Từ 80 năm trước, các tu sĩ dòng thánh Barnabe đã hiện diện tại Afghanistan. Vào đầu những năm 1900, các tu sĩ được phép đến đây với sứ vụ trợ giúp thiêng liêng tại tòa đại sứ Ý. Tuy nhiên, tại nước này, chưa có các giáo xứ, không có linh mục giáo phận, nhưng chỉ có các nhà truyền giáo. Năm 2002, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng hoạt động của Giáo hội tại đây lên thành Missio sui iuris – giáo miền tự quản trực thuộc Tòa Thánh.
Trẻ em mồ côi ở Afghanistan – EPA
Giáo hội Công giáo tại Afghanistan là một phần nhỏ bé của cộng đồng quốc tế – các nhân viên ngoại giao các nước tại Afghanistan. Không phải tất cả nhân viên ngoại giao là Công giáo và không phải tất cả người Công giáo đều thực hành đạo. Cộng đoàn ở đây thiếu ổn định: cách chung, vì các nhân viên ngoại giao không ở tại đây lâu dài. Họ cũng không tham dự Thánh lễ đều đặn vì nó tùy thuộc việc họ có hiện diện ở Kabul hay không, rồi ngày Chúa nhật ở nước Hồi giáo là ngày làm việc, nhất là vì lý do an ninh – nghĩa là khi có khủng hoảng thì họ không được phép ra khỏi trụ sở của họ. Thật sự cũng không có nhiều người Tây phương biết là có một nhà thờ ở trong đại sứ quán Ý và vì sự khôn ngoan thận trọng, cũng không nên phô trương quảng bá về điều này.
Tình hình tại Afghanistan trước đây không tệ như bây giờ. Các tu sĩ dòng của Barnabe đã có thể hoạt động mục vụ rộng lớn hơn và có thể tiếp xúc với dân chúng. Hai thừa sai đầu tiên là cha Egidio Caspani và cha Ernesto Cangnacci đã đi ngang dọc nước Afghanistann; họ đã viết một tài liệu hướng dẫn về lịch sử, địa lý và văn hóa nước này, một đóng góp quý giá cho các nhà nhân chủng học. Cho đến 20 năm trước đây, tình hình cũng khác bây giờ rất nhiều. Khi chế độ Taliban sụp đổ, giáo miền tự quản được thành lập, tình hình cả nước chưa ổn định, nhưng tại Kabul khá bình yên. Người ta có thể đi ra ngoài và sống khá bình thường. Nhưng từ năm 2015, thành phố lại rơi vào tình trạng vây hãm.
Trong tình trạng khó khăn này, sứ vụ của các tín hữu Công giáo tại Afghanistan là chứng tá Tin mừng thầm lặng. Các linh mục bị cấm hoạt động cải đạo cho dân chúng địa phương. Chỉ có các việc làm là cách thế mang Tin mừng cho người khác, các hoạt động thăng tiên xã hội là hinh thức duy nhất của sứ vụ. Từ năm 2003, các tu sĩ dòng Tên Ấn độ của cơ quan cứu trợ dòng Tên đã tham gia vào sứ vụ giáo dục, sau khi được bộ giáo dục Afghanistan đồng ý. Hạt giống Tin mừng và các dấu hiệu của Kitô giáo cũng được nhận thấy ở Afghanistan qua sự hiện diện của các nữ tu dòng Mẹ Teresa Calcutta và Hiệp hội liên dòng “Vì trẻ em Kabul”, hoạt động trong môi trường xã hội. Các nữ tu dòng Tiểu muội Charles de Foucauld đã đến hoạt động tại Afghanistan từ những năm 1950 cho đến năm 2016.
Từ 3 năm nay, cha Giovanni Scalese đến hoạt động tại Kabul và phụ trách giáo miền tự quản ở Afghanistan. Cha là linh mục người Ý duy nhất cư trú tại nước này. Vì lý do an ninh, cha ở trong tòa đại sứ Ý và chỉ đi lại trong khu vực dành cho các cơ quan ngoại giao ở Kabul. Hoạt động mục vụ chỉ nằm trong khuôn khổ Thánh lễ hàng ngày: ngày thường có các nữ tu tham dự, vào cuối tuần cũng có các tín hữu khác. Các chương trình kế hoạch khác là điều không thể thực hiện.
Đối với cha Scalese, những vụ tấn công khủng bố không làm cho cha hoảng sợ, trái lại, cha còn ý thức được sự quan trọng “gìn giữ cho ngọn đèn đức tin cháy sáng” tại quốc gia talibăng này. Cha ở trong đại diện sứ quán Ý tại Kabul, hàng ngày cha cầu nguyện và hy vọng như thể mình đang ở giữa dân chúng. Tuy âm thầm lặng lẽ như thế, cha Scalese vẫn làm chứng cho Tin mừng ở miền đất Trung Á xa xôi này. Sứ vụ Công giáo Afghanistan, trong những giới hạn vì hoàn cảnh, là giữ cho ngọn lửa hy vọng và đức tin cháy sáng trong một bối cảnh mà Tin mừng không thể thâm nhập được. Với những hoạt động ít ỏi, giới hạn nhưng có ý nghĩa, cha làm chứng về Tin mừng của tình yêu vô vị lợi dành cho những người bé nhỏ khốn khổ. Nhưng trên hết, qua Thánh Thể, cha đưa Chúa Kitô hiện diện thực sự ngay cả tại quốc gia đa số theo Hồi giáo của miền Trung Á này. Giữa những bạo lực khủng khiếp, cha tiếp tục phó thác cho Chúa dân tộc Afghanistan và tương lai của quốc gia này, với lòng tin tưởng rằng Chúa có thể ban cho Afghanistan thời gian hòa bình và hòa giải.
Cha Scalese hy vọng rằng trong tương lai, nếu Chúa muốn, người ta có thể xây một nhà thờ ở đây, một nhà thờ thật sự bên ngoài tòa đại sứ, để có các buổi gặp gỡ cầu nguyện, học giáo lý và hoạt động mục vụ. Thật ra vào năm 1992, khi giáo miền tự quản được thành lập, dự án xây nhà thờ đã được đại diện chính quyền đưa ra cho cha Giuseppe Moretti, khi đó phụ trách giáo miền. Nhưng dự án này chỉ nằm trên giấy trắng do tình hình chính trị vì xung đột nội bộ, Talibăng lên nắm chính quyền và chiến tranh bùng nổ vào năm 2001. (La Stampa 28/01/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 10.04.2018)