
Sách Công vụ Tông đồ được Luca viết, là cuốn thứ hai trong tác phẩm lịch sử-thần học của ngài (tiếp theo sách Tin Mừng Luca), cung cấp một trình thuật nền tảng và bao quát để truyền lại cho các thế hệ sau biến cố khai sinh Hội Thánh và những bước mở rộng của Hội Thánh sơ khai. Sách Công vụ được đọc trong suốt Mùa Phục Sinh để cho thấy sự sống của Chúa Phục Sinh được chuyển tiếp và thể hiện trong đời sống của Hội Thánh.
Không chỉ là một tác phẩm lịch sử đúng nghĩa, sách Công vụ Tông đồ còn thấm đẫm ý nghĩa thần học, ghi lại những hoạt động tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu qua các tông đồ và cộng đồng tín hữu non trẻ, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thần học của sách xoay quanh một số chủ đề liên kết với nhau, chủ yếu tập trung vào Chúa Thánh Thần, Kitô học (Trình bày về Chúa Kitô), bản chất và sứ mệnh của Hội Thánh, Nước Thiên Chúa, ơn Cứu Chuộc, và Kế Hoạch tối thượng của Thiên Chúa dành cho cả người Do Thái và Dân Ngoại.
1. CHÚA THÁNH THẦN
Chúa Thánh Thần là tác nhân năng động điều khiển mọi sự kiện và hướng dẫn mọi diễn biến quan trọng. Do đó, sách Công vụ Tông đồ thường được gọi là “Công vụ của Chúa Thánh Thần”, một tên gọi thật là chính đáng.
• Lời hứa và lễ Ngũ Tuần: Sách Công vụ Tông đồ bắt đầu bằng lời hứa của Chúa Giêsu ban phép rửa bởi Thánh Thần (Cv 1,5, 8), ban quyền năng cho các tông đồ để các ngài làm chứng. Sự kiện Chúa Thánh Thần ngự xuống một cách mạnh mẽ vào lễ Ngũ Tuần (Công vụ 2) là một dấu mốc nền tảng, đánh dấu sự ra đời của Hội Thánh như là một cộng đồng được Chúa Thánh Thần ngự trị. Chúa Thánh Thần ban cho các môn đệ ơn giao tiếp kỳ diệu (ơn nói các thứ tiếng khác), lời giảng mạnh mẽ (bài giảng của ông Phêrô), và lời khiển trách người Do Thái thúc giục họ sám hối và đón nhận đức tin.
• Ban quyền năng để thi hành sứ vụ: Chúa Thánh Thần trang bị cho các tín hữu những ơn cần thiết để họ làm chứng (Cv 1,8; 4,8, 31), cung cấp sự hướng dẫn trong các quyết định quan trọng (Cv 8,29; 10,19; 13,2; 15,28; 16,6-7), ban ơn thực hiện các điềm thiêng dấu lạ để chứng thực sứ điệp của Tin Mừng (Cv 2,43; 5,12; 6,8; 8,6; 14,3), và thúc đẩy ơn can đảm khi phải đối mặt với những chống đối và đe dọa (Cv 4,31; 7,55).
• Hợp nhất và thống nhất: Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu vào thân thể của Chúa Kitô, được khai mở ban đầu tại lễ Ngũ Tuần và được mở rộng một cách ấn tượng cho người Samaria (Công vụ 8) và Dân Ngoại (Công vụ 10-11, được xác nhận trong Công vụ 15). Việc ban ơn Thánh Thần trên viên đại đội trưởng Cornêliô và gia đình ông cho thấy ý định của Thiên Chúa là Hội Thánh sẽ bao gồm cả Dân Ngoại trên phẩm giá bình đẳng, xác nhận hành động của ông Phêrô và mở đường cho sứ vụ của Phaolô sau này. Chúa Thánh Thần là cội nguồn và dây liên kết của sự hợp nhất trong Hội Thánh giữa sự đa dạng ngày càng tăng.
• Đời sống cộng đoàn: Chúa Thánh Thần nuôi dưỡng và làm tăng trưởng đời sống đặc trưng của Hội Thánh sơ khai: chuyên cần lắng nghe giáo huấn của các tông đồ, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, hiệp thông cộng đoàn, sống bác ái yêu thương, chăm chú cầu nguyện và thờ phượng (Cv 2,42-47; 4,32-35).
2. CHÚA KITÔ
Tin Mừng Luca chú tâm vào sứ vụ trần thế của Chúa Giêsu trong khi sách Công vụ Tông đồ tập trung vào Chúa Kitô được siêu tôn.
• Làm Chúa và Đấng Messia: Sau biến cố phục sinh và thăng thiên (Cv 1,9-11), Chúa Giêsu được siêu tôn là “Chúa (Kyrios) và Đấng Kitô (Messia)” (Cv 2,36). Đây là lời tuyên xưng trọng tâm của Hội Thánh sơ khai. Là Chúa, Người có quyền năng phổ quát, được Thiên Chúa trao ban. Là Đấng Kitô, Người là sự ứng nghiệm của niềm hy vọng về Đấng Messia của Israel, mặc dù theo những đường lối không hợp với những kỳ vọng truyền thống của họ (đau khổ, cái chết, sự phục sinh).
• Đấng Cứu Chuộc và Thẩm Phán: Chúa Giêsu được Công vụ trình bày là nguồn ơn cứu rỗi duy nhất (Cv 4,12; 5,31; 13,23). Cái chết của Người được hiểu không phải là thất bại mà là một phần trong kế hoạch đã định của Thiên Chúa (Cv 2,23) để ban ơn tha thứ mọi tội lỗi. Người cũng là Đấng được Thiên Chúa chỉ định làm Thẩm Phán của kẻ sống và người chết (Cv 10,42; 17,31).
• Hiện diện liên tục: Mặc dù đã thăng thiên về thể xác, Chúa Kitô vẫn hiện diện và tham gia tích cực vào đời sống Hội Thánh của Người thông qua Chúa Thánh Thần: (Cv 9,4-5 – “Saulô, Saulô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?”). Người hướng dẫn, ban sức mạnh và soi đường dẫn lối cho những ai theo Người.
• Ứng nghiệm Kinh Thánh: Lời rao giảng của các tông đồ (kerygma), đặc biệt rõ ràng và mạnh mẽ trong các bài giảng của ông Phêrô và ông Phaolô, liên tục giải thích cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước (xem: Cv 2,25-35; 3,18-26; 13,27-37).
3. HỘI THÁNH
Bản Chất và Sứ Mệnh
Công vụ Tông đồ mô tả Hội Thánh không phải là một tổ chức của con người mà là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa, là cộng đồng của Chúa Thánh Thần, được giao nhiệm vụ tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu.
• Cộng đồng được khai sinh bởi Chúa Thánh Thần: Hội Thánh được sinh ra trong ngày lễ Ngũ Tuần thông qua việc tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần. Các đặc điểm nổi bật của cộng đồng mới gồm: chuyên chú lắng nghe giáo huấn của các tông đồ, sống tình hiệp thông (koinonia), thực hành lễ nghi bẻ bánh (Tiệc Thánh/các bữa ăn chung), và chuyên cần cầu nguyện (Cv 2,42). Lòng quảng đại triệt để và quan tâm đến nhau là những dấu hiệu đặc trưng của cộng đoàn mới (Cv 2,44-45; 4,32-35).
• Israel mới: Công vụ Tông đồ trình bày một cách tinh tế Hội Thánh như là một Israel đích thực được phục hồi và đổi mới, bao gồm cả người Do Thái và Dân Ngoại đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng. Mặc dù trọng tâm ban đầu là ở Giêrusalem và khối thính giả là Do Thái, trình thuật cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa được mở rộng để bao gồm cả Dân Ngoại, hầu ứng nghiệm các lời tiên tri về phúc lành ban cho tất cả mọi dân tộc (xem: Cv 13,47 trích dẫn Isaia 49,6). Công Đồng Giêrusalem (Công vụ 15) là cột mốc trong việc xác định tính đúng đắn của quyết định bao gồm Dân Ngoại mà không đòi hỏi phải tuân giữ toàn bộ Luật Môsê.
• Mệnh lệnh truyền giáo: Hội Thánh tồn tại để truyền giáo. Theo phác thảo địa lý của sách Công vụ Tông đồ 1,8 (“tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất”), Công vụ thuật lại sự mở rộng không ngừng, được tác động bởi Chúa Thánh Thần, sứ điệp Tin Mừng vượt qua các ranh giới văn hóa và địa lý. Việc làm chứng (martyria) là một dấu hiệu cốt lõi, thường liên quan đến đau khổ.
• Cấu trúc và lãnh đạo: Mặc dù Hội Thánh chủ yếu là một cộng đồng được ban đặc sủng, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, tuy nhiên, các cấu trúc mới bắt đầu xuất hiện. Mười Hai Tông Đồ nắm giữ quyền cai quản ban đầu (Công vụ 1-6), sau đó được bổ sung các kỳ mục (presbyteroi) tại các cộng đoàn địa phương (Cv 14,23; 15,6; 20,17) và các vai trò cụ thể, chẳng hạn như bảy người được cắt đặt để phục vụ bàn ăn (Công vụ 6). Vai trò lãnh đạo bao gồm giảng dạy, chăm sóc mục vụ và ra quyết định điều hành dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
4. MỞ RỘNG NƯỚC THIÊN CHÚA
Sứ vụ trọng tâm của Chúa Giêsu là Nước Thiên Chúa, và sách Công vụ Tông đồ cho thấy sự mở rộng liên tục của nó sau khi Người thăng thiên.
• Một thực tại sống: Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Người về Nước Thiên Chúa giữa hai biến cố phục sinh và thăng thiên: “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3). Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần ban quyền năng để trở thành một thực tại, đã được Chúa Giêsu công bố và khai mào, là nơi người ta có thể trải nghiệm sự hiển trị của Thiên Chúa. Các phép lạ, chữa lành, trừ quỷ và cuộc sống được biến đổi là những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện và quyền năng của Nước Thiên Chúa đang thâm nhập vào thời hiện tại.
• Sứ vụ công bố: Các tông đồ rao giảng về Nước Thiên Chúa cùng với sứ điệp về Chúa Giêsu (Cv 8,12; 19,8; 20,25; 28,23, 31). Hoạt động cuối cùng của ông Phaolô ở Rôma là “long trọng làm chứng về Nước Thiên Chúa” và “dạy về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn” (Cv 28,23, 31), cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sứ vụ công bố và việc xây dựng Nước Thiên Chúa.
• Hoàn tất tương lai: Mặc dù Nước Thiên Chúa đã xuất hiện trong quyền năng, sách Công vụ vẫn trình bày một niềm hy vọng cánh chung về sự hoàn tất cuối cùng của nó khi Chúa Kitô trở lại: “Đức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,21; x. 1,11).
5. ƠN CỨU ĐỘ
Sách Công vụ trình bày một sứ điệp rõ ràng về những phương thế mọi người có thể thực hiện để được cứu độ và được hòa giải với Thiên Chúa.
• Tập trung vào Chúa Giêsu: Ơn cứu chuộc chỉ được tìm thấy thông qua Chúa Giêsu Kitô (Cv 4,12). Danh Người được kêu cầu để đón nhận ơn tha thứ và hòa giải.
• Sám hối và đức tin: Từ bỏ tội lỗi (sám hối) và trở về với Chúa Giêsu trong niềm tin cậy (đức tin) là những đáp trả cần thiết trước lời mời gọi của Tin Mừng (Cv 2,38; 3,19; 16,31; 20,21; 26,20).
• Ơn tha tội: Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, ơn tha thứ tội lỗi được ban cho tất cả những ai thật lòng sám hối và tin vào Chúa Giêsu (Cv 2,38; 5,31; 10,43; 13,38; 26,18).
• Phép rửa: Đón nhập phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô là bày tỏ công khai về đức tin và lòng sám hối, thường liên quan chặt chẽ đến ơn tha tội và việc đón nhận Chúa Thánh Thần (Cv 2,38, 41; 8,12, 36-38; 10,47-48; 19,5; 22,16).
• Đón nhận Chúa Thánh Thần: Ơn Chúa Thánh Thần là một thành phần quan trọng của công trình cứu chuộc, Ngài dẫn đưa người tin vào cộng đoàn giao ước mới và ban cho họ những ơn cần thiết để sống và làm chứng (Cv 2,38; 10,44-47; 19,1-7).
6. KẾ HOẠCH VÀ SỰ QUAN PHÒNG
TỐI THƯỢNG CỦA THIÊN CHÚA
Luca nhấn mạnh quyền bá chủ và hoạt động bao trùm của Thiên Chúa trong suốt sách Công vụ Tông đồ.
• Sáng kiến của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tác nhân chính. Ngài sai Chúa Thánh Thần, hướng dẫn các nhà truyền giáo, mở lòng người ta, thực hiện các dấu lạ điềm thiêng và thêm người vào Hội Thánh (Cv 2,47).
• Ứng nghiệm Kinh Thánh: Các sự kiện diễn ra theo kế hoạch định trước của Thiên Chúa, được báo trước trong Kinh Thánh Cựu Ước. Các tông đồ liên tục dựa vào Sách Thánh để giải thích ý nghĩa về Chúa Giêsu và các sự kiện xung quanh sự khai sinh và mở rộng Hội Thánh (xem: Công vụ 2, 3, 7, 13).
• Vượt qua chống đối: Kế hoạch và đường lối của Thiên Chúa không thể bị cản trở. Sự bắt bớ, giam cầm và chống đối, thay vì cản trở Tin Mừng, thường phục vụ để thúc đẩy nó (xem: sự tản mác sau cái chết của ông Stêphanô dẫn đến giai đoạn làm chứng ở Samaria, Công vụ 8,1-4; việc Phaolô bị giam cầm tạo cơ hội làm chứng, Công vụ 28). Ngay cả việc các nhà lãnh đạo Do Thái khước từ Đấng Messia cũng được trình bày như là một phần trong kế hoạch tối thượng, mặc dù nhiệm mầu, của Thiên Chúa (Cv 2,23; 4,27-28).
• Phạm vi phổ quát: Kế hoạch của Thiên Chúa luôn bao gồm ơn cứu rỗi Dân Ngoại. Sách Công vụ ghi lại một cách tỉ mỉ các giai đoạn mà phạm vi phổ quát này trở thành hiện thực, chứng minh lòng thành tín của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Ngài muốn ban phúc lành cho tất cả các dân tộc thông qua dòng dõi của Abraham (được hoàn tất trong Chúa Kitô).
7. ĐAU KHỔ VÀ LÀM CHỨNG
Theo đường lối Chúa Giêsu đã đi, làm chứng một cách kiên cường trong sách Công vụ thường đi kèm với những đau khổ và chống đối (Cv 5,41; 9,16). Biến cố tử đạo của Stêphanô (Công vụ 7), các cuộc bắt bớ dưới thời vua Hêrôđê Acríppa I (Công vụ 12), cũng như nhiều phiên tòa và giam cầm Phaolô (Công vụ 14, 16, 21-28) cho thấy rằng đau khổ là một phần không thể thiếu, thậm chí cần thiết, của việc tham gia vào sứ vụ của Chúa Kitô. Trong sách Công vụ Tông đồ, đau khổ gắn liền một cách mật thiết với chứng tá của người Kitô hữu. Được quyền năng của Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, các tông đồ đã mạnh dạn làm chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu, điều không thể tránh khỏi việc gây ra sự thù địch từ các nhà cầm quyền. Chứng tá này dẫn trực tiếp đến những đau khổ: bắt bớ, đánh đập, giam cầm (Công vụ 4-5), và thậm chí cả sự tử đạo, như chúng ta thấy với Stêphanô (Công vụ 7) và Giacôbê (Cv 12,2-3).
Sứ vụ của Phaolô đặc biệt minh họa cho khuôn mẫu này; lời rao giảng mạnh mẽ của ngài liên tục dẫn đến ngược đãi. Tuy nhiên, đau khổ không làm im lặng vị chứng nhân. Thay vào đó, đau khổ thường xác thực chứng tá đó, chứng minh niềm tin kiên định của vị tông đồ và phản ánh con đường của chính Chúa Kitô. Đau khổ không bao giờ là tiếng nói cuối cùng; Thiên Chúa dùng nó cho mục đích của Ngài, và những người làm chứng thể hiện niềm vui và sự can đảm ngay giữa những khó khăn và thử thách. Chịu đựng gian khổ vì Tin Mừng chính nó đã trở thành một chứng tá mạnh mẽ, thể hiện quyền năng của Thiên Chúa giữa sự yếu đuối của con người, và thúc đẩy sự phát triển của Hội Thánh bất chấp những chống đối.
Kết Luận:
Một cách tóm tắt, thần học của sách Công vụ Tông đồ là một nền thần học về những bước tiếp tục và mở rộng Nước Thiên Chúa do Chúa Giêsu khai mào. Sách cho thấy công trình do Chúa Giêsu Kitô khởi xướng được Chúa Thánh Thần thực hiện một cách mạnh mẽ thông qua Hội Thánh. Sách trình bày một Kitô học tập trung vào Chúa Phục Sinh được siêu tôn, Người ban ơn cứu rỗi cho tất cả những người tin. Sách Công vụ trình bày Hội Thánh như một cộng đồng đa dạng, được đầy ơn sủng của Chúa Thánh Thần trong giao ước mới, được xác định bởi vai trò làm chứng và sứ mệnh của mình cho đến tận cùng thế giới. Trình thuật cũng nhấn mạnh đến kế hoạch tối thượng của Thiên Chúa, diễn ra theo Sách Thánh, bao gồm cả người Do Thái và Dân Ngoại, và tiến triển không ngừng bất chấp những bách hại và chống đối. Cuối cùng, Công vụ cung cấp một bức chân dung thần học sống động về Nước Thiên Chúa đang xâm nhập một cách năng động vào lịch sử nhân loại thông qua quyền năng của Chúa Thánh Thần và lời chứng của những người tin theo Chúa Giêsu Kitô, cung cấp một mô hình cho căn tính và sứ mệnh của Hội Thánh trong mọi thế hệ.
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung
Để lại một phản hồi