VATICAN. Kinh Thánh Cựu Uớc giới thiệu cho chúng ta: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. ĐTC đã nói như trên với 7000 khách hành hương trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 13.01.2016 tại hội trường Thánh Phaolô 6. Tuần này, ĐTC bắt đầu khởi động loạt bài giáo lý nói về lòng thương xót của Thiên Chúa dưới lăng kính của Thánh Kinh, cụ thể là Cựu Uớc.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:
“Hôm nay chúng ta bắt đầu những bài giáo lý về lòng thương xót dưới viễn tượng của Kinh Thánh, nhờ đó chúng ta có thể học biết lòng thương xót khi lắng nghe điều chính Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta bằng lời của Ngài. Chúng ta khởi đầu với Kinh Thánh Cựu ước, vốn chuẩn bị cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến sự mạc khải tròn đầy của Đức Giêsu Ki tô, nơi Ngài lòng thương xót của Thiên Chúa Cha đã vén mở cách viên mãn
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như “Thiên Chúa từ bi”. Và đây là danh xưng của Ngài, qua đó Ngài mặc khải mình cho chúng ta, vì thế có thể nói, đó cũng chính là dung mạo và cõi lòng của Ngài. Chính bản thân Ngài, như đuợc thuật lại trong sách Xuất Hành, đã tự mạc khải chính mình cho Mô-sê khi tự minh định mình như là : “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (34, 6). Ngay cả trong những bản văn khác chúng ta cũng tìm thấy công thức này, với một vài sự thay đổi, nhưng luôn được nhấn mạnh vào lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa là Đấng không bao giờ mệt mỏi vì tha thứ. Chúng ta cùng nhau đọc từng lời một của Kinh thánh mà Thiên Chúa nói với chúng ta.
Thiên Chúa “từ bi”: từ ngữ này khơi gợi một cử chỉ âu yếm giống như của người mẹ khi gặp gỡ con cái mình. Thực ra, thuật ngữ Do Thái này được Kinh Thánh vận dụng làm liên tưởng đến tạng phủ và thậm chí cung lòng mẫu tử. Chính vì thế, hình ảnh gợi nhắc chính hình ảnh của Thiên Chúa làm xúc động và mủi lòng chúng ta như người mẹ khi hôn con cái của mình, bà chỉ mong muốn yêu thương, bảo vệ, giúp đỡ, chuẩn bị để trao ban tất cả, thậm chí cả bản thân mình. Đó là hình ảnh được thụât ngữ này gợi nhắc lên. Vì thế một tình yêu có thể định nghĩa trong ý nghĩa tích cực “thuộc về tạng phủ”.
Và như đã viết, Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, trong ý nghĩa của sự thi ân, Ngài có lòng thương cảm và, trong sự từ ái của mình, Ngài hạ mình xuống với những ai đói khổ và nghèo hèn, luôn sẵn sàng để đón nhận, thấu hiểu nhằm tha thứ. Như người cha được Tin Mừng Luca kể lại: một người cha không đóng kín trong sự căm hận để bỏ mặc người con thứ, nhưng trái lại, ông tiếp tục chờ đợi anh ta, vì ông đã sinh ra anh, và rồi ông đã chạy ra gặp anh và ôm anh vào lòng, ông đã chẳng để anh hoàn tất những lời thú tội của mình, khi ông chẳng để anh mở miệng, tình yêu và niềm vui tìm lại được được anh thật vĩ đại biết bao; và rồi ông cũng đi ra để gọi người con trưởng, là người đã coi thường và chẳng muốn mở tiệc ăn mừng, đó là người con luôn ở nhà nhưng đã sống như thể một tôi tớ, và ngay cả với anh này, thì người cha cũng hạ mình xuống và mời gọi anh bước vào nhà, và ông cũng cố gắng mở rộng cõi lòng của anh ra với tình yêu, bởi vì chẳng ai bị loại trừ khỏi bữa tiệc của lòng thương xót. Lòng thương xót là một bữa tiệc.
Không chỉ là Đấng nhân hậu, Thiên Chúa cũng được xem là “Đấng hay nén giận”, theo nghĩa đen, “là Đấng dài hơi”, nghĩa là cùng với hơi thở đầy tràn của tính nhẫn nại và khả năng để chịu đựng. Thiên Chúa biết đợi chờ, kỳ hạn của Ngài không phải là thứ kỳ hạn thiếu kiên nhẫn như con người; Ngài như người nông dân thông thái biết chờ đợi, để thời gian cho hạt giống tốt được lớn lên, bất chấp cỏ lùng (cfr Mt 13,24-30).
Và cuối cùng, Thiên Chúa được tung hô là Đấng “giàu nhân nghĩa và thành tín”. Định nghĩa này về Thiên Chúa thật là tuyệt mỹ biết bao! Định nghĩa này bao hàm tất cả. Bởi vì Thiên Chúa vĩ đại và quyền năng, nhưng sự vĩ đại và quyền năng này biểu lộ trong sự yêu mến chúng ta, chúng ta thật nhỏ bé, và bất lực biết bao. Từ ngữ “tình yêu”, được sử dụng ở đây, ngụ ý nói về tình cảm, ơn sủng, và sự thiện hảo. Đó không phải là thứ tình yêu tiểu thuyết…Đó là tình yêu đi bước trước, vốn chẳng phụ thuộc vào công trạng của con người nhưng chỉ tuỳ thuộc sự nhưng không rộng rãi của Thiên Chúa. Đó là sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa mà không gì có thể cản ngăn, kể cả tội lỗi, bởi vì Thiên Chúa biết đi đến nơi tội lỗi, để chiến thắng sự dữ và tha thứ tội lỗi.
Một sự trung tín vô hạn: đó là lời cuối cùng Thiên Chúa mạc khải cho Mô-sê. Sự trung tín của Thiên Chúa không bao giờ giảm bớt, bởi vì Thiên Chúa là Đấng Bảo Trợ, như Thánh Vịnh nói, Ngài không bao giờ buồn ngủ nhưng tỉnh thức luôn luôn để mang chúng ta đến với sự sống: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành![…]Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời. (121,3-4.7-8).
Chính điều này cho thấy Thiên Chúa trung tín vào lòng thương xót và thánh Phao-lô nói một điều rất đẹp: nếu con người không trung tín Ngài vẫn một lòng trung tín bởi vì Ngài không thể chối bỏ chính mình. Sự trung tín vào lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa. Và chính vì điều này Thiên Chúa hoàn toàn và luôn luôn đáng tin cậy. Một sự hiện diện chắc chắn và vững bền. Và đây là sự chắc chắn của niềm tin của chúng ta. Và rồi, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy phó thách hoàn toàn cho Ngài, và chúng ta hãy thưởng nếm niềm vui vì đựơc yêu thương bởi Thiên Chúa thương xót, xót thương, chậm bất bình và vĩ đại trong tình yêu và trong đức tin”.
Chuyển dịch: Jos. Nguyễn Huy Mai