« Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai » (21.12.2014 – Chúa Nhật IV Mùa Vọng, năm B)

Thứ nhất thì ngắm
« Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai »
(Lc 1, 26-38)

 

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”

Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

  1. Chiêm ngắm Đức Maria (c. 26-27)

Vị trí của Đức Maria thật là lớn lao và duy nhất trong tương quan với Thiên Chúa và loài người chúng ta : Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, trong đó có chúng ta, và Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, tất cả những ơn huệ lớn lao của Mẹ đã bắt đầu bằng một biến cố thật hạn hẹp, thật nhỏ bé, thật khiêm tốn, thật âm thầm và kín ẩn, đó là biến cố Truyền Tin. Nhỏ bé và âm thầm, nhưng đó chính là một kinh nghiệm thiêng liêng làm thay đổi cuộc đời của Đức Maria, và của lịch sử cứu độ. Và kinh nghiệm thiêng liêng này là một cuộc đối thoại, đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần Gabriel.

Trước hết, chúng ta cần chú ý đến nơi chốn xẩy ra biến cố Truyền Tin, đó là nhà của Đức Maria : « Sứ thần vào nhà trinh nữ » (Lc 1, 28). Khi cầu ngyện với Lời Chúa, chúng ta được mời gọi hình dung ra nơi chốn, ở đó diễn ra biến cố mà bản văn Tin Mừng thuật lại : nhà, vườn, sa mạc, đồi Calvê… Việc « đặt khung cảnh » khi bước vào giờ cầu nguyện như thế có hai mục đích :

  • Khi cầu nguyện, chúng ta được mời gọi dấn thân cả con người của chúng ta, bên trong cũng như bên ngoài. Thế mà, bên trong của chúng ta, có nhiều thứ, trong đó có trí tưởng tượng. Dùng trí tưởng tượng để hình dung ra một nơi chốn khi cầu nguyện, đó là giúp chúng ta cầu nguyện với cả con người, đồng thời giúp định hướng cho trí tưởng tượng, vốn hay dẫn chúng ta đi lang lang, ra khỏi việc cầu nguyện. Hơn nữa, nơi chốn mà chúng ta hình dung ra, không phải là bất cứ nơi nào, đó là một nơi chốn của đời thường, nhưng đồng thời cũng là nơi « thánh », nghĩa là nơi được Chúa viếng thăm.
  • Vì thế, một nơi chốn cụ thể còn có một ý nghĩa thiêng liêng : Thiên Chúa đến gặp gỡ con người không phải ở trên trời cao hay ở một nơi xa vời, nhưng tại một nơi chốn cụ thể và rất đời thường, chẳng hạn nhà của Đức Maria ; và đối với chúng ta cũng vậy, đó có thể là một nơi nào đó trong cuộc đời của chúng ta : trường học, nơi hành hương, nhà tĩnh tâm, trong vườn của Nhà Dòng, trong căn phòng nhỏ bé, hay nơi nhà nguyện… Vậy đâu là nơi chốn, ở đó chúng ta được Thiên Chúa viếng thăm, đã làm thay đổi cuộc đời chúng ta, như trường hợp của Đức Mẹ ?

 

Trình thuật Truyền Tin có thể được gói gọn trong tiếng « Xin Vâng » của Đức Mẹ ; và chúng ta thường hiểu tiếng « Xin Vâng » là câu trả lời tức khắc của Mẹ khi nghe lời đề nghị của Thiên Chúa, qua trung gian của sứ thần Gabrien. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt lời « Xin Vâng » của Mẹ vào trong diễn tiến của trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng, tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là điểm tới của cả một cuộc trao đổi khá dài, và nhất là đầy biến động trong tâm hồn.

Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi Đức Maria là ai, theo lời kể của thánh sử Luca về mầu nhiệm Truyền Tin ? Mẹ là một thiếu nữ Israel, ngụ tại Galilê, làng Nazarét. Mẹ là một thiếu nữ đã đính hôn, như bao thiếu nữ khác khi đến tuổi trưởng thành. Một cách chính xác, Mẹ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavít. Như thế, lúc ban đầu, Mẹ là một cô gái như bao cô gái khác (và cũng tương tự như thế, đối với phái nam). Và có lẽ chúng ta cũng đã như vậy trước khi bước vào hành trình ơn gọi, ơn gọi gia đình hay dâng hiến : một cô gái với thân phận bình thường, và với ước mơ về đời mình cũng thật bình thường. Nhưng Mẹ lại không được vậy, vì, có thể nói, Chúa đến làm xáo trộn cuộc đời của Mẹ.

Ở đây chúng ta có thể nhìn lại hành trình ơn gọi của mình và tự hỏi : đâu là những dấu chỉ, những cách thức Chúa dùng để làm xáo trộn cuộc đời chúng ta, làm cho chúng ta không thể sống như những cô gái (hay một người) bình thường ? Và trong trình thuật Truyền Tin, Chúa không đến trực tiếp, nhưng qua trung gian sứ thần Gabriel ; vậy đâu là những người « trung gian » của Chúa trong cuộc đời và nhất là hành trình ơn gọi của chúng ta ?

 

  1. Lắng nghe Sứ thần Gabrien và Đức Maria

Cuộc đối thoại giữa Sứ Thần và Đức Maria được « đóng khung », nghĩa là khởi đầu và kết thúc, bởi chuyển động vào và ra của sứ thần : « Sứ Thần vào nhà trinh nữ » (c. 28), và sau đó, « Rồi Sứ Thần từ biệt ra đi » (c. 38). Cuộc đối thoại có thể chia làm ba bước. Chúng ta hãy lắng nghe từng bước, nhưng không quên nhìn ngắm và quan sát cung cách đối thoại của Đức Mẹ, vốn diễn tả những tâm tình nội tâm, chẳng hạn sự bối rối lúc ban đầu.

 

  1. Bước thứ nhất (c. 28-29)

Sứ Thần ngỏ lời với Đức Maria : « Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà ». Lời chào của sứ thần dành cho Đức Maria trở thành lời chào của chúng ta, vì Kinh Kính Mừng hằng ngày của chúng ta, của cả Giáo Hội bắt đầu bằng lời chào này : « Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà ». Nhưng ở ngọn nguồn, lời chào này làm cho Đức Maria rất bối rối.

Chúng ta hãy hình dung ra Đức Maria đang trong trạng thái bối rối và tự hỏi tại sao ? Chúng ta có kinh nghiệm tương tự như vậy bao giờ chưa ? Chúng ta có bối rối như Mẹ không ? Nếu chưa, nghĩa là chưa có kinh nghiệm về tình yêu nhưng không Thiên Chúa dành cho chúng ta từ thủa đời đời, thì Mẹ sẽ chia sẻ cho chúng ta, bởi vì tất cả những gì Mẹ nhận được là để chia sẻ. Ơn huệ lớn nhất mà Mẹ nhận được là Đức Giê-su, và Mẹ đã chia sẻ hết cho chúng ta và Mẹ vẫn chia sẻ mỗi ngày.

Và Đức Mẹ tự hỏi về ý nghĩa của lời chào. Không phải vì Mẹ không hiểu điều sứ thần muốn công bố, là ân sủng Thiên Chúa dành cho Mẹ cách nhưng không, nhưng Mẹ không hiểu ý nghĩa của ân sủng : qua ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ tràn đầy, Chúa muốn nói gì với Mẹ, Chúa muốn mời gọi Mẹ thực hiện điều gì ? Vì thế, ngay sau đó, sứ thần mặc khải điều Thiên Chúa mời gọi Mẹ thực hiện : « Này đây, bà sẽ thụ thai… ». Có lẽ chúng ta cũng vậy, khi Chúa đến ngỏ lời với chúng ta, một lúc nào đó trong quá khứ và nhất là trong những biến cố quan trọng của hành trình ơn gọi ; chúng ta cũng bối rối và tự hỏi : tại sao Chúa lại chọn con, tại sao Chúa ưu ái với con cách nhưng không như vậy ? Chúa mời gọi con làm gì ?

 

  1. Bước thứ hai (c. 30-34)

Sứ thần xác chuẩn ơn huệ nhưng không Chúa ban cho Mẹ : « Bà được đẹp lòng Thiên Chúa », và sau đó, loan báo sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ : « Này đây bà sẽ thụ thai… ». Như thế, ơn huệ luôn đi đôi với sứ mạng ; và đó chính là cung cách hành xử của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, trong lịch sử Hội Dòng và trong hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta.

Sứ mạng thụ thai, hạ sinh con trai, vốn là « Con Đấng Tối Cao », là sứ mạng quá lớn, lớn hơn tất cả những gì Mẹ có và Mẹ là. Vì thế, Mẹ không thể không nêu câu hỏi, và câu hỏi của Mẹ chất chứa một ngăn trở, cũng rất lớn : « Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ? » Chính ở nhịp thứ hai này của cuộc đối thoại, mà chúng ta cảm nhận được Đức Mẹ thật sống động, thật mạnh mẽ và cũng thật lý sự nữa. Vì thế, Mẹ thật gần gũi với chúng ta, vì can đảm đặt câu hỏi, nêu ra khó khăn và trở ngại đối với lời mời gọi của Thiên Chúa.

Còn có một điều bất ngờ lớn lao nữa, mà chắc chắn lúc này, Mẹ chưa hình dung ra hết được, bởi vì Mẹ sẽ phải khám phá ra từ từ, đó là cách Đức Giê-su trở nên cao cả, trở nên Con Đấng Tối cao, và nhất là cách Ngài thừa kế ngai vàng vua Đa-vít. Biến cố Đức Giêsu giáng sinh trong máng cỏ, việc dâng Hài Nhi cho Đức Chúa trong Đền Thờ và nhất là lời tiên tri của ông cụ Simeon : « một lưỡi gươn sẽ đâm thâu tâm hồn bà », sẽ hướng Mẹ tới con đường Thập Giá của Con Mẹ.

Sứ mạng Chúa muốn trao cho chúng ta, khi mời gọi chúng ta đi Đức Ki-tô trong đời sống dâng hiến, luôn luôn vượt qua khả năng của chúng ta. Như khi Đức Giê-su mời gọi : « Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi ». Hay như kinh nghiệm của Thánh Phaolô : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Mẹ thật gần gũi với chúng ta, vì can đảm đặt câu hỏi, nêu ra khó khăn và trở ngại đối với lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được Chúa ban ơn huệ để thi hành sứ mạng, chúng ta hãy ca đảm, giống như Mẹ, dãi bày cho Chúa nghe những khó khăn và trở ngại của chúng ta : « việc ấy xẩy ra thế nào được ? »

 

  1. Bước thứ ba (c. 35-37)

Sứ thần rất coi trọng ngăn trở mà Đức Mẹ nêu ra ; vì thế, để thuyết phục, ngài đã không dựa vào điều gì khác, ngoài quyền năng riêng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để suy niệm từng lời của sứ thần. Vì lời của sứ thần rất thuyết phục, thuyết phục đến độ, Đức Maria đã thốt ra lời « Xin Vâng » liều lĩnh, hướng đến rất nhiều thách đố, nguy nan và những điều bất ngờ. Trước hết, theo lời của Sứ Thần, Người Con Mẹ sẽ cưu mang và sinh ra, là hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa : « Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, … ». Làm phát sinh sự sống, ở nơi mà loài người không thể làm gì được, đó chính là quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa.

Sứ thần Gabrien đến gặp Đức Maria, vào thời điểm bà Elizabeth có thai được sáu tháng ; vì thế, trong lời đối thoại với Đức Mẹ, sứ thần long trọng nêu ra trường hợp bà Elizabet để thuyết phục Đức Mẹ. Sự kiện bà Elizabet với cung lòng vừa hiếm muộn và vừa già cỗi nhưng lại mang thai, có ý nghĩa đặc biệt trong lời xin vâng của Mẹ và trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa :

  • Trường hợp bà Elizabet nhắc nhớ Lịch sử cứu độ ; và lời xin vâng của Mẹ đặt trên nền tảng hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ.
  • Lời xin vâng của Mẹ làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất : hoàn tất bao gồm hai chiều kích : liên tục nhưng mới mẻ.
  • Người con bà Elizabet sinh ra sẽ gắn bó đến cùng với Người Con Mẹ Maria sinh ra.

Như thế, Thiên Chúa có khả năng làm phát sinh sự sống ở nơi mà con người không còn hi vọng gì và không thể làm gì được nữa, bởi vì hai ông bà vừa hiềm muốn và vừa lớn tuổi. Và tuyệt tác này lại nhắc nhớ những tuyệt tác tương tự khác trong lịch sử cứu độ, đó là trường hợp các phu nhân hiếm muộn của các tổ phụ, mà vẫn cứ sinh con được, và tiêu biểu nhất là bà Sara, vợ của tổ phụ Abraham. Với Đức Maria, đó cũng là một tuyệt tác, nhưng là một tuyệt tác còn lớn hơn và là duy nhất: Mẹ sinh con không phải từ cung lòng già cỗi hay hiếm muộn, nhưng là từ cung lòng trinh nguyên. Các Giáo Phụ nhìn ra đây là hình ảnh diễn tả công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bởi vì lúc khởi đầu, Thiên Chúa cũng làm phát sinh sự sống từ mặt đất trinh nguyên. Đó là vì, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Và đây đã là Tin Mừng cho loài người của chúng ta rồi : đó là Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống, và làm phát sinh sự sống viên mãn là Đức Kitô, ở nơi mà con người không còn hi vọng gì, ở nơi là tuyệt đối không thể đối với con người. Như thế mầu nhiệm Vượt Qua đã được loan báo ở đây rồi, nơi biến cố truyền tin, bởi vì Thiên Chúa sẽ làm trào vọt sự sống từ sự chết, trong mầu nghiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô.

Chúng ta được mời gọi nhận ra hành động của Thiên Chúa trong lịch sử của Hội Dòng, của Tu Hội, của giáo xứ chúng ta, trong gia đình, trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, để chúng ta có thể đi theo Đức Ki-tô và phục vụ cho sứ mạng của Ngài, không phải bằng sức lực và khả năng của chúng ta, nhưng quyền năng và sức mạnh của Chúa.

Và biến cố Truyền Tin cũng bày tỏ cho chúng ta yếu tính của đời tu: đó là để cho Thiên Chúa làm phát sinh sự sống thần linh của Người, theo hình ảnh của Đức Ki-tô, ở nơi không thể, là thân xác trinh nguyên của chúng ta, theo cách thức mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria. « Trinh nguyên », tiên vàn theo nghĩa thiêng liêng. « Trinh nguyên », tiên vàn theo nghĩa thiêng liêng (bởi vì trinh nguyên thể lý tuyệt đối là không thể và chỉ là vẻ bề ngoài), nghĩa là một con tim khát khao dành trọn cho một mình Chúa và tình yêu của Người.

 

  1. Lắng nghe lời « Xin vâng » của Đức Maria (c. 38)

Trong bản văn Hi-lạp của trình thuật Truyền Tin, thật ra không có từ « xin vâng », hay từ « vâng » trong bản dịch Tiếng Việt ở đây, nhưng chỉ có câu trả lời của Đức Mẹ : « Tôi đây là nữ từ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói » hay dịch sát hơn : « Tôi đây là nữ tì của Chúa, hãy xảy ra cho tôi theo như lời Sứ Thần ». Ngoài ra, « Xin Vâng » còn được đọc theo tiếng La-tinh là « Fiat » ; nhưng thực ra, « Fiat » có nghĩa là « ước gì xẩy ra », hoặc « hãy xẩy ra », cho tôi theo như lời của ngài. Vì thế, chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói Đức Mẹ thưa « Xin Vâng », nhưng phải hiểu tiếng « Xin Vâng » của Mẹ là cả một câu trả lời khá dài và đầy ý nghĩa.

Thật vậy, trong lời « Xin Vâng », Mẹ tự xưng mình là « nữ tì ». Chúng ta thường nghĩ ra nhiều tước hiệu cao vời dành cho Đức Maria ; nhưng Mẹ lại thích tự xưng mình, trong biến cố Truyền Tin và trong bài ca bất hủ Magnificat, là « Nữ Tì của Chúa » (Lc 1, 38), là « Phận nữ tì hèn mọn ». Chúng ta được mời gọi dõi theo một Đức Maria như thế đó. Không ở đầu ngoài lời nói này của Mẹ, chúng ta cảm thấy thật gần gũi với Mẹ. Vì chúng ta cũng như Mẹ, là nữ tì, là tôi tớ của Thiên Chúa. Sau đó, Mẹ nói « Hãy xảy ra cho tôi theo như lời của Sứ Thần nói ». Chúng ta hãy cảm nếm lòng tín thác tuyệt đối Mẹ dành cho Chúa qua lời nói này, bởi vì qua lời này, Mẹ cam kết từ bỏ quyền làm chủ đời mình ; và đó chính là ý nghĩa tận cùng của mọi ơn gọi, và nhất là của ơn gọi dâng hiến.

Chúng ta được mời gọi đặt lời « xin vâng » của chúng ta, khi đón nhận Đức Ki-tô vào cuộc đời chúng ta và sống theo ơn gọi Chúa ban, trong lời « Xin Vâng » của Đức Mẹ. Cũng giống như Đức Mẹ, tiếng xin vâng ban đầu của chúng ta cần phải làm mới lại suốt đời, nhất là ở những khúc quanh quan trọng và trong thời gian tĩnh tâm, hay ở những lúc khó khăn thử thách lớn nhỏ trong hành trình ơn gọi. Trong những giai đoạn khó khăn thử thách lớn, có khi chúng ta được mời gọi thưa « xin vâng » mỗi ngày, bằng cách nhận lời « Xin Vâng » của Mẹ làm của mình, và lời « Xin Vâng » này có nghĩa là : « Con là nữ tì của Chúa, xin xảy ra cho con theo như Lời của Ngài. »

 

* * *

Xin Đức Mẹ đồng hành và phù hộ chúng ta với tình yêu hiền mẫu, để chúng ta cũng sống đến cùng lời « xin vâng » của chúng ta, giống như Mẹ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc