VATICAN. “Chúng ta không được mỏi mệt để cảm thấy nhu cầu cần tha thứ, ngõ hầu khi chúng ta tỏ ra yếu đuối thì sự gần gũi của Ngài mang lại cho chúng ta sức mạnh và cho phép chúng ta sống đức tin với niềm vui to lớn hơn… Như là những Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm phải là thừa sai của Tin Mừng” ĐTC đã nói như trên với khoảng 20 ngàn khách hành hương lúc 10 giờ sáng 30.01.2016 tại quảng trường Phêrô.
Đây là buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngoài các buổi tiếp kiến sáng thứ tư hằng tuần, trong Năm Thánh, mỗi tháng một lần, ĐTC sẽ tiếp kiến chung vào sáng ngày thứ bẩy.
Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của ĐTC, Ngài nói:
“Anh chị em rất thân mến
Chúng ta bước vào những ngày quan trọng trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót. Cùng với ân sủng của mình, Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta bước qua Cửa Thánh và Ngài gặp gỡ chúng ta tại đó để ở lại cùng chúng ta luôn, bất kể những lỗi lầm của chúng ta và những mâu thuẫn của chúng ta. Chúng ta không được mỏi mệt để cảm thấy nhu cầu cần tha thứ, ngõ hầu khi chúng ta tỏ ra yếu đuối thì sự gần gũi của Ngài mang lại cho chúng ta sức mạnh và cho phép chúng ta sống đức tin với niềm vui to lớn hơn.
Tôi muốn trình bày cho anh chị em một mối dây chặt chẽ giữa lòng thương xót và sứ mạng. Như Thánh Gioan Phao lô II đã nhắc nhở: “Giáo Hội sống một đời sống chân thực, khi tiên tri và loan báo lòng thương xót và khi tiếp cận gần gũi với con người tại những suối nguồn của lòng thương xót” (Enc. Dives in misericordia, 13). Như là những Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm phải là thừa sai của Tin Mừng. Khi chúng ta nhận được một tin tốt lành, hay chúng ta trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời, thì tự nhiên chúng ta cảm nhận đòi hỏi phải lan truyền điều đó cho cả người khác nữa. Chúng ta cảm nhận từ bên trong rằng chúng ta không thể kìm nén niềm vui đã trao ban cho chúng ta: và chúng ta lan toả niềm vui đó. Niềm vui được khơi gợi lên như vậy cũng thúc đẩy chúng ta lan truyền nó.
Và niềm vui đó có thể cũng giống như chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Niềm vui của gặp gỡ, của lòng thương xót của Ngài: thông truyền lòng thương xót của Thiên Chúa… Tuy nhiên, dấu chỉ cụ thể mà chúng ta thực sự đã gặp gỡ Đức Giêsu là niềm vui chúng ta cảm nhận khi thông tri về Người cho cả những người khác. Và đây không phải là “nhiệt tình lôi kéo”: đây là đón nhận ân sủng. Nhưng là tôi trao ban cho bạn điều đã mang lại niềm vui cho tôi. Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy rằng đây là kinh nghiệm của những môn đệ tiên khởi: sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức Giêsu, Anrê đã đi nói về Ngài với anh em của mình là Phêrô (Ga 1, 40-42), và cũng là điều tương tự Phi-líp-phê đã làm với Na-tha-na-en (Ga 1, 45-46). Gặp gỡ Đức Giêsu tương tự như gặp gỡ chính mình cùng với tình yêu của Ngài. Tình yêu này biến đổi chúng ta và ban cho chúng ta khả năng chuyển trao cho người khác sức mạnh đã trao ban cho chúng ta. Ở một mức nào đó, chúng ta có thể nói rằng từ ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội mỗi người chúng ta đã được trao ban một tên mới thêm vào tên mà cha mẹ đã đặt cho chúng ta, và tên này là “Cristofori”. Có nghĩa là gì? “Những người mang Đức Ki tô”. Đây là tên của thái độ hành xử của chúng ta, một thái độ của người mang trong mình niềm vui của Đức Ki tô, của lòng thương xót của Đức Ki tô.
Lòng thương xót mà chúng ta nhận lãnh từ Thiên Chúa Cha không được trao ban cho chúng ta như thể một an ủi riêng tư, nhưng ban cho chúng ta như những khí cụ ngõ hầu những người khác cũng có thể nhận lãnh cùng một ân ban ấy. Có một sự tuần hoàn tuyệt vời giữa lòng thương xót và sứ mạng. Sống lòng thương xót làm cho chúng ta trở nên những thừa sai của lòng thương xót, và làm thừa sai cho phép chúng ta lớn lên luôn mãi trong lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy trân trọng sứ mạng là Kitô hữu của chúng ta, và dấn thân để sống như những tín hữu, ngõ hầu như thế Tin Mừng mới có thể đụng chạm cõi lòng của con người và mở nó ra để nhận lãnh ân sủng của tình yêu, để nhận lãnh lòng thương xót vĩ đại của Thiên Chúa nhờ đó Ngài đã đón nhận tất cả.”
Chuyển dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai