Tòa Thánh kêu gọi sự tham gia bình đẳng giữa nam nữ trong truyền thông

Trong hội thảo về “Tự do truyền thông và Bình đẳng giới” được tổ chức tại Vienna ngày 9/3, Đức ông Janusz Urbanczyk, Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu, gọi tắt là OSCE, khẳng định rằng sự tôn trọng và tham gia bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trên các phương tiện truyền thông là một công cụ của hòa bình và an ninh.


Đức ông Janusz S. Urbańczyk, Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu

Đại diện Tòa Thánh nhắc rằng hoạt động truyền thông là để “phục vụ công ích” và do đó nó cần đặt nền trên sự thăng tiến và bảo vệ phẩm giá con người, để có được “tác động tích cực đến hòa bình và an ninh.” Những điều này quan trọng bởi vì “con người và cộng đồng nhân loại là mục tiêu và thước đo của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.”

Cung cấp thông tin chính xác

Từ đó, Đức ông Urbanczyk kêu gọi nghĩa vụ của giới truyền thông và báo chí là phải phục vụ lợi ích chung “bằng cách cung cấp thông tin chính xác, khách quan và cân bằng”, để “các chính trị gia và cộng đồng quốc tế có thể đưa ra các quyết định có trách nhiệm và thực tế”. Trong các tình huống xung đột, vai trò quan trọng của các nhà báo càng rõ ràng hơn. Đức ông giải thích: bởi vì họ có thể “cung cấp cho thế giới cái nhìn về các cuộc chiến tranh mà thông tin chính thức hoặc của chính phủ thường không thể đưa ra”, đặc biệt liên quan đến “đau khổ của con người trong các cuộc xung đột”.

Bình đẳng nam nữ trong hoạt động truyền thông

Đồng thời, Đại diện Tòa Thánh cũng nhắc lại dấn thân của Tòa thánh là “ủng hộ các cam kết của OSCE về bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, bao gồm cả việc thúc đẩy các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực truyền thông, cũng như bảo vệ phụ nữ, đặc biệt là các nhà báo, khỏi tất cả các loại bạo lực ”.

Cuối cùng Đại diện Tòa Thánh nhận định rằng bước đầu tiên theo nghĩa này là “việc thừa nhận tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia và dấn thân trong tất cả các khía cạnh của đời sống văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế”. Trên thực tế, nhờ “tầm nhìn và sự nhạy cảm”, họ “thường có thể là chìa khóa để đánh giá thực tế đầy đủ hơn”. (CSR_1765_2020)

Hồng Thủy

(vaticannews.va 10.03.2021)