhớ tới máu của biết bao triệu người đã đổ ra, biết bao nhiêu khổ đau, các tàn sát vô ích và đổ vỡ kinh hoàng làm nảy sinh ra giao kèo hiệp nhất quý vị, với lời thề là lịch sử tưong lai của thế giới phải thay đổi: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao giờ chiến tranh nữa! Hoà bình, hoà bình phải hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc và của toàn nhân loại… Quý vị dư biết rằng hoà bình không chỉ được xây dựng với chính trị và sự cân bằng các lực lượng và các lợi nhuận, nhưng còn được xây dựng với tinh thần, các tư tưởng, và các công việc hoà bình nữa…. Nếu quý vị muốn là anh em, thì hãy buông khí giới. Không thể yêu thương với vũ khí trong tay…Hãy sử dụng các số tiền khổng lồ để mua và sản xuất khí giới cho các chương trình phát triển kinh tế và thăng tiến an sinh cho các dân tộc….”
Tuy nhiên, vì các lý do lợi lộc chính trị, địa lý chiến lược và kinh tế, nhất là các lợi nhuận của kỹ nghệ sản xuất chế tạo và buôn bán đủ mọi thứ vũ khí tối tân, đã có rất ít chính quyền lắng nghe các lời thỉnh cầu và cảnh cáo của các vị lãnh đạo tôn giáo. Các lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II đã không đưọc lắng nghe trong chiến tranh Yougoslavie, chiến tranh vùng Balcan, chiến tranh tại Iraq, vùng Trung Đông. Các lời Đức Biển Đức XVI kêu gọi đã không được lắng nghe trong chiến tranh vùng bắc Phi và Trung Đông nảy sinh sau mùa xuân A rập. Và trong mấy năm qua ĐTC Phanxicô đã mạnh mẽ tố cáo “Đệ Tam Thế Chiến từng mảnh” và kêu gọi hoà bình cũng không được các cường quốc và các lực lượng lâm chiến lắng nghe.
** Khi duyệt xét lịch sử thế giới chúng ta nhận ra đã có biết bao cuộc diệt chủng được biết đến cùng như không hề được biết đến và ghi trong sử sách.
Chẳng hạn ít người biết rằng vào năm 52 trước công nguyên hoàng đế Cesare đã sát hại 1 triệu người Gaulois là tổ tiên của dân Pháp ngày nay. Chính ông đã ghi lại trong cuốn De Bello Gallico Chiến tranh Gaulois rằng đó đã là một cuộc diệt chủng thực sự đưa tới cái chết của hầu như 1 triệu người Gaulois. Vercingetorix vua dân Gaulois đã đầu hàng, bị bắt giải vể Roma tống ngục, và 6 năm sau bị xử tử thắt cổ trong nhà tù Mamertino. Hoàng đế Cesare cũng đã là người đầu tiên dùng từ “diệt chủng”, sẽ được tái khám phá ra trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, khi Hitler và Đức Quốc Xã đầy ải và sát hạị 6 triệu người Do thái trong các trại tập trung giữa các năm 1933-1945. Bên cạnh đó là hàng trăm ngàn người gồm các chính trị gia đối lập, các người đồng tính, các người du mục, và tất cả những ai bị coi là kẻ thù của Đức Quốc Xã.
Nhưng trước đó nữa vào năm 1900 cuộc nổi dậy của các “Võ sĩ” bên Tầu đã khiến cho hơn 30.000 kitô hữu bị giết chết. Và dưới thời Mao Trạch Đông đảng cộng sản Trung Quốc đã sát hại ít nhất 48 triệu người trong chiến dịch bước nhảy vọt, các vụ thanh trừng, cuộc cách mạng văn hóa và các trại lao động giữa các năm 1949-1975.
Giữa các năm 1915-1923 đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã tàn sát và đầy ải 1,5 triệu người Armeni, trong đó có nhiều kitô hữu. Bên Nga cũng đã xảy ra cuộc diệt chủng dưới chế độ cai trị của Staline trong các năm 1924-1953 khiến cho ít nhất 20 triệu người bị sát hại. Nhà nước cộng sản Ngà xử bắn những người chống cách mạng và các tù nhân, hay đầy ải những thành phần chống đối vào các trại lao động trong các quần đảo Gulag để cho họ chết vì đói lạnh và khổ dịch. Trong số các nạn nhân có nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ công giáo cũng như chính thống. Staline cũng để cho hàng triệu người dân Ucraina bị chết đói, khi nhà nước cộng sản Matxcơva tịch thu ngũ cốc cho các vùng khác của Nga.
Với biến cố Indonesia xâm lăng miền Đông Timor ngày mùng 7 tháng 12 năm 1975 và ba năm tiếp theo đã có 250.000 ngàn người trên tổng số 680.000 dân Đông Timor bị giết.
Bên Campuchia giữa các năm 1975-1979 các lực lượng Khmer đỏ do Polpot chỉ huy đã tàn sát 3 triệu người trên tống số 20 triệu dân. Chỉ cần đeo kính trắng là bị coi là thành phần trí thức nguy hiểm cho cách mạng và bị giết bằng một phát súng hay bị đập vỡ sọ.
** Bên Sudan cuộc nội chiến giữa miền bắc và miền nam đã khiến cho gần 2 triệu người bị thiệt mạng, trong đó có đông kitô hữu và tín hữu theo đạo thờ vật linh, thê thảm nhất là trong vùng Darfur.
Năm 1994 cuộc diệt chủng bùng nổ bên Rwanda và Burundi giữa hai chủng tộc Tutsi và Hutu đã khiến cho 1,8 triệu người bị sát hại bằng súng, bằng giáo mác, dao rừng, gậy gộc và búa.
Bên Châu Mỹ cuộc diệt chủng có hệ thống chống lại các thổ dân da đỏ đã ít được biết đến. Chỉ trong vài thế kỷ đã có hàng chục triệu người bị tàn sát và đã được các sách vở tài liệu phim ảnh tung hô cả cho đến nay nữa.
Bên Úc châu các thổ dân bị người da trắng tàn sát khiến cho hiện nay chỉ còn lại rất ít bị nhốt trong các vùng dành riêng cho họ, họ đã quên nguồn cội tiếng nói và văn hóa của mình.
Bên Mỹ châu trong thế kỷ XX cũng còn có cuộc diệt chủng do các chính quyền độc tài gây ra, từ cuộc cách mạng Mexicô cho tới hàng chục ngàn người bị mất tích tại các quốc gia nam Mỹ, khiến cho hơn 1 triệu người bị sát hại, nhiều người bị mất xác vì bị ném xuống biền làm mồi cho cá mập.
Từ vài năm qua đang diễn ra trước mắt toàn thế giới cuộc diệt chủng của các dân tộc Iraq và Siria trong vùng Trung Đông. Trong năm 1998 Liên Hiệp Quốc ước đoán có 1 triệu người Iraq bị chết trong đó có 560 ngàn trẻ em. Từ năm năm qua cuộc nội chiến tại Siria đã khiến cho 350.000 người thiệt mạng và 6 triệu người đi cư tỵ nạn.
Chúng ta không có các con số chính xác liên quan tới các cuộc diệt chủng và thanh lọc chủng tộc xảy ra tại cựu Yougoslavie, Liberia, Sierra Leone, Angola, Congo, Libăng, Bắc Hàn, Sri Lanka, Haiti, Tibet … Chiến tranh tại cộng hoà dân chủ Congo đã khiến cho 3 triệu ngưòi thiệt mạng và hiện nay các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn hàng ngày trong vùng bắc Kivu là nơi có nhiều quặng mỏ.
Và trong lịch sử thế giới ngoài cuộc diệt chủng khiến cho 50 triệu người chết do Đức Quốc Xã gây ra hồi Đệ Nhị Thế Chiến, và 100 triệu người chết nạn nhân của chế độ cộng sản Liên Xô, còn có một trang sử đen tối khác ít đưọc nhắc đến đó là cuộc diệt chủng dên của hàng chục triệu người da đen Phi châu bị bắt làm nô lệ bán sang châu Mỹ trong mấy thế kỷ liên tiếp. Xem ra lịch sử đã không dậy chúng ta được bài học nào vì các cuộc diệt chủng vẫn tiếp diễn ngay trong năm 2016 này.
(SD 13-9-2016)
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 23.09.2016)