‘Quan điểm của tôi phản ánh quan điểm của các linh mục sống ở Trung Quốc. Họ phân biệt giữa chính sách tôn giáo của chính quyền với đức tin Kitô. Chính quyền đòi hỏi ‘độc lập’ cho Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc. …
… Chúng tôi tin rằng sự ‘độc lập’ này chỉ nên về mặt chính trị và kinh tế, chứ không thể về mặt đạo được. Do đó, chúng tôi tôn trọng các luật theo chính sách tôn giáo của chính quyền, cũng như tuân thủ các luật khác của gia, bao lâu chúng không đi ngược lại lương tâm và đức tin. Từ cách tiếp cận cuả chúng tôi, tôi không tin việc chính quyền Trung Quốc và Tòa Thánh có thể đạt được một thỏa thuận là quá khó khăn.’
Đây là những lời của cha Joseph Shih Dòng Tên đang sống ở Thượng Hải. Bài báo ‘Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc’ của cha được đăng trên tờ La Civiltà Cattolica, tiết lộ những bước tiến giữa Vatican và Trung Quốc. Tiến trình này không phải là không gặp chướng ngại, nhưng Vatican vẫn hi vọng sẽ có thể bình thường hóa hóa quan hệ và có được những thỏa thuận chung về việc chỉ định các giám mục.
Kiểm soát trên các tôn giáo
Cha Shih nói rằng để hiểu được Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc, cần phải để ý đến ba điểm này:
‘Một là, đừng quá hiểu theo nghĩa đen những tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc, đừng quá tin vào truyền thông hải ngoại, và phải hiểu đời sống đức tin của người Công giáo ở Trung Quốc.’ Chính quyền Trung Quốc có những cơ quan nhất định lo việc canh chừng, điều hành và giám sát năm tôn giáo lớn. ‘Về Giáo hội Công giáo, có yihui ytuan (là Liên hiệp Công giáo Yêu nước và Hội đồng Giám mục) giám sát trên tầm cỡ quốc gia, và lianghui (Liên hiệp Công giáo Yêu nước và ủy ban các sự vụ tôn giáo) giám sát trên tầm mức địa phương.’ Trong thực tế, nhiều giám mục và linh mục Công giáo ở Trung Quốc không chấp nhận sự áp đặt này. ‘Chính quyền biết tình hình này, họ biết các giám mục và linh mục phản kháng, và cấm các vị này giữ bất kỳ vai trò nào trong Giáo hội Công giáo. Chính quyền xem các vị này là lãnh đạo của những cộng đoàn theo một tôn giáo không được chính thức công nhận, và như thế các vị có thể ở lại trong nước bao lâu không đe dọa sự hợp nhất quốc gia và trị an xã hội.’
Không có chuyện hai Giáo hội
Thứ hai, là ‘Chúng ta đừng qua tin vào những bài báo của truyền thông ngoài Trung Quốc. Thường thì họ theo các tuyên bố của chính quyền Trung Quốc, nhưng diễn đạt theo cách quen thuộc hơn với các Kitô hữu, nói về phần Giáo hội Công giáo được chính quyền công nhận là ‘Giáo hội chính thức’ và phần không được chính quyền công nhận chính thức là ‘Giáo hội hầm trú.’ Vậy nên theo báo chí thì có vẻ như ở Trung Quốc có hai Giáo hội Công giáo, một Giáo hội ‘trung thành’ vâng phục Đức Giáo hoàng và một Giáo hội ‘yêu nước’ vâng lời chính quyền Trung Quốc.
Các giám mục hiệp thông với Đức Giáo hoàng
Cuối cùng, cần có một nhận thức sâu hơn nữa về cách người Công giáo sống đức tin ở Trung Quốc. Đời sống đức tin được định hình bằng giáo lý được học, các thánh lễ tham dự, và các giám mục mà tín hữu vâng phục. Giáo lý các tín hữu ở Trung Quốc học cũng giống như bản giáo lý dùng ở mọi giáo phận nước này trước khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các thánh lễ cử hành theo nghi lễ Roma đã được áp dụng ở các giáo phận tại Đài Loan và Hồng Kông. Các giám mục mà tín hữu vâng phục, hoặc là được Đức Giáo hoàng tấn phong hay được ngài phê chuẩn.
Con số tín hữu ngày càng tăng
Người Công giáo sống ở Trung Quốc thường thấy được có các cơ quan giám sát trong các nhà thờ của mình. Họ xem đó là sự can thiệp quá đáng của chính quyền, và họ tạm chấp nhận bao lâu nó không tác hại đến sự nguyên vẹn của đức tin Công giáo. Dù cho chính quyền Trung Quốc lập nên cơ chế để kiểm soát và điều khiển Giáo hội Công giáo trong nước, nhưng đời sống của Giáo hội Công giáo không thực sự theo đúng những gì mà chính quyền vẽ lên. Chẳng hạn như Giáo hội ở Thượng Hải, nơi con số tín hữu không ngừng tăng. Có nhiều người trở lại, trong số đó có nhiều người trẻ tuổi học vị cao. Những việc này không theo sự kiểm soát của chính quyền, nhưng nó tự xuất hiện và sống động trong Giáo hội.
Giáo hội và chính quyền là hai thực thể tách biệt
Do đó, rõ ràng là dù cho chính quyền có giám sát chặt chẽ Giáo hội, thì Giáo hội và chính quyền ở Trung Quốc vẫn là hai thực thể tách biệt rõ ràng. Nên tôi nghĩ thật không đúng khi ngay lập tức đổ lỗi cho chính quyền Trung Quốc khi có những chuyện tiêu cực liên quan đến Giáo hội.
Việc ‘đào tạo’ các giáo sỹ theo ý muốn nhà cầm quyền
Có một sư thật rằng nhà cầm quyền đôi khi triệu tập các linh mục dự các khóa ‘đào tạo.’ Đây là một kiểu ‘tẩy não’ nhưng các linh mục không ngại khi phải đến các khóa này, và vẫn bình tâm khi trở về. Cha Shih kể rằng, ‘Hôm nọ, tôi thấy một quyển sách trong phòng ăn, với tựa đề ‘Chọn lọc về các luật chính trị tôn giáo’ và trên trang bìa là tên của tác giả, cũng là vị linh mục đang ngồi đấy. Tôi hỏi liệu tôi có thể mượn được không, cha sẵn sàng đưa ngay cho tôi và nói: ‘Cha cứ lấy luôn đi. Quyển sách này con dùng trong khóa đào tạo, bây giờ thì chẳng cần nữa. Quyển này có đủ những lời lẽ mà người ta nói về chúng ta.’
Can thiệp ‘xã hội chủ nghĩa’ vào giáo lý
Cha Shih kể, ‘Ngày nọ, khi đang xem tivi, một bản tin khiến tôi chú ý, vì nó nói về một người tôi biết. Nó nói về ‘năm lĩnh vực tiến bộ và năm thay đổi trong Giáo hội Kitô giáo’ và còn nói về một khóa đào tạo cho các viên chức tôn giáo trong tỉnh Tứ Xuyên để học một diễn giải mới về giáo lý Kitô giáo. Theo bản tin, thì cần có bản diễn giải mới này để Giáo hội Kitô có thể phù hợp với xã hội xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.’
Các linh mục không đồng tình với diễn giải của chính quyền về giáo lý
‘Sau khi đọc quyển sách ở phòng ăn, và nghe bản tin trên, tôi hiểu được thái độ của các linh mục bạn ở Thượng Hải, họ chấp nhận lệnh triệu tập của nhà cầm quyền và không ngại dự các khóa đào tạo này, bởi cách nhìn nhận của các cha về việc ‘đào tạo’ này khác với chính quyền. Chính quyền xem đào tạo là một công cụ để giáo dục các linh mục về thực hành tôn giáo chính trị. Họ muốn Giáo hội ở Trung Quốc xuôi theo xã hội chủ nghĩa. Và theo họ, thì Giáo hội phải thay đổi, phải đổi cả diễn giải về giáo lý nữa. Nhưng các linh mục thì xem việc đào tạo là một trách nhiệm không trốn tránh được, nhưng các cha không đồng ý với mục đích hay nội dung của nó.
Không phải là một tình trạng lý tưởng, nhưng …
‘Vậy nên Giáo hội và chính quyền ở Trung Quốc, vẫn là hai thực thể tách biệt. Mối quan hệ với nhau rất tế nhị, có khi gây mơ hồ và không khớp với bất kỳ phạm trù nào của phương Tây. Dù cho sự thật là tình trạng Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc không lý tưởng và tín hữu Trung Quốc không phải lúc nào cũng đồng ý với mọi quyết định của Tòa Thánh về mình, nhưng khi nói về Giáo hội ở Trung Quốc, chúng ta cần phải cân nhắc bối cảnh thực sự của họ.
Đối với những người phao tin rằng Giáo hội ở Trung Quốc không trung thành, và từ đó khiến các tín hữu mất đức tin ngay trong Giáo hội, thì những người đó phải bị lên án trước hết.’
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch phanxico.vn 24.06.2016/
Vatican Insider | Andrea Tornielli)