Gần đây mẹ hay than với ba, “sao chẳng bao giờ thấy con bé cười trong nhà”. Đúng đấy Chúa à, nhưng không phải gần đây mà đã lâu rồi con chẳng dám tâm sự với ba mẹ nữa, nói gì đến cười đùa. Lúc con kể những chuyện vui ở lớp, ba mẹ chẳng hứng thú rồi lại còn mắng con, “chẳng lo học chỉ giỏi chơi bời”. Lúc con chia sẻ những ước mơ cho tương lai thì toàn bị chê là viễn vông, nhảm nhí. Thế thì làm sao con dám kể chuyện con buồn vì điểm thấp, buồn vì bị bạn bè xa lánh. Thế nên có bạn nào đến chơi là con mừng lắm, nhưng nhìn vẻ mặt lạnh tanh của ba mẹ, riết rồi chẳng bạn nào dám tới. Và cứ thế, con cảm thấy mình như “con bù nhìn” trong nhà, không được như thế này cũng không được như thế kia, nhưng lúc nào “cũng phải theo…phải theo” cách của ba mẹ vì “trứng làm sao khôn hơn vịt” được. Chúa ơi, làm sao để ba mẹ hiểu rằng, con khó chịu và ghét cứ bị đem ra so sánh với người này người kia. Nhiều lúc con tự hỏi: “Sao thế giới này có nhiều người giỏi thế, ngoan thế” mà con đây dù có cố gắng cách mấy thì cũng chẳng bao giờ được ba mẹ để ý, khích lệ bởi ba mẹ chỉ ngưỡng mộ những cái hay cái hoàn hảo của người khác mà thôi. Thế nên, con vẫn ước có lúc nào đó ba cười và nói với con rằng: con gái học mệt rồi, để ba chở hai mẹ con đi chơi. Con vẫn ước được mẹ hỏi: con gái mẹ đi học có vui không, hoặc sao không thấy con mời bạn về nhà chơi, mẹ sẽ nấu chè đãi các bạn. Chỉ thế thôi, có lẽ con sẽ ôm chầm lấy ba mẹ mà nói hết cả nỗi lòng của con. Nhưng ngược lại, ba mẹ chỉ biết đến cảm xúc của mình mà đâu quan tâm gì đến điều con đang lo nghĩ, ba mẹ chỉ muốn con trở thành một hình mẫu hoàn hảo nào đó mà đâu quan tâm con có khả năng hay không, ba mẹ chỉ muốn nhốt con trong cái chuồng an toàn của gia đình mà đâu quan tâm đến khao khát được sống với những ước mơ của con.
Chúa ơi, tại sao ba mẹ sinh con ra mà chẳng chịu hiểu con, tại sao nuôi con mà để con sống lẻ loi như một em bé mồ côi trong chính gia đình của mình. Lạy Chúa, xin hãy đến, xin hãy đến với tâm hồn lẻ loi của con.
Bến Sắn, 23-12-2014
Paul Linh