VATICAN. Tuyên ngôn Nostra aetate cho thấy con đường đối thoại liên tôn chỉ khả thi với sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Các Kitô hữu cùng với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác kể cả những người không thuộc về tôn giáo nào hãy coi nhau như anh chị em nhằm kiến tạo nên gia đình nhân loại với sự hoà hợp trong khác biệt. Đây là sứ điệp của ĐTC tại buổi tiếp kiến chung sáng ngày 28.10.2015 tại quảng trường thánh Phêrô, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ra đời Tuyên ngôn Nostra aetate về Liên Lạc với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo của Công đồng chung Vatican II. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có khoảng chừng 40 ngàn khách hành hương và đông đảo tín đồ của các tôn giáo khác.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC tại buổi tiếp kiến, Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, trong các buổi tiếp kiến chung vẫn thường có những người hay các nhóm thuộc về những tôn giáo khác, nhưng hôm nay sự hiện diện này có một lý do đặc biệt, để cùng với nhau ghi nhớ kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Tuyên ngôn Nostra eetate về Liên Lạc với các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo của Công đồng chung Vatican II. Chủ đề này đã được ủ ấp cách sâu đậm trong con tim của chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI, ngay trong thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của năm trước khi bế mạc Công Đồng, ngài đã thiết lập Bộ dành cho những người không phải Ki tôhữu, mà hiện nay là Hội Đồng Giáo Hoàng Đối thoại liên tôn. Vì thế tôi muốn diễn tả lòng biết ơn của mình và sự chào đón nồng nhiệt nhất của tôi đối với những người và những nhóm thuộc các tôn giáo khác, mà ngày hôm nay đã muốn hiện diện tại đây, đặc biệt là những ai đã đến từ phương xa.
Công Đồng Vaticano II đã là một thời khắc dị thường để phản tỉnh, đối thoại và cầu nguyện nhằm canh tân cái nhìn của Hội Thánh Công Giáo về chính mình và về thế giới. Đó là một cách đọc những dấu chỉ của thời đại trong nhãn quan của một sự thích nghi với hoàn cảnh mới được định hướng bởi một lòng trung thành kép: trung thành với truyền thống giáo hội và trung thành với lịch sử của những người nam và người nữ trong thời đại của chúng ta. Thật ra, Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải chính mình trong công trình tạo dựng và trong dòng lịch sử, đã nói ngang qua các tiên tri và hoàn tất nơi việc Con Thiên Chúa đã làm Người (Dt 1,1), Ngài vẫn tiếp tục ngỏ lời với cõi lòng và tinh thần của mọi con người vốn tìm kiếm chân lý và các nẻo đường để thực hiện chân lý ấy.
Sứ điệp của Tuyên ngôn Nostra aetate vẫn luôn luôn có tính chất thời sự. Chúng ta cùng gợi lại một cách vắn gọn một vài điểm:
- sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn dần giữa các dân tộc (x. Tuyên ngôn Nostra aetate, số 1)
- cuộc truy tầm của con người về ý nghĩa của cuộc sống, của đau khổ, của cái chết, vốn là những nghi vấn luôn luôn đồng hành trên cuộc lữ hành của chúng ta (số 1)
- nguồn gốc chung và vận mệnh chung của toàn thể nhân loại (số 1)
- tính duy nhất của gia đình nhân loại (số 1)
- những tôn giáo vốn tìm kiếm Thiên Chúa hay Đấng Tuyệt Đối, ngay giữa lòng những chủng tộc và nền văn hoá khác nhau (số 1)
- nhãn quan nhân từ và chú ý của Giáo Hội đối với các tôn giáo: Giáo hội không bác bỏ bất kỳ những gì tốt đẹp và hoàn mỹ trong các tôn giáo đó (số 2)
- Giáo Hội ngước nhìn với sự quý mến các tín hữu của tất cả các tôn giáo, đánh giá cao kho tàng thiêng liêng và luân lý của họ (số 3)
- Giáo Hội, đối thoại cởi mở với tất cả, đồng thời cũng tin tưởng vào chân lý của đức tin, khởi đi từ chân lý qua đó ơn cứu độ được trao ban cho tất cả đã khơi nguồn từ Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ độc nhất, và Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động, như là nguồn của bình an và tình yêu.
Có nhiều biến cố, hoạt động, những tương quan của các tổ chức hay những cá nhân cùng với các tôn giáo không Kitô trong suốt 50 năm vừa qua, và rất khó để có thể gợi nhắc tất cả chúng. Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đó là Cuộc Hội Ngộ tại Assisi ngày 27.10.1986. Cuộc hội ngộ này đựơc ấp ủ và khích lệ bởi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, từ một năm trước đó, và như thế là cách đây 30 năm trước, nói với giới trẻ Hồi giáo tại Casablanca, ngài đã cầu chúc tất cả những người tin vào Thiên Chúa có thể nuôi dưỡng một tình bạn và sự hiệp nhất giữa mọi dân nước (19.08.1985). Ngọn lửa, được thắp lên tại Assisi, đã được lan toả khắp nơi trên thế giới và tạo nên một dấu chỉ bất diệt của hy vọng.
Một lòng biết ơn đặc biệt của chúng ta đối với Thiên Chúa là đích đáng vì sự biến đổi đích thực và phù hợp trong tương quan giữa các Kitô hữu và tín hữu Do Thái giáo trong 50 năm vừa qua. Sự dửng dưng và sự phản kháng đã biến đổi thành sự hợp tác và lòng khoan dung. Từ những kẻ thù và những người xa lạ, chúng ta đã trở nên bạn bè và anh em của nhau. Công Đồng, cùng với Tuyên ngôn Nostra aetate, đã tìm ra con đường: đồng thuận đối với việc tái khám phá những nguồn gốc Do Thái của Kitô Giáo; và nói “không” với mọi dạng thức của chủ nghĩa bài Do Thái và kết án mọi sự lăng mạ, sự phân biệt và bách hại có thể phát sinh từ đó. Sự hiểu biết, sự tôn trọng và lòng yêu mến hỗ trợ lẫn nhau đã kiến tạo ra con đường, nếu đã mang lại hiệu quả trong tương quan với người Do Thái, thì tương tự cũng có giá trị trong các tương quan với những tôn giáo khác. Tôi nghĩ cách đặc biệt đến những người Hồi giáo, vốn – như được Công đồng gợi nhắc – “cũng tôn thờ Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và hiện hữu, xót thương và toàn năng, là Đấng sáng tạo trời đất muôn vật, Đấng ấy đã ngỏ lời với con người” (Tuyên ngôn Nostra aetate, số 5). Những người Hồi giáo con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, họ cũng tôn kính Đức Giêsu như ngôn sứ, tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, họ cũng chờ đợi ngày phán xét, và thực hành cầu nguyện, bố thí và ăn chay. (nt)
Cuộc đối thoại mà chúng ta đang cần không thể nào thiếu sự cởi mở và sự tôn trọng và chỉ như thế nó mới sinh hoa kết trái. Sự tôn trọng lẫn nhau là điều kiện, và đồng thời, cũng là mục đích của cuộc đối thoại liên tôn: tôn trọng quyền sống của người khác, quyền toàn vẹn về thể lý, các quyền tự do căn bản, nghĩa là sự tự do của lương tâm, tư tưởng, ngôn luận và tự do tôn giáo.
Thế giới ngước nhìn các tín hữu chúng ta, kêu gọi sự hợp tác giữa chúng ta và với những người nam và người nữ thiện chí vốn chẳng tin bất kỳ tôn giáo nào, nó đòi hỏi chúng ta phải có những lời đáp hữu hiệu cho rất nhiều vấn nạn: hoà bình, sự đói khát, nỗi thống khổ vốn đang hành hạ hàng triệu người, khủng hoảng môi trường, bạo lực, cụ thể là những sai phạm mắc phải nhân danh tôn giáo, sự tham nhũng, sự xuống cấp của luân lý, những khủng hoảng của gia đình, của kinh tế, của tài chính, và trên hết là khủng hoảng của niềm hy vọng. Những tín hữu chúng ta không có đối sách cho những vấn đề này, nhưng chúng ta có một phương sách to lớn hơn: đó là cầu nguyện. Lời cầu nguyện là kho tàng của chúng ta, qua đó chúng ta kín múc tuỳ theo truyền thống tương ứng, để khẩn nài ân sủng mà nhân loại đang khát mong.
Vì bạo lực và khủng bố là do sự lan tràn của một quan điểm nghi ngờ hay thậm chí là lên án tôn giáo. Trong thực tế, dù rẳng chẳng có tôn giáo nào có thể tránh khỏi nguy cơ rơi vào chủ nghĩa chính thống hay cực đoan nơi cá nhân hay tập thể (Diễn văn tại Quốc Hội Hoa Kỳ, 24.09.2015) tuy nhiên vẫn cần nhận ra những giá trị tích cực mà các tôn giáo đang sống và đề nghị, và các giá trị đó cũng là suối nguồn của hy vọng. Cần ngước nhìn lên để có thể đi xa hơn. Cuộc đối thoại được đặt nền trên sự tôn trọng lẫn nhau có thể mang lại những hạt giống tốt lành để rồi đến lượt mình chúng sẽ trở nên những mầm sống của tình bạn và cộng tác trong rất nhiều lãnh vực, và trên hết là trong sự phục vụ người nghèo, trẻ em, người già, trong sự đón nhận những người di dân, trong sự quan tâm đến những ai bị loại trừ. Chúng ta có thể lữ hành cùng nhau để quan tâm chăm sóc lẫn nhau và ngay cả đối với tạo thành. Cùng với nhau chúng ta có thể ngợi khen Đấng Tạo Hoá vì đã thương ban cho chúng ta ngôi vườn của thế gian để vun trồng và trông coi như thể là tài sản chung, và chúng ta có thể thực thi những dự phóng được chia sẻ để đánh bại nghèo đói và đảm bảo cho mọi người nam và nữ những điều kiện của cuộc sống xứng phẩm giá.
Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót, đang ở trước mặt chúng ta, là một cơ hội thích hợp để lao tác cùng nhau trong địa hạt của các công tác bác ái. Và cũng trong địa hạt này, nơi trông mong trên hết vào sự thương cảm, có thể hợp nhất cùng với chúng ta rất nhiều người vốn chẳng cảm nhận mình là tín đồ hay những ai đang tìm kiếm Thiên Chúa và chân lý, những người đặt trọng tâm nơi khuôn mặt của tha nhân, cụ thể là khuôn mặt của anh chị em đang cần giúp đỡ. Nhưng vì lòng thương xót mà qua đấy tất cả chúng ta được kêu gọi ôm ấp tất cả tạo thành, bởi lẽ Thiên Chúa đã uỷ thác cho chúng ta sứ mạng coi sóc, chứ không phải để lạm dụng hay, tệ hơn nữa là, kẻ phá huỷ. Chúng ta sẽ phải luôn luôn sẵn sàng để trao ban lại một thế giới tốt hơn điều mà chúng ta đã từng có (Thông điệp Laudato Sì, số 194), khởi đi từ môi trường chúng ta đang sống, từ những cử chỉ nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày của chúng ta.
Anh chị em rất thân mến, liên quan đến tương lai của cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên chúng ta phải làm đó là cầu nguyện. Thiếu vắng Thiên Chúa, không gì có thể thành sự; cùng với Ngài, tất cả đều trở nên có thể! Ước chi lời cầu nguyện của chúng ta có thể gắn chặt hoàn toàn vào Thánh Ý của Thiên Chúa, là Đấng luôn mong ước tất cả con người coi nhau như anh chị em và sống với nhau như thế, kiến tạo nên gia đình nhân loại to lớn của sự hoà hợp trong khác biệt.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai