Ðể chuẩn bị bước vào một thiên kỷ mới, Giáo Hội Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có những chuyển mình quan trọng. Những chuyển mình này đã trở nên tỏ tường hơn vào những năm cuối của thập niên 1990s, nhưng thực sự đã bắt nguồn từ đầu Thế Kỷ Hai Mươi.
- ÐẦU THẾ KỶ XX, GIÁO HỘI CHUYỂN MÌNHQuan niệm về giáo hội
Bước vào tiền bán thế kỷ XX, quan niệm về giáo hội đã có phần dung hòa hơn giữa một thực thể trên trần gian và một mầu nhiệm của Ơn Cứu Chuộc. Trong quyển “Nghịch Lý và Mầu Nhiệm” (Paradox and Mystery), Ðức Cố Hồng Y Henri de LuBac đã cho rằng giáo hội hôm nay đang đòi hỏi một nỗ lực toàn diện trong tất cả chúng ta, để chuẩn bị cho những biến chuyển của thời đại. Nếu chúng ta tận tâm đáp ứng thì hậu qủa của những biến chuyển này sẽ là “Mùa Xuân của Giáo Hội.” Ðể hoàn thành trọng trách này, chúng ta phải hiểu những điều kiện tất yếu, đó là cởi mở và canh tân. Ðây là hai chiếc chìa khóa cho toàn bộ chương trình.
Quan niệm về Thiên Chúa
Quan niệm về Ðấng Tạo Hóa trong thế kỷ này cũng đã triển nở dưới ánh sáng mạc khải, qua tư tưởng của những nhà thần học và triết học thời danh. Ông Gabriel Marcel đã đứng vững trong truyền thống của thần học tự nhiên khi ông cho rằng: “Ðằng sau mỗi sự kiện đều có sự hiện diện của Thiên Chúa ẩn mình trong đó.” Thần học gia Công Giáo Hans von Balthasar thì cho rằng: “Chúa đã biến mất trong cõi siêu việt của Ngài, và con người đã bước ra từ cái vỏ tự nhiên để một mình lãnh lấy trách nhiệm phải đối phó với thiên nhiên. Vì vậy, triết học thời đại đã biến thành nhân chủng học, trong đó con người cố gắng để tìm hiểu chính mình.”
Nhà thần học thời danh của Dòng Tên, LM Karl Rahner đã nhìn thấy cái sai lầm của con người hiện tại, trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Cha viết: “Thế gian đã bị tục hóa và nhiều người cho rằng thế giới đã trở nên vô thần. Nhưng kết luận này đã do hậu qủa của sự tìm kiếm Thiên Chúa không đúng cách và không đúng chỗ. Sự trần tục của khoa học đã thách đố Kitô hữu tái xét niềm tin cố hữu của họ, rằng Thiên Chúa ở trên tất cả những gì chúng ta có thể nhận thức. Ngài không phải là một đối tượng như những đối tượng khác, cũng không là một gỉa thuyết cuối cùng, không là một lực lượng đơn thuần hoạt động cho những mục đích chắc chắn, có thể nhận thấy được. Nhưng Chúa là tiền định của thế gian mà toàn thể thế giới đang tiến về Ngài.”
Một nhà thần học và khoa học thời danh khác của dòng Tên mà các tư tưởng của ngài cũng đã góp phần không nhỏ vào những hình thành của các văn kiện Công Ðồng. Ðó là cố linh mục Teilhard de Chardin, ngài cho rằng: “Ðức Kitô là trọng tâm của diễn trình tiến hóa. Ngài là phản ảnh ở trọng tâm của diễn trình tại điểm Omega, điểm cứu cánh (một nối kết siêu phàm giữa mọi sự với Chúa). Ðức Kitô đã nối kết tiến hóa với chúng ta về sự thực hữu của nó bằng thực tại hóa nó giữa chúng ta và trong xã hội tiên nghiệm của Kitô hữu, Cứu Cánh đã được nhận thấy.”
Quan niệm về cộng đoàn
Từ những biến đổi trong quan niệm về Thiên Chúa, quan niệm về cộng đoàn cũng được nhắc tới như một tất yếu trong những chuyển động dây chuyền của hệ thống tư tưởng trong thế kỷ này. Jacques Maritain, một triết gia Công Giáo đã nêu câu hỏi: “Xã hội hiện hữu cho con người hay con người hiện hữu cho xã hội? Giáo xứ hiện hữu cho giáo dân hay giáo dân hiện hữu cho giáo xứ? Rồi ông giải thích: “Qui luật của tiên nghiệm còn giữ một cách quí trọng cộng đồng của những tư tưởng cũng như với từng cộng đoàn của nhân chủng. Nhưng con người vẫn vươn lên trên cộng đồng tư tưởng và đòi hỏi nhiều hơn, ít nhất là khi cộng đồng đó không phải là xã hội siêu nhiên… Trong cộng đoàn của các thánh, cá nhân không còn muốn vươn lên trên cộng đoàn để tiến tới một tập thể tốt đẹp hơn vì chính giáo hội đã hoàn thành việc giáo hóa với đời sống thánh thiện rồi.”
Nhưng ở đây có nhiều phương diện khác nhau về con người cho cộng đoàn hay cộng đoàn cho con người. “Giáo hội đã có một công tác chung là tiếp tục công trình cứu rỗi, trong đó mọi người được mời gọi thi hành một công tác cho ích chung. Nhưng công tác chung đó sẽ đem lại sự thánh thiện cho mỗi cá nhân, kết hợp mọi cá nhân với Chúa và đem máu cứu chuộc đến cho từng người. Mặt khác, sự thánh thiện riêng của mỗi cá nhân tạo được bởi kết hợp với ân sủng và bác ái với Chúa sẽ chính là sự thánh thiện chung của giáo hội, vượt lên trên tất cả những thánh thiện cá nhân và tất cả các thông truyền của những sự thánh thiện tìm thấy trong giáo hội.”
II. GIÁO HỘI HÀNH ÐỘNG
Từ những nguồn tư tưởng trên, và nhiều nguồn tư tưởng khác trong lịch sử, các nghị phụ đã tổng hợp, điều hòa, và thực dụng hóa chúng trong các giáo huấn của Công Ðồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến Chế Tín Lý “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân) và Hiến Chế Mục Vụ “Gaudium et Spes” (Vui Mừng và Hy vọng).
Công Ðồng Vatican II
Ở phương diện hòa giải với những anh em Kitô hữu ngoài Công Giáo và các anh em ngoài Kitô giáo, các nghị phụ của Công Ðồng thực sự đã thổi một luồng gió mới, chuẩn bị cho các tín hữu bước vào kỷ nguyên hòa giải.
“Vì giáo hội ở trong Ðức Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ, và là khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại; nên đựa trên giáo huấn của các công đồng trước, giáo hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho các tín hữu và toàn thế giới. Nhưng hoàn cảnh của thế giới hiện tại đã làm cho nhiệm vụ này của giáo hội thêm khẩn thiết hơn, để tất cả mọi người ràng buộc mật thiết bởi xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hợp nhất trong Chúa Kitô.” Ở một hiến chế khác, các nghị phụ đã mạnh dạn nhìn nhận: “Sự chia rẽ đó (giữa những anh em Kitô hữu) rõ ràng đi ngược lại ý muốn của Ðức Kitô, gây gương mù cho thế giới và làm tổn hại nguyên nhân chính đáng cho việc rao giảng Tin Mừng cho nhân thế.”
Hòa giải với anh em Kitô hữu
Sau khi tuyên bố bế mạc đại công đồng Vatican II, ÐGH Phaolô VI đã loan tin thêm: “Chúng tôi sẽ trở lại đây (Ðất Thánh) trong một thời gian ngắn. Như một lời nguyện khiêm cung, đền tội và đổi mới tâm hồn, để dâng lên Chúa Kitô trong giáo hội lời mời gọi anh em Kitô hữu (ngoài Công Giáo) đến với giáo hội duy nhất này, để khẩn nài lòng thương xót của Chúa, nhân danh hòa bình giữa thế nhân mà trong hiện tại đang qúa bấp bênh, và cuối cùng để thỉnh cầu Ðức Kitô, Chúa chúng ta ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.” Trong dịp này, ÐTC và Ðức Thượng Phụ giáo chủ Chính Thống Ðông Phương đã cùng hủy bỏ án “truất phép thông công” mà hai giáo hội đã giáng lên nhau từ nhiều thế kỷ trước.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp tục thực thi tinh thần đó. Không lâu sau khi đăng quang, Ngài đã tuyên bố trước tiền đình đền thánh Phêrô rằng: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Giáo Hội Công Giáo và các giáo hội Chính Thống Byzantine sẽ mở những cuộc thương thảo thần học, nhằm hủy bỏ những khó khăn còn đang cản trở việc phụng tự chung và hợp nhất trọn vẹn. Chúng ta cũng đang có những cuộc thảo luận với anh em phương Tây: Anh Giáo, các giáo hội Lutherans, Methodist, và các giáo hội Cải Cách khác. Trong những vấn đề đã có quá nhiều dị biệt trong qúa khứ, nhưng nay chúng ta đã đạt được những cải tiến đáng khích lệ. Dù sao, cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc, chúng ta vẫn phải gia tăng tốc độ để chúng ta đạt tới mục đích.”
Hòa giải với anh em ngoài Kitô giáo
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục những bước đi của các nghị phụ công đồng. Ðới với những anh em thuộc các giáo hội ngoài Kitô giáo, ngài nói: “Tài liệu công đồng đặc biệt về các giáo hội ngoài Kitô (Notra Aetate) chứa đầy những lượng gía sâu xa về các gía trị tinh thần to lớn tìm thấy trong đời sống con người, diễn đạt qua tôn giáo và luân lý, với những hậu quả trực tiếp cho toàn thể nền văn hóa. Các Thánh Phụ khi xưa (thánh Justin và thánh Clement of Alexandria) đã thực sự tìm thấy trong tôn giáo biết bao hình ảnh của sự thật, những ‘hạt giống của Lời.’ Nhận thức rằng các đường hướng có thể khác biệt, nhưng có một mục đích duy nhất là hướng dẫn nguyện vọng sâu xa của tinh thần con người, bộc lộ qua sự tìm kiếm một Ðấng Tối Cao, và cũng trong sự tìm kiếm đó, hướng về Chúa, đến chiều kích trọn vẹn nhất của loài người. Nói cách khác, đến ý nghĩa cao đẹp nhất của đời người.” Tuy nhiên, Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc nhở mọi người không vì tinh thần hòa giải đang lên cao, mà quên đi những gía trị bất biến trong giáo hội: “Hành động hòa giải thật, mang ý nghĩa cởi mở, tiến lại gần nhau, sẵn sàng đàm thoại và chia sẻ những sự thật tìm thấy trong một ý nghĩa tông đồ và Kitô giáo. Nhưng nó không thể nào hủy bỏ hay phá hoại những kho tàng của chân lý thánh thiện, mà giáo hội đã hằng tuyên xưng và giảng dạy.”
III. CÁC Đức Giáo Hoàng HIỆN TẠI
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI
Bước qua những năm đầu của Đệ Tam Thiên Kỷ, (những năm 2000s), các vị chủ chăn của Giáo Hội Hoàn Vũ đã chú tâm đến GIA ĐÌNH, đơn vị nền tảng của xã hội cũng như giáo hội.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nhắc đến hai chữ “Phẩm giá của hôn nhân” (Dignity of Marriage). Trong một cuộc nói chuyện với giới trẻ vào năm 2010, ở gần Roma, nhân dịp họ có một diễn đàn quốc tế, Đức Thánh Cha (ĐTC) đã chia sẻ: “Tương quan giữa người nam và người nữ phản ánh tình yêu thánh thiêng trong một cách đặc biệt, nên mối liên kết vợ chồng tiếp nhận một phẩm giá khôn lường.” Bởi vì: “Nhân loại được tạo dựng cho tình yêu. Cuộc đời của họ chỉ được hoàn tất trọn vẹn nếu họ sống trong yêu thương.” ĐTC giải thích thêm: “Ơn gọi yêu thương nhận lãnh những hình thái khác biệt tuy theo tình trạng của cuộc sống (trong bậc hôn nhân).”
Trải dài theo những năm trong triều đại của ngài, vào những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, Đức Benedict XVI đã nhấn mạnh cách đặc biệt về “sự vĩ đại và vẻ đẹp” của hôn nhân và vai trò thiết yếu của đời sống gia đình.
Ngài nói: “Hôn nhân tự nó là một Phúc Âm, một tin mừng cho thế giới hôm nay, đặc biệt trong thế giới “phản Phúc Âm hóa” (the de-Christianized world)” (Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm hóa, năm 2012).
“Các gia đình Kitô hữu được mời gọi sống yêu thương như Đức Kitô mỗi ngày, đây là một biểu hiện đặc quyền của sự hiện hữu và sứ mệnh của giáo hội trên thế giới.” và: “Tình yêu vợ chồng không phải là một sự kiện thoáng qua nhưng là một kế hoạch kiên nhẫn của cả đời” (Tông huấn – Apostolic Exhortation – về giáo hội ở Trung Đông, năm 2012).
“Ơn gọi của anh chị em không dễ thực hiện, đặc biệt ngày nay, nhưng ơn gọi để yêu là một điều tuyệt vời, là sức mạnh duy nhất có thể thực sự làm biến đổi vũ trụ, biến đổi thế giới.” (Phát biểu trong đại hội thế giới về hôn nhân và gia đình, tháng 6, 2012)
Với cuộc gặp gỡ quốc tế của các đôi hôn phối ở Brazil, ngài viết: “Thành thật và luôn luôn đối thoại giữa vợ chồng thật cần thiết để tránh những hiểu lầm có thể xảy ra, trở nên tồi tệ và ngày càng khó khăn hơn.”
Gia đình là trường đào tạo các nhân đức
Tháng 5, 2009, trong bài giảng ở Nazareth, quê hương của thánh gia, ĐTC Benedict XVI đã nói rằng gia đình là trường đào tạo các nhân đức, đặc biệt cho trẻ em. Họ là những người cần được hưởng “hệ sinh thái nhân bản” (human ecology), trong một “môi trường” (milieu) mà họ có thể học: Yêu thương và trìu mến người khác, thành thật và tôn trọng tất cả, thực hành những nhân đức xót thương và tha thứ.
Trong ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2013, ĐTC đã chia sẻ niềm xác tín rằng thế giới tùy thuộc vào các gia đình để có những người kiến tạo hòa bình. “Chính trong gia đình mà những người kiến tạo hòa bình, những người quảng bá một nền văn hóa của sự sống và yêu thương, được sinh ra và nuôi dưỡng.”
Làm thế nào để các gia đình thăng tiến trong yêu thương? Đặc biệt, các gia đình được xây dựng như thế nào? ĐTC đã chỉ ra những bước tiến: Một sự kết hợp liên lỉ với Chúa, tham gia vào đời sống của giáo hội (của xứ đạo) và nỗ lực biến tổ ấm thực sự trở thành một “giáo hội gia đình” (domestic church).
Ngài tiếp, gia đình được xây dựng khi mọi người trau dồi việc đối thoại và tôn trọng ý kiến của nhau. Họ cần sẵn sàng phục vụ, kiên nhẫn với thất bại của người khác, có khả năng tha thứ và tìm sự thứ tha, ước muốn cố gắng – cách thông minh và khiêm nhường – vượt qua những mâu thuẫn có thể xảy ra.
Cuối cùng ĐTC tin rằng một gia đình được tăng sức mạnh khi cha mẹ cùng đồng ý về: Các nguyên tắc giáo dục con cái, cởi mở với những gia đình khác và quan tâm đến những người nghèo khổ, tất cả được thực hiện trong một xã hội văn minh.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô (Francis)
Tháng 11 năm ngoái, ĐTC Phan-xi-cô đã gửi một thông điệp truyền hình (video message) đến các tham dự viên của hội nghị chuyên đề (symposium) quốc tế lần thứ ba về tông huấn Amoris laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) của ngài. Hội nghị này đã được Hội Đồng Giám Mục Ý tổ chức ở Roma.
Nhắc lại tông huấn của mình, ĐTC đã nhắn nhủ: “Tương lai của giáo hội và của thế giới lệ thuộc vào sự thiện hảo của gia đình.” Và: “Tình yêu giữa người nam và người nữ là một trong những kinh nghiệm truyền sinh cao cả nhất của con người, nó làm dậy lên văn hóa gặp gỡ và đem đến cho thế giới hiện tại một kích thích của xã hội tính.”
“Gia đình nảy sinh từ hôn ước tạo nên những liên kết đầy hoa trái, tự trở thành một liều thuốc giải chống lại chủ nghĩa cá nhân đang tràn lan khắp chốn.”
Hình thành lương tâm cách chính đáng
Chủ đề của hội nghị chuyên đề nói trên này là “The Gospel of love between conscience and norm.” (Phúc Âm của yêu thương giữa lương tâm và qui tắc), nên ĐTC đã cảnh báo về vai trò của việc “hình thành lương tâm cách chính đáng” chống lại cá nhân chủ nghĩa (egoism) hay “cult of self” (tôn giáo tự tôn thờ chính mình).
“Thế giới đương thời đang khiến con người bị lầm lẫn về sự tối thượng của lương tâm, điều luôn luôn phải được tôn trọng, với sự độc tôn “quái gở” của cá nhân trong tương quan với những quan hệ mà họ sống.”
Đó là điều, ĐTC nói, khiến chúng ta nhận ra sự cần thiết phải hình thành lương tâm – không phải chỉ là thế chỗ nó – và đồng hành với người phối ngẫu và phụ huynh trong việc học cách “áp dụng Phúc Âm cho sự vững bền của cuộc sống.”
Trong thực tế của đời sống gia đình và của tình yêu đôi lứa, có thể có những khó khăn đòi hỏi những “chọn lựa gian nan” (arduous choices), ĐTC tiếp, và những chọn lựa này nên được thực hiện “với sự công chính” (with righteousness). Vì vậy, ơn thiêng, “làm sáng tỏ và tăng sức mạnh cho tình yêu hôn nhân và sứ vụ của phụ huynh” là tuyệt đối cần thiết cho vợ chồng và gia đình.
Trong thông điệp truyền hình nói trên, ĐTC Phan-xi-cô cũng nhắc lại điều ngài đã nói ở hội nghị quan trọng về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, theo đó, ngài lên án tệ nạn phá thai và rằng sự am hiểu về gia đình của các Kitô hữu có thể dùng như mẫu mực mà lục địa Châu Âu cần để làm nền tảng khi phải đương đầu với sự thay đổi và tương lai bất định.
Trong gia đình, ĐTC tiếp: “Sự đa dạng được đánh giá cao và cùng một lúc đưa đến hiệp nhất”, và ngài nói thêm rằng gia đình: “Là mối liên kết hài hòa của những khác biệt giữa người nam và người nữ, trở nên mạnh mẽ hơn và xác thực hơn đến độ nảy sinh hoa trái, có khả năng tự thăng hoa cuộc sống cho chính gia đình và cho những người khác.”
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng