Tin quá tốt lành của Phó tổng thống Hoa Kỳ gây xúc động cho các tổ chức bác ái Công Giáo

Những người ủng hộ cho những Kitô hữu bị ngược đãi và các nhóm thiểu số ở Trung Đông đã nhận được một tin tức quá tốt lành từ Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vào tối thứ Tư 25 tháng 10. Chuyển biến này có thể thay đổi sâu xa khả thể tồn tại của Kitô giáo tại Trung Đông.

Phó Tổng thống Pence đã trình bày một bài phát biểu quan trọng tại khách sạn JW Marriott trong bữa tiệc Liên Đới Thường Niên nhằm hỗ trợ các Kitô hữu. Ông nói với hàng trăm người tham dự rằng Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “từ bây giờ trở đi” ngừng tài trợ cho những nỗ lực thiếu hiệu quả của Liên Hợp Quốc. Thay vào đó, ông cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hỗ trợ cho các Giáo Hội, các cơ quan và tổ chức làm việc trực tiếp với các cộng đồng bị khủng bố Hồi giáo ISIS và các nhóm khủng bố khác bách hại.

“Các Kitô hữu ở Trung Đông không cần phải dựa vào các tổ chức đa quốc gia nữa khi Mỹ có thể giúp họ trực tiếp”, ông Pence nói.

Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ không còn chỉ dựa vào Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ các Kitô hữu và những người thiểu số bị bách hại sau các vụ diệt chủng và những hành động tàn ác của các nhóm khủng bố. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các nhóm của các tôn giáo và các tổ chức tư nhân để giúp đỡ những người bị bách hại vì đức tin của họ. Đây là lúc, là thời điểm, Hoa Kỳ phải hỗ trợ những người này trong lúc quẫn bách của họ.”

Thông báo này của Phó tổng thống Hoa Kỳ đã gây xúc động cho những người ủng hộ các cộng đồng Kitô của Iraq, cũng như những người Yazidi và các cộng đồng tôn giáo bản địa khác, đã bị diệt chủng khi ISIS, hay còn gọi là Daesh, tràn vào Iraq vào năm 2014, chiếm Mosul và vùng bình nguyên Nineveh. Mặc dù bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã gần như bị đánh bại ở Iraq, việc xây dựng lại nhà cửa và cơ sở hạ tầng của người Kitô hữu ở miền bắc Iraq này vẫn cần đến những trợ giúp rất lớn về vật chất và an ninh để họ không bị bứng gốc khỏi cái nôi của Kitô Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại là các vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương đã có một cuộc họp tại Rôma trong hai ngày 9 và 10 tháng Mười để đánh giá khả thể tồn tại được của Kitô Giáo tại Trung Đông nhân dịp các vị về Rôma tham dự kỷ niệm một trăm năm thành lập Bộ Các Giáo Hội Đông Phương, do Đức Thánh Cha Benedict XV sáng lập.

Trong một cuộc họp báo tổ chức tại Vatican sau đó, các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong khu vực nói rằng đa số các Kitô hữu Trung Đông cảm thấy bị bỏ rơi bởi cộng đồng quốc tế, điều này khiến cho tình hình trở nên nghiêm trọng vì các cộng đoàn Kitô trong khu vực có thể biến mất hoàn toàn khi các tín hữu quyết định di cư sang các quốc gia phương Tây.

Đức Thượng Phụ Ignatius Joseph III Younan của Công Giáo nghi lễ Syria nhận xét rằng Kitô hữu ở Trung Đông “cảm thấy bị bỏ rơi, thậm chí bị phản bội, bởi vì chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ bảo vệ quyền của chúng tôi và cung cấp cho chúng tôi những cơ hội bình đẳng để sinh sống trên quê hương của chính mình, nhưng điều đó đã không xảy ra.”

Ngài nói, “Thật khó chịu đựng nổi những biến động bạo lực ở hai quốc gia Iraq và Syria”. Khi chiến tranh đã bước sang đến năm thứ Bẩy, cả các nhà lãnh đạo lẫn các tín hữu trong khu vực đều cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội bởi các nước phương Tây, là những người “cơ hội” hơn là những bạn bè đích thật.

“Chúng tôi, những người đứng đầu các Giáo hội, cùng với một anh chị em giáo dân và những người khác, đã cố gắng hét lên như Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng có vẻ như chúng tôi đang la hét trong sa mạc” 

Theo Đức Thượng Phụ Younan “những chính sách cơ hội nhằm thủ đắc ưu thế địa chính trị” là một trong những lý do chính khiến các Kitô hữu bị bỏ mặc cho bọn khủng bố bách hại. Họ không có tiền để xây dựng lại các thành phố của họ, hoặc phải ở lại dài hạn trong các trại tị nạn vì visa của họ bị từ chối bất kể họ là những người tị nạn chân chính.”

Đức Thượng Phụ nhận xét chua chát rằng:

“Các chính trị gia đang nắm quyền ở các nước phương Tây không hứng thú với đức tin của chúng tôi. Chúng tôi không đông đảo, chúng tôi không có dầu, chúng tôi không đặt ra bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào đối với thế giới văn minh, và do đó, chúng tôi đã bị bỏ qua và phản bội”

Đức Thượng Phụ Younan cho biết đến nay hơn 50 phần trăm Kitô hữu Iraq đã rời khỏi đất nước mình, trong khi một phần ba số Kitô hữu còn lại phải tị nạn bên trong quốc gia này.

 

Đặng Tự Do (VCN)