Ngày 21 tháng 10 vừa qua, cũng là một ngày đậm dấu ấn tình yêu mà Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời của ngài, đó là ngày ngài được nhận lãnh mũ Hồng Y, tước Hồng Y. Ân huệ Hồng Y của Đức cha Gioan Baotixita phải nói rằng rất đặc biệt. Ngài có cái duyên để sống qua nhiều triều đại giáo hoàng và lại được tham dự đến hai lần bầu Giáo Hoàng.
Nhắc nhớ ngày hồng ân, trưa hôm ấy, một số linh mục đại diện gia đình Giáo phận có bữa cơm thân tình với Đức Hồng Y. Đức Tổng Phaolô vắng nhà vì họp Thượng Hội Đồng Giám Mục, cha Tổng đại diện tổ chức và chia sẻ tâm tình của mình. Cha Tổng đại diện vẫn ghi nhớ những gì Đức Hồng Y đã làm và giờ này trong những ngày tháng nghỉ hưu, Đức Hồng Y vẫn là bóng mát cho gia đình giáo phận bằng lời kinh, bằng Thánh lễ và bằng những chuỗi ngày cầu nguyện.
Chiều đến, anh em trong nhóm thân hữu quen biết, một số cha và đặc biệt có cha Quản đốc nhà thờ Chính tòa TGP Sài Gòn có dịp ngồi lại với Đức Hồng Y để ôn lại những kỷ niệm của cuộc sống, nhắc nhớ tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời Đức Hồng Y.
Phận là phận người, không sao tránh khỏi những điểm yếu nhưng đến ngày nay, phải nói rằng Đức Hồng Y đã hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao cho ngài. Sống ở đời, có kẻ thích và cũng có những người không ưa, đấy là chuyện bình thường. Chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng phán xét chí thẳng chí công. Dù thế nào đi nữa, tất cả đều là hồng ân và nhờ hồng ân Thiên Chúa mà thôi.
Sứ vụ càng lớn thì càng lo sợ khi đón nhận bởi lẽ con người yếu đuối.
Tôi nhớ mãi tâm tình của Đức Hồng Y trong ngày được gọi về làm chủ chăn giáo phận. Ngài cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, sợ hãi và ngài cầu nguyện. Đang khi sợ hãi, ngài nhớ đến bài thơ tiếng Pháp được phiên dịch như thế này:
Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình. Người chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn. Người chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Môisen đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình. Người chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà. Thế là Ðavít đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội. Người chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên.
Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại. Người chọn một cô gái điếm. Ðó là Maria Mađalena.
Thiên Chúa cần chọn một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người. Người chọn một kẻ chuyên bắt đạo. Ðó là Phaolô gốc thành Tác-xô.
Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến với những người khác. Người đã chọn bạn. Dù bạn run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên?
Với tâm tình khiêm hạ như thế, Đức Hồng Y đã đón nhận tất cả. Và rồi, dường như ngài đã sống sứ mạng của mình giống như vị thánh bổn mạng mà ông bà cố đã chọn cho ngài. Sau chuỗi ngày dài hy sinh cho Giáo phận lớn lên, cho danh Chúa lớn lên, nay ngài lui lại và nhỏ bé đi. Đức Hồng Y đã lui mình lại đàng sau, lui mình vào đời sống âm thầm cầu nguyện.
Người ta vẫn thường nói với nhau là khi leo lên chức thì khó nhưng khi xuống chức càng khó hơn. Một chặng đường đời trong chức vụ lớn, nay Đức Hồng Y trở về với đời sống âm thầm lặng lẽ. Sống âm thầm cũng là sứ mạng và ơn gọi mà Thiên Chúa đang trao cho ngài. Đức Hồng Y lặng lẽ trong vui tươi, trong bình an thư thái của tuổi già.
Khi gặp Đức Hồng Y, thường bao giờ cũng được nghe ngài nói rằng tất cả những gì ngài làm, tất cả những gì ngài có đều là hồng ân của Chúa để rồi luôn muốn thưa với Chúa: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng”. Chuỗi ngày nghỉ hưu chính là chuỗi ngày để ngài ca tụng tình thương của Chúa trên cuộc đời mình.
Thi thoảng cha con chúng tôi vui với nhau bên ly kem nhìn dòng đời ngược xuôi. Có khi đàm đạo với nhau những thao thức của một cụ già về Giáo Hội, đặc biệt thao thức về một xã hội thiếu đi nền văn minh tình thương. Đức Hồng Y vẫn thao thức và cổ võ cho đời sống gia đình, cách riêng một gia đình Kitô hữu biết sống yêu thương, làm chứng nhân giữa đời.
Giờ này có khi muốn ăn cũng không thể nào ăn được bởi hạn chế của cơ thể. Thỉnh thoảng có người này người kia thân tình ghé vào dùng bữa cơm đạm bạc của tuổi già với Đức Hồng Y. Vẫn còn đó những nụ cười, vẫn còn đó những câu chuyện dí dỏm khi được hầu chuyện với Đức Hồng Y.
Đời người là như vậy, một lúc nào đó cũng phải lui vào dĩ vãng để người khác được lớn lên. Hơn nữa, sống làm sao biết lui đi để cho Thiên Chúa lớn lên trong mình, lớn lên trong mọi người mới là điều quan trọng.
Những ngày lễ, ngày kỷ niệm như ngày ghi dấu nhận lãnh mũ Hồng y cũng qua đi. Nhưng vẫn còn đó những dấu ấn tình thương Thiên Chúa trên cuộc đời của Đức Hồng Y. Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh bổn mạng, ban thêm ơn và sức khỏe để Đức Hồng Y sống những ngày hưu dưỡng được vẹn tròn. Hưu dưỡng rồi, lòng của Đức Hồng Y vẫn ở với giáo phận và trong giáo phận, để lời cầu nguyện đêm ngày của ngài mong sẽ đến được với từng người trong giáo phận.
Micae Bùi Thành Châu