Toàn cảnh chuyến tông du Cuba-Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô – vị sứ giả của lòng thương xót
 
Bùi Chu, 29/09/2015 (gpbuichu.org) – Sự kiện được cả thế giới trông đợi trong thời gian vừa qua chính là chuyến tông du của Đức Thánh Cha (ĐTC) tới Hoa Kỳ và Cuba. Bức ảnh trên được cư dân mạng truyền tay nhau,  nói lên nội dung và ý nghĩa của chuyến tông du: Đức Thánh Cha, nhờ cây Thập giá đang là vị sứ giả của Lòng thương xót. Ngài được kỳ vọng sẽ là cây cầu nối lại hòa bình giữa Cuba và Hoa Kỳ vốn đã bị đóng băng từ hơn 50 năm nay.
 
Quả vậy, như lời nhận định của Đức GM Wilfredo Pino Estevez thuộc Giáo phận Guantanamo – Baracoa (Cuba) nhân chuyến tông du của ĐTC đến Cuba và Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 19-28/09/2015:  “Không phải là một điều dễ dàng khi phải sống không thân thiện với một người hàng xóm. Vì thế mà việc Đức Giáo Hoàng, vị mục tử cuả Giáo Hội Hoàn Vũ  tới đây để tìm kiếm cho chúng ta sự hoà giải và hoà bình giữa các dân tộc trên Thế Giới, trong một thời điểm mà mọi người đang “thở một làn không khí hy vọng” về mối giây liên hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ sẽ được cải thiện.
 
Xung quanh chuyến đi này, ĐTC được ca tụng là nhân tố hoà giải giữa Cuba và Hoa Kỳ khi  giúp cho hai bên thực hiện những cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao tại Vatican. Qua đó, sau hơn năm 50 đóng cửa, hai Quốc gia thù địch đã mở lại các toà Đại sứ ở Havana và Washington DC, tiếp tục đẩy mạnh thêm các cuộc thương thuyết mới, tiến tới tái lập quan hệ đầy đủ, trong đó có việc bãi bỏ lệnh cấm vận.
 
Vị sứ giả mang trong mình hy vọng của nhân loại và đã khởi đầu hành trình lúc 10g35 thứ Bảy ngày 19 tháng 9 tại phi trường Fiumicino của Rôma khi đáp máy bay sang Havana, thủ đô của Cuba, bắt đầu chuyến tông du 2 nước Cuba và Hoa Kỳ, chuyến viếng thăm thứ 10 của ĐTC tại nước ngoài và là “chuyến đi dài nhất, phức tạp nhất”, theo lời Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh.
 
Tại Cuba, nơi có diện tích 110,861 km2 với dân số 11,192,000 người, trong đó có 6,775,000 người Công Giáo, tương đương 60.5% dân số, cuộc thăm viếng đảo quốc này của ĐTC được diễn ra từ ngày 19 22/ 09.  Cùng toàn thể người dân và Giáo hội Cu Ba gồm 11 Giáo phận, miền giám quản tông tòa với 283 giáo xứ và 2,094 trung tâm mục vụ, 17 giám mục, 365 linh mục, 659 tu sĩ nam nữ, 4,395 giáo lý viên, 85 chủng sinh đang theo học tại chủng viện Havana và nước ngoài, ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại thành phố Havana cùng hơn nửa triệu người tham dự  vào sáng Chúa nhật 20/9/2015 tại Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô của Cuba. Tiếp đó là những chuyến viếng thăm đến các thành phố Holguín ở mạn đông Cuba cách thủ đô La Habana hơn 700km, Santiago de Cuba ở mạn cực nam, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, bổn mạng của Cuba.
 
Trong những ngày tại Cuba, ĐTC đã hội kiến với Chủ tịch Cuba ông Raul Castro, gặp gỡ các bạn giới trẻ, hàng Giáo phẩm, các gia đình và các dòng tu, đặc bệt là cuộc gặp gỡ với nhà cựu độc tài Fidel Castro, cuộc gặp gỡ lịch sử diễn ra vào trưa Chúa Nhật 20 tháng 9, sau thánh lễ tại quảng trường Cách mạng của thủ đô Havana. Ngài rời Cuba vào chiều ngày 22/9 để sang Hoa Kỳ.
 
Như vậy trong vòng 17 năm, nuớc Cộng Sản Cuba được vinh dự đón tiếp 3 vị giáo hoàng, ĐGH Gioan Phaolô II vào năm 1998, ĐGH Bênêđictô XVI vào năm 2012 và năm nay là ĐGH Phanxicô. Theo một thống kê không chính thức, trên Thế giới, chỉ có Brazil là có tới 3 vị giáo hoàng đến thăm như vậy.
 
Chiều thứ 3 ngày 22/09/201,  ĐTC đặt chân tới Hoa Kỳ đất nước văn minh, đông đảo và phát triển bậc nhất thế giới, đặc biệt Giáo Hội công giáo Hoa Kỳ với khoảng 71 triệu 800 ngàn tín hữu trên tổng số hơn 312 triệu dân bao gồm 19.000 giáo xứ, 40.967 linh mục, 5.485 đại chủng sinh, 17.589 Phó tễ vĩnh viễn, 17.342 tu huynh, 50.862 nữ tu, được chia thành 31 tổng giáo phận và 146 Giáo phận theo lễ nghi latinh, 2 tổng Giáo phận và 15 giáo phận theo lễ nghi đông phương.
 
Chuyến tông du kéo dài 06 ngày đưa Ngài từ Thủ Đô tới New York và Philadelphia, tại đó Ngài đã cử hành các thánh lễ trước những đám đông vĩ đại, chủ tọa nghi lễ phong thánh đầu tiên trên đất Hoa Kỳ, đọc diễn văn trước Quốc Hội, trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc… Những sự kiện này đã đánh dấu mốc ghi nhớ khi lần đầu tiên ĐTC viếng thăm Hoa Kỳ trên cương vị Giáo Hoàng qua đó Ngài thúc đẩy siêu cường quốc cùng của Thế giới phải làm nhiều hơn nữa trong việc chăm sóc hành tinh và những cư dân bị đẩy qua bên lề.
 
Thứ 4, ngày 23/09/15 sau nghi thức chào đón chính thức tại Nhà trắng, buổi chiều cùng ngày, ĐTC đã chủ sự Thánh lễ phong Thánh cho chân phước Junipero Serra, vị tông đồ miền California. Thánh nhân là  một nhà truyền giáo thế kỷ 18 đã đưa hàng nghìn người Mỹ bản xứ đến với Công giáo. ĐTC ca ngợi Thánh Serra là “nhà truyền giáo của Tây Mỹ” và là một “người cha sáng lập” đất nước. Thánh lễ diễn ra lúc quá 4 giờ chiều tại Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington cùng 350 GM Hoa Kỳ và đông đảo các linh mục với 25 ngàn tín hữu tham dự trong đó có phó tổng thống Mỹ Joe Biden.
 
Sáng thứ năm 24 tháng 9, ĐTC Phanxicô đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước lưỡng viện Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu tại quốc hội  sáng ngày 24/9/2015,  ĐTC kêu gọi đương đầu với hình thức cực đoan, gia tăng sự cộng tác với nhau, chống nạn buôn bán vũ khí, bài trừ nghèo đói và hỗ trợ gia đình. Tự do tôn giáo tại Mỹ, trên toàn Thế giới cũng là đề tài được nhắc đến trong những cuộc tiếp xúc này. Chiều cùng ngày, Ngài đáp máy bay đi New York và dự buổi kinh chiều với hàng Giáo sĩ, tu sĩ nam nữ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Patrick, Giáo phận New York.
 
Thứ sáu 25/9/2015, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm và phát biểu tại trụ sở LHQ. Ngài cổ võ cải tổ LHQ, bênh vực môi sinh, giải quyết các cuộc xung đột. Sau khi đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc, ĐTC đến “Ground Zero”, nơi xảy ra cuộc khủng bố làm 2,996 người bị thiệt mạng tại nước Mỹ, nền cũ của Tháp Đôi bị khủng bố, cháy và sập ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tại đây lúc 11g30 đã diễn ra buổi cầu nguyện đại kết, với sự tham dự của các đại diện Ấn giáo, Phật giáo, đạo Sihk, Jain, Thổ dân, Do thái, Hồi giáo, và các Giáo Hội Kitô khác tại New York.
 
 

Sáng thứ Bảy, ngày 26 tháng 9, ĐTC bắt đầu chặng thứ ba, viếng thăm Tổng Giáo phận Phialadelphia, tham dự và chủ sự Lễ Khai mạc, Bế mạc Đại hội Gia đình Công giáo Thế giới lần thứ 8. Hãy sống ơn gọi ngôn sứ ngay trong gia đình ngang qua những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của đời sống hằng ngày” là lời ĐTC nhắn nhủ tới các tham dự viên tham dự Đại Hội trong Thánh lễ kết thúc Đại Hội, cũng là Thánh lễ cuối cùng của ĐTC tại Hoa Kỳ, được cử hành vào lúc 16h ngày 27.09.2015. Trước khi ban phép lành kết thúc, ĐTC đã trao cuốn Tin Mừng Luca cho 5 gia đình đại diện cho năm châu lục trong đó có gia đình anh Vương Thiên Ân, 28 tuổi đến từ Hà Nội, Việt Nam, đại diện cho Á Châu.Sau cùng, ĐTC Phanxicô chào thăm và cám ơn ban tổ chức cùng các thiện nguyện viên, sau đó ngài lên máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ đến phi trường Ciampino vào lúc 10 giờ sáng thứ Hai 28/9, kết thúc chuyến tông du 10 ngày, chuyến đi dài nhất từ khi Ngài được bầu làm Giáo Hoàng.

Quả thật, chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đã thu được những kết quả to lớn như chính Ngài cho biết trước khi lên đường về Rome: Chuyến đi là “những ngày đầy ân sủng lớn lao” Trong vai trò là vị Sứ giả của Lòng thương xót, nhờ cây Thập giá, qua những cố gắng ngoại giao không biết mệt mỏi, ĐTC đã trở nên cây cầu hòa bình mang đến hy vọng không những cho Cuba và Hoa Kỳ nhưng cho cả nhân loại.

 
Hoàng Đức