Một cuốn phim mang tựa đề “Thế Giới Trong Tăm Tối”diễn tả câu truyện về một nhà khảo cổ danh tiếng tổ chức một cuộc khai quật khoa học ở Giêrusalem.
Ngọn đồi Golgotha được cẩn thận đào bới, kể cả những phiến đá và các hang động của một nghĩa trang bên cạnh cũng được thăm dò khám xét kỹ lưỡng. Vì theo Tin Mừng Thánh Gioan, xác của Chúa Giêsu được chôn cất trong một phần mộ gần nơi Ngài bị án tử hình Thập giá. Sau bao công khó đào bới khám xét, một ngày kia nhà khảo cổ tuyên bố: “Tôi đã tìm được xác ông Giêsu”. Rồi ông tổ chức một cuộc họp báo rầm rộ, quy tụ hàng trăm ký giả và nhiếp ảnh viên để trình bày kết quả mỹ mãn của bao ngày tháng đào bới khảo cứu vất vả. Ông đã trưng dẫn trước mặt mọi người một xác người đã khô đét, nhưng còn có thể nhận ra là tay chân của xác người này bị đâm thủng, cạnh sườn bị đâm thâu và cả những dấu chứng tỏ thân xác ấy bị nhuốm máu qua những vết in trên tấm khăn liệm xác.
Cuốn phim quay lại cảnh mọi người im lặng theo dõi bài thuyết trình của nhà khảo cố. Tình cờ có một phụ nữ phát biểu lớn tiếng: “Đây là sự thật hiển nhiên. Ông ta bị đóng đinh, đã chết và đã được táng xác” và nhà khảo cổ tiếp lời: “Vâng, đúng thế, bị đóng đinh, chết và được an táng. Nhưng làm gì có chuyện Phục Sinh, bởi vì xác ông ta vẫn còn nằm đây”.
Tiếp đến, cuốn phim diễn tả hậu quả của cuộc tìm được xác ông Giêsu:
– Không ai còn mừng lễ Phục Sinh nữa.
– Một linh mục tắt đèn Nhà Chầu, cất Mình Thánh Chúa và đóng cửa nhà thờ.
– Chuông các thánh đường im tiếng.
– Các nữ tu cởi khăn trùm đầu.
– Thánh giá tại nhiều nơi bị hạ xuống…
– Thế giới chìm đắm trong màn đêm u tối dày đặc.
Cuốn phim kết thúc với cảnh chính nhà khảo cổ đang hấp hối. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông ta đã thú nhận: “Tôi đã đánh lừa thế giới. Chính tôi đã làm giả xác của ông Giêsu và bí mật đặt vào trong mộ mấy năm trước khi khởi sự cuộc đào bới tìm kiếm này”.
Sau lời tuyên bố đó là cảnh hàng ngàn người tuôn đến ngôi mộ thánh ở Giêrusalem như chúng ta chứng kiến hàng năm trong Tuần Thánh. Những ngọn nến được thắp lên và các tín hữu mang những ngọn nến được thắp sáng, ngọn nến của niềm hy vọng đi khắp nơi soi sáng con đường tăm tối. Chuông các nhà thờ ngân vang như báo tin Chúa Giêsu đã Phục Sinh: Tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Sự sống mạnh hơn cái chết (theo Radio Veritas)
Trung tâm niềm tin Kitô giáo biểu lộ là Đức Kitô tự nguyện chết để cứu độ nhân loại, Ngài đã phục sinh như Thánh Augustino ghi nhận rằng: “Lòng tin của Kitô hữu là sự Phục sinh của Chúa Kitô”. Bởi vì sẽ không hiểu được những gì đã qua đi, và tương lai sẽ mịt mờ, nếu Niềm tin đó không được vững chắc như Thánh Phaolô tuyên tin: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em nữa cũng trống rỗng… và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,14.17). Trống rỗng tức không thể nào có tương lai, và quá khứ và hiện tại thế gian vẫn còn rên siết trong tội lỗi.
Thật thế, Đức Kitô Phục sinh dẫn nhân loại vào cuộc sống mai sau- bất diệt, như Thánh Phaolô dạy: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới . Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,4-5).
Đức Kitô Phục sinh Halléluia …
Cả bốn Tin Mừng và sách Tông Vụ Tông Đồ đều trình bày biến cố Đức Giê-su phục sinh hiện ra (x. Mt 28,9-20; Mc 16,1-19; Lc 24,13-53; Ga 20,11-23; Cv 1,6-11). Phêrô loan báo Ðức Kitô sống lại trước toàn dân Israel (x. Cv 3,14-26) cũng như trước Thượng Hội Ðồng Do thái (x. Cv 4,10). Phaolô cũng đã tuyên xưng cùng một niềm tin cho dân Do thái (x. Cv 13,33; 17,3) và trước Thượng Hội Ðồng Do thái (x. Cv 23,6). Philiphê truyền bá Tin Mừng Phục sinh cho viên thái giám Êtiôpia (x. Cv 8,35), Phaolô loan bao Đức Kitô Phục Sinh cho dân ngoại (x. Cv 17,31). Chính các Tông đồ đã lấy máu đào và cái chết của mình để tuyên xưng niềm tin : Đức Kitô sống lại.
Không chỉ có những người theo Chúa tuyên xưng, cả người ngoài như Sứ giả Flavius Josephus (37 – 100) chứng thực. Ông là một công dân La Mã gốc Do Thái cùng thời với các Tông Đồ, trong tác phẩm Antiquitates Judaicae (Cổ sử Do Thái), viết khoảng năm 93, có đoạn gọi là “Testimonium Flavianum” nói về sự chết và phục sinh của Giêsu: “Khi Pilate, theo cáo buộc của những người lãnh đạo chúng ta, kết án [Giêsu] đóng đinh trên thập tự giá, những kẻ yêu thương người ấy không chịu từ bỏ người, vì người hiện ra cùng họ trong ngày thứ ba, sống lại, như các tiên tri đã báo trước, cùng với nhiều điều kỳ lạ liên quan đến người…”
Trải qua 2000 năm, bất cứ ở đâu và trong các thời, Giáo hội cũng như mọi người con Kitô hữu luôn tuyên xưng niềm tin : Đức Kitô sống lại và loan truyền cho thế giới. Chính các anh hùng tử đạo cũng đã đổ máu đào để chứng thực niềm tin vào Chúa Sống lại là bất diệt, các vị Thánh nhân bác ái sống niềm tin Chúa phục sinh bằng phục vụ anh chị em bằng sức sống phi thường giữa thế gian.
Bởi vì tin vào Chúa sống lại, người Kitô Hữu mang sức sống với nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Kitô phục sinh (Cl 3,1). Chính thân xác phục sinh của Ngài đã trở nên “con đường mới và sống động” (Dt 10,19-25) cho chúng ta. Người Kitô hữu cảm nghiệm trong thân xác phải chết của mình bằng niềm tin của Phaolô: “Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng” (1 Cr 15,54). Thật thế, chính trong niềm tin này chúng ta sẽ được như Đức Kitô “Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,44).
Cuộc sống mới của chúng ta, cuộc sống mang niềm tin Chúa sống lại được “chỗi dậy” (Cv 10,40), “lại đứng dậy” (x.1Tx 1,10; Rm 10,91; Cr 15,20), “được tôn vinh” (Cv 3,13), “được nâng lên” (Cv 2,33. 5,31; 1Tm 3,16)…
Ơn Phục Sinh trong cuộc sống mới với sự “chỗi dậy” “lại đứng dậy” giúp chúng ta tẩy trừ mọi tội lỗi, đẩy lui sức mạnh của sự chết ra khỏi con người bất toàn của chúng ta, chữa lành mọi vết thương tâm hồn. Những điều mà Thánh Gioan đã nói ngôn sứ trước cho những người sống niềm tin phục sinh: “Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất” (Kh 21,4)
Trói Tử thần vào chân cây thập giá
Diệt tử thần khi Ngài tung huyệt đá
Là Chúa ôi! khi rạng rỡ Phục sinh
Chúng con đây tất cả được biến hình…
(Xuân Ly Băng, Phục sinh)
Thật thế biến hình trong Đức Kitô Phục sinh thân phận hạt lúa: “Nếu hạt lúa mì gieo xuống …chết đi, mới sai hoa kết trái” (Ga 12,24 ).
Khi chết là khi có sống vĩnh cửu… (Thánh Phanxicô Asisi).
Lm Vinh Sơn scj