Kỷ niệm ngày sinh của Mẹ Teerêsa Calcutta
Ngày 26.8, tại Nhà Mẹ của dòng Thừa Sai Bác Ái ở Kolkata (Calcutta), Ấn Độ, đã diễn ra lễ kỷ niệm 107 năm ngày sinh của Mẹ Thánh Têrêsa Thành Calcutta, theo Hindustan Times. Những ngọn nến được thắp sáng tại ngôi mộ của Mẹ ở Nhà Mẹ – nơi vị nữ tu nhân hậu đã sáng lập dòng vào năm 1950. Ngôi mộ được phủ đầy hoa, được Tổng Bề trên Prema cùng nhiều tu sĩ, tín hữu hát thánh ca, đọc Kinh Thánh và tưởng nhớ về cuộc đời của Mẹ. Nhà báo Sunita Kumar, người rất gần gũi với Mẹ Têrêsa, cũng có mặt tham dự buổi lễ và cho biết: “Chúng tôi luôn cảm thấy sự hiện diện của Mẹ. Mẹ luôn ở cùng chúng tôi, trong tất cả việc mà chúng tôi làm cho mọi người”. Các em thiếu nhi và nhiều người sống ở những ngôi nhà mà dòng đang quản lý cũng có mặt tại Nhà Mẹ để dự lễ.
Mẹ Têrêsa sinh ngày 26.8.1910 tại Skopje, Macedonia, và được Chúa gọi về ngày 5.9.1997, nhận Giải Nobel Hòa bình năm 1979 và Giải Bharat Ratna của Ấn Độ vào năm 1980. Năm 2003, Mẹ được tuyên chân phước. Ngày 4.9.2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican. (Thiện Tâm)
Phong trào Canh tân trong Thánh Linh ở Áo
Từ ngày 23-26.8, các tín hữu Công giáo thuộc Phong trào Canh tân trong Thánh Linh ở Áo, mừng kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào này qua chủ đề “Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta”, với nhiều hoạt động: thuyết trình, các buổi lễ phụng vụ, thánh ca, âm nhạc. Đức Hồng y Christoph Schonborn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Vienne, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo đã gởi thông điệp chào mừng, trong đó ngài nói Phong trào Canh tân trong Thánh Linh đã mang lại nhiều thành quả, giúp nhiều người được ơn trở lại, và nhiều cộng đoàn mới đã được khai sinh trong Giáo hội.
Phong trào Canh tân trong Thánh Linh khởi đầu năm 1967 với một nhóm sinh viên Công giáo thuộc đại học Duquesne ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ. Hiện nay, phong trào có khoảng 120 triệu thành viên trên khắp thế giới. Trung tâm của Phong trào này không còn là Mỹ hay Tây Âu, nhưng là châu Mỹ Latinh, Philippines và châu Phi.
Đại hội các giám mục hưu trí tại Brazil
Đại hội toàn quốc Brazil kỳ IV các giám mục về hưu sẽ tiến hành tại Rio de Janeiro từ ngày 11-14.9 với chủ đề: “Giám mục về hưu trong một Giáo hội hướng ra ngoài”. Đại hội do Ủy ban về thừa tác viên thánh chức và đời sống thánh hiến thuộc Hội đồng Giám mục nước này tổ chức, quy tụ 170 giám mục nghỉ hưu để trao đổi kinh nghiệm, phân tích về vai trò của các vị trong sứ mạng truyền giáo. Không ít giám mục tuy về hưu, nhưng vẫn còn nhiều hoạt động mục vụ.
Đức Phanxicô sẽ thăm Myanmar và Bangladesh
Một phái đoàn Tòa Thánh đã tới Myanmar để chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đây vào cuối tháng 11.2017. Hãng tin Ucanews dẫn thông cáo từ Vatican và chính quyền địa phương cho biết, ĐTC sẽ đến Myanmar vào ngày 27.11 và từ ngày 30.11 bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tại Bangladesh. Phái đoàn Tòa Thánh đã gặp Đức Hồng y Charles Bo, Tổng Giám mục TGP Yangon, cùng với một số giám mục Myanmar để bàn chi tiết chuyến tông du của Đức Phanxicô. Theo Ucanews, ĐTC sẽ cử hành hai thánh lễ: tại thủ đô Naypyidaw – nơi ngài sẽ gặp Tổng thống Myanmar Htin Kyaw – và thánh lễ ngoài trời tại thành phố Yangon.
Sau Myanmar, phái đoàn Tòa Thánh sang Dhaka, thủ đô Bangladesh, cũng với mục đích chuẩn bị cuộc viếng thăm. Dự kiến tại Dhaka, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu và sẽ truyền chức cho 16 linh mục, ngoài ra, sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo chính trị và đại diện các tôn giáo.
Người Công giáo tại Myanmar và Bangladesh đều là thiểu số rất nhỏ. Tại Myanmar, chỉ có khoảng 700.000 tín hữu Công giáo trên tổng số 54 triệu dân. Trong khi tại Bangladesh chỉ có hơn 350.000 người Công giáo trên tổng số 165 triệu dân.
Hội nghị kỳ VIII các nghị sĩ Công giáo quốc tế
Hội nghị diễn ra từ ngày 24-27.8 tại Rome, Ý. Tham dự hội nghị có 220 nghị sĩ đến từ 30 quốc gia cùng nhiều vị hồng y, giám mục. Đức Hồng y Christoph Schonborn, Tổng Giám mục TGP Vienna, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo, đã thuyết trình về đề tài “Hình ảnh Kitô hữu trước những đòi hỏi chính trị hiện nay”. Trong số các đề tài được bàn đến tại Hội nghị có vấn đề di dân và tị nạn, nhân quyền và tình hình Kitô hữu ở Trung Đông…
Trưa Chúa nhật 27.8, các đại biểu tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Phanxicô tại quảng trường Thánh Phêrô và gặp gỡ ngài vào chiều cùng ngày. Trong dịp này, Đức Thánh Cha nhận định luật lệ phải giúp kiến tạo những nhịp cầu đối thoại giữa các quan điểm chính trị khác nhau. Các nhà lập pháp cần đặc biệt quan tâm đến những người khốn cùng và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Bức tường ngăn cách là vết thương trong lịch sử
Đức Tổng Giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông tòa Tòa Thượng phụ Công giáo Latinh ở Giêrusalem tiếp tục lên án các bức tường ngăn cách do Israel xây cất. Ngài gọi đây là một sự ô nhục và là vết thương trong lịch sử, trong địa lý, trong đời sống con người, là một biểu tượng rất đau lòng về tình trạng không thể kết nối với nhau giữa người Israel và Palestine.
Đức Tổng Giám mục Pizzaballa, dòng Phanxicô, bày tỏ lập trường trên trong cuộc họp báo sáng ngày 23.8 tại hội nghị các dân tộc lần thứ 39, do Phong trào Hiệp thông và Giải phóng tổ chức tại thành phố Rimili, trung Ý, từ ngày 20-26.8.
Có thể công nhận trong năm nay 7 lần đầu Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du
Ngày 19.8, trả lời hãng tin Công giáo KAI của Ba Lan, Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser, đặc phái viên của Đức Thánh Cha tại Đền thánh Đức Mẹ Mễ Du (Medjugorje, Bosnia & Herzegovina), cho biết 7 lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ tại đây với 6 thiếu niên Công giáo Croatia có thể được Tòa Thánh nhìn nhận từ giờ đến cuối năm: “Thật khó đi tới một quyết đinh khác, vì không thể nào 6 thiếu niên ấy nói dối trong 36 năm trời”. Đức TGM cũng cho biết toàn bộ hồ sơ đã được Bộ Giáo lý Đức tin chuyển cho Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Tuy nhiên theo ngài, chỉ công nhận đối với 7 lần hiện ra đầu tiên, như đề nghị của Ủy ban Điều tra của Tòa Thánh do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thành lập năm 2010.
Đức Tổng Giám mục Hoser nhìn nhận rằng tại Mễ Du, tất cả được tiến hành trong hướng đi đúng về mục vụ, và đây là một trong những nơi cầu nguyện sinh động và hoán cải nhiều nhất tại châu Âu. Hiện nay mỗi năm có khoảng 2,5 triệu tín hữu từ các nơi trên thế giới đến Mễ Du hành hương. Tuy rằng các cuộc hành hương chính thức do Đức Giám mục giáo phận hướng dẫn vẫn chưa được phép, nhưng thực tế vẫn có nhiều giám mục và hàng trăm linh mục đồng hành với các tín hữu đến đây.
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc