Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo tại Úc, Tiến Sĩ Ibrahim Abu Mohamed, cho hay ông và Hội Đồng Iman Toàn Nước Úc lên án “hành động tội ác này một cách cương quyết và nhắc lại rằng những hành động như thế hoàn toàn bị bác bỏ trong Hồi Giáo.
Tôn giáo và vụ khủng bố tại Martin Place, Sydney
Dù Thủ Tướng Tony Abbot tránh dùng chữ khủng bố, nhưng ai ai ở Sydney cũng đều gọi biến cố ngày thứ Hai vừa qua là cuộc tấn công của khủng bố, lần đầu tiên xẩy ra đối với thành phố thân yêu của họ. Hai con tin hy sinh trong biến cố này, vì thế, chắc chắn sẽ được họ dựng bia kỷ niệm với lòng biết ơn và xúc động sâu xa.
|
Sự xuất hiện của lá cờ đen với hàng chữ Ả Rập mà đa số người dân Sydney đọc không hiểu nhưng họ hiểu nó có ý nghĩa gì khiến những người Úc cực hữu nổi giận. Thực vậy, theo Anne Davies và Tim Elliott của tờ The Sydney Morning Herald, nhóm cực hữu “Liên Minh Bảo Vệ Úc” đã sử dụng Facebook đưa ra lời đe dọa sau đây, ngay khi cuộc tấn công khủng bố đang diễn ra “Chỉ cần một người bị xâm hại, chúng ta sẽ tiến về Lakemba”. Lakemba là nơi sinh sống của nhiều người Hồi Giáo; tại đây có ngôi đền thờ nổi tiếng của tôn giáo này.
Chính vì thế, một số nhóm Hồi Giáo đã nhanh chóng thành lập một liên minh và ra lời tuyên bố, bày tỏ sự “ngỡ ngàng và khiếp đảm” đối với cuộc tấn công khủng bố tại Martin Place, được coi như trung tâm sinh hoạt của Sydney. Họ không quên “thúc giục mọi người hãy thanh thản”.
Lời tuyên bố của họ có câu: “Chúng tôi bác bỏ bất cứ mưu toan nào nhằm tước đoạt sự sống vô tội của bất cứ con người nào, hay dẫn truyền sợ sệt và kinh hoàng vào tâm hồn họ.
Bất chấp hành động hèn hạ nào loại này cũng chỉ để phục vụ nghị trình của những người tìm cách phá hoại thiện chí của nhân dân Úc và làm thiệt hại thêm cho Hồi Giáo cũng như phỉ báng nó và Cộng Đồng Hồi Giáo tại đất nước này.
“Chúng tôi xin mọi người nhớ rằng những hàng chữ Ả Rập ghi trên lá cờ đen không nói lên một tuyên bố chính trị nào, mà chỉ tái khẳng định một chứng từ của lòng tin vốn bị các cá nhân sai lạc không đại diện cho ai ngoài chính chúng sử dụng sai”.
Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trên lo sợ những vụ trả đũa đối với các cộng đồng của họ trong những ngày tới, do đó, đã kêu gọi các thành viên của đền thờ về thẳng nhà ngay tối thứ Hai.
Nói chung, cộng đồng Hồi Giáo đoàn kết với nhau trong việc kết án các biến cố vừa qua. Họ tỏ ra không biết gì tới căn cước cũng như động lực của tên khủng bố.
Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo tại Úc, Tiến Sĩ Ibrahim Abu Mohamed, cho hay ông và Hội Đồng Iman Toàn Nước Úc lên án “hành động tội ác này một cách cương quyết và nhắc lại rằng những hành động như thế hoàn toàn bị bác bỏ trong Hồi Giáo.
“Cùng với cộng đồng Úc nói chung, chúng tôi đang đợi kết quả điều tra về căn cước người phạm pháp và các động lực nằm phía sau tội ác này”.
Hiệu Trưởng Trường Rissalah ở Lakemba là Afif Khalil cho hay ông nhận được rất nhiều cú điện thoại của các cha mẹ “hốt hoảng” gọi vào trường. Ông bảo “hôm nay là ngày phát thưởng cuối năm của trường, và tôi lợi dụng dịp này nói chuyện với các em về Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Các cha mẹ ai nấy đều ngỡ ngàng. Phần lớn cộng đồng của chúng tôi phát xuất từ các nước bị chiến tranh tàn phá. Họ đến đây để trốn thoát những điều này, để rồi thấy những điều này theo họ tới tận đây”.
Ông Khalil cho hay ông không đưa thêm bất cứ biện pháp an ninh nào khác vào ngày thứ Ba, ngày cuối cùng của năm học. “Nó sẽ là ngày sinh hoạt như thường lệ. Chúng tôi có liên hệ rất tốt với cảnh sát ở đây, họ luôn có sự hiện diện rõ rệt trong những lúc như thế này”.
Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo của Sydney đã hội họp với cảnh sát ngay sáng thứ Hai khi họ nghe tin có cuộc bắt con tin tại Martin Place. Một số giới Hồi Giáo như Rebecca Kay sợ rằng cuộc tấn công tại Martin Place rất có thể sẽ làm gia tăng các cảm thức chống Hồi Giáo. Bà cho hay “Các bạn đã thấy nhiều nhắn nhe trên các phương tiện truyền thông xã hội; có người viết ‘tống khứ mọi tên Hồi Giáo đi’.
“Sau khi luật lệ mới về an ninh được thông qua, chúng tôi theo dõi các vụ tấn công vào người Hồi Giáo khắp Sydney, và thấy rằng mỗi ngày, trong khoảng 3 tuần lễ, đã có từ 5 tới 7 cuộc tấn công. Xe cộ bị phá phách, phụ nữ bị đấm đá, khạc nhổ hay chửi bới. Nay chuyện này chắc chắn sẽ gia tăng. Ai cũng sẽ nói về chuyện này”.
Đừng để nó khiến ta chống lại nhau
Hãng Reuters cho hay các Kitô hữu đang cầu nguyện cho Nước Úc sau cuộc phong tỏa kéo dài 16 tiếng đồng hồ một tiệm càphê tại trung tâm tài chánh của Sydney với hậu quả 2 con tin và một người duy Hồi Giáo bắt giữ con tin thiệt mạng.
Người bắt giữ con tin tên là Man Haron Monis, trước đây vốn là một người tị nạn từ Iran. Hai con tin là người quản lý tiệm cà phê Lindt, tên Tori Johnson, 34 tuổi, và nữ luật sư Karina Dawson, 38 tuổi.
Bốn người bị thương trong biến cố này, nhưng vết thương không đe dọa mạng sống. Một số con tin bị buộc phải trương một lá cờ đen lên cửa sổ tiệm càphê.
Cuộc phong tỏa chấm dứt khi lực lượng cảnh sát đặc biệt tấn công vào tiệm cà phê vì nghe có tiếng súng phát ra từ bên trong.
Trong cuộc phong tỏa này, các nhà lãnh đạo Anh Giáo và Công Giáo đã đưa ra lời kêu gọi cầu nguyện cho sự an toàn của các con tin và những người cố gắng cứu thoát họ.
Lên tiếng trước khi cuộc phong tỏa kết thúc, TGM Anh Giáo của Sydney là Glenn Davies cho hay quả là đáng lo ngại khi khủng bố lan tới các bờ biển của Úc. Ông cho hay ông cầu nguyện cho “việc mau chóng có công lý đối với những kẻ tìm cách xâm lăng thế giới của chúng ta bằng một học thuyết hận thù và bạo lực”.
TGM Công Giáo của Sydney, Đức Cha Anthony Fisher, thì kêu gọi người Úc cầu nguyện để đất nước họ vẫn còn là một nơi an tòan và hoà hợp về xã hội. Ngài nói rằng: “Hai phẩm tính vĩ đại nhất của quốc gia ta là bầu khí dễ chịu, an toàn và lịch sử hòa hợp giữa nhân dân thuộc đủ mọi thống thuộc sắc tộc, tôn giáo và chính trị.
“Biến cố ngày hôm nay sẽ chứng thực cho quyết tâm của chúng ta nhất định còn là một xã hội như trên. Ta không được để cho biến cố này khiến ta chống lại nhau hay xâm hại tới cảm thức an ninh của ta.
“Vào lễ Giáng Sinh, ta hướng về việc Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hòa Bình, sinh ra. Ta hãy cầu xin Người, căn cứ vào lời Thiên Chúa hứa với Giêrêmia: ‘Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp ứng lại ngươi, và dẫn các con tin của ngươi tới nơi an toàn”.
Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Số Bảy vào sáng thứ Ba, Đức TGM Fisher nhấn mạnh rằng: Lạm dụng là chuyện thường xẩy ra, không những đối với tôn giáo mà còn cả đối với dân chủ và kinh doanh nữa. Nhưng không vì thế mà ta hạ giá các định chế này.
Vũ Văn An|