Trong lịch sử của dân Do Thái, dân chúng luôn mang trong mình hình ảnh của một Thiên Chúa công thẳng và phân minh. Nghĩa là, Ngài sẵn sàng trừng phạt dân một khi họ lạc xa Ngài để bước vào đường nẻo gian tà. Vì thế, dân luôn nghĩ và ấn tượng đến độ sợ hãi Thiên Chúa như một quan án chỉ biết xét xử và luận phạt con người. Tư tưởng này kéo dài xuyên suốt lịch sử Do Thái cho đến trước lúc Chúa Giêsu xuống thế làm Người. Ngay cả vị ngôn sứ nổi tiếng lẫy lừng thời Đức Giêsu, Gioan Tiền Hô, người được xem là kẻ dọn đường cho Đức Chúa cũng ôm ấp nơi mình hình ảnh Thiên Chúa công thẳng này. Vì thế, trong lời rao giảng của mình, Gioan Tẩy Giả đã không ngừng nhắc nhở dân chúng rằng Đấng Thiên sai sắp đến sẽ giáng phạt họ nếu như họ không chịu hoán cải để đổi đời. Đấng Thiên Sai được Gioan ví von như người đến để thu hoạch lúa. Thóc mẩy tượng trưng cho người tốt thì sẽ được thu vào kho lẫm. Còn người xấu là thóc lép thì sẽ bị loại ra và bỏ vào lửa không hề tắt. Đấng Thiên Sai sắp đến sẽ cầm sẵn rìu trong tay. Người xấu như cây không biết sinh trái tốt sẽ bị rìu của Thiên Chúa đặt dưới gốc cây cắt đứt. Như thế, ấn tượng duy nhất mà toàn dân có về Thiên Chúa và Đấng Thiên Sai sắp đến là một vị quan tòa nghiêm khắc và khó tính.
Tuy nhiên, may mắn thay, khi khởi đầu sứ mạng đi rao giảng công khai của mình, chính Đức Giêsu đã công bố chương trình và kế hoạch hành động của Ngài như được thuật lại trong Tin Mừng Luca: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Sau đó, Đức Giêsu gấp sách lại và khảng khái nói với những người đang ngồi nơi ấy rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Như thế, dường như có một sự khác biệt nào đấy giữa những điều mà vị Tiền Hô của Đức Giêsu đã loan báo và những điều mà chính Đức Giêsu mặc khải chính mình. Ắt hẳn là, những điều Đức Giêsu tự mặc khải về chính mình thì đáng tin hơn quan niệm của dân chúng và của cả Gioan Tẩy Giả. Thiên Chúa đến không phải để luận phạt nhưng là để mang lại ân phúc cứu độ cho con người.
Các bạn thân mến
Có theo dõi cách cẩn thận những gì Đức Giêsu đã tuyên bố khi khởi đầu sứ vụ công khai của mình và tất cả những lời nói và việc làm của Đức Giêsu trong ba năm đi rao giảng của Ngài, ta sẽ nhận thấy mọi sự thật là trùng khớp. Ngài không chỉ lân la làm quen với những người giàu có và có địa vị trong xã hội nhưng ưu tiên hướng về những ai nghèo hèn. Ngài đã thực hiện biết bao phép lạ để làm cho người mù được sáng mắt, người què có thể chạy nhảy như nai, người bất toại được trỗi dậy mà bước đi, chữa lành tất cả những ai bệnh hoạn tật nguyền, cho người chết được trỗi dậy. Đức Giêsu không chỉ chữa trị phần xác nhưng còn lôi kéo biết bao linh hồn tội lỗi nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài trừ quỷ cho những ai bị tà thần ám, ban ơn giải thoát cho những người tội lỗi để họ được giao hòa với Thiên Chúa và tha nhân.
Gioan Tẩy Giả luôn mong chờ Đấng Thiên Sai phán xử dân như lời ông loan báo. Vì thế, khi bị Hê-rô-đê giam trong ngục, Gioan Tẩy Giả đã sai các môn để của mình đến chất vấn Đức Giêsu xem Ngài có phải là Đấng Mêsia không? Chính Đức Giêsu đã bảo các môn đệ của Gioan hãy thuật lại cho ông nghe về những việc Đức Giêsu đã làm để mang lại ơn phúc cho dân chúng. Các bạn thân mến, trong đời sống đức tin của mình, ta vẫn thường có những hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa như dân Do Thái hay Gioan Tẩy Giả ngày xưa. Ta tự mình phác họa lên hình ảnh một Thiên Chúa như quan tòa chỉ biết chực chờ trừng phạt mỗi khi ta lỗi phạm. Những hình ảnh và cảm xúc tiêu cực như thế về Thiên Chúa đã vô tình bóp méo và xuyên tạc hình ảnh chân thật của Thiên Chúa tình yêu. Con Thiên Chúa xuống thế làm Người để mang lại sự giải thoát và hồng ân cho con người. Ngài đến để cứu chứ không chỉ để luận phạt con người.
Những việc hồng phúc mà Đức Giêsu đã làm cho dân Do Thái thời của Ngài không chỉ diễn ra trong khoảng thời gian khi Ngài còn hiện diện trên trần gian. Ngài vẫn tiếp tục thi ân tình yêu vô lượng của Ngài cho chúng ta ngày nay. Đức Giêsu đến như là sứ giả bình an và mang hồng ân đến cho muôn người cũng mời gọi chúng ta trở nên những sứ giả bình an và mang hồng ân đến cho người khác như chính Ngài. Hãy để Chúa dùng đôi chân của chúng ta để đến với anh chị em, hãy để Ngài mượn đôi tay của chúng ta nâng đỡ những người bất hạnh; hãy để Ngài dùng miệng lưỡi chúng ta yên ủi những những tâm hồn cô đơn, bị bỏ rơi. Các bạn có đủ quảng đại để làm như thế không?
Jos. Nguyễn Huy Mai